Phật giáo với tuổi trẻ ngày nay
Các bạn trẻ ngày nay đang sống trong hoàn cảnh có nhiều thuận
lợi lẫn không ít những khó khăn. Thuận lợi vì được sống trong thời đại mà chúng
ta đã đạt được nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật về y học, kinh tế v.v…, nhưng
đồng thời những áp lực của xã hội hiện đại cũng đang đè nặng tâm trí các bạn trẻ.
Đồng tiền và vật chất đóng một vai trò gần như chi phối, chủ đạo và thô bạo cuộc
sống của các bạn; rất nhiều nhà mô phạm, nhà nghiên cứu tâm lý, các tôn giáo
v.v… đã lên tiếng kêu gọi con người, đặc biệt là lớp trẻ hãy tỉnh thức, hãy sống
có lý tưởng, hãy tự rèn mình, hãy tự là gương sáng cho nhiều người khác để gìn
giữ, nuôi dưỡng và phát triển một đời sống an bình và hạnh phúc.
Đạo Phật là một trong những tôn giáo đã và đang góp phần tác
động tích cực cho sự tiến bộ và đời sống an bình của lớp trẻ ngày nay. Một
trong những điều mà tôn giáo này đã truyền bá cho toàn nhân loại, trong đó có lớp
người trẻ tuổi là hiểu được sức mạnh vĩ đại của tình thương. Nhờ có tình thương
mà các bạn trẻ mới xoá đi lòng hận thù và thành kiến chủng tộc. Mọi người sẽ
chung sống trong tình huynh đệ hạnh phúc.
Để sống trong tình huynh đệ hạnh phúc, các bạn trẻ cần nhận
ra rằng, một trong những kẻ thù gan góc rình rập trên đoạn đường mà các bạn trẻ
phải đối đầu, chinh phục nhiều lần trước khi đạt đến an bình và hạnh phúc. Mỗi
lần các bạn anh dũng đương đầu đánh đuổi kẻ thù đó là mỗi lần nó trở nên suy yếu,
và cứ như thế cho đến khi nó không còn khả năng khống chế các bạn nữa. Kẻ thù
đó chính là cái Ta. Cái Ta là kẻ thù gan góc của sự thật, và những ai yêu quý
Ta thì không còn quan tâm giúp đỡ gì đến những người xung quanh, mà chỉ muốn vơ
vét mọi thứ cho riêng mình. Họ đâm ra tàn bạo, tham lam, giả dối, bất lương và
không thể nào xứng đáng là thanh niên thời đại được. Chính Tự Ngã gây ra mọi
phiền não trên đời. Bạn trẻ nào vượt qua được nó, người ấy không thể nào tàn nhẫn,
tham lam; họ yêu thương hoà nhã với tất cả mọi người; họ sẵn lòng ra tay giúp đỡ
những ai lâm cảnh khốn cùng và trang trải niềm vui tươi, hạnh phúc đến bất cứ
nơi nào các bạn trẻ đặt chân đến.
Các bạn trẻ không được nản lòng nếu thấy khó chinh phục Tự
Ngã này. Chúng ta phải nhớ rằng chính Đức Phật cũng phải mất nhiều thời gian mới
chinh phục được nó. Không một giá trị nào có thể đạt được trong chốc lát, hay một
ngày. Các bạn cần phải nỗ lực phấn đấu mới đạt được điều đó. Một số các bạn trẻ
chúng ta hay nóng lòng chờ đợi đủ thứ, nhưng chỉ có bạn nào cần cù làm việc
hàng ngày thì cuối cùng cũng sẽ được phần thưởng.
Mỗi bạn trẻ đều có công việc khó khăn trước mắt phải làm,
nhiều việc phải học, và như thế mới chút bỏ được gánh nặng khổ đau mà mình đã
đeo mang qua bao năm tháng.
Bài học đầu tiên mà các bạn trẻ cần nhận thức được là ý
nghĩa của luật Nghiệp Báo mà Đức Phật đã từng thuyết giảng.
