Bản chất của hôn nhân là đẹp đẽ và nhân bản. Đó là cách để hai người yêu nhau đàng hoàng sống với nhau, được gia đình, xã hội công nhận.
Từ đó họ suốt đời bên nhau, là của nhau để chăm sóc, yêu
thương, hòa chung máu thịt để có những đứa con. Không ai gần gũi hơn người hôn
phối của mình để chia sẻ, cảm thông mọi buồn vui khó nhọc trong suốt quá trình
xây dựng tổ ấm để đạt đến một cuộc sống bình yên, hạnh phúc...
Thế nhưng trong khi nhiều người hăm hở đến với hôn nhân thì
không ít người lại nhìn nó với con mắt e ngại hoặc trốn tránh, sợ hãi. Phái nam
có người cho hôn nhân như một cái “án chung thân”, còn phái nữ từ xưa đã nhận
ra rằng “có chồng như gông đeo cổ”. Thực tế có nhiều người đàn ông, đàn bà vì
thiếu hiểu biết, ích kỷ, hẹp hòi đã biến cuộc hôn nhân của mình thành một thảm
họa cho người kết hôn với mình.
Quản chồng như quản tù
Họ yêu nhau từ hồi còn sinh viên, Sang hoàn toàn hài lòng về
người con gái chăm chỉ, đoan trang mà anh cưới làm vợ. Lúc đầu được vợ “quản”,
anh thấy vui vui, nghĩ rằng vì vợ yêu mình, muốn giữ chồng và bảo vệ trước những
cám dỗ, tai họa.
Vốn hào hoa, tiền lương mỗi tháng anh về nộp hết cho vợ, chỉ
giữ lại một ít để tiêu vặt. Nhưng tính anh rộng rãi, gặp bạn bè vui vẻ với số
tiền ấy anh xài chỉ trong một tuần là hết veo. Lúc này anh mới hiểu rằng nộp
vào “ngân hàng” vợ thì dễ nhưng rút ra rất khó.
Sợ chồng vung tay món tiền riêng ấy, chị Trang Anh chuyển
sang... phát tiền hằng ngày cho chắc ăn. Là đàn ông, anh cũng có cái thú thỉnh
thoảng ngồi cà phê sáng, cà kê cùng bạn bè bên ly bia vào buổi chiều cuối tuần,
nhưng vợ anh cho rằng ăn uống bên ngoài mất vệ sinh, lại có bọn “gà móng đỏ” lảng
vảng không an toàn cho sức khỏe lẫn hạnh phúc gia đình, thế là anh chỉ được ăn
uống ở nhà. Không ít lần anh méo mặt khi gặp những tình huống bất ngờ mà tiền
trong túi thì quá ít.
Anh có một thú vui nữa là xem bóng đá, từ khi có vợ anh
không còn thời gian ra xem trực tiếp ngoài sân bóng đá để niềm vui được nhân
lên cùng các “tín đồ” của bóng đá. Thôi thì đành ở nhà xem qua tivi cũng được.
Nhưng trận đá bóng nào sau 23 giờ đêm là anh bị vợ... cúp vì
chị cho rằng thức khuya có hại, giữ sức khỏe để ngày mai đi làm. Mà hầu hết những
trận bóng đá quốc tế hay do khác múi giờ đều rơi vào nửa đêm hay gần sáng, anh
chỉ biết ngậm ngùi lên giường để ngày mai nghe lóm bạn bè... bình luận.
Điện thoại di động với người khác là phương tiện không thể
thiếu, còn anh, đôi lúc chỉ muốn vứt quách đi cho được... tự do. Vì mỗi lần vợ
gọi đến thì câu hỏi của chị luôn là: “Anh đang ở đâu đó?”. Nếu anh nói rằng
đang tiếp khách hàng, đang họp, gặp bạn bè thì phải chứng minh thì chị mới tin.
