Friday, January 18, 2013

Khi chồng là nạn nhân của bạo hành gia đình

Cuộc sống là thế, đôi lúc không phải việc gì muốn là làm được và cũng không phải việc gì không muốn cũng có thể nói “bỏ” là xong.

Vấn nạn bạo hành gia đình

Từ lâu, bạo hành gia đình đã trở thành vẫn đề nan giải, là nỗi nhức nhối với toàn xã hội, với gia đình và nhất là với những người phải gánh chịu hậu quả ấy. Đó là kết quả của những cuộc hôn nhân không tình yêu, của những thói vô trách nhiệm, vô đức của người chồng, người vợ, và là những hệ lụy của tình trạng hết yêu, chán nhau trong hôn nhân.

Cuộc sống gia đình nếu không biết điều phối, không biết chia sẻ và nhường nhịn thì đến một lúc nào đó, những cuộc tranh luận, rồi lớn  hơn nữa là những cuộc cãi vã, những cái tát và câu lăng mạ, xúc phạm lẫn nhau. Ai sẽ gánh chịu những hậu quả ấy nếu không phải là bản thân họ, con cái…?

Nhà nước, các co quan chức năng và chính quyền đã có nhiều biên pháp tuyên truyền về việc chống bạo lực gia đình, nhưng dường như dù có chống bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không thể dập tắt được ngọn lửa ấy. Hàng ngày, người vợ, người chồng và cả con cái họ vẫn gánh chịu những trận đòn, những cái tát, những lời xỉ vả vô văn hóa thậm chí là đánh cho đến thương tích. Nhưng vấn đề không hoàn toàn bi kịch như vậy bởi đằng sau những hệ lụy ấy, cũng có rất nhiều gia đình đang sống hạnh phúc, vui vẻ, đầm ấm.


Những người đàn ông, những người một thời “hô mưa gọi gió” cũng đã trở thành nạn nhân của bạo lực bên cạnh số đông phụ nữ chịu bạo hành.

Vậy do đâu và vì sao bạo lực gia đình vẫn mãi hoành hành? Câu hỏi chưa có lời giải đáp thích đáng vì điều này không phải chỉ là ý thức chung của toàn xã hội mà còn phụ thuộc vào bản thân người chồng, người vợ và hoàn cảnh của mỗi gia đình…

Nạn nhân không chỉ là vợ

Nói đến bạo hành gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến những người vợ, những người phụ nữ chân yếu tay mềm, chịu hậu quả bởi những cái tát của chồng nhưng thời nay, điều ấy không hoàn toàn là vậy….

Những người đàn ông, những người một thời “hô mưa gọi gió” cũng đã trở thành nạn nhân của bạo lực bên cạnh số đông phụ nữ chịu bạo hành. Người ta đã quên những người đàn ông ngày ngày cần mẫn kiếm tiền nuôi vợ con, quên những con người có trách nhiệm với gia đình ấy và vô tình giáng luôn cho họ cái tội, đánh vợ.

Trường hợp của anh Công (Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Mặc dù anh Công là người nổi tiếng gia trưởng lại khó tính nhưng đúng là “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Anh lấy phải cô vợ đành hanh. Ngày yêu nhau, lúc nào vợ anh cũng tỏ ra mềm mỏng, nhẹ nhàng tình cảm, thậm chí anh nói gì là nghe dăm dắp.Đến mẹ anh là người khó tính vô cùng cũng bị cô ta thuyết phục. Về làm dâu được 2 tháng, lúc nào mẹ chồng cũng một lời con dâu, hai lời con dâu vì vợ anh ra vẻ rất biết tính toán tiền bạc, lo toan kinh tế gia đình. Vậy là tự dưng, cậu con trai ra rìa.


Mỗi tháng đi làm về lại vợ anh lại chìa tay ra xin tiền, như là một khoản bắt buộc mà anh phải giao nộp.

Công không tính toán điều đó mà thậm chí còn lấy làm mừng vì vợ mình được lòng mẹ. Dù sao anh cũng bớt đi cái nỗi lo mẹ chồng nàng dâu. Nhưng gần đây, không hiểu sao vợ anh đổi tính đổi nết hay tại bản tính đến bây giờ mới bộc lộ. Lúc nào cô cũng đay nghiến rằng anh đi làm về, lương lậu không để cho vợ con hưởng thụ, lúc nào cũng đưa cho mẹ. Nhưng Công nào có thế. Anh làm được 10 triệu thì đã đưa cho cô đến 7 triệu. Số còn lại anh còn phải để tiêu pha, quà cáp rồi bạn bè. Vậy mà vợ anh không nghe, cứ cho rằng anh mang tiền đi cho gái, cho anh em họ hàng hết. Thời buổi này với 3 triệu một tháng thì thử hỏi, có gái nào nó chịu theo đàn ông như anh?

Mới là có vậy nhưng lâu dần, vợ anh không còn dừng lại ở những lời lẽ đay nghiến anh nữa, cô đâm ra chửi đổng mẹ chồng rằng, nuôi con mà không biết dạy con. Bây giờ tiền bạc mang cho gái, lấy gì mà nuôi vợ con, lại còn cõng thêm mẹ già. Mẹ Công bây giờ mới vỡ lẽ ra cô con dâu láo lếu. Bà dù có ghê gớm cũng không thể trừng trị  nổi vì tuổi cao, sức yếu vả lại trước đây bà chiều con dâu nên cô đã “đi guốc” được trong bụng bà.

