Người ta vẫn tin rằng vào một lúc nào đó không lâu sau thời gian từ 25 đến 30 tuổi, sự tăng trưởng và phát triển ở não bộ thật sự chấm dứt. Kể từ lúc đó não bộ trở nên ngày càng nhanh chóng bị hư hoại bởi tuổi tác và những thương tổn, và sự xuống dốc của não bộ là bắt đầu từ mức tăng trưởng và phát triển cực độ đó. Nhưng những nghiên cứu mới đây về thiền định cho rằng tình trạng đáng buồn ấy không phải là điều không thể tránh được; vì sự thực hành thiền định liên kết với các biến đổi ở những vùng riêng biệt của não bộ có tính cách thiết yếu cho sự chú ý, việc học tập, và sự điều hòa cảm xúc.
Có thể điều đó không phải là đáng ngạc nhiên lắm. Khi chúng
ta tập luyện về cơ bắp trong các bài tập thể dục, các bắp thịt của chúng ta lớn
hơn và mạnh mẽ hơn. Cấu trúc của các bắp thịt có biến đổi. Thực tế, Hầu như mọi
cấu trúc của cơ thể đều có những biến đổi khi chúng được sử dụng thường xuyên
hơn. Ngày nay, điều đó có vẻ cũng đúng đối với não bộ. Chẳng hạn, chúng ta biết
rằng khi ta tập luyện việc tung hứng, cái phần của não bộ liên quan đến việc
theo dõi các đối tượng trong không gian trở nên phát triển hơn. Sự thiền định hẳn
là cũng không khác gì. Như mọi cuộc nghiên cứu độc đáo khác, công trình tìm hiểu
về kích thước của bộ não cũng là đối tượng tranh cãi, nhưng nó đã nhanh chóng
trở thành một lãnh vực cho sự tìm hiểu sâu xa hơn bởi nhiều nhà khoa học.
Đi tiên phong trong việc trình bày về tác động của thiền định
trên cấu trúc của bộ não là nhà nghiên cứu thần kinh học Sara Lazar thuộc Bệnh
viện Đa khoa Massachusetts. Bà đã sử dụng máy ghi nhận hình ảnh nhờ cộng hưởng
từ (MRI) để có được những bức ảnh rất chi tiết về các bộ não của 20 thiền giả tự
nguyện thuộc các trung tâm thiền định chung quanh thành phố Boston rồi so sánh
với các hình ảnh có được từ một nhóm đối chứng là 20 người khác không thực hành
thiền định. Các thiền giả chỉ là những người có kinh nghiệm thiền định chứ
không phải là Tăng, Ni, hay những người đã hoàn toàn rút lui khỏi cuộc sống thường
nhật. Nhóm hành giả gồm những người có thời gian thực tập thiền định trung bình
là 9 năm và vẫn dành ra một khoảng thời gian trung bình là dưới một giờ mỗi
ngày để ngồi thiền. Tất cả đều là người phương Tây, sống tại Hoa Kỳ và kiếm sống
bằng những công việc tiêu biểu. Những người không phải hành giả là dân địa
phương tình nguyện tham gia cuộc nghiên cứu, tương thích với những người là
hành giả về phương diện tuổi tác và giới tính nhưng hoàn toàn không có một chút
kinh nghiệm thực hành thiền định nào.
Lazar đã tìm hiểu sâu ở vỏ não, bề mặt che phủ phía ngoài
cùng của bộ não. Đây chính là phần tiến hóa nhất của bộ não. Khi những hình ảnh
về bộ não của hai nhóm được đem ra so sánh, Lazar nhận thấy phần vỏ não của
nhóm hành giả dầy đặc hơn là phần vỏ não của nhóm không phải là hành giả. Thông
thường người ta vẫn biết rằng vỏ não teo lại theo tuổi tác; tuy nhiên, ở những
đối tượng có thiền định trong cuộc nghiên cứu của Lazar, những phần mở rộng ở vỏ
não của họ có cùng độ dày như ở vỏ não của những người không tu tập thiền định
trẻ hơn họ khoảng 20 tuổi.Những nghiên cứu trước đó đã cho thấy đó chính là những
phần có nhiều hoạt động nhất trong quá trình thực hành thiền. Một trong những
vùng đó là phần vỏ não trước trán, cái phần của bộ não nhô ra xa nhất trong hộp
sọ, gần trán nhất. Một vùng khác được Lazar nhận thấy cũng có sự khác biệt là
thuộc một vùng khác của vỏ não, được gọi là não thùy.
