Wednesday, January 16, 2013

Thả lòng theo "Một Cõi Đi Về"


Ảnh minh họa Hà Nội...

Trong khoảnh khắc lắng lòng, điệu nhạc và điệu hồn ta hòa làm một khiến tim ta run rẩy. Dường như ta run lên vì xúc động, cũng vì đốn ngộ. Ta nhẩm theo điệu nhạc một câu hát quen thuộc “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…” mà thấy thấm thía một cảm giác như có gì sắc buốt khía qua lòng. Hóa ra đời ta, hay đời chúng sinh cũng chỉ là một hành trình bất tận của kiếp người đi về một cõi mà không biết khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc... 

Đêm đông lạnh buốt. Căn phòng như rộng ra, trống trải hơn. Bốn bức tường tưởng như trắng tinh bao vây ta từ tiền kiếp. Lòng hoang liêu và buồn tênh. Chợt những âm vang của tiếng sacxophon vang lên với những giai điệu quen thuộc. Trong khoảnh khắc lắng lòng, điệu nhạc và điệu hồn ta hòa làm một khiến tim ta run rẩy. Dường như người ta run lên vì xúc động, cũng vì đốn ngộ. Ta nhẩm theo điệu nhạc một câu hát quen thuộc “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…” mà thấy thấm thía một cảm giác như có gì sắc buốt khía qua lòng. Hóa ra đời ta, hay đời chúng sinh cũng chỉ là một hành trình bất tận của kiếp người đi về một cõi mà không biết khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc. Khúc hát “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn đã tự thấm vào hồn ta như chính hồn ta thức nhận bản chất của đời sống vô thường.

Có thể nói “Một cõi đi về” là một bài hát tương đối lạ. Ca từ của nó cũng không hề dễ hiểu. Những cái tưởng chừng rõ ràng, tưởng chừng tường minh lại rất mơ hồ, trừu tượng, đưa người nghe vào thế giới nhập nhòe của cảm giác đời thường và Liêu Trai. Tuy nhiên, ấn tượng lớn nhất khi ta nghe ca khúc này vẫn là cái hành trình đi, về bất tận của đời người vô thường. Không hiểu sao nhưng khi nghe ca khúc này chợt ta hình dung ra cái bánh xe luân hồi khép kín, vòng tròn của một kiếp nhân sinh. Mọi thứ đều vô cùng, vô tận, đều hư vô, nhòe ảo. Cái kiếp đời sống của con người đến từ hư vô rồi sống giữa cõi đời, để rồi kết thúc lại đi về cõi hư vô bất định. Đi hay về thì cũng chỉ là một hư không mà thôi. Cho nên, ngay những ca từ đầu tiên, Trịnh đã cho ta cảm nhận cái hành trình bất tận ấy trong thời gian dằng dặc, không gian bao la của đất trời, vũ trụ:

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”

Cuộc sống một kiếp người trăm năm tưởng dài nhưng nó chỉ thoảng qua như chớp mắt. Bao nhiêu năm trong cái đời sống trăm năm ấy ta vẫn ra đi, dẫu biết rằng chỉ là “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” mà thôi. Cái câu hỏi đầu tiên khi người ca sĩ vang lên giọng hát đã bắt nhịp để dẫn dụ hồn ta vào thế giới đi về một cõi. Hành trình đó là hư vô vì không đầu, không cuối. Nó loanh quanh như một chu trình khép kín nhưng ta vẫn đi. Bởi ta là con người vô mình đâu biết hết mọi lẽ vô thường của cõi đời. Cho nên “rọi suốt trăm năm” của kiếp sống tạm “ở trọ” giữa chốn trần gian này của ta – một thực thể - người là “Một cõi đi về” với vầng nhật nguyệt trên vai. Thời gian luân chuyển, vạn vật tuần hoàn, và con người cũng quay tròn một cõi đi về riêng của mình nhưng một vòng quay khép kín của luân hồi, của sinh – lão – bệnh – tử, của những biến thiên, vận động không ngừng nghỉ. Và nhìn cuộc sống xung quanh, ta cảm nhận hết cái vô thường của nó:

“Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ
Ngày qua…
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về
Chốn xa…”

