Loay hoay trong chiếc lưới
Ta tự đặt ra vô vàn những nguyên tắc, những hạn định cho
chính mình và người để rồi khi mình bước vào thực tế thì mình lại loay hoay
trong chính những điều mình đặt ra. Nguyên tắc đạo đức theo lời Phật dạy chính
là giới luật - giúp mình tăng trưởng tâm linh, đạo đức.
Khi mình hiểu rõ giới như hàng rào giúp mình khỏi rơi xuống
vực sâu của tội lỗi (không tạo nghiệp xấu ác) thì mình thực tập giữ giới rất nhẹ
nhàng. Khi ấy, giữ giới giống như việc mình chăm sóc thân mình theo chỉ định của
bác sĩ về việc chăm sóc sức khỏe vậy. Mình sẽ tự động làm theo chỉ định đó, và
đương nhiên thân thể mình sẽ cường tráng, khỏe mạnh trong điều kiện thực tế một
cách tốt nhất.
Còn giữ giới là tuân theo “toa thuốc” mà Đức Phật kê để giữ
cho tâm mình sạch sẽ, không bị ô nhiễm bởi những ý-khẩu-thân xấu ác lâu nay hoặc
học đòi từ chính cuộc sống xung quanh. Ai giữ được bao nhiêu (một cách tự nguyện)
thì chính người ấy sẽ cảm nhận hạnh phúc bấy nhiêu. Như kiểu, ta uống nước thì
mới biết nóng hay lạnh, và sống với giáo pháp, thực tập lời Phật dạy thì mới chạm
vào được hạnh phúc trong giáo pháp, chỉ ai cùng thực tập mới cảm nhận được.
Tất nhiên, giới luật Đức Phật chế định không phải là lời răn
theo kiểu có chế tài một cách nghiêm ngặt, nếu không đúng thì sẽ bị trừng phạt
bởi một đấng tối cao. Tuy vậy, vẫn có người hiểu như thế nên đã tự thêu dệt nên
tấm lưới tà kiến, chui vào đó và sợ hãi, gồng mình lên trong khuôn khổ giữ giới.
Dễ thấy điều này khi có rất nhiều người đi chùa tụng kinh hằng đêm nhưng lại…
không dám quy y, không dám nhận mình là Phật tử vì sợ tội, sợ Phật quở…
Hiểu sai việc thọ nhận giới nên không quy y và đó chính là sự
thiệt thòi lớn của ta, những người đã-đang tu nửa vời. Nếu có một sự rạch ròi
nương tựa Tam bảo, phát nguyện thọ trì nguyên tắc đạo đức (giới cấm) thì ta sẽ
có đủ động lực để gìn giữ những giá trị tốt lành cho ta, gieo vào tâm thức ta hạt
giống lành, từng bước, từng bước tiến vào lộ giới giải thoát, an vui. Và việc
nhận lời dạy của Phật để giữ gìn cũng cho thấy bản lĩnh tu tập của ta là đang cố
gắng hướng về phía chân-thiện-mỹ chứ không dễ dãi sống sao cũng được.
Chỉ nhận mình là phàm phu nhưng không xuất phát từ sự tàm
quý (hổ thẹn) mà xuất phát từ sự yếu hèn thì mình sẽ cứ giậm chân tại chỗ mãi
trong tiến trình tu tập. Trong khi Đức Phật dạy mình hãy tin “Ta là Phật đã
thành, các con là Phật sẽ thành” thì ta cứ mãi chấp nhận sống đời lam lũ, được
thân người, tàn tàn đi chùa vậy là đủ, là được thì ta sẽ mãi là “gã cùng tử” có
châu báu trong túi áo mà không biết lấy ra xài.
Châu báu ấy chính là tâm thanh tịnh, mà ta quên quấy đi mất
vì ta đã “bao phen sanh tử luân hồi”, cứ mãi nghĩ mình sẽ chỉ thế này thôi nên
không tiến lên, không tiến xa. Loay hoay không dám nhận lãnh lời Phật, hay loay
hoay nghĩ giới luật là lời răn, cấm tuyệt là ta sẽ còn khổ, hoặc là sẽ không
dám tiếp nhận gia tài hoặc là sẽ ôm khư khư phương tiện giới luật mà giữ một
cách cứng nhắc, để rồi chấp mọi thứ, không thể phương tiện đi vào cuộc đời mà
tu tập cho mình, hoằng truyền giáo pháp làm lợi lạc quần sinh được.
Cởi trói cho mình
Nhận thức đúng về đạo Phật ta sẽ không còn bị trói buộc bởi
nhiều thứ. Muốn vậy phải vừa học Phật, vừa ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống,
từ ý-khẩu-thân (tam nghiệp) để tịnh hóa dần những tập khí cũ kỹ vốn huân tập
lâu ngày, lâu năm, lâu đời. Học và tu là hai bước phải được ta uyển chuyển,
tương trợ nhau trong tiến trình tìm về bến bờ an vui. Khi hiểu đạo là từ cuộc đời,
từ những lao chen ấy toát ra cốt lõi của người tu thì ta sẽ thấy lời dạy sen có
trong bùn là không có gì bàn cãi. Mà thực thể sen ấy đâu thể tách rời bùn, nếu
lấy bùn khỏi sen thì sen không thể biểu hiện và ngược lại.
