Tuesday, January 15, 2013

Muốn giỏi hãy thừa nhận mình... dốt

Nếu bạn muốn trở thành một tài năng xuất chúng nhưng luôn cảm thấy buồn bã khi không có được 1% “khả năng thiên bẩm” thì chớ vội đầu hàng.

Những hotgirl học cực giỏi, xinh như công chúa Những từ khóa cho giới trẻ trong năm Rồng
Chúng ta còn tới 99% còn lại được tạo thành bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó thừa nhận mình… dốt là một cách làm rất hữu hiệu đấy nhé! Tại sao ư?

Người khôn thường nói ít

Jean-Jacques Rousseau, nhà triết học Pháp thuộc thế kỉ XVIII, đã phát biểu: “Kẻ biết ít thường nói nhiều trong khi người biết nhiều thường nói ít”. Sở dĩ như vậy, vì nhiều người ham danh hoa, thích khoe khoang những điều mình biết, đếm thành công bằng sự ngưỡng mộ của bạn bè mà chẳng hay rằng chúng chỉ như những hạt muối bỏ biển. Kiến thức là vô cùng và chớ khi nào chắc chắn rằng mình rành rẽ tất cả.

Tập lắng nghe

Chúng ta đến trường mỗi ngày, để nghe giảng và tiếp thu kiến thức, để nhận bài tập về nhà và hoàn thành chúng theo đúng kì vọng của thầy cô. Thế nhưng, tất cả những điều đó sẽ chẳng có giá trị nếu bạn không học được kĩ năng “lắng nghe”.

Trong bức thư gửi thầy hiệu trường ngôi trường nơi con trai mình đang theo học, cố tổng thống Abraham Lincoln đã viết: “Xin hãy dạy cho cháu biết, phải lắng nghe tất cả mọi người, nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc lấy những gì tốt đẹp!”

Phải lắng nghe người khác, ta mới biết những điều mình đã biết và chưa biết, những điều mình còn thiếu sót và cần học hỏi. Phải lắng nghe người khác, cảm nhận được có gì đó đã "nứt" ra trong suy nghĩ của mình, ta mới có thể vỡ vạc ra nhiều thứ.

Ngừng phán xét người khác

Khi nhìn nhận cùng một vấn đề, mỗi người trong chúng ta sẽ có những suy nghĩ khác nhau. Ngay cả hai người bạn chơi rất thân với nhau từ thuở bé, hoặc hai anh em sinh đôi được sinh ra từ cùng một mẹ cũng chưa chắc có đồng quan điểm. Bởi vậy, khi người khác bày tỏ ý kiến của họ, đừng vội phán xét. Trước một bài toán cô giáo đưa ra, bạn khăng khăng kết quả của bạn đúng, đó là ý kiến chủ quan. Hãy tôn trọng cách nghĩ của những người khác. Dù đúng dù sai, bạn cũng không bao giờ có quyền phán xét họ. Một sự nhầm lẫn nào đó hoàn toàn có thể xuất hiện, và dùng những lời lẽ không hay để phán xét họ là điều chẳng nên chút nào!

Học hỏi

Chúng ta đã quá quen với từ “học hỏi” và mặc định rằng nó có nghĩa tương đương với từ “học tập”. Thế nhưng, sự phong phú của tiếng Việt đã chỉ ra rằng, “học hỏi” là hành động được ghép với hai hành động đan xen, học và hỏi. Điểm tối kị trong quá trình tiếp thu kiến thức nhưng lại là quá phổ biến với dân teen chúng mình chính là ngại hỏi, ngay cả khi bài học vẫn là thứ gì đó quá xa vời.

Nhà toán học Pithagos đã nói “Hỏi một câu, chỉ dốt trong chốc lát. Không dám hỏi sẽ dốt nát suốt đời.” Bạn ngại giơ tay đứng lên và thắc mắc phần mình không hiểu vì sợ bị bạn bè chê là kém cỏi? Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận rằng lỗ hổng kiến thức ấy sẽ đeo bám bạn trong suốt những tháng ngày sau này đấy nhé!

Đừng nói, hãy hành động

Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta quên mất phần sau của câu nói trên “Im lặng là cấp độ cao nhất của sự khôn ngoan”. Không chỉ vậy, những tháng ngày miệt mài học tiếng Anh hẳn đã dạy bạn một câu thành ngữ rất nổi tiếng “Action speaks louder than words”. Tất cả đều muốn nói với ta rằng lời lẽ dường như là cách tệ nhất để chứng tỏ khả năng của một người.

Người ta có thể chẳng tin những gì bạn nói, nhưng họ sẽ không thể phủ nhận kết quả tốt đẹp mà bạn tạo ra. Bởi thế, hãy lạc quan bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, bàn ngang của người xung quanh để tập trung sức lực cho mục tiêu của chính bản thân mình. Ngay cả khi họ chê bạn… dốt thì điều đó cũng đâu đáng tin, phải không bạn? Oprah Winfrey trong một show truyền hình nổi tiếng đã chia sẻ “Nguyên nhân sâu xa của việc đi phán xét người khác chính là do cảm giác tự ti”.

Ta là một kẻ dốt nát

Từ trăm năm trước, Ivan Páp Lốp, nhà tâm lý học người Nga, đã tặng chúng ta một câu nói ý nghĩa “Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn đã biết tất cả mọi điều. Và dù người ta có đánh giá bạn cao đến đâu đi nữa, bạn vẫn phải luôn luôn có dũng cảm tự nhủ “Ta là một kẻ dốt nát”. Đừng để lòng kiêu ngạo xâm chiếm lấy bạn. Vì nó, bạn có thể bướng bỉnh ở chỗ cần phải tán thành, vì nó bạn sẽ từ chối lời khuyên có ích và sự giúp đỡ thân ái”.

Đó chính là lý do tại sao, dù biết rằng rất khó khăn nhưng thừa nhận mình dốt vẫn là một cách hữu hiệu để giỏi và giỏi hơn nữa đấy, bạn ạ !


 Sưu Tầm.