Thật là phiền phức: nào là đi chợ, nào là nấu, nào là ăn, là
dọn, là rửa bát.
Ăn uống thật là mất thời gian, trong khi nó còn bao nhiêu việc
phải làm, bao nhiêu bài phải học, bao nhiêu sách phải đọc kia. Tâm niệm như vậy
nên giúp mẹ nấu cơm mà nó cứ lơ đãng, quên cái nọ, sót cái kia làm mẹ bực mình,
thỉnh thoảng lại mắng. Nó càng ghét nấu nướng hơn.
Thế rồi mẹ nó phải đi công tác xa mấy tháng, cuối tuần mỗi mới
được về một lần. Tuần nào cũng vậy, trước khi đi mẹ luôn mua sẵn thức ăn cất
trong tủ lạnh. Nó mừng khấp khởi, từ giờ những hôm mẹ vắng sẽ chẳng phải bày đặt
nấu nướng nữa, ăn uống thế nào cũng xong. Bữa cơm chỉ có hai bố con sơ sài lắm:
đĩa thịt hâm lại, đĩa rau luộc nhạt nhẽo. Bố thường xem ti vi khi ăn, còn nó, vừa
ăn vừa đọc sách.
Rồi một hôm nó quyết định ăn trưa ở trường để học hai buổi
luôn, không về trường buổi trưa nữa. Hôm thì nó mua bánh mì mang lên lớp vừa ăn
vừa mở laptop ra xem, hôm thì xuống canteen trường nhồm nhoàm một suất nhỏ cho
chóng thoát cái không khí bức bối ồn ào ở đấy. Nó ăn vội vàng chẳng để ý thế
nào là ngon.
Sinh nhật một bạn cùng lớp, cả nhóm rủ nhau về nhà bạn ấy
làm bún chả ăn. Ồn ào nhưng mà vui. Hoa, cô bạn ở quê lên trọ học, cứ tấm tắc
khen ngon quá, thích quá, lâu lắm mới được một bữa vui vẻ thế này. Nó nghe bạn
nói mà cười cười. Bỗng Hoa thở dài, tiếp:
- Ăn với các bạn vui vẻ, tớ nhớ cơm nhà quá! Cơm nhà còn
ngon hơn vì ấm cúng, thân thiết hơn. Ở ký túc xá suốt ngày ăn cơm canteen, tớ
nhớ nhà, thèm cơm nhà lắm! Bao giờ mới đến Tết, tớ về nhà, mẹ con, chị em nấu
nướng vui vẻ với nhau...
Nó im lặng nghe rồi ngẫm nghĩ: Thì ra, để có một bữa cơm
ngon, không khí gia đình là quan trọng lắm. Không phải bây giờ nó mới biết điều
ấy mà bây giờ mới thực sự thấm thía. Và, bữa cơm ngon nhất, đáng quý nhất chính
là bữa cơm có giọt mồ hôi chan chứa yêu thương của mẹ. Nó vui hơn vì biết không
cần chờ đến Tết, cuối tuần này mẹ về rồi. Nó sẽ cùng mẹ nấu ăn, cố gắng không để
bị mắng nữa để có bữa cơm thật ngon cùng gia đình...
Nguyễn Thùy Giang