Luật Nghiệp Báo đôi
khi còn được gọi là luật Nhân Quả. Nói một cách đơn giản thì mọi thứ ta thấy là
kết quả của một số nguyên nhân trước kia. Ví dụ màu hồng sen tươi đẹp mà bạn lấy
làm ưa thích đó là kết quả của đoá hoa sen, đoá hoa sen là kết quả của cây hoa
sen, và cây hoa sen bắt nguồn từ hạt hoa sen đã được gieo trồng v.v…
Tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của các bạn trẻ cũng thế.
Chúng cũng giống như hạt mầm đã được gieo trỉa, và rồi sinh ra trái ngọt cây
lành, làm ta vui vẻ hơn; còn hành động sai lầm thì chỉ mang lại đau khổ. Phật dạy:
“Gieo gì thì gặt nấy”. Nhiều bạ như vậy là các bạn hiểu rất rõ những ý nghĩa của
những lời dạy này. Nếu ta gieo hạt cải thì không mong gì có cây đậu mọc lên. Vậy
thì phải hiểu rằng mỗi lời nói và hành động đều phát sinh thành quả của nó, hoặc
tốt, hoặc xấu, tuỳ theo loại tư tưởng, ngôn ngữ và hành động được gieo trồng
trong mảnh đất cá tính của mình. Không thể thoát khỏi hậu quả hành động của
chính mình. Không ai có thể cứu vớt thoát khỏi hậu quả đó. Phải gánh chịu khổ
đau nếu những việc làm là sai trái; ngược lại sẽ được hạnh phúc nếu những hành
động, việc làm là hiền thiện. Có người cho rằng có nhiều tiền bạc là có thể
thoát khỏi hậu quả của những hành động sai lầm trong quá khứ. Đấy là một lối
suy nghĩ mê muội, bắt nguồn từ vô minh.
Cách duy nhất để có thể thoát khỏi khổ đau là đừng gieo trồng
những hạt tư tưởng, ngôn ngữ và hành động xấu ác phát sinh hậu quả đau khổ.
Giả sử người nào đó làm những điều ác để kiếm thật nhiều tiền
rồi bắt đầu nghĩ rằng: có tiền sẽ hoá giải được tất cả những lỗi lầm trong qua
khứ. Nghĩ như vậy có ích lợi gì không? Có mong gì sửa được lỗi lầm khi đã có tiền?
Không! Chúng ta có thừa sáng suốt, không thể làm điều ngu xuẩn như thế, vậy mà
có bạn trẻ đã làm. Họ làm những việc ác rồi hy vọng có tiền sẽ hoá giải được.
Rõ ràng nhân nào quả ấy. Không ai có thể uống thuốc thay thế
chúng ta được. Giả sử người nào đó bị đau đầu và đi đến bác sĩ. Bác sĩ cho thuốc
để trị bệnh. Nếu người đó muốn khỏi bệnh thì chính họ phải uống thuốc chứ không
thể nhờ ai uống thay được. Đúng như Phật dạy: “Mỗi người phải thu hoạch vụ mùa
do chính mình gieo trỉa”. Khi chúng ta nghe các Phật tử nói: “Đây là Nghiệp của
tôi”, họ muốn nói rằng họ đã gieo hạt và hạt đó đã gây cho họ hậu quả như thế.
Điều này thực sự có nghĩa là:
Gieo một tư tưởng, gặt một thói quen.
Gieo một thói quen, gặt một cá tính.
Gieo một cá tính, gặt một số phận.
Tất cả những gì mà chúng ta đang làm là kết quả của những gì
đã suy nghĩ; nó được thiết lập trên tư tưởng của chúng ta.
Vậy thì sức mạnh của
tư tưởng là gì?
