Sống trong đời sống thì phải có hy vọng, tin vào ngày mai tốt
đẹp hơn là cách để cứu rỗi linh hồn ta qua cơn đau hụt hẫng trước thực tại phũ
phàng hay còn nhiều điều bất như ý. Nhưng nếu ta đổ dồn hết niềm tin hy vọng về
một phía, cũng như ta đem hết tài sản của mình ra để đánh một canh bạc sau cùng
mà lỡ canh bạc ấy thất bại thì cuộc đời ta kể như không còn gì nữa. Ta không
còn gì để sống. Không có gì lạc lõng cho bằng khi ta không còn biết tin tưởng
vào đâu, hay nói đúng hơn là ta không còn năng lực để tin tưởng vào bất cứ điều
gì nữa. Không thể bám vào sự sống thì chắc chắn ta sẽ héo tàn và lụn bại.
Trong giây phút tuyệt vọng nhiều người đã tìm tới cái chết,
vì trái tim của họ không đủ lớn để chứa đựng nổi sự mất mát quá lớn lao. Trái tim
chưa đủ lớn là tại vì trong quá khứ họ chưa có thói quen chịu đựng cảm xúc xấu
khi thất bại, hay chưa bao giờ đón nhận một hoàn cảnh trái ngang nào có tầm vóc
lớn lao đến như vậy. Nhưng đôi khi trên thực tế sự mất mát ấy cũng không quá lớn
lao như tâm tưởng, không phải không có nó thì không sống được, chỉ tại tâm thức
khi bị tổn thương nặng nề, cái tôi không còn chỗ bám, nên nó rơi vào một khoảng
trống chơi vơi mà không định dạng được mọi thứ xung quanh và phía trước. Chính
vì vậy mà những kẻ tuyệt vọng luôn thấy tương lai mịt mờ đen tối.
Khi tuyệt vọng, tâm ta trở nên lu mờ hơn bao giờ hết, ta
nhìn mọi thứ bằng con mắt bi quan chán chường và có cảm tưởng như mình không
còn gì để sống. Sự thật là đất trời vẫn đang ôm ấp nuôi dưỡng ta, những người
thân yêu vẫn luôn bảo bọc chở che ta, những điều kiện thuận lợi vẫn tồn tại yên
ổn bên ta. Chỉ tại trong khi hy vọng vào đối tượng này ta đã vô tình giới hạn
hoặc chấm dứt niềm tin vào những đối tượng khác, ta bị năng lực khát khao quá lớn
trong lòng thúc đẩy đi về phía ấy mà bất chấp tất cả. Ngay khi hy vọng ta đã tạo
ra thế mất cân đối, không tự chủ được bản thân mình, thì đừng hỏi tại sao khi
niềm hy vọng vỡ tan là ta không thể đứng vững. Đó là triệu chứng bỏ tâm chạy
theo cảnh nên khi cảnh mất thì tâm không còn chỗ nương tựa, cái tôi dường như lạc
mất.
Ta quên mất rằng ta là một hợp thể vô ngã, có tới hằng triệu
điều kiện đang dang tay góp sức để tạo nên hình hài và tâm thức này, sự thất bại
về tình yêu hay một lý tưởng cao đẹp cũng chỉ là một phần của đời sống. Nếu ta
từng biết quan tâm chăm sóc nhiều mối quan hệ mật thiết chung quanh, biết phân
cái tôi ra nhiều nơi, biết đặt niềm tin vào lý tưởng một cách không tuyệt đối
thì ta sẽ không bao giờ rơi vào vực thẳm của tuyệt vọng. Lẽ dĩ nhiên có những
hy vọng đã trở thành thất vọng, nhưng từ thất vọng đến tuyệt vọng là một khoảng
cách rất lớn, nó tùy thuộc vào vốn liếng mà ta đã cất công đầu tư và thái độ của
ta khi đặt xuống niềm hy vọng ấy. Cho nên không phải ai bị thất vọng cũng trở
thành tuyệt vọng, mà không phải ai tuyệt vọng cũng chết chìm mãi trong khổ đau.
Một người vững chãi thì chỉ xem sự thất bại là một bài học
kinh nghiệm để góp phần đi tới sự thành công. Họ tin rằng những gì họ đã khổ
công gầy dựng thì không bao giờ mất hẳn, nó sẽ chuyển từ dạng này sang dạng
khác hoặc đang bảo lưu ở dạng vô tướng để chờ đợi những điều kiện khác tới kết
hợp. Họ có nội lực vững mạnh nên sẵn sàng đối diện và chấp nhận sự tổn thất nặng
nề mà không than van hay bỏ cuộc, vì họ biết con người của mình vĩ đại hơn những
gì chưa thể hiện được hay bị lấy đi. Nói đúng hơn là cái tôi của họ chưa từng bị
lạc mất, họ chưa từng đem cuộc đời mình ra để rao bán hay đặt cược.
