Monday, January 21, 2013

CON GÁI DỄ THƯƠNG

Sau nhiều năm nghiên cứu về sức hấp dẫn của người con gái, nữ Chuyên gia tâm lý người Mỹ, W. Growse cho rằng, bất cứ cô gái nào có được những điều dưới đây sẽ được mọi người yêu mến:

Thứ nhất là phải giàu nữ tính, nghĩa là có nhiều nét phân biệt với nam tính. Nếu con trai thường mạnh bạo, ăn to nói lớn, cử chỉ quyết liệt thì con gái nên dịu dàng, hiền hậu, nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng khoan thai và đặc biệt hãy luôn tỏ ra vui vẻ, lạc quan, không âu sầu, ủ rũ.

Thứ hai, người con gái dễ thương luôn biết quan tâm đến người khác và nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Khi trò chuyện với ai, họ luôn tôn trọng người nói chuyện với mình, không thao thao bất tuyệt nói hết phần người khác mà biết dành thời gian nghe người ta bày tỏ ý kiến của mình.

Thứ ba, sự dễ thương còn thể hiện ở tính tình điềm đạm, không sốc nổi, không manh động, lời nói và việc làm đều có tình, có lý. Chẳng hạn bạn đi đâu về thấy áo quần của mình bị lục lọi, trước hết bạn hãy hỏi đầu đuôi ra nhẽ mà không cáu gắt, quát tháo đùng đùng, có khi chuyện bé xé ra to. Về đến nhà bụng đói chưa có gì ăn, bạn biết vào bếp cùng mọi người làm cơm mà không chỉ ngồi kêu đói hoặc sa sầm nét mặt trách người khác không để phần mình.

Thứ tư ở người con gái dễ thương là bao giờ cũng khiêm tốn, không huyênh hoang ra vẻ ta đây. Có những cô gái cứ có cơ hội là khoe những ưu thế của mình, cái gì cũng hơn người khác. Nói đến học hành thì toàn đứng đầu lớp. Nói đến công việc, cái gì cũng thạo. Nói đến ăn chơi thì sành sỏi, lọc lõi. Người như thế có thể khiến người ta làm ra vẻ bề ngoài nể phục nhưng trong lòng thấy ngại, lần sau chưa chắc đã muốn nói chuyện với bạn đâu.

Tiếp đến, người con gái dễ thương là luôn sống thẳng thắn, cởi mở, dám bày tỏ ý nghĩ của mình. Sống nhiệt tình với mọi người, biết mỉm cười khi nói chuyện, mạnh dạn khi bắt tay, luôn thể hiện thiện chí của mình với đối phương. Quan sát kỹ những cô gái dễ thương chúng ta còn nhận thấy đặc điểm thứ sáu là họ rất độ lượng, không vì những việc nhỏ mà tranh cãi, gây gổ với mọi người. Khi có người nói những lời khiêu khích, chọc tức mình, họ cũng không ăn miếng trả miếng theo kiểu đốp chát.

Những nét trên đây có phải do bẩm sinh, Trời phú cho không? Thực ra bất cứ ai dù là người có đẹp hay không, trình độ học vấn thế nào, gia sản ra sao cũng đều có thể trở thành dễ thương được. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quan tâm, “dạy con từ thuở còn thơ” thì lớn lên có nhiều thuận lợi hơn.

Không ít bậc cha mẹ chỉ lo cho con vào “trường chuyên lớp chọn”, đầu tư không tiếc tiền của để con học hành nên người nhưng lại sao nhãng việc dạy những kỹ năng cơ bản thông thường nhất để trở thành một cô gái hiền thục, dễ thương. Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Từ những cái nhỏ nhất trong cuộc sống cũng phải học.

Lấy chuyện học ăn làm thí dụ. Ăn không phải chỉ đơn giản là đưa thực phẩm vào miệng tiêu hóa nó đi mà còn thể hiện nét văn hóa, phẩm hạnh, duyên dáng của con người, nhất là khi ăn ở những chỗ cỗ bàn, tiệc tùng. Người xưa có câu: “Nhân sinh dĩ thực vi tiên”, con người sống được trước hết nhờ ăn uống. Nhưng ăn còn được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực, một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc.

Ông bà ta dạy: “Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn”. Chứng tỏ việc ăn uống không thể tùy tiện. Có nơi thân tình, gặp bữa có thể ăn nhưng có nơi mời đến “gãy đũa gãy bát” cũng không ăn. Có nơi “yêu nhau bốc bải giần sàng” nhưng có nơi bụng đói mà “mâm cao cỗ đầy” vẫn từ chối.

