Khi vào sâu trong thiền, ta có thể tìm được chánh định,
là điều Ðức Phật đã nói đến trong nhiều bài giảng như con đường, như phương tiện,
chứ không phải là mục đích.
Chánh định căn bản vẫn cần các chi nhánh khác của Bát
chánh đạo. Nếu không có giới hạnh, không có chánh tư duy, chánh kiến, chánh
tinh tấn, thì không thể có được chánh định. Vì thế chánh định được nhắc đến sau
cùng. Và cũng vì nó là điểm khởi hành của ta từ một người bình thường trở thành
người có Giác Ngộ. Chánh kiến đứng ở vị trí đầu tiên trong Bát chánh đạo, vì
không có chánh kiến, không có gì có thể xảy ra. Chánh định đứng ở vị trí cuối
vì nó cần tất cả những yếu tố khác để có thể thành hình và tạo ra phương tiện để
đạt được sự tự tại.
Khi đã có chánh định, và đã cố gắng soi rọi lại nội tâm
mình, lúc đó chánh kiến lại rõ ràng hơn. Ðó là chánh kiến về sự giải thoát. Như
thế cuối cùng ta đã đi hết vòng tròn để trở lại với chánh kiến về "cái ngã", tức là vô ngã. Chúng ta
không thể tìm thấy cái "vô ngã". Chúng ta không thể tìm thấy cái gì
không có mặt. Vì thế ta phải luôn chất vấn, tìm hiểu về cái gì mà ta tin là
"tự ngã". Chúng ta tin vào thân, vào thọ, tư duy, tâm hành là cái ta.
Thì ta cần phải xem xét lại tất cả những gì được coi là "cái ta" ấy.
Nếu ta không biết rõ ràng về "cái ngã" đang có trong tay, không làm
chủ nó, thì ta không thể buông bỏ nó. Nếu tôi không biết cái đồng hồ của mình ở
đâu, nếu tôi không có nó ở trong tay, thì tôi không thể bỏ nó đi. Tôi chỉ có thể
làm được điều đó khi tôi biết đích xác nó là gì, đang ở đâu. Nếu tôi đi tìm đồng
hồ mà không thấy, thì tôi không thể làm gì được với nó cả. Ðối với "cái
ngã" của ta cũng thế.
Cuộc truy tìm là về "cái ta". Cái thân này là
gì? Ðó có thật là "tôi", là "của tôi" không? Nếu nó là cái
xác, nó có còn là "tôi" không? Những cảm thọ này có thật là của tôi
không? Tại sao chúng lại đến, khi tôi chẳng mong chờ? Tại sao tôi có những ý tưởng
chỉ làm tôi đau khổ? Ai đang đau khổ? Ai là "tôi"? Có phải là
"cái tôi" của ngày hôm qua, hôm nay hay ngày mai? Cứ như thế, những
câu hỏi để tìm ra ở đâu là "cái tôi", cái gì là "tôi". Và
cuối cùng khi tôi tìm ra được nó, lúc đó tôi mới có thể buông bỏ được ảo tưởng
về nó.
Tóm lại, để tìm hiểu về "vô ngã", ta phải bắt
đầu với "cái ngã", và khi nó trở nên ngày một rõ ràng đó chỉ là tư duy
sai lầm về "cái ngã", nó cũng trở nên rõ ràng là quá trình tư duy của
ta có thể chuyển hệ.
Tất cả những yếu tố ta đã bàn ở đây chỉ là con đường, là
phương tiện để làm giảm bớt lòng chấp ngã, làm cho nó trở thành nhỏ hơn. Ðịnh
là một yếu tố quan trọng, vì lúc mà tâm hoàn toàn định, thì không còn tư tưởng
như "tôi là, tôi có thể, tôi sẽ, tôi muốn, tôi không muốn". Khi ta
hành thiền thường xuyên, "cái tôi" thường nhỏ lại, và người ta có thể
nhìn sự việc một cách rõ ràng hơn. Ngược lại, nếu ta không tu tập định hay chú
tâm, ngã chấp của ta vẫn không thay đổi.
Bát chánh đạo đi từ cái nhìn đúng một cách tương đối tới
cái chánh kiến tuyệt đối, và cuối cùng, chính con người trở nên Bát chánh đạo.
Lúc đó không cần phải thực tập Bát chánh đạo nữa hay cố gắng để nhớ tới chúng.
Không cần phải cố gắng với từng bước, vì Bát chánh đạo đã trở thành bản năng tự
nhiên của ta. Các vị A-la-hán lúc nào cũng có chánh kiến, chánh tư duy. Các
Ngài không có tà ngữ, hành động sai trái hay nghịch mạng. Nhưng lúc nào cũng
chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Với chúng ta mỗi ngày một ít. Chỉ có
thực hành mới giúp ta hoàn thiện Bát chánh đạo.
Nghe Âm Thanh
Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo
https://archive.org/details/1.-cha-nh-kie-n
-ooOoo-
Vô ngã, Vô ưu
Thiền quán về Phật Đạo
Ni sư Ayya Khema
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Nguyên tác: "Being Nobody, Going Nowhere
Meditations On The Buddhist Path",
Wisdom Publications, 1987