Mặc dù hết sức khó khăn để tách rời một chức năng tinh thần
cụ thể nào đó khỏi một khu vực não bộ riêng biệt (và kết quả của những nỗ lực
thực hiện việc này là điều vẫn gây ra tranh cãi trong cộng đồng các nhà khoa học),
những khu vực riêng biệt mà Lazar đã chỉ ra ở phần vỏ não trước trán có tính
cách thiết yếu cho một chuỗi những khả năng khác nhau thuộc loại hết sức quan
trọng. Vùng vỏ não trước trán điều hành các chức năng quản trị nhận thức cao cấp
như là lập kế hoạch, lấy quyết định, và phán đoán, đồng thời giữ cho chúng ta
không gặp rắc rối bằng việc tạo sự thuận lợi cho những hành vi thích hợp về
phương diện xã hội. Điều đó cho phép chúng ta duy trì trong tâm thức cùng lúc
hai quan điểm hay hai kinh nghiệm khiến chúng ta có thể so sánh và đánh giá các
kế hoạch, ý tưởng, và ký ức. Điều đó cũng giúp chúng ta liên kết ký ức với những
dữ liệu cảm giác vừa tiếp thu nhờ đó chúng ta có thể kết nối điều chúng ta đã
có kinh nghiệm trong quá khứ với những gì đang xảy ra trong thời điểm hiện tại.
Một khu vực chính yếu khác cũng đã được Lazar nhận diện,
vùng não thùy, dường như có nhiệm vụ hòa nhập cảm giác với cảm xúc và xử lý những
cảm xúc xã hội, chẳng hạn như sự cảm thông và tình yêu thương. Não thùy cũng được
cho là một vai trò thiết yếu đối với khả năng tự nhận thức. Mặc dù không có
vùng nào của não bộ là không quan trọng, nhưng những hoạt động được hỗ trợ bởi
các khu vực não bộ vừa nêu lại là hết sức thiết yếu cho việc hoạt động hữu hiệu
của chúng ta trong cuộc sống.
Cuộc nghiên cứu này vẫn còn được coi là có tính cách sơ bộ,
một phần vì những kết luận của nó quá mâu thuẫn với những gì mà loài người nghĩ
là họ đã biết, phần khác vì nó chỉ nghiên cứu trên 20 hành giả. Lazar cho biết,
giữa các đồng nghiệp của bà, một số rất quan tâm và phấn khởi, trong khi nhiều
người khác vẫn nghi ngờ. Tuy nhiên, tiếp theo cuộc nghiên cứu ấy, công trình của
Lazar đã được khẳng định bởi một nhà nghiên cứu người Đức, Britta Holzel, cũng
đã khám phá những vùng não bộ khác, ẩn sâu trong bộ não, có khả năng làm tăng mật
độ chất xám nơi những hành giả tu tập thiền định. Chất xám là một phần của não
bộ chứa đựng nhiều nhất các tế bào não hiện hữu; việc mật độ chất xám được tăng
cường có thể phản ánh việc có sự tăng cường liên lạc giữa các tế bào não. Là một
nhà nghiên cứu nhưng đồng thời cũng là một hành giả thiền định, hiện nay Holzel
đang cộng tác với Lazar tại Boston. Những vùng mà Holzel và Lazar nhận diện
chính là các khu vực của não bộ có liên kết với những hình thức biến đổi tâm lý
và hành vi mà các hành giả thiền định đã nói tới từ hàng ngàn năm trước.
