Mỗi khi nổi giận ta thường cho rằng chính người kia là thủ
phạm đã làm cho ta giận, như thể cơn giận đang ở trong ta là do họ đem tới vậy.
Vì thế ta luôn tìm mọi cách để trả đũa, dù ít nhất là một câu nói hay một hành
động khiến người kia phải đau điếng hay tức giận thì ta mới hả dạ. Ta cho rằng
mình phải làm như thế thì mới mạnh mẽ, để họ không còn dám chọc giận mình nữa. Sự
thật là càng trả đũa thì cơn giận càng lớn mạnh và khiến ta càng đuối sức. Vì
khi giận năng lượng trong ta bị đốt sạch, cơ thể liên tục phóng thích ra các chất
kích thích adrenaline và cortisol gây rối loạn chu trình sinh học của cơ thể,
nhất là nhịp tim và hơi thở tăng dồn dập. Ta sẽ rơi vào tình trạng "hôn mê
tạm thời", nhìn mọi thứ đều sai lệch, suy
nghĩ không sáng suốt và không kiểm soát nổi mọi hành vi của mình.
Nếu thế hệ trước, gần nhất là cha mẹ, có mgan tính nóng giận
thì ra khó thoát khỏi sự trao truyền từ nhiễm sắc thể (DNA). Ta còn chịu sự
"tưới tẩm" từ cách nói năng và hành động hằng ngày của họ. Môi trường
lớn lên và làm việc cũng đóng góp đáng kể cho tính cách nóng giận hình thành
trong ta. Sự nuông chiều và nể trọng cũng rất dễ khiến ta có thói quen muốn gì
được nấy hay muốn chứng tỏ quyền lực trước mọi người, vì thế chỉ cần có chút vấn
đề không là ta lập tức nổi giận ngay. Ngoài ra, ta còn bị ảnh hưởng sâu nặng bởi
tâm thức xã hội, nên ta luôn cho rằng nổi giận là bản năng tự vệ của con người,
nhờ nó mà người khác mới không dám uy hiếp mình. Ta còn xem đó cũng là cách giải
tỏa cảm xúc để ta lấy lại sự cân bằng mỗi khi gặp điều phiền toái. Nhưng thực
chất là ta đã thất bại. Ta chưa thuần phục được bản tính hơn thua cố hữu, không
biết cách giãi bày sự không hài lòng một cách hiểu biết hơn và đang làm cho
tình trạng càng tồi tệ hơn.
Chuyển hóa cơn giận
Sau mỗi cơn giận, ta thương cảm thấy hối tiếc và ray rứt vì
những phản dại dột và thấp kém của mình. Ta biết mỗi lần tức giận là mỗi lần ta
đánh mất hình tượng đẹp và làm suy giảm niềm tin yêu trong mắt người khác, nên
lòng cú dặn lòng sẽ không để cho cơn giận thao túng mình thêm lần nào nữa. Thế
nhưng khi gặp chuyện trái nghịch, nhất là tổn hại đến quyền lợi hay danh dự, là
cơn giận cứ không hẹn mà đến. Ngay lúc ấy dù được người khác nhắc nhở ta cũng gạt
ngang, lý trí cũng phải đứng lặng chào thua cảm xúc. Từ thất bại này đến thất bại
khác, ta dần trở nên căm ghét cơn giận của mình. Rồi có khi ta quay sang trách
giận cho mẹ trao chi cái tính làm khổ mình khổ người như thế.
Thật ra, nếu hạt giống giận trong ta không được nuỗi dưỡng
thường xuyên thì nó không đủ sức làm cho ta khổ. Ta đã vô tình tạo ra nó từ những
điều bất như ý nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày mà ta không hay biết như: kẹt xe,
xếp hàng mua đồ, dọi điện người thân không nhất máy, thức ăn không vừa miệng,
người kia quên chào hỏi... đến những phiền toán do chính mình gây ra như: mở nhầm
chìa khóa, uống nước bị bỏng miệng, trượt chân ở cầu thang, tìm mãi không ra
quyển sách, hồi tưởng về quá khứ đau buồn... Nếu ta không quan sát và hóa giải
bớt những phản ứng chống đối một cách âm ỉ từ những việc như thế, thì cơn giận
chắc chắn sẽ hình thành như một quy luật tự nhiên. Khi nguồn năng lượng giận gần
như được mạc định trong tâm thức, chỉ cần một hành động không dễ thương hay một
hoàn cảnh trái ý nho nhỏ cũng đủ khiến cho nó bị kích động. Nó sẽ nhanh chóng
biến thành con giận dữ dội mà chính ta cũng rất bất ngờ.