Ngồi vào mâm, trước khi bưng bát cầm đũa, phải tùy theo tuổi tác người ngồi cùng mâm mà mời chào, không thể cứ cúi đầu lùi lũi gắp ăn. Khi gắp thức ăn, trước hết phải để vào bát mình rồi mới đưa lên miệng, cứ phải từ tốn “hai bước” như vậy mới đúng nghi thức. Không nên gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng hoặc chan canh rồi và soàn soạt hay nhai ngấu nghiến hoặc phát ra tiếng kêu tóp tép.

Nói chung trong khi ăn, rất hạn chế những âm thanh phát ra, kể cả việc gõ đũa lách cách hay nói chuyện. Nếu cần nói, phải chờ lúc đã nuốt xong miếng ăn mới nói, không vừa ăn vừa nói nhồm nhoàm. Bởi vì khi nói chuyện, người ta thường nhìn vào miệng nhau. Bạn thử tưởng tượng nếu nhìn thấy một cái miệng đang nói mà đầy thức ăn sẽ mất cảm tình đến thế nào?

Không nên gắp trước những miếng ngon, miếng to. Nói chung phải nhìn nhau mà ăn, không thể chỉ biết mình, ăn cho “khoái khẩu”. Ngay cả khi sử dụng các thứ nước chấm hay gia vị cũng nhường người khác dùng trước. Động tác ăn uống của người con gái nói chung càng phải từ tốn, nhẹ nhàng. Từ động tác chấm thức ăn vào bát nước chấm, cầm cái thìa để chan canh hay đưa thức ăn lên miệng đều phải gọn gàng, thong thả, nếu làm mạnh hoặc nhanh thoăn thoắt dễ thành ra ăn thô, uống tục.

Ngoài ra, trước khi gắp một thứ thức ăn, cần phải biết thức ăn đó chấm vào loại nước chấm nào, không nên cứ gắp lên đã nhưng chưa biết chấm vào đâu, cứ phân vân cầm miếng thức ăn giơ lên trước mặt mọi người. Đã đụng đũa vào miếng nào là gắp miếng ấy, không được kén chọn, gắp miếng nọ, bỏ miếng kia hoặc cầm đôi đũa bới đĩa thức ăn hay lấy thìa khua trong bát canh để tìm miếng mình thích. Khi gắp miếng thức ăn phải gọn gàng và chọn miếng vừa phải, không gắp miếng quá to hoặc quá dài. Người ta kể rằng, có cô con gái mới về làm dâu gắp miếng rau muống quật đôm đốp vào bát nước chấm như thể giặt áo ngoài ao. Có cô đưa quả cà ghém lên miệng cắn đốp một cái, hạt cà bắn cả vào mặt mẹ chồng, đến nỗi bà mẹ phải bảo con ra sân xem có đứa nào ném đá lên mái nhà mà nghe rào rào vậy? hihihi

Khi ngừng ăn cũng phải đúng lúc và đúng phép xã giao. Chủ nhà mời khách mà buông bát đũa rời mâm đứng dậy quá sớm khi mọi người đang ăn là điều cấm kỵ, khác nào đuổi khách đi. Trái lại, mọi người đã thôi không ăn nữa mà mình vẫn ngồi ăn thản nhiên để người ta phải chờ cũng là bất lịch sự. Ăn phải hết sạch bát cơm mới được ngừng và nhẹ nhàng đặt bát đũa xuống, miệng nói mời mọi người còn mình xin đủ nhưng vẫn chưa được bỏ đi nếu mọi người còn đang ăn.

Ăn xong, dùng giấy ăn hay khăn lau miệng chứ không theo thói xấu lấy đũa gạt ngang miệng. Xỉa răng cũng phải có ý tứ, lấy tay che miệng lại chứ không cầm cái tăm quét đi quét lại hay xỉa mạnh vào từng kẽ răng. Nên xỉa răng nhanh và vứt tăm đi chứ không nên vừa ngậm cái tăm ở mồm vừa nói chuyện. Chỉ nói riêng về ăn chúng ta đã thấy đâu phải ai cũng biết ăn. Đến việc đi đứng, nằm ngồi, nói cười... đều phải học hết.

Tất nhiên, những kỹ năng này không thể trông chờ các thầy cô giáo dạy ở trên lớp học. Phần lớn họ chịu ảnh hưởng của cha mẹ và được cha mẹ, nhất là người mẹ, uốn nắn cho con gái từ lúc còn thơ bé. Tạo hóa không chia đều nhan sắc cho tất cả mọi người. Con người sinh ra mỗi người một vẻ, có người đẹp, có người không đẹp. Nhưng cái duyên của người con gái thì ai cũng có thể có, nếu họ được cha mẹ dạy dỗ và bản thân họ có ý thức cố gắng làm sao để mình trở thành cô gái duyên dáng, dễ thương. Bởi chính những cái đó mới giữ cho tình yêu, hạnh phúc được lâu bền.

Trịnh Trung Hòa 

P/s Vất vả quá.