Trả lời câu hỏi này kinh điển Phật giáo ghi rõ: “Tất cả những
gì chúng ta đang làm là thành quả của những gì chúng ta đã suy nghĩ”. Nghĩa là
không một lời nói hay một hành động nào mà trước tiên không được suy nghĩ trong
tâm trí. Nếu một người nào đó lấy đồ của người khác thì tư tưởng bất lương ấy
đã hiện hữu trong tâm trí của người đó trước rồi. Do đó, chúng ta thấy điều cần
thiết là phải hết sức quan tâm đến các loại tư tưởng.
Tư tưởng như là những thứ rất vi tế, nhưng chúng có thể gây
ra nhiều hậu quả. Người ta có thể bảo một cách dễ dàng rằng tư tưởng ngôn ngữ
nào thì từ ái, có tình; hoặc giả tư tưởng, ngôn ngữ nào thì thanh tịnh, trong sạch.
Nếu như lúc nào cũng dùng những lời xấu xa, lời nói dối trá, buông lời ác nghiệt
thì biết chắc rằng tâm trí của người đó đầy ắp những tư tưởng tệ hại.
Những tư tưởng đó xuất phát từ đâu? Có người cho rằng do hoàn
cảnh xã hội, do những người xấu gieo vào đầu óc họ để bắt họ làm điều sai trái.
Giải thích điều này, Đức Phật cho rằng những tư tưởng xấu đó phát xuất từ vô
minh. Chính vô minh là nguyên nhân đầu tiên của đau khổ. Không biết điều chân
chính, hiền thiện là nguồn gốc của những tư tưởng xấu trú ngụ trong tâm. Từ tư
tưởng xấu xa phát ra ngôn ngữ và hành động ác độc gây khổ đau cho con người. Khổ
đau chính là cái nghiệp của tư tưởng sai lầm.
Trong cuộc sống, có người cho rằng tư tưởng sai lầm là điều
rất bé nhỏ, việc gì phải làm rùm beng. Nó dường như rất nhỏ bé không ảnh hưởng
gì mấy. Nhưng trên thực tế, tất cả những việc quan trọng đều xuất phát từ những
căn nguyên nhỏ bé. Một thân cây đồ sộ bắt nguồn từ một hạt mầm tẻo teo; cũng thế,
một vụ mưu sát cũng có thể dễ dàng bộc phát từ một ý tưởng hận thù sai lầm.
Tư tưởng có thể ví như những hạt giống ươm mầm trong khu vườn
tâm thức. Từ những hạt giống ươm mầm đó nảy sinh hoa trái, ngôn từ, hành động.
Nếu chúng ta gieo toàn những hạt giống vô minh vào tâm thức,
thì chắc chắn những khu vườn tâm thức đó phủ đầy cỏ dại xấu xa, không sao có được
hoa trái tươi thắm. Chúng ta càng trì hoãn việc khai hoang khu vườn tâm thức của
mình bao nhiêu thì nó sẽ càng khó khăn dọn dẹp bấy nhiêu. Đây là một số cỏ dại
mà chúng ta phải diệt trừ: Tư tưởng sân hận, ganh tị, bất tịnh, bất chính. Tất
cả những loại tư tưởng này đều dẫn đến các hành động ác độc và không sớm thì muộn
sẽ mang lại khổ đau. Một trong những giải pháp để loại dần những tư tưởng hận
thù, bất tịnh, xấu xa, chúng ta cần gieo vào mảnh vườn tâm thức những hạt giống
yêu thương, từ ái, thanh tịnh và tươi đẹp.
Sẽ là cần thiết biết bao để có được những tư tưởng chân
chính trong tâm hồn nếu chúng ta muốn thành công trong cuộc sống và nên người
lương thiện.
Tư tưởng chân chính thì xuất phát từ trí tuệ. Những ai có ý
thức và hiểu được về thân tướng của họ ắt sẽ không nói lời bất tịnh hay làm điều
tồi tệ.