Mỗi tháng đi làm về lại vợ anh lại chìa tay ra xin tiền, như là một khoản bắt buộc mà anh phải giao nộp. Bây giờ vợ công đòi 8 triệu rưỡi, tức là chỉ để lại cho anh hơn triệu để nước non, chè chát. Công không đưa thì cô ta lại ăn vạ, làm ùm lum lên để cho hàng xóm láng giềng biết . Nhà Công sống tập thể nên không muốn ai biết chuyện vợ chồng cãi nhau. Vả lại, với hàng xóm, vợ Công là một người hiền lành, nết na, biết đối nhân xử thế, còn mẹ Công thì nổi tiếng ghê gớm, khó tính. Sẽ chẳng ai tin nếu anh mang chuyện vợ đi sang hàng xóm kể xấu. Có khi còn bị mang tiếng thêm. Vậy là anh đành ngậm ngùi…

Cuộc sống tuy không có “đao to búa lớn” nhưng cái kiểu hành hạ, ăn vạ nhau như thế khiến cho Công cảm thấy mệt mỏi. Anh không còn sức lực, không còn niềm tin vào vợ nhưng anh lại thương đứa con nhỏ. Một thằng đàn ông lại để cho vợ lấn lướt như thế, liệu có xứng với bản lĩnh mà bấy lâu nay Công vốn có? Áp lực tinh thần đè nặng lên đầu của Công khiến anh sống mà như một cái máy, chỉ biết đi làm, đưa tiền cho vợ nuôi còn và chấm hết…

Không chịu áp lực như Công nhưng anh Chiến (Hải Phòng) chia sẻ rất thật rằng, thi thoảng anh bị vợ dọa đánh và thậm chí là đã từng tát anh mấy lần khi anh cầm chìa khóa két sắt, giấu tiền không cho vợ lấy đi đánh lô đề.


Bao nhiêu năm nay anh sống như thế, dưới chướng của vợ.

Số là vợ anh con nhà “tông”, từ bé bố mẹ cô đã có máu đánh đề, cờ bạc và lại cô cũng là người có cái tính đó. Ngày chưa làm vợ, ngẫm tưởng vợ sẽ hiền lành, nhu mỳ như bao người con gái vì chẳng khi nào anh thấy cô cáu gắt với ai. Nhưng cuộc sống kinh tế thiếu thốn, gánh nặng đồng tiền đè lên và vả lại anh sống gần cảng Hải Phòng, lại thường xuyên xảy ra tình trạng cờ bạc, vợ anh bị bạn bè dụ dỗ nên cũng dần dần lấn vào con đường ấy.

Ban đầu là tiêu tiền do mình làm ra, rồi dần dần vay mượn, thua lỗ, không có tiền liền về đòi tiền chồng. Nhiều lần anh Chiến không cho thì cô trở mặt, nói anh ki bo, không đối xử tốt với bạn bè. Rồi cực chẳng đã, cô ta mang dao ra dọa anh rằng, nếu anh không đưa tiền, cô sẽ giết.

Chuyện có vẻ không giống như thật khi nói về người phụ nữ nhưng không hiếm những trường hợp như thế, bởi khi máu cờ bạc đã chảy trong người thì việc họ có thể làm cũng không ai có thể lường trước được.Vả lại, nơi chốn thành thị nhiều cám dỗ, con người có đừng lại được những việc mình đang làm.

Có lần, anh khư khư không đưa chìa khóa đã bị cô ta nhảy bổ vào từ đằng sau, quát lớn và túm tóc anh, tát tới tấp. Hãi hùng, anh buộc phải làm theo lời bà vợ, vì sợ không đưa mụ ta sẽ lên cơn mà cấu xé anh. Nói ra với hàng xóm thì chỉ tổ họ cười chê, vả lại anh là đàn ông lại bi vợ đánh thì có hay ho gì. Nên anh Chiến đành “an phận”. Ai bảo đàn ông không phải là nạn nhân của bạo hành gia đình?

Bao nhiêu năm nay anh sống như thế, dưới chướng của vợ. Đi làm cặm cụi nuôi con ăn học, vợ anh thì chỉ biết lô đề, có bao giờ cho con một xu. Hễ con cái mở mồm ra xin là y rằng bị cô ta chửi cho té tát, bảo bố mày làm ra tiền, tao là đàn bà con gái, tiền kiếm đâu ra.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, nhiều người biết chuyện khuyên ngăn anh bỏ vợ nhưng anh không đành bởi tình nghĩa bao lâu nay anh còn giữ. Vả lại những lúc vợ anh không lô đề, tự hứa sẽ tu chỉnh, anh lại thấy thương người phụ nữ anh đã từng yêu thương biết bao nhiêu.

Cuộc sống là thế, đôi lúc không phải việc gì muốn là làm được và cũng không phải việc gì không muốn cũng có thể nói từ “bỏ” là xong.

(T.B)