Sunday, January 13, 2013

Quan niệm về chữa trị trong Phật giáo


Đức Phật tự tay chăm sóc một Tỳ-kheo bị bệnh - Tranh PG
Nhân dịp này Đức Phật cùng với sự giúp đỡ của Ngài A-nan đã tắm rửa cho vị Tỳ-kheo bị bệnh kia bằng nước ấm. Ngài nói rằng cộng đoàn có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc người bệnh.

Trong nhiều trường hợp Đức Phật đã chăm sóc cho những người bệnh nặng để làm gương cho chúng đệ tử. Một lần kia, một Tỳ-kheo được phát hiện với các vết lở loét trên cơ thể và có mủ chảy ra và vị này bị bỏ rơi bởi các bạn đồng tu. Đức Phật đã đun nước sôi và rửa sạch cho vị sư ấy bằng đôi bàn tay của mình cũng như giặt sạch và sấy khô quần áo cho vị Tỳ-kheo đó. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, vị Tỳ-kheo này đã đắc A La Hán và sớm nhập Niết-bàn.

Đức Phật đã tuyên thuyết những phẩm chất thực sự nên (cần) có đối với một người chăm sóc bệnh nhân - khả năng cung cấp thuốc men, thấu đáo những gì là dễ chịu và khó chịu đối với bệnh nhân và hạn chế những gì là khó chịu. Một người chăm sóc tốt cũng nên từ bi, tử tế và không nên bị đẩy lùi bởi cái dơ của người bệnh như nước bọt, đờm, nước tiểu, phân hoặc vết lở loét. Người chăm sóc nên ân cần khéo léo với người bệnh.

Sự tử tế

Với một người bệnh nặng ngoài việc cung cấp thực phẩm và thuốc men thích hợp, việc chăm sóc những điều kiện tinh thần cũng rất quan trọng. Giống như lòng tốt của các bác sĩ và y tá cũng quan trọng như một loại thuốc hiệu quả, giúp hồi phục nhanh chóng. Vì vậy, lời nói và hành vi tử tế rất hữu ích trong việc mang lại hy vọng và sự thoải mái cho một bệnh nhân vô vọng. Từ bi là những cảm xúc tuyệt vời.

Bệnh tật là khoảng thời gian mà người ta phải đối mặt với thực tế của cuộc đời và sự sợ hãi về cái chết tự nhiên lớn hơn so với lúc khỏe mạnh. Việc làm thay đổi sự chú ý của một người đối với Giáo pháp là phương thuốc tốt nhất làm dịu nỗi sợ hãi và những người chăm sóc được mong đợi ​​sẽ giúp bệnh nhân chuyển sang chiều hướng tinh thần.

Đức Phật đã mô tả ba loại bệnh nhân trong kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya) - đó là những người không hồi phục cho dù họ nhận được hay không nhận được sự chăm sóc y tế và sự chăm sóc thích hợp; những người phục hồi bất kể họ nhận được hay không sự chăm sóc y tế và sự chăm sóc; và những người phục hồi chỉ với sự điều trị và chăm sóc y tế phù hợp. Tuy nhiên, miễn là khi bệnh nhân còn sống thì mọi thứ có thể nên được thực hiện hết mình từ sự điều trị y tế, cung cấp thực phẩm và sự chăm sóc phù hợp vì sự phục hồi của người bệnh.

Trong các kinh khác Đức Phật đã giải thích rằng bệnh là không thể tránh khỏi trong cuộc đời. Trong những trường hợp như vậy con người sẽ làm bất cứ điều gì có thể để khôi phục lại một sức khỏe tốt. Dù vậy cũng không nên bỏ qua yếu tố lương tâm của con người. Cái chết có thể xảy ra bất chấp những nỗ lực và người ta phải chấp nhận nó bằng sự tự kiểm soát bản thân và sử dụng lý trí như là một kết quả của nghiệp.

Sự tiến bộ tâm linh

Đức Phật đã tắm rửa cho người bệnh bằng lòng từ bi và sự thông cảm. Trong kinh Pháp Cú giải thích rằng sức khỏe là thứ quý giá nhất và Đức Phật đã đặt một số quy tắc nhỏ để thích ứng với các yêu cầu của các Tỳ-kheo bị bệnh. Đức Phật đã sử dụng sức mạnh ý chí tuyệt vời và sự tự kiểm soát khi Ngài ngã bệnh. Lần cuối cùng Đức Phật ngã bệnh Ngài đã can đảm đi bộ từ Pava đến Kusinara với Ngài A-nan. Một tinh thần tiến triển sẽ có khả năng duy trì sức khỏe tinh thần tốt tương xứng với sự phát triển tâm linh.

