Sự tinh tấn và năng lựơng có ảnh hưởng cộng sinh. Nhờ có
năng lượng, ta mới có tinh tấn. Ngược lại, nếu ta cứ tiếp tục tinh tấn, thì
năng lượng càng tăng thêm. Năng lượng là nhiên liệu của sự tinh tấn, cũng như
ngược lại. Tinh tấn có vẻ như đối nghịch với sự thoải mái, dễ chịu, nhưng nếu cứ
tiếp tục tham Thiền, đến một lúc nào đó, ta sẽ nhận ra rằng chính nhờ có tinh tấn
ta mới có được sự thoải mái, dễ chịu.
Ðức Phật đã chỉ cho ta bốn tinh tấn ba la mật là những
phương tiện hữu ích. Chúng được gọi là "ba la mật" (tối thượng) vì
chúng rất hữu ích và cũng rất khó thực hiện. "Ðừng để một ý xấu dấy khởi,
nếu nó chưa dấy khởi. Ðừng để nó tiếp tục, nếu nó đã phát sinh. Hãy dấy khởi ý
niệm lành, nếu nó chưa phát sinh. Hãy nuôi dưỡng ý niệm lành, nếu nó đã dấy khởi
".
Ðể làm được như thế ta phải theo dõi tâm mình, và phải
biết phân biệt giữa cái tốt và cái xấu. Ðó là một trong những lý do tại sao tôi
đã khuyên các bạn nên đặt tên cho tư tưởng của mình, khi chúng phát sinh trong
lúc tọa Thiền. Chỉ khi nào ta biết mình nghĩ gì, ta mới có thể có những biện
pháp thích ứng. Ta cần biết tâm mình đang có những ác niệm hay niệm lành, cần
biết phân biệt rõ ràng như thế, ta mới có thể thực hành được lời dạy trên của Ðức
Phật.
Cần phải có rất nhiều chánh niệm để giữ cho các ác niệm
không dấy khởi, vì ta phải biết rõ về chủ đích ở phía đằng sau. Với những tư tưởng
đang dấy khởi, điều đó dễ dàng hơn. Vì thế, ta nên bắt đầu với chúng, cho đến
khi ta có đủ khả năng để biết một điều gì đó không được tốt đang chực chờ bộc
phát, để ngăn chận không cho nó xuất hiện.
Khi hành thiền, mọi tư tưởng đều vô ích vì ta không muốn
suy nghĩ, mà muốn thiền. Trong cuộc sống hàng ngày thì lại khác. Ta cần phải dẹp
bỏ mọi ác niệm. Cố gắng đè nén chúng không ích lợi gì. Mà nên buông bỏ chúng,
hoặc thay chúng bằng những thiện niệm. Khi tọa Thiền, ta thay thế tư tưởng bằng
sự chủ tâm vào thiền quán. Ta có làm được điều đó hiệu quả hay không trong thiền,
sẽ phản ánh trong việc ta thực hành bốn tinh tấn ba la mật trong đời sống hàng
ngày. Ngược lại, trong đời sống hàng ngày, ta có thực hành tốt hay không bốn
tinh tấn ba la mật, thì điều này lại phản ánh trong lúc ta tu tập Thiền. Những
ác niệm trong đời sống hàng ngày hiện lên trong sự lăng xăng, không yên tĩnh
lúc ta tọa thiền. Trong khi những ý niệm lành luôn được nuôi dưỡng, và không
bao giờ sai lệch, sẽ đem lại an bình và yên tĩnh cho tâm ta.
Nếu ta không thể nhớ gì về những điều Phật dạy trừ bốn
tinh tấn ba la mật này, thì cũng là đủ. Những điều khác, nếu chúng ta có nhớ,
có thể giúp ta thêm phấn khởi, thêm thanh cao, nhưng bốn ba la mật vừa nêu trên
giúp người thực tập chúng dễ dàng đạt được sự thanh tịnh.
Cần phải có chánh kiến để nhận ra rằng đó là những điều
chúng ta cần làm, và muốn thực hành, ta cần phải huân tập công phu. Trên cõi đời
này rất ít có người hoàn toàn không có ác niệm. Vì ta tràn đầy các ác niệm nên
ta phải sống trong một thế giới cũng nhiễu nhương, hỗn loạn. Không phải là các
ngôi nhà cao tầng, xe cộ hay các cơ chế chính quyền làm nên thế giới này. Nhưng
chính là quá trình tư duy của chúng ta đã làm nên sự khác biệt giữa chiến tranh
hay hoà bình, giữa nội tâm ta và thế giới bên ngoài ta.