Trên hành trình bao la, ta nghe thấy tiếng muôn trùng là “lời của cây”, “lời cỏ lạ”. Vạn vật hữu hình và hữu hồn đồng hành cùng người lữ khách hồ hải phiêu lãng. Nhưng cái lâng lâng, bồng bềnh không trọn vẹn mà lại bị chen ngang bởi cái cảm giác vô thức về thời gian. Lời hát “Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ” rất bay bổng, rất phiêu trong cảm xúc của một kẻ lãng du giữa đời mà không cần “biết đâu nguồn cội”. Song, cái lãng du ấy, cái chất phiêu bòng ấy bị ghìm lại, không thể cất cao bằng một từ hạ ở cuối câu “ngày qua”. Ta ngồi say trong chiều vì cảm thấy “đời nhẹ như mây khói”, vì ta thức nhận được cái lẽ hư vô của nó. Nhưng dòng thời gian vô tình kia vẫn nhắc nhở ta về kiếp tồn tại của một thực – thể - người trong mình. Nên, ta nhìn thời gian mà “nghe những tàn phai”. Ta tiếc thương cho những kiếp phôi pha, những vẻ đẹp úa tàn trong dòng chảy vô tình của nước phủ thời gian.

“Vừa tàn mùa xuân rồi tan mùa hạ” – tất cả trôi qua trước mắt như một cuộc diễu hành những chia ly vội vã. Bao hẹn hò khép lại, bao vẻ đẹp úa tàn, màu sắc nhạt đi trong ly rượu cạn. Để một ngày đầu thu ta lại nghe “chân ngựa về” nơi “chốn xa”. Vó ngựa nhắc ta về cuộc hành trình. Phút nghỉ ngơi đã hết. Mọi thứ hữu hình trên đời này là giả tạm nên ta vẫn đi, vẫn về trong cõi vô thường để kiếm tìm những chân giá trị. Các tín hiệu thời gian – “ngày qua”, phương tiện - “chân ngựa”, không gian – “chốn xa” đã hội lại đầy đủ cho cuộc hành trình loanh quanh mà triền miên bất tận “một cõi đi về”.
Hành trình của ta đi về một cõi cũng là để trải tất cả mọi ái, ố, hỷ, nộ ở đời. Mọi thứ vô thường và bản thân ta vô ngã nên ta cứ đày mình trong một hành trình vô lượng, để chịu khổ, để trải khổ, trả khổ cho đời. Cái hành trình đời ấy mang cái mênh mang của đất trời, của vũ trụ, và thức nhận trong ta cái nhỏ nhoi, phù du của đời sống:

“Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người”

Đoạn ca từ chứa nhiều hình ảnh đẹp, mang tầm vóc kỳ vĩ của vũ trụ. “Mây che trên đầu và nắng trên vai/ Đôi chân ta đi sông còn ở lại” nghe thật hào sảng, mạnh mẽ nhưng lại có một cái gì đó hơi cô lẻ, đơn độc, xót lòng của kiếp tha hương. Dường như ta bắt gặp sự đồng điệu của hình ảnh “trời cao đất rộng/ một mình tôi đi” (“Lặng lẽ nơi này”) ở trong hình ảnh này. Mọi thứ đều ở lại còn bước chân ta vẫn đi. Hành trình kia vô tình đã gây nên bao nỗi sầu ly biệt. Qua mỗi chặng đường ta lại phải chia tay với một không gian, với một tình cảm người và cả một phần tâm hồn của ta. Vì thế, bất chợt “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi” để ta “lại thấy trong ta hiện bóng con người”. Bao năm ta ra đi, ta chỉ chỉ biết cây cỏ, nhật nguyệt, sông suối. Ta muốn quên, muốn rời cái đời - sống - người để như cánh chim giang hồ bay đi cùng với gió. Nhưng ta đâu tránh được lòng ta, cái nỗi lòng đa cảm nhiều mối tơ vương. Hình bóng con người hiện lên trong ta đánh thức ta về với bao xúc cảm, bao tình yêu, tình người đầy ắp. Và phải chăng đó cũng là hình bóng người trong ta bao năm ngủ quên nay thức dậy để cùng ta đối bóng, để ta thấy đời hoang vu, để ta biết cõi đi về của ta chỉ là một vòng quay luẩn quẩn của con tạo?