Một trong những vùng não bộ đó cho phép chúng ta chuyển hướng
tầm nhìn, một khả năng nâng đỡ một loạt những kỹ xảo và hành vi, kể cả năng lực
thấy được suy nghĩ của người khác và việc vận dụng những trường hợp có chấn động
về cảm xúc, chẳng hạn như khi ta vượt qua được những phản ứng của chính mình.
Điều đó hoàn toàn phù hợp với những gì đang thực sự diễn ra trong lúc thực hành
thiền định. Sự chuyển hướng tầm nhìn từ việc chỉ có những phản ứng lặt vặt mang
tính tự động đến việc trở thành một nhân chứng có nhận thức sâu hơn và tinh tế
hơn luôn luôn là một yếu tố cốt lõi của việc huấn luyện về thiền định. Lần lần,
hành giả tập luyện chuyển hướng từ một trạng thái chỉ có nhận thức mơ hồ đến một
nhận thức sống động về khoảnh khắc thực tại. Mới đây, Lazar và Holzel cũng đã
cho biết rằng ở các hành giả ít cảm thấy căng thẳng, vùng hạch hạnh nhân của họ,
vốn là khu vực não bộ có liên hệ chặt chẽ nhất với sự sợ hãi và những phản ứng
cảm tính, có mật độ chất xám giảm dần. Phát hiện đáng ngạc nhiên nhất là tất cả
những kiểu biến đổi cấu trúc về não bộ như vậy đã được ghi nhận chỉ sau tám tuần
lễ thực hành trong một trương trình thực tập của Trung tâm Giảm Căng Thẳng Dựa
Trên Thiền Định.
Holzel cho rằng công trình nghiên cứu về thần kinh học của
bà đã giúp ích rất nhiều cho việc thực hành thiền định của chính mình. Holzel
nói, “Việc nghiên cứu này giúp tôi cải tiến việc thực hành của mình ngày càng
tinh tế hơn, khiến tôi tỉnh thức hơn trước các tiến trình đang diễn ra trong
lúc tôi thiền định. Việc nghiên cứu cũng giúp tôi học tập được sự kiên nhẫn và
chấp nhận. Người ta có thể nghĩ rằng lẽ ra việc làm cho tâm trí trở nên tĩnh lặng
phải dễ dàng hơn; nhưng tôi hiểu, hệ thống thần kinh cũng cần phải có thời gian
mới có thể biến đổi được; và trạng thái lơ đãng là điều đã được xây dựng thành
hệ thống rồi. Chính sự hiểu biết này cho phép tôi chấp nhận cái cách thích hợp
cho tôi vào lúc bấy giờ. Đó chẳng phải là lỗi của tôi hay là vấn đề đối với
tôi. Đơn giản, đó chỉ là cách mà bộ não đã được tạo nên và là cách mà hệ thống
thần kinh của loài người vận hành”.
Ích lợi của những thông tin này đã được khẳng định bởi Lazar.
Bà phát biểu, “Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất về cuộc nghiên cứu này là sao mà
có quá nhiều những hành giả thâm liên và các vị thầy về thiền định vẫn nói rằng
có sự thúc đẩy để họ thực hành thiền định trong suốt bao nhiêu lâu mặc dù việc
thực hành thiền định của họ dường như chẳng đi đến đâu cả”. Lazar cũng cho biết
thêm rằng các hành giả thường nói với bà, “Tôi thường nghĩ rằng tôi đang phí thời
giờ vì tâm tôi cứ lang thang hết chỗ này đến chỗ nọ. Chính điều đó giữ tôi trên
tấm bồ đoàn vì tôi nhớ rằng những biến đổi đó đáng kể biết là chừng nào”.
Nguồn: This is Your Brain on Mindfulness, Shambhala Sun.
Michael Baime là giáo sư phụ tá lâm sàng của Đại học Y khoa
thuộc University of Pennsylvania và chính thức làm việc tại Trung tâm Ung thư
Abramson bang Philadelphia. Năm1992, ông xây dựng Chương trình Thiền Tỉnh thức
tại Pennsylvania và có liên quan đến một loạt những đề án khác nhau trong việc
thăm dò những hiệu quả của Thiền Tỉnh thức.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 136 – MICHAEL BAIME – TÂM LẠC dịch