Chúng ta ai cũng có những mẫu người đàn ông hoặc đàn bà
lý tưởng. Chẳng hạn như người đàn ông lý tưởng thì phải can đảm và không bao giờ
được run sợ. Người đàn bà lý tưởng thì phải luôn yêu thương và hiền thục; phải
không bao giờ được ganh tỵ hay dữ dằn đối với con cái. Khi những lý tưởng ấy hiện
lên trong tâm chúng ta hay tâm của người khác, chúng ta sẽ có những đánh giá:
"Ồ, tôi không được phép nghĩ như thế " hay "Bà ta quả là một người
kinh khủng, đầy ganh ghét và sân hận" hay "Ông ta là một kẻ hèn nhát,
luôn lo bảo vệ bản thân mình."
Nền văn hóa của chúng ta khuyến khích và nuôi dưỡng
trong chúng ta thói quen đánh giá, phán xét, và phê bình chính chúng ta và người
khác. Nhưng con đường của Đức Phật là con đường không phán xét, không ức chế,
không đè nén, không theo bên nầy hoặc bên kia, mà chỉ thuần ghi nhận. Đây là
cách sống của một người có tâm tỉnh thức: Vị ấy chỉ quán sát và ghi nhận những
gì đang xảy ra trong dòng sông tình cảm không ngừng trôi chảy nầy; Vị ấy có tình
cảm và trí thông minh, có khả năng tư duy và trí nhớ. Và nhờ quán tưởng như thế,
chúng ta có thể tha thứ, buông bỏ, và giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng của cuộc
sống và tất cả những đau khổ luôn đi kèm với những si mê và lầm lạc do tham ái
và dính mắc mang lại.
Con người là chúng sanh có khả năng tỉnh giác và tỉnh thức
trong giây phút hiện tại, có khả năng biết được cái đang xảy ra tại đây và ngay
bây giờ. Khi có cái nhìn tỉnh thức về thực tại nầy, chúng ta sẽ không còn nhắm
mục tiêu đi tìm một cái gì đặc biệt trong đời nữa. Vì làm như thế, chúng ta sẽ
không còn tỉnh thức nữa; lúc đó, tâm chúng ta sẽ chỉ lo đi tìm một cái gì đó để
hiểu biết. Tâm tỉnh giác là tâm có công năng tiếp thu và đón nhận, nhưng nó
không thụ động và thiếu thông minh. Tâm tỉnh giác có cả hai, vừa thông minh hiểu
biết, vừa có khả năng tiếp thu và đón nhận.
Là con người, ai cũng có trí thông minh. Nhưng chúng ta
có khuynh hướng sử dụng trí thông minh một cách sai lạc vì chúng ta có thói
quen chấp chặt vào những tư tưởng, quan điểm và ý kiến của chúng ta. Chúng ta
có những ảo tưởng rất là thông minh và xuất chúng về chính chúng ta và về cái
thế giới mà chúng ta đang sống. Nhưng khi chúng ta buông bỏ tất cả và sống với
hiện tại, tâm chúng ta sẽ chỉ còn lại sự thấy biết sáng suốt, không bị bóp méo
hoặc nhiễm ô bởi những tham ái và sợ hãi. Trí thông minh của chúng ta hoạt động
một cách tối ưu, sáng suốt, và chiếu rọi. Đây chính là điều mà chúng ta muốn
nói đến khi chúng ta nói chúng ta quy y Phật, một con người hoàn toàn tỉnh thức
hay một Bậc Toàn Giác. Chúng ta sẽ hiểu bản chất thật sự của sự đau khổ. Chúng
ta tu tập cách đi ra khỏi khổ đau, cách chấm dứt khổ đau, và để rồi cuối cùng,
sẽ không còn dấu vết gì của khổ đau cả.
Tâm và Đạo
Quán tưởng về cuộc sống trong Đạo Phật
The Mind and The Way
Buddhist Relections on Life
Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch
Montreal, Quebec, Canada 2004