Cuộc sống này vẫn luôn vội vã và tấp nập, tại sao cuộc sống
lại hối hả đến vậy? Đơn giản, bởi vì chính chúng ta vội vã và tấp nập, bạn và
tôi cùng tất cả chúng ta chính là cuộc sống.
Ai cũng bảo: “Sống là không chờ đợi”! Nhưng có thật chúng ta
sống mà không chờ đợi được ư? Tôi từng đọc ở một cuốn sách nào đó trong lúc lật
thoáng qua: Không chờ đợi không phải là người!
Hàng trăm ngàn học sinh đi thi, họ chờ đợi suốt 12 năm hoặc
còn hơn thế để cho 2 ngày gay go và đầy lo lắng. Cha mẹ lo lắng chờ đợi con cái
cũng suốt 12 năm hoặc còn hơn thế. Đi thi thì kẹt xe, đi về thì tắc đường, phải
đi chầm chậm, phải kiên nhẫn nhích dần từng centimet, phải chờ đợi để không xảy
ra điều đáng tiếc, không xảy ra điều gì với con cái và người xung quanh.
Chờ đợi là lo lắng cho bản thân và cho những người xung
quanh.
Trong cuộc sống gia đình, có lúc cha mẹ nóng nảy, thậm chí
đánh mắng con. Thay vì con bỏ đi thì con ngồi lại im lặng chờ đợi cho cơn giận
đi qua, ngồi lại bên cha mẹ nói chuyện. Ngược lại, con cái nói lời không phải
trong lúc nóng giận không kiềm chế được mình, cha mẹ chờ cho con dịu đi, ngồi lại
bên con.
Chờ đợi là tôn trọng lẫn nhau!
Những người yêu nhau, cách xa nhau cả chiều dài đất nước,
cách xa cả hai cuộc chiến tranh và cả đại dương mênh mông, nửa vòng trái đất.
Những người phụ nữ ở nhà tần tảo nuôi con, chờ ngày đất nước hòa bình, chờ ngày
người thân yêu trở về.
Chờ đợi là hy sinh, là tình yêu.
Chồng đi dưới những ánh đèn màu, những tiếng nhạc lôi kéo. Vợ
ở nhà chờ đợi chồng quay trở về với mình và với con cái. Dù là phải chờ đợi
trong từng phút giây xót xa, giận hờn, ghen tuông. Nếu không yêu thì sao lại phải
chờ?
Chờ đợi là tin cậy, dù đau xót!
“Em đi bằng nhịp điệu 1, 2, 3, 4, 5 Anh đi bằng nhịp điệu 6,
7, 8, 9, 10”… Em còn bé bỏng lắm, khờ dại lắm, chưa lớn, chưa bước nhanh bằng
anh. Anh không chờ thì làm sao em có thể theo kịp anh.
Chờ đợi là yêu người và yêu mình. Sao lại bảo sống là không
chờ đợi!
“… Như hoa từng đợi nắng, như gió tìm phi lao, như trời cao
mong mây trắng…” như em từng đợi anh như thế, tình yêu đôi khi là sự chờ đợi,
chờ đợi là yêu thương, là tình yêu.
Nếu không có chờ đợi, tình yêu chẳng thể nào trọn vẹn.
Những mầm cây non nớt, được đất mẹ ấp ủ từng ngày, không giục
giã. Mầm non dần lớn lên, gió cũng chờ từng ngày, sương cũng chờ từng đêm.
Chờ đợi là yêu thương, là cưu mang sự sống!
Nếu ai từng đọc “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse thì
chắc hẳn biết vì sao Tất Đạt có thể vượt qua mọi khó khăn, bởi vì ba khả năng:
Biết suy nghĩ, biết nhịn đói và biết chờ.
Biết nghĩ để phân biệt đúng và sai, thật và giả, tạm thời và
bền lâu.
Biết nhịn đói để không bị cái đói điều khiển mình mắc bẫy,
nuốt nhầm chất độc, chất bẩn.
Biết chờ để không bị lòng si mê, nóng giận, tham lam sai khiến,
đẩy mình vào sai lầm và vội vã.
Cả ba xét cho cùng cũng chỉ là biết chờ: Suy tư là khả năng
chờ đợi của trí tuệ, không vội vã kết luận điều gì mà chờ cho đủ chứng cứ từ
nhiều phía. Nhịn đói là cái chờ của thể xác, biết kiềm chế cơn thèm khát.
Ngược lại, không chờ đợi là buông cho bản năng kéo xuống,
như ly nước đổ ra. Ly nước đã đổ ra thì không lấy lại được, người buông theo bản
năng thì rơi xuống thấp. Khi ai cũng nhào tới vì dục vọng, không chờ đợi thì cuối
cùng kết quả là sự hủy diệt.
Kẻ tồn tại là người biết chờ và biết nhịn.
Chờ đợi là dấu hiệu đầu tiên của văn hóa. Làm người phải biết
chờ đợi. Không biết chờ đợi không phải là người.
Sống là biết chạy, biết chờ và biết chậm. Rất đơn giản, sự
thật ấy không nằm ở khẩu hiệu, biểu hiện hay sách vở, bục giảng, mà nằm ngay ở…
ngã tư đường, nơi có ngọn đèn vàng, đèn đỏ, đèn xanh.
(Sưu tầm)