Khi phát hiện ra cơn giận đang nổi lên và sắp sửa
"bung" ra thành lời nói hay hành động, ta hãy mau chóng tìm cách tách
ly ra khỏi đối tượng vừa mới tác động vào cơn giận của mình. Lý tưởng nhất là
ngồi trong căn phòng yên tính, hay dạo bước trên con đường râm mát. Trong trường
hợp không thể thể tách rời khỏi hoàn cảnh thì ta hãy ngồi yên đó, cố gắng đừng
mở lời nói thêm một câu hay một từ nào, dù ta cho đó là lời giải thích thỏa
đáng. Mọi hành vì xảy ra trong cảm xúc giận hờn đều sẽ khiến ta hối tiếc sau
này. Ta hãy cố quên đối tượng kia đã làm hay đã nói điều gì với ta, mà chỉ chỉ
đem hết tâm ý tập trung vào hơi thở để làm lắng dịu cơn bão cảm xúc. Nếu ta đã
có sẵn kỹ năng theo dõi hơi thở để định tâm thì chỉ 15 phút sao là ta sẽ vượt
khỏi. Cũng như khi căn nhà của ta bất ngờ bị cháy thì ta chỉ cần lo chữa cháy để
cứu lấy những tài sản quý báu bên trong, chứ đừng vội vã truy cứu hay trừng phạt
kẻ mà ta đã tình nghi đã đốt nhà. Chuyện đó "hạ hồi phân giải".
Hơi thở là điểm tựa rất an toàn mỗi khi ta bị những cơn bão
cảm xúc tấn công mà ta không biết phải làm sao. Tuy nhiên, nếu cứ sử dụng mãi
cách này thì ta sẽ không bao giờ hiểu rõ bản chất cơn giận của mình. Koong hiểu
rõ cơn giận thì muôn đời ta cũng không thể chuyển hóa được nó, sẽ mãi bị nó phiền
nhiễu. Cho nên, sau khi luyện tập được thói quen nhìn lại bản thân mình mỗi khi
nổi giận, thay vì tìm cách trả đũa, ta hãy dành nhiều thời gian để quan sát cơn
giận của mình. Hãy chú tâm quan sát tiến trình từ khi cơn giận biểu hiện lên bề
mặt ý thức, thôi thúc ra hành động, đến khi nó tan biến. Khi có kinh nghiệm, ta
sẽ phát hiện ra cơn giận vốn không có thật. Nó chỉ là nguồn năng lượng được
sinh ra từ vài sai sót trong sự vận hành của guồng máy tâm thức như: nhận thức
sai lầm, trí tưởng tượng phóng đại, cảm xúc nhạy bén, các giác quan không được
phòng hộ cẩn thận. Nên chỉ cần duy trì khả năng quan sát tiến trình ấy lâu bền,
bằng thái độ không thành kiến, từ từ ta sẽ thấy rõ những gì đã tạo nên cơn giận
và dễ dàng chuyển hóa nó.
Tuy nhiên, lỗi thường mác phải là ta mong muốn mình sẽ hết
nóng giận ngay khi bắt đầu luyện tập. Một thói quen được hình thành trong thời
gian quá dài thì không thể thay đổi trong một sớm một chiều được. Tiến trình
quan sát cơn giận có thể đem tới cho ta những khó chịu bất ngờ trong giai đoạn
đầu, nhưng dần dà ta sẽ quen và còn cảm thấy rất thú vị như đang xem một bộ
phim hành động. Ta cứ ngồi đó quan sát cơn giận của mình nổi lên một cách tự
nhiên, nhưng khác với mọi lần là ta có quan sát. Lẽ dĩ nhiên, cơn giận vẫn cứ xảy
ra theo tốc độ riêng của nó và ta không có ý đuổi theo để dập tắt. Ta chỉ quan
sát để thấu hiểu cơ chế hoạt động của nó như thế nào thôi. Mỗi lần quan sát sẽ
cho ta một cái thấy mới mẻ về bản chất vô thường của cơn giận. Nhận thức sai lầm
trong ta từ đó sẽ rơi rụng. Ta cần kiên nhẫn luyện tập để điều chỉnh lại cơ chế
hoạt động của tâm thức, chứ không phải muốn trấn áp hay điều khiển cơn giận.
Khi ta chưa thấu hiểu con giận, dù có điều khiển được nó thì cũng chỉ là giải
pháp tạm thời mà thôi.