Ðặt tên cho các ý nghĩ của mình, có nghĩa là ta biết ta
đang nghĩ gì. Tốt nhất là ta thực hành các điều này khi hành Thiền, là khi ta
có thể thấy rõ ràng tâm ta luôn luôn lăng xăng. Các tư tưởng của ta có thể xấu
hoặc tốt hoặc trung tính, không tốt không xấu, có thể là tư tưởng hoang mang,
lăng xăng, lo âu hay sợ sệt, ghen ghét, ganh tị hay hoàn toàn mù mịt. Trừ khi
ta biết rõ những điều này, ta không thể nhìn trở vào để tự quán sát, ta sẽ
không bao giờ hiểu tại sao mình lại có những cảm giác như thế hay hành động như
thế.
Bốn tinh tấn ba-la-mật là những điểm cơ bản trên con đường
đạo. Trong khi hoa hương, đèn nến, tiếng chuông, chùa chiền chỉ là những thứ
trang sức bên ngoài. "Ðừng để một ý xấu dấy khởi, nếu nó chưa dấy khởi. Ðừng
để nó tiếp tục, nếu nó đã phát sinh. Hãy dấy khởi ý niệm lành, nếu nó chưa dấy
khởi. Hãy nuôi dưỡng ý niệm lành, nếu nó đã phát sinh". Ðó là quá trình
thanh tịnh hoá tư tưởng, và cũng đưa đến sự thanh tịnh hoá lời nói và việc làm.
Khi những điều đó xảy ra, ta có thể thấy rõ ràng hơn. Một tấm gương trong suốt
với mặt gương sạch bóng không dính buị dơ, là tấm gương có thể phản chiếu được
những hình ảnh trong sạch.
Ta cần phải tinh tấn trong bất cứ việc gì mình làm, nhất
là trong lúc tọa thiền. Vì dầu hành thiền một cách tinh tấn, ta cũng không thể
thấy những kết quả tức thời. Ðiều đó có thể khiến tâm thoái hoá, không có được
sự tinh tấn ban đầu. Khi tâm đòi phải có kết quả tức thời, đó là sự trói buộc,
bám víu, đòi hỏi. Ðó là lòng ham muốn, do đó đưa đến đau khổ.
Làm điều gì cũng thế. Ta thường trông mong kết quả, rồi
khi kết quả không như ý, thì sinh ra chán nản, buồn rầu. Tinh tấn vì tinh tấn,
không vì mong muốn kết quả. Có được chánh tinh tấn là một thiện nghiệp, không cần
biết đến kết quả như thế nào. Như khi tham thiền, dầu ta chưa thấy kết quả rõ
ràng, tức thời, nghiệp thiện cũng đã được hình thành do có chủ đích tốt.
Chỉ cần có chánh tinh tấn, ta cũng đã có được lợi ích,
nhưng ít khi ta để ý đến điều đó. Ta còn mãi trông đợi những phần thưởng vật chất.
"Tôi đã quá cố gắng mà vẫn không thể chú tâm"hay "Tôi đã thương
yêu con cái biết bao nhiêu, nhưng chúng chẳng hề biết ơn", "Tôi đã
chăm sóc cho cô tôi bao nhiêu lâu, vậy mà cô ấy chưa bao giờ nói lời tử tế với
tôi". Ðó là một thái độ sai lầm. Sự cố gắng của ta đã là một nghiệp thiện,
đó chính là kết quả. Không cần biết ai khác nói gì hay kết quả ra làm sao, đó
là vấn đề thứ yếu. Ðôi khi ta đạt được định. Ðôi khi kẻ khác hàm ơn việc ta làm
cho họ. Nhưng điều đó không liên hệ đến hiệu quả của những cố gắng của ta. Nếu
ta không thay đổi cách nhìn, thì ta luôn phải phụ thuộc vào kết quả. Như thế sự
tinh tấn của ta sẽ lúc có, lúc không vì kết quả cũng lúc có lúc không. Nếu tinh
tấn không luôn có mặt, rõ ràng nó không có hiệu lực. Chánh tinh tấn cần phải
luôn vững chắc.
Nghe Âm Thanh
Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo
https://archive.org/details/1.-cha-nh-kie-n
Vô ngã, Vô ưu
Thiền quán về Phật Đạo
Ni sư Ayya Khema
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Nguyên tác: "Being Nobody, Going Nowhere
Meditations On The Buddhist Path",
Wisdom Publications, 1987