Những thức nhận đã đưa lại cho ta những cảm nghiệm về bản thân, để ta tự ngấm, tự thấm cái bi kịch lỡ dở trên hành trình đi, về của mình. Ta nghe xa vắng quanh mình những tiếng gọi vang vọng của một nơi gần mà xa, quen mà lạ, để ta hoang mang đi giữa trời đất mà không biết nơi đâu là chốn quê nhà:

“Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”

Ở đây, ta bắt gặp cái tâm trạng của kẻ phải chịu bi kịch lỡ dở của kiếp “con chim lìa đàn”. Nỗi nhớ đã nhấn chìm bi kịch của khách giang hồ khi cuộc lãng du chưa hết, khi cảm giác lạ chưa thỏa nhưng lại muốn nghĩ chân, muốn được gặm nhấm lại những gì quen thuộc. Dường như ở đây có một sự đồng điệu, hay ít nhất của là một sự tương giao màu nhiệm nào đó của cái Tôi – Trịnh Công Sơn với cái Tôi – Nguyễn Tuân – những con người luôn luôn khao khát đi để thỏa cái sở nguyện xê dịch. Đã không có một bến bờ nào cố định để neo đậu con thuyền trôi giữa dòng – nước – đời – bao la. Một con người ra đi mang trong mình cảm thức của cái tôi lạc loài, bé nhỏ, của cái hằng thường và hữu hạn trước cái vô hạn, bao la.

Nên mưa nơi này, mưa xa cũng chính là mưa trong lòng ta. Những ca từ này được sắp xếp rất tinh tế bởi có sự hòa điệu của ngoại cảnh và tâm cảnh. Những hạt mưa vẫn rơi trong đời và rơi trong lòng ta để ta mãi mãi sống trong cảm giác hoang lạnh của biệt ly, của ra đi, của cái vô biên trăm năm mà không biết hội ngộ. Và như thế, ta lạc loài giữa trời đất bao la để biết rằng không bao giờ có sự gần gũi. Hành trình kia là đi về nhưng thực tế chỉ là một cuộc ra đi vĩnh viễn. Ta vẫn hy vọng trong nỗi bất an về quê nhà nhưng chẳng biết ở nơi đâu. Vì trăm năm làm kiếp con người, đến một chiều tóc trắng như vôi liệu ta có cuộc hạnh ngộ nào không với những nơi ta đã qua, những người ta đã gặp? Lời hát chất chứa nhiều triết lý, để lại một cảm giác hư vô bao trùm!

Cái hư vô ấy lan tràn từ cảm xúc ra cảnh vật – hay nói đúng hơn là con người thức tỉnh về mọi điều hư vô nên nhìn vạn vật cũng hư vô, giả tạm:

“Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non, một bờ mộng mị
Ngày xưa…
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ
Suối khe…”

Đoạn ca từ này mở ra nhiều hình ảnh rất lạ, hoặc được kết hợp từ những ngôn từ theo nguyên tắc “lạ hóa”. Những “vòng tiều tụy”, “bờ cỏ non”, “bờ mộng mị”; những “lời tà dương”, “lời mộ địa”, “lời bể sông”… đem đến cho người nghe những cảm xúc mới mẻ, hoang vu, kỳ ảo theo kiểu Liêu Trai trong những nỗi niềm u hoài, tiếc nuối. Ca từ ở điệp khúc này vẫn được cấu tứ như ở điệp khúc lời 1 của bài hát – cấu trúc theo hai trục không gian và thời gian, dồn những tín hiệu đó ở cuối mỗi câu kết thúc nhịp hát. Cái đường chạy vòng quanh kia chính là hành trình một cõi đi về của ta. Trải qua bao năm tháng, nó đã trở thành vòng tiều tụy – tiều tụy của cái hành trình luân hồi khép kín, tiều tụy trong dáng hình kẻ tha nhân hành xác trên con đường tìm chốn quê nhà, tìm thứ gì tuyệt đích, tiều tụy trong trí nghĩ, trong những xúc cảm nhuốm màu bi ai của cái tôi trước mênh mông đất trời, trước cai vô thường của đời sống.