Tương lai đi về đâu?
Khi rơi vào vực thẳm khổ đau tuyệt vọng và muốn buông xuôi tất
cả thì ta hãy tự hỏi mình: thật ra ai đã khiến ta ra nông nổi này? Nếu câu trả
lời là chính người ấy thì ta hãy hỏi thêm rằng: người ấy là ai mà sao ta lại dễ
dàng phó thác cuộc đời mình cho họ thao túng như vậy? Họ chỉ có thể làm cho ta
mất niềm tin nhưng họ không có quyền làm cho ta khổ. Bởi đời sống mà ta đang sở
hữu không phải là đời sống của riêng ta, ta không có quyền coi thường hay hủy
hoại nó. Nó là tác phẩm được tạo thành từ cha mẹ, anh chị em, bạn bè, những bậc
ân nhân khác trong đời, và cả tổ tiên hay giống nòi nữa. Họ luôn có mặt trong
ta, trong từng tế bào và hơi thở. Họ đang theo ta đi về tương lai, nếu ta ngã
xuống thì họ sẽ ngã theo, tương lai ta ra sao thì một phần họ cũng trở thành
như thế ấy.
Dẫu biết rằng chọn đến cái chết là ta đã chịu khổ đau đến mức
cùng cực rồi, trái tim của ta như sắp tan vỡ vì không thể chứa nổi niềm đau quá
lớn đang đè xuống. Nhưng suy cho cùng thì ta cũng đang làm một quyết định rất
ích kỷ, ta chỉ muốn tìm cách trốn thoát cơn cảm xúc xấu đang bùng vỡ mà chính
ta cũng có phần trách nhiệm trong đó. Ta cứ nghĩ mình là kẻ khổ đau nhất trên đời
nên mọi người không có quyền trách giận cho cái quyết định của mình. Đúng là
không ai nỡ trách giận một người đang đau khổ, nhưng ta không có quyền làm cho
những người thân yêu của ta khổ, đâu phải người kia làm ta khổ thì ta có quyền
làm cho người khác khổ. Và liệu ta có bình yên nơi thế giới xa lạ nào đó khi
tâm hồn còn đầy dẫy khổ đau và ruột cứ quặn lên vì trách nhiệm làm người còn
dang dở.
Không có cái tương lai nào tách lìa với hiện tại, hiện tại
như thế nào thì tương lai cũng đồng tính chất như thế ấy. Khổ đau từ trái tim
thì liệu pháp để bứng gốc rễ khổ đau cũng nằm trong trái tim. Ta đừng chạy đi
tìm kẻ đã làm khổ mình để trừng phạt hay tìm một nơi mà mình cho là bình yên để
trốn tránh. Dù ta có làm được chuyện đó thì vết thương trong ta cũng không thể
nào lành lặn được, cái đó chỉ làm thỏa mãn cơn cảm xúc trong nhất thời, ta
không bao giờ lấy lại những gì đã mất từ bên ngoài. Nhưng ta cũng cẩn thận, nhiều
khi ta không muốn thoát khỏi vực thẳm khổ đau không phải vì ta không đủ sức. Có
thể một phần ta muốn tự giam mình trong khổ đau để kích động vào lương tâm của
người kia như một thái độ trừng phạt, một phần ta muốn chìm đắm trong cảm xúc
quặn đau ấy như để thương hại bản thân mình.
Trong văn học gọi hành động đó là “thú đau thương”. Khi rơi
vào cảm xúc khổ đau quá lớn, một kẻ yếu đuối và chỉ biết nghĩ đến bản thân thì
thường lấy đau thương để gặm nhấm rồi than thân trách phận chứ không tích cực
đi tìm một lối thoát. Họ thích nằm co như con tôm để nghe những bản nhạc tình sầu
đứt ruột, hoặc thích người khác tưới tẩm vào nỗi khổ niềm đau của mình bằng
cách công nhận mình là kẻ khổ nhất trên đời và rất đáng tội nghiệp, chứ không
chịu cho ai kéo mình ra khỏi vực thẳm tối đen ấy cả. Đó là triệu chứng bệnh trầm
cảm, thích giam cảm xúc mình ở cung bậc thấp để thỏa mãn mặc cảm thua sút người
khác. Thật ra trong sâu thẳm thì đó cũng là cách để loan báo với mọi người về
cái khổ đau mà mình đang gánh chịu, nhưng lại muốn được xót thương hơn là cứu
giúp. Bởi muốn cứu giúp thì phải trả ta về đúng vị trí còn căng đầy niềm hy vọng
như thuở ban đầu, còn không thì thà để ta như vậy. Ta không muốn thành kẻ trắng
tay.