Do đó, ta không thể thoát ly cuộc sống, thực tại Ta-bà được
ta mặc định là dơ dáy.
Do vậy, tu trong chốn bùn dơ là phương pháp mà chư Tăng đã
chọn để ung dung tiến bước trong cuộc đời. Thông thường, ta hay chọn nơi này
nơi kia theo tiêu chí hoàn hảo để tu và rồi ta cứ hết lần này tới lần khác thất
vọng vì nơi nào cũng có vấn đề của nó, bởi nơi nào cũng có bùn bên cạnh sen. Ta
tìm một nơi toàn sen là ta đang ảo tưởng để rồi chạy mải miết trên hành trình
tìm kiếm bên ngoài, không thể thấy thân tâm. Phải từ những chốn sen-bùn ấy mà
ta học (khéo ngửi hương sen) và khéo diệu dụng bùn để làm chất liệu tu tập, nhẫn
nhịn mà bước qua thì ta mới rèn được tâm, luyện được trí thêm sáng, thêm định.
Bùn là những phiền não, là những uế trược còn lại đó đây
trong cuộc đời, thậm chí trong chốn thiền môn, trên một con người chọn đường xuất
thế. Sâu xa hơn trong sự nhận diện đó chính là nơi tâm ta. Và, ta phải sống
trong bùn để ấp ủ mầm sen, để vượt lên trên những phản ứng thông thường, rất đỗi
chúng sinh trong ta… Từ đó, lắng đọng những lao xao được mất/ thị phi trong
mình và dần làm tâm mình tỏa sáng từ những ao bùn như thế. Ngược lại, khi mình
tỏa sáng thì ánh sáng ấy sẽ làm kích hoạt cho những người xung quanh cũng biết
“thắp lửa trong mình”, bởi ai cũng có sẵn ngọn nến trong tay rồi. Do vậy, khi
mình tự độ mình thành công thì cũng đồng thời độ tha khi ấy.
Ta sẽ lao vào cuộc đời giảng dạy, làm từ thiện… đến mệt
nhoài, không khác một cái máy (robot) khi ta nghĩ rằng mình cần phải chuyển tải
những điều mình hiểu biết về Phật pháp cho chúng sinh thật nhanh, thật nhiều,
trong khi lại thiếu sự hiểu biết. Nghĩa là khi ta chưa chạm vào được hạnh phúc
trong giáo pháp đã vội vàng đi trao hạnh phúc thì vốn liếng sẽ nhanh cạn. Không
ít người sau khi đi làm các công tác từ thiện, hoằng pháp đã chao đảo, đánh mất
mình chính vì sự tách rời tu-học-hoằng truyền giáo pháp.
Hơn nữa, thi thoảng ta quên mất rằng, trong cõi Ta-bà này
không chỉ có cõi người mà còn nhiều cõi u minh khác, cũng như có những cảnh giới
trên mình. Dẫu biết cõi người là dễ tu tập nhất, có sướng có khổ, nhưng sự tu tập
của ta cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhiều chúng sinh khác. Do vậy, khi ta nhận diện
được sự tương quan, ảnh hưởng lại qua, trùm khắp như thế thì mình sẽ bắt đầu tu
như một cách hòa cùng làm một với tam thiên đại thiên thế giới chứ không phải
chỉ là một sự “cứu khổ” cho mình. Đừng quên, thực thể ta là một tế bào trong
trùng trùng chúng sanh sáu nẻo, nên khi ta thắp sáng tâm mình cũng là khi ta
góp phần thắp sáng cõi u minh.
Trở lại với việc cởi trói cho mình, ta sẽ thấy rằng mình bị
dính mắc vào năm món dục (ngũ dục) từ rất lâu. Danh, sắc, tiền, ăn uống, ngủ
nghỉ ai cũng bị chi phối. Với thực thể con người ta còn phương tiện sử dụng những
thứ này nhưng nếu không biết vừa đủ thì ta sẽ liền bị nó chi phối, làm chủ
chính mình. Trong cuộc rong ruổi xuống lên sáu đường đó (địa ngục, ngả quỷ, súc
sanh, người, a-tu-la, trời) ta đã bị chính những món này nhấn chìm, dắt dẫn.
Vì vậy, trang bị giáo lý ít muốn-biết đủ để sống theo con đường
trung đạo chính là áo giáp giúp mình chống chọi với những ham muốn vốn tồn tại
trong tâm ta như một thứ u cục đã ăn sâu, dễ dàng di căn khi ta chỉ biết cắt
cái ngọn! Thêm vào đó, việc mở lòng ra, “làm tất cả các việc lành” cũng là
phương thức tô bồi bản lĩnh, song song với “đoạn tất cả các việc ác”.
Không khó để cởi trói dần những dính mắc đó, quan trọng là
mình có niềm tin, nguyện làm và xắn tay vào làm. Hay nói một cách nôm na là phải
đi thì mới tới vậy!
Tác giả bài viết: GHPGVN
Nguồn tin: Lưu Đình Long