Còn một chuyện nhỏ, ban đầu anh Sang thấy rất hạnh phúc,
nhưng bây giờ thì anh quá chán ngán. Thời yêu nhau chị hay mua tặng anh những
chiếc cà vạt hay áo sơ mi hàng hiệu đắt tiền, thỉnh thoảng mặc sang sang anh
cũng thích, nhưng tính anh ưa ăn mặc thoải mái, bụi bụi một chút càng hay. Bây
giờ ngày nào ra đường đi làm cũng phải mặc những quần áo đúng mốt, trang trọng
do vợ chọn mua theo gu của chị khiến anh không còn thấy mình được là mình nữa!
Có mấy cậu thanh niên chưa vợ biết chuyện anh bảo: “Thấy anh
mất tự do quá, em chẳng muốn lấy vợ nữa!”. Anh đồng tình ngay: “Đúng! Chiếc nhẫn
cưới, ấy chính là chiếc còng... thu nhỏ!”.
Khi chồng là... lãnh chúa
Những lời kêu ca về tự do cá nhân bị xâm phạm hầu hết thuộc
về phái nam, nào là có vợ mất tự do, tiền bạc bị quản lý, thời gian bị xiết chặt,
không được bay nhảy như thời còn độc thân...
Thế nhưng người bị mất tự do khi lập gia đình nhiều hơn cả
chính là các bà vợ, có điều họ giỏi chịu đựng nên ít kêu ca mà thôi. Vì hầu hết
người phụ nữ chấp nhận đánh đổi tự do để vun vén hạnh phúc gia đình, họ tự nguyện
vứt bỏ những niềm vui riêng tư nho nhỏ nếu chồng không thích. Nhưng một số ít
người vợ bị chồng “kìm kẹp” quá đáng không thể chịu nổi họ cũng “vùng lên” nếu
không muốn đánh mất mình hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm...
Một nhóm bạn bè sau mười năm ra trường liên lạc được với
nhau đã tổ chức một cuộc họp mặt, chờ mãi không thấy Thu, một hoa khôi của lớp
ngày xưa. Gọi điện tới nhà, Thu rụt rè bảo: “Có bạn nữ nào tới đón thì chồng
mình mới cho đi!”. Mọi người mới vỡ lẽ rằng cần phải có người “bảo lãnh” để Thu
được vui chơi với bạn trong vài giờ.
Lâu nay ít ai gặp cô và họ cũng đều nghĩ rằng Thu sung sướng,
yên bề gia thất khi lấy được một người chồng “đại gia”, cô vứt bỏ tấm bằng đại
học, an phận ở nhà làm một bà nội trợ quý tộc. Nào ngờ, khi Thu xuất hiện thì
không còn là một cô Thu nhí nhảnh, vui tươi, thích ca hát mà là một quý bà bệ vệ,
sang trọng nhưng đầy vẻ chịu đựng và già trước tuổi.
Khi mọi người yêu cầu hát, cô bảo rằng 10 năm nay cô không
hát vì chồng cô cho rằng phụ nữ hát thì sẽ dễ... hỏng nên cấm vợ hát. Tâm tình
hỏi han với bạn được một lát, cuộc vui chưa tàn Thu nhận được điện thoại của chồng
gọi bảo về! Thu nhìn bạn bè với ánh mắt cầu xin sự thông cảm.
Bao nhiêu năm nay là vậy, cô không được gặp bạn bè hay đi
đâu chơi một mình, ngay cả về thăm cha mẹ cũng được phép của chồng rồi mới
đi... Một thời gian sau, đám bạn ấy nghe tin Thu báo đã ly hôn, họ không biết
nên chia buồn hay chúc mừng cho bạn.
Tôn trọng khoảng trời riêng của nhau
Mỗi một người khi bước vào cuộc sống lứa đôi, dù hết lòng
cho gia đình thì họ cũng cần có một khoảng trời riêng, đó là những khoảng riêng
tư trong công việc, những thú vui riêng, bạn bè riêng, chi tiêu riêng... mà người
bạn đời phải tôn trọng. Tất nhiên những cái riêng ấy không đối lập với quyền lợi
và hạnh phúc gia đình.
Nếu quản nhau quá chặt, tước đoạt tự do của nhau chỉ càng
thêm phản tác dụng khiến người kia cảm thấy ngột ngạt, gò bó, thậm chí uất giận
và có tâm lý muốn thoát ra...
(Theo Hạnh Phúc Gia
Đình)