Một tên ăn cắp là một kẻ vô minh bởi vì hắn không hiểu rằng
hắn nên sống lương thiện; hắn không biết rằng ăn cắp sẽ phải chịu đau khổ trong
đời. Một tên sát nhân cũng là một kẻ vô minh, vì hắn không biết rằng tước đoạn
mạng sống của con người là một tội ác lớn và sẽ phải chịu khốn khổ vì hành động
của hắn. Một người lương thiện, thành thật, trong sạch, không ăn cắp, không sát
sinh thì rõ ràng là người sáng suốt. Người nào sáng suốt, người ấy luôn luôn được
hạnh phúc, vì họ hiểu rõ các giới luật của nếp sống chân chính.
Tôi tin rằng tất cả các bạn trẻ đều mong muốn có được những
khu vườn xinh đẹp trong tâm thức của mình, và thoát khỏi những loại cỏ dại, vô
minh, xấu xí. Đức Phật đã phải ra sức làm việc trong khu vườn tâm thức của mình
qua bao năm tháng trước khi diệt được các loại tư tưởng cỏ dại vô minh và tìm
thấy ở đó những hạt giống Chính tư duy. Và điều quan trọng chính là tìm ra được
những bông hoa trí tuệ trong tâm thức của mình.
Chúng ta nhận được từ cuộc đời đích thị những gì mà mình đã
đặt vào đó cùng sự lợi lạc do kinh nghiệm. Vì vậy, nếu đời là đau buồn thì hẳn
chúng ta đã đặt vào đó những tư tưởng, ngôn ngữ và hành động mang lại đau buồn,
nói cách khác thì chúng ta hẳn đã sống một cách ngu muội chứ không sáng suốt.
Cuộc đời con người cũng giống như một ngân hàng to lớn nơi
mà để tàng trữ những kho báu tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của mình.
Một người gửi tiền vào ngân hàng có thể rút các ngân phiếu
và chúng sẽ được chi trả ngay. Nghĩa là ngân hàng sẽ trả tiền khi những ngân
phiếu này được trình ra. Tuy nhiên, một người không có tiền bạc gì ở ngân hàng
thì không thể viết ngân phiếu để được chi trả. Khi một ngân phiếu như thế trình
ra tại ngân hàng thì sẽ không được thanh toán mà sẽ được phát hoàn cho người gửi
với dấu hiệu “không tiền”.
Tương tự như thế, nếu chúng ta trình thẻ nhận hạnh phúc tại
cuộc đời mà mình đã ký gửi toàn là vô minh vào đó thì chúng ta khôn ngoan, ký gửi
ngân hàng toàn những tư tưởng, ngôn ngữ và hành động hiền thiện, thì các bạn có
thể dễ dàng xuất trình ngân phiếu và biết rằng nó sẽ được trả tiền.
Sai lầm mang lại sai lầm, chính chân mang lại chính chân thường
hằng. Không một ai có thể cứu chúng ta thoát khỏi hậu quả của những gì mà chính
chúng ta đã suy nghĩ, nói năng và hành động.
Các bạn trẻ thân mến, đừng nản lòng! Tương lai đang chờ đón
ý nguyện của các bạn. Hãy khởi sự gieo trồng ngay những hạt giống hiền thiện;
hãy ký gửi vào ngân hàng cuộc đời toàn những gì chân chính, sáng suốt. Làm được
như vậy sẽ thoát khỏi khổ đau, sống an bình và hạnh phúc.
Hãy thay lòng hận thù bằng tình thương yêu, tính cố chấp bằng
tâm hoan hỷ, ý tham lam bằng hạnh nhân từ, và sung sướng phục vụ tha nhân,
chúng ta sẽ có một đời sống tuyệt vời, đúng những vần thơ sau đây:
Lành thay ta vui sống,
Từ ái giữa oán thù;
Giữa những người oán thù,
Ta sống không oán thù.
Lành thay ta vui sống,
Vô dục giữa khát khao;
Giữa những người khát khao,
Ta sống không khát khao.
Lành thay ta vui sống,
Hỷ xả giữa khích hiềm;
Giữa những người khích hiềm,
Ta sống không hiềm khích.