Và những “lời tà dương” cũng là “lời mộ địa”, “lời bể sông” đã nghe ra từ “độ suối khe”. Nghe những lời hát này, tự nhiên ta hình dung ra dáng hình con người tóc trắng như vôi nhìn lại quãng đời hành trình vừa qua trong ánh mắt ngậm ngùi, xa xăm vời vợi. Những gì quen thuộc, mộng mơ đã thuộc về ngày xưa. Bây giờ bóng chiều của kiếp sống đang đổ ập xuống, để ta nghe lời mộ địa thì thầm. Và chu trình của một cõi đi về sắp khép lại. Con người đi ra từ cát bụi đang chuẩn bị về với cát bụi như “lá úa trên cao rụng đây/ cho trăm năm vào chết một ngày”.

Buổi hoàng hôn của đời sống, ta ngồi nhớ chính bản thân, nhớ cái tôi của một thời đã mất. Bi kịch lỡ làng trong một vòng đời như được đẩy lên cao đầy diết dóng rồi chìm ngay vào tịch lặng:

“Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì”

Về lại nhớ đi, đi lại muốn về, ta cứ chênh vênh đi về một cõi. Sao mãi không thoát được vòng tròn của đi và về ấy? Những không gian vẫn đón chào ta. Non cao và biển rộng trong vũ trụ khôn cùng bao năm đồng hành với bước chân kẻ lữ thứ. Ta đi về trong cõi nhân gian chưa từng độ lượng. Có phải thế chăng mà hành trình “một cõi đi về" chưa thể kết thúc? Và ngọn gió hoang vu kia vẫn thổi suốt xuân thì. Nghe câu hát mà lạnh gai người bởi cảm giác cô liêu, bởi sự hoang vắng, bởi cái tàn phế theo ngọn gió xâm chiếm cả xuân thì. Cái tươi đẹp đang bị xâm lấn, bào mòn bởi những u trầm, buồn bã, tịch mịch đời. Tình yêu, sự độ lượng chưa về trong đôi tay nhân gian nên ta còn đi về tìm tiếp. Mỗi người mang trong mình “một cõi đi về" riêng nên đành chấp nhận tìm đến say để quên, để tìm đến sự giải thoát, giải thoát trong tiếc nhớ, xót đau:

“Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì”

Hai lời ca kết thúc bài hát cũng là khép lại “một cõi đi về” bằng hai cảm xúc trái ngược. Một nhẹ nhàng, thanh thản, phiêu lãng, say sưa trong giấc ngủ muôn để bỏ quên đời; một lại đầy xót xa, tiếc nuối, đau đáu nhớ thương, mênh mông sầu bi. Ngủ để quên nhưng tỉnh dậy lại tiếc. Cứ như thế ta đi về mãi trong hành trình kiếp sống vô thường. Hành trình ấy là bất biến, là bản thể của đời sống con người để cho ta sự - sống – người với mọi cung bậc của nó.

Người ca sĩ đã ngừng lời nhưng điệu khèn sacxophon còn réo rắt. Nó vọng mãi trong lòng ta giai điệu “một cõi đi về” của ta. Hành trình đó mãi mãi hiện hữu, mãi mãi nhân gian này phải trải qua. Một vòng chạy quanh ta và sẽ thành vòng tiều tụy. Tất cả thực và mơ, sống và chết, buồn và vui, hạnh phúc và khổ đau… đều tan theo mây khói. Hành trình của ta đi về trong cõi sống sẽ kết thúc ở nơi nó bắt đầu. Hư vô lại tìm về hư vô, lá rụng về cội, nước trôi về nguồn, cát bụi lại tái sinh trong cát bụi.

Cái bánh xe vô lượng vẫn quay trong sự vô thường của vạn vật. Trong cái vô thường ấy, ta vẫn tiếp tục dấn thân để hoàn thành cõi đi về của mình, để ta được sống trọn vẹn mọi bão bùng hay hồng thắm của đời kể từ ngày “mẹ cho mang nặng kiếp người” cho đến lúc nó “xanh rêu”. Mãi mãi là thế - đi về một cõi để “về nơi cuối trời” – về nơi nương náu cuối cùng trong tình yêu thương, trong sự giải thoát, trong cái thanh nhẹ để trả hết nợ tình đời. Và một ngày hạnh phúc nở hoa cho ta được làm “một viên đá cuội mà lăn theo gót hài”, được cho đời chút ơn vì những gì đẹp nhất đời ta mang lại. Như thế, ta cũng còn được hằn in một “vết lăn trầm” trên cái bánh xe vô lượng của kiếp nhân sinh vô thường.

Kiến Minh