Có thương đừng giận
Ta cũng đừng vội thỏa mãn với kết quả thực tập ban đầu, dù
ra không còn gì để giận nhưng trước nữa. Thậm chí, ta có thể mỉm cười thật tươi
để nghe lời quở trách của sếp hay hành động bất cẩn của một bạn đồng nghiệp.
Hãy đợi đấy! khi về đến nhà, nếu bất ngờ ta bị người thương nghi ngờ hay phán
xét một cách vô căn cớ, thì cơn giận năm xưa có thể sẽ quay trở về ngay lập tức.
Thế nhưng, ta lại hay biện minh rằng "có thương mới giận". Ta nghĩ đối
với người dưng nước lã thì như thế nào, ta cũng mặc kệ, ta chẳng quan tâm vì họ
chẳng liên quan gì đến ta. Đằng này, một người sống với ta chừng ấy năm trời,
lúc nào cũng tin yêu và sẵn sàng cho họ tất cả, mà họ lại đối xử với ta như thế
thì đó là sự xúc phạm rất nặng nề. Nhưng sự thật là ta đang tức tối trước những
"đòn tấn công" mà ta không hề có ý thức phòng thủ. Vì ta cho rằng khi
ta đã hết lòng với ai thì người đó không được quyền làm cho ta tổn thương.
Đòi hỏi một người đừng bao giờ có những lầm lỡ với ta, chỉ
vì ta đã từng nâng đỡ hay hiến tặng cho họ quá nhiều thứ thì đúng là một ảo tưởng.
Thử đổi lại vị trí ấy xem ta có làm như thế được không? Đời sống ngày càng nhiều
áp lực, chỉ mỗi khó khăn kinh tế thôi cũng đủ khiến người khác mất hồn mất vía
rồi, nên việc bỏ bể bản thân và hành động sai sót cũng rất đỗi thường tình. Nếu
ta là người có hiểu biết và đang bình ổn thì hãy giúp họ tươi tỉnh lại, để họ
nhận diện ra chính mình và sự mầu nhiệm của cuộc sống đang hiện hữu. Chư lẽ nào
ta lại muốn quẳng tiếp vào họ cơn thịnh nộ nảy lửa để thiêu đốt họ thêm? Trừ
phi không tự chủ được mình, chứ ta đừng bao giờ cố gắng giả bộ nổi giận để mong
bên kia thức tỉnh và hành động đúng đắn trở lại. Không ai thích dóng nhận những
cảm giác nặng nề và khó chịu cả. Dù biết mình có lỗi và không thể phản kháng ra
mặt, nhưng họ sẽ rất mệt mỏi và bất mãn ta. Không cẩn thận thì cách đó có khi bị
hiểu lầm là thái độ trừng phạt không thương tiếc, nên họ sẽ nuôi hận trong lòng
và sẽ làm cho tinh trạng tồi tệ hơn.
Nên nhớ, phiền não vốn rất tinh tế. Nếu không có một kỹ năng
quan sát thật tốt thì ta khó mà phát hiện hết sự vận hành của nó. Để rồi một
ngày nào đó ta không thể ngờ cơn giận cuồng điên bỗng từ đâu tràn ra như thác
lũ. Cũng do ta thường quá chủ quan tưởng mình không còn giận hờn nữa, hoặc nghĩ
rằng mình chỉ giả bộ để ra uy, hay cố gắng trình diễn để lấy lòng kẻ khác, mà
ta không thấy những đợt sóng tức giận đang ngấm ngầm bên trong. Mỗi ngày một
chút, năng lượng giận hòn kết tinh thành một khối rất lớn mà người ta thường gọi
đó là nội kết. Khối nội kết này gần như chi phối mọi hành vi của ta. Lúc nào nó
cũng khiến ta cau có hay gây sự với đối tượng ấy, mặc dù họ chẳng làm gì ta cả.
Hóa ra, ta đã không hiểu hết cái tâm cố chấp và chưa đủ độ lượng của mình, dù
trong ý chí ta cho rằng những chuyện ấy không đáng chi cả. Thế mới biết, thấu
hiểu hết những ngõ ngách sâu kín trong tâm còn quan trọng hơn là dập tắt được một
cơn giận.
Cho nên, khi nào ta vẫn còn quá quan trọng và luôn tìm cách
nâng niu cái tôi của mình thì cơn giận sẽ vẫn còn. Trong khi đó, tình thương
chính là "khắc tinh" của cơn giận.
Cơn giận cũng vô thường
Nắng bừng vỡ màn sương
Mời lên tâm tỉnh thức
Càng nhìn lại càng thương.
by Hiểu về trái tim - Minh Niệm