Lành thay ta vui sống,
Hoan hỷ giúp tha nhân;
Dập tắt tham, sân, hận,
Vui nguồn vui tuyệt trần.
Những gì chúng ta suy nghĩ, nói năng hành động sẽ luôn luôn
mang lại hậu quả tốt xấu tương ứng. Mọi thứ đều không thoát khỏi Luật Nghiệp
báo. Điều khôn ngoan duy nhất là chúng ta nhận ra được quy luật đó và hãy suy
nghĩ, nói năng và thực hiện được những gì tốt đẹp, chân chính. Khi làm được việc
này, tức là lúc các bạn trẻ thực hiện cuộc hành trình sinh mệnh một cách đúng đắn.
Khi còn trẻ các bạn nên suy nghĩ chín chắn về những gì định
thực hiện cho cuộc đời mình; những gì sắp duy trì trước mắt. Không nên lẫn lộn
ý tưởng và lý tưởng. Hãy xem chúng có ý nghĩa gì. Đôi khi chúng ta nói đến một
lý tưởng hay một ý nghĩ do tâm trí phát sinh. Chúng ta đang suy nghĩ liên miên,
và cái mà đang suy nghĩ đó được gọi là ý tưởng. Từ lý tưởng có nghĩa là ý tưởng
nhất định, một ý tưởng không thay đổi, luôn luôn tồn tại giống nhau. Còn ý nghĩ
thì luôn thay đổi: Khi thì ý nghĩ đến việc học hành, khi thì nghĩ đến vui chơi
v.v… Đây là những ý nghĩ luôn tồn tại với chúng ta, gắn chặt với chúng ta, đó
là thành phần của lý tưởng. Nó chi phối đức hạnh và theo đó tính nết dần dần được
uốn nắn. Các bạn trẻ nên có một lý tưởng: yêu quý xã hội mà mình đang sống, yêu
quý quê hương, đất nước.
Cùng với tình yêu đó, các đức tính khác cũng phải được vun
trồng: tính chân thật. Chân thật trong tư tưởng hành động. Tuyệt đối không bao
giờ được nói dối. Nói dối là hèn nhát, xấu xa và đê tiện; và nếu nói dối thì
không còn ai tin tưởng mình. Phải tập tính ngay thẳng. Có chân thật mọi người
xung quanh sẽ tin tưởng. Tính chân thật phải là thành phần quan trọng trong lý
tưởng của mình. Cùng với tính chân thật là tính can đảm. Các bạn phải biết can
đảm; biết hỗ trợ và xiển dương những điều tốt đẹp. Đừng bao giờ dùng sức mạnh
gây tổn thương cho những ai yếu kém hơn mình. Quý trọng tinh thần “phục tùng”
là một đặc tính phải có trong lý tưởng. Không một quốc gia nào có thể tiến bộ
mà không tôn trọng kỷ luật và thời gian học tập khi các bạn còn trẻ. Quý trọng
tính liêm khiết cũng là thành phần trong lý tưởng. Cần cố gắng để được liêm khiết
trong ý tưởng, ngôn ngữ và hành động. Biết học hay và biết chơi giỏi. Nếu mỗi
buổi sáng, các bạn đều nói: “Tôi yêu gia đình; tôi yêu đất nước; tôi sẽ phục
tùng; tôi sẽ can đảm; tôi sẽ liêm khiết v.v…” Nếu mỗi ngày ta cố gắng sống hợp
như thế thì nhất định chúng ta sẽ thành công và lý tưởng với mình là một.
Tôi tin rằng những người trẻ là chìa khoá của tương lai.
Ngày nay, xã hội đang tặng cho các bạn tự do trên một phạm vi lớn. Đây là cơ hội
hy hữu. Tuy nhiên, cuộc sống mà chúng ta phải đối mặt thường là có nhiều vấn đề,
trong đó có cả những vấn đề phức tạp. Nhưng bất luận điều gì xảy ra, ta chỉ đơn
giản cần phải sống với lòng dũng cảm và mạnh mẽ tiến lên, hướng về tương lai.