Việc tụng niệm những yếu tố giác ngộ (Bojjhanga) rất có ích trong việc chữa lành bệnh tật thể chất. Khi Tôn giả Ma Ha Ca Diếp và Tôn giả Mục Kiều Liên bị ốm, Đức Phật đã đọc các yếu tố giác ngộ và hai vị này đã lấy lại sức khỏe. Trong Tương Ưng Bộ có nói khi Đức Phật bị bệnh, Ngài đã yêu cầu Cunda đọc thuộc lòng những yếu tố giác ngộ và Phật đã phục hồi lại sức khỏe.

Khi Tỳ-kheo Girimananda bị ốm, Đức Phật bảo rằng Ngài Ananda có thể giúp Girimananda lành bệnh nếu Ngài đọc mười phép Quán tưởng cho vị này nghe (kinh Giải bệnh). Mười phép Quán tưởng nói về sự vô thường, vô ngã, sự bất tịnh của cơ thể, ác quả (do sự tồn tại của cơ thể), sự loại bỏ (của thú vui), giải thoát, chấm dứt, thất vọng với toàn thể thế giới, và sự vô thường của vạn hữu và chánh niệm vào hơi thở. Tôn giả Anan đã học được những lời này từ Đức Phật và lặp lại cho Ngài Girimananda nghe và rằng vị này đã khỏi bệnh.

Đức Phật khuyên các Tỳ-kheo không nên đánh mất năng lượng chánh niệm và quyết tâm vì sự tiến bộ tinh thần ngay cả khi bị bệnh. Khi một người bị bệnh, các yếu tố này có thể trở nên xấu đi, nhưng trước khi điều đó xảy ra, sự chăm sóc cần được thực hiện để thúc đẩy tinh thần càng nhiều càng tốt. Trong quá trình hồi phục ta cũng không nên bất cẩn, vì cơ hội tái phát có thể làm giảm cơ hội đạt được thành tựu tâm linh cao hơn.

Niềm vui và sự thỏa mãn

Những phẩm chất tâm linh đạt được có thể giúp tạo ra niềm vui lớn lao trong tâm trí. Những niềm vui như vậy thậm chí có thể làm thay đổi các yếu tố hóa học trong cơ thể một cách tích cực và lành mạnh.

Trong kinh Papancasudani có nói đến một Tỳ-kheo bị rắn cắn trong khi nghe giáo pháp. Tuy nhiên, vị này đã bỏ qua việc bị rắn cắn và tiếp tục lắng nghe. Sự lây lan nọc độc và cơn đau đã trở nên cấp tính. Sau đó vị Tỳ-kheo đã chiêm nghiệm về sự thanh tịnh của Giới. Một niềm vui và sự hài lòng đã phát sinh trong thầy lúc đó. Sự thay đổi tâm lý đã đóng vai trò trong việc chống nọc độc và vị Tỳ-kheo kia đã ngay lập tức chữa khỏi chứng bị rắn cắn.

Rõ ràng từ sự kiện này cho thấy rằng các yếu tố thúc đẩy sức khỏe đã kích hoạt trong cơ thể thông qua việc tiết ra kích thích tố giúp phục hồi sức khỏe, khi một người an trú vào các phẩm chất tâm linh của mình vào thời điểm nghiêm trọng của căn bệnh. Kinh điển Pali mô tả tỉ mỉ về những khuyên răn đối với bệnh nan y. Việc nói đến cái chết của một bệnh nhân bị bệnh nan y không được xem như một chủ đề đáng ghét. Thay vào đó, thực tế về cái chết được chấp nhận để cho phép bệnh nhân đối mặt với tình huống bằng sự tự tin và yên bình.

Khi Mahanama hỏi Đức Phật về cách mà một cư sĩ nên khuyên bảo cho một cư sĩ khác bị bệnh nan y. Được giải thích trong Sotapattisamyutta, Ðức Phật nói trước hết cư sĩ nên an ủi cư sĩ bị bệnh nan y bằng bốn niềm tin vững chãi: "Này bạn, bạn có niềm tin không thể lay chuyển vào Phật, Pháp và Tăng, rằng Đức Phật là đấng hoàn toàn giác ngộ, Pháp được tuyên thuyết đúng đắn và Tăng đoàn được kỷ luật tốt. Bạn cũng đã tu đức hạnh hoàn hảo và hãy tập trung vào những điều tốt đẹp ấy”.

Văn Công Hưng (Theo The Nation)