Rác cũng là hoa
Trong bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Trịnh Công Sơn đã đưa
ra giải pháp rất đúng “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Phải trải nghiệm, phải
đứng lên từ khổ đau tuyệt vọng thì mới thấy được như vậy. Trước đó nhạc sĩ đã
khẳng định “Em là tôi và tôi cũng là em”. Em là tâm lý tuyệt vọng, là một biểu
hiện nhất thời của cái tôi rộng lớn. Không thể nói tuyệt vọng là toàn bộ con
người của ta, tính chất của nó là vô thường nên nó không thể chiếm cứ mãi vị thế
điều khiển tâm thức. Nhưng điều kỳ diệu là chính cái tâm lý tuyệt vọng ấy cũng
chứa đựng tính chất của sự hồi sinh. Tại vì nhờ có lần chịu đựng ấy mà tâm ta
trở nền kiên định và rộng lớn hơn, ta bắt đầu hiểu rõ hơn guồng máy hoạt động của
cảm xúc và tâm ý của mình để lần sau nhạy bén hơn trong tỉnh thức.
Cũng giống như đem rác chuyển hóa thành phân hữu cơ để nuôi
hoa, góp phần làm ra hoa. Hoa trở thành rác mà rác cũng có thể biến thành hoa.
Thành ra ranh giới giữa em tuyệt vọng và tôi chỉ cách nhau trong đường tơ sợi
tóc. Khi lạc lòng thì em bé dễ hờn dễ khóc năm xưa trổi dậy, nhưng chỉ cần sự tỉnh
thức trở lại thì cái tôi vững chãi sẽ được nhặt về. Vậy nên ta muốn có bình
minh, muốn vượt thoát cơn khổ đau tuyệt vọng thì ta phải làm mới tâm hồn mình,
thay vì đuổi theo kẻ khác để trừng phạt hay chìm đắm trong thú đau thương. Giải
pháp hay nhất và duy nhất đó là phải “hồn nhiên”, phải sống được với con người
chân thật của mình. Con người chân thật là con người chưa từng đón nhận những
vai vế của cuộc đời nên không cần phải che đậy hay trình diễn, con người ấy
nhìn đâu cũng bằng mắt trong suốt như bé thơ chứ không mang theo những thành kiến.
Nghĩa là ta phải bỏ nỗi khổ niềm đau kia vào trong một ngăn
của chiếc tủ tâm hồn rồi tạm khóa lại, mau chóng trở về chăm sóc những ngăn tủ
cần thiết khác mà ta đã từng bỏ quên. Cảm nhận từng bước chân khi tiếp xúc với
mặt đất, quan sát từng dòng hơi thở đang luân lưu, ngồi thật im để lắng nghe những
tiếng động chung quanh và cả tiếng vô thanh, ngắm nhìn đóa nụ hoa đang rung
mình nở nhụy trong sáng nay và làm tan vỡ những giọt sương lấp lánh. Ta hãy thu
gọn bớt những công việc bề bộn có tính chất căng thẳng, mệt mỏi và phương hại đến
phẩm chất trong tâm hồn. Ta nên tập chấp nhận thật nhiều những cảm xúc xấu thay
vì trước nay hay kháng cự, và buông xả bớt những cảm xúc tốt thay vì trước nay
hay tìm kiếm. Cách đó sẽ làm cho tâm hồn mau chóng lành lặn và ngày càng trở nên
vững mạnh, ta sẽ không còn khiếp sợ hay để cho hoàn cảnh thao túng nữa.
Nếu biết nhìn sâu sắc ta sẽ cảm ơn những ai đã từng đem đến
cho ta những khổ lụy, vì nhờ có như thế ta mới thấy rõ nội lực yếu kém của mình
để kịp thời quay về nuôi dưỡng. Và chính nhờ chuyến trôi dạt đến tận cùng nỗi
đau ấy mà năng lực sinh tồn tiềm tàng trong ta mới bừng dậy, ta mới ý thức sâu
sắc về giá trị của cuộc đời mà quyết tâm thiết lập lại cách sống và cách đặt niềm
tin của mình. Ta hãy tin vào vô thường, mọi thứ rồi cũng sẽ đổi thay, ta sẽ
không còn tuyệt vọng và người kia sẽ không còn dại khờ mà làm cho ta khổ đau nữa.
Bởi vì trong ta và người kia đều có chất liệu rất trần gian mà cũng đôi khi thấy
yêu thương quá cuộc đời này!
Tạ ơn đời mầu nhiệm
Tạo duyên có rồi không
Hết không rồi lại có
Cho ngày mới đơm bông
Đọc được tới đoạn này là có thể liệng trứng vào người viết
rùi vì vẫn còn đủ trí tuệ chưa theo ông bà… hihihi