Không ai có thể thoát khỏi những thực tế của đời thường. Cuộc đời và thế giới
mà ta sống giống như một biển cả đầy bão táp; ta phải xây dựng một con đường
qua đó, và phải trải qua va đập nhiều. Đây là một phần của số phận con người
không thể tránh. Tất cả các bạn đều có những hy vọng và ước mơ riêng của mình,
cách sống của riêng mình, lý tưởng và niềm vui riêng, những nỗi khổ đau phiền
muộn của riêng mình. Cho dẫu giấc mơ của bạn có tuyệt vời đến mấy đi chăng nữa,
niềm hy vọng có to lớn mấy đi chăng nữa, rồi cuối cùng bạn cũng cần lòng dũng cảm
để biến nó thành hiện thực – khi đối mặt với những khổ đau và trở ngại. Bất luận
điều gì xảy ra, bạn phải tiếp tục sống, và tiếp tục làm việc để đạt được lý tưởng
và ước mơ. Ý tưởng hay kế hoạch lớn nhất của ta – tất cả những điều này sẽ
không đi tới đâu trừ phi ta có lòng dũng cảm để hành động. Không có hành động
thì hoá ra chúng ta chưa bao giờ hiện hữu.
Người dũng cảm là người có sức mạnh để dũng mãnh tiến về
phía trước, điềm tĩnh băng qua những thăng trầm của cuộc đời, đồng thời tiến vững
chắc về đích và ước mơ mà họ đã chọn. Lòng dũng cảm là một gia tài vững vàng.
Người nào thiếu lòng dũng cảm sẽ trệch khỏi đường ngay nẻo phải mà ngã quỵ trước
sự vô cảm; người tiêu cực sẽ bước vào con đường tăm tối. Họ chạy trốn khó khăn,
chỉ tìm cách sống cuộc đời tiện nghi dễ dãi. Do vậy, thiếu lòng dũng cảm sẽ
không thể tận tuỵ cho hạnh phúc của người khác, cũng như không thể tự cải thiện
mình để đạt được một điều quan trọng hay bền vững.
Tư tưởng rõ ràng là luôn chỉ lối cho mọi hành động của bạn,
và hãy tin rằng tiếng nói từ lý trí là không bao giờ sai cả. Nếu trong bạn có một
ước muốn cháy bỏng, thôi thúc bạn làm điều gì đó, thì đó chính là một khát vọng
thực sự. Niềm khao khát ấy rất mạnh mẽ. Nếu bạn nghe theo những khát vọng của
mình, dù là khát vọng về điều gì chăng nữa, thì bạn sẽ được hướng dẫn, chỉ bảo
và đảm bảo sẽ thành công. Khi có một mục đích hoặc con đường mở ra trước mắt, bạn
trẻ có quyền lựa chọn: hoặc tin tưởng và đi theo, hoặc giữ trong lòng nỗi sợ
hãi, ngại ngần. Tin vào những khả năng của mình chính là chiếc chìa khoá của
thành công. Hiểu được điều đó, bạn sẽ mạnh dạn vứt bỏ những ý nghĩ tiêu cực, và
mạnh dạn thực hiện những ý tưởng nảy ra trong tâm trí bạn.
Hãy tiếp tục học tập, tiếp tục cố gắng, tiếp tục cho tới khi
bạn đã biến sự chiến bại thành ra chiến thắng sau cùng - đó là con đường đích
thực của tuổi trẻ. Đúng như di huấn tối hậu của Đức Phật: “liên tục và kiên trì
nỗ lực”. Không có sự giải thoát nào, không có sự thanh lọc nào có thể thực hiện
được nếu không có sự cố gắng của cá nhân.
TS. Nguyễn Hữu Tuấn (Theo Nghiên cứu Phật học)