Wednesday, June 3, 2020

NÓNG GIẬN


 Chúng ta luôn phải đối đầu với bao kẻ thù. Vì chúng trụ ở bên trong ta,

ta khó nhận ra chúng. Do đó trước hết ta phải ngó lơ chúng để chú tâm vào việc thanh tịnh hóa tâm, dần dần chúng không còn là một phần của ta nữa.

 

 Con đường tâm linh, con đường thanh tịnh hóa, đoạn diệt, tự do là con đường dẫn ta đến sự thay đổi bản tánh của mình. Nếu ta không bắt đầu bằng bước đó,

ta sẽ không thể bước vào thế giới thanh tịnh. Mọi thứ khác đều là ngoại giới,

chỉ có bản tánh là nội tâm. Mặc dầu ngoại giới có thể đẹp đẽ,

có thể mang cho ta cảm giác thoải mái, nhưng chúng không thể thay đổi nội tâm ta.

Và chỉ có sự thay đổi đó mới phân biệt được một người cao cả với người bình thường. Người bình thường hành động theo sự sai bảo của bản năng.

Người cao cả chuyển hóa chúng.

 

 Chướng ngại thứ hai cũng như các tội lổi khác gây bao điều tai hại cho ta đó là sân hận, nóng giận. Mức độ nóng giận có thể nặng, nhẹ.

Khi bùng nổ ra ngoài, khi gậm nhấm bên trong. Khi nó được bộc lộ ra lời,

thường làm người khác cũng sinh giận dữ. Từ đó gây ra cãi vả trong gia đình,

xích mích ở xóm giềng. Nảy sinh ra oán thù giữa các cộng đồng,

chiến tranh giữa các quốc gia hay trên cả thế giới.

 

 Tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ trong tâm ta, nên ta phải nhận ra rằng thế giới không phải là tha nhân. Mà mỗi chúng ta là một thế giới,

do đó trừ khi ta tự tìm thấy an bình trong chính tâm ta,

ta sẽ không thể tìm thấy điều đó ở đâu khác.

Không cần kể là người khác đang tức giận, bực bội, sai quấy hay ngã mạn.

Không có gì đáng kể cả.

Điều quan trọng chính là thái độ của chúng ta trong hoàn cảnh đó.

Không thể có sự an ổn tuyệt đối trên thế giới nầy. Dưới thời Đức Phật đã không có. Dưới thời các vĩ nhân, các vị thánh đã không có.

Trái lại, lịch sử đã bày cho ta thấy bao nhiêu cảnh tranh giành thế lực chính trị,

chiến tranh, anh em xâu xé nhau.

 

 Sự bình an duy nhất ta có thể có được là sự bình an tự trong trái tim ta.

Sự an lạc Đức Phật đã tìm thấy cho chính mình, lại âm vang đến cả thế giới.

Ngài là người đã tìm thấy an bình với chính mình, với thế giới và sự an bình đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, hơn hai ngàn năm trăm năm sau trong Pháp của Ngài.

Năm trăm triệu người trên thế giới đã thệ nguyện làm đệ tử của Ngài.

 

 Rõ ràng là nghiệp của chúng ta không giống nhau.

Nhưng nếu ta có thể truyền cho người thân trong gia đình, sự an bình,

tự tại trong tâm ta, cũng đã quá tốt. Đó cũng là một thành tích có phải không?

Khi tất cả mọi người trong gia đình đã được truyền cho sự bình an,

thì an bình cũng có thể lan truyền đến hàng xóm, láng giềng.

Được thế càng tốt hơn.

Ta không cần phải là Phật mới có thể ảnh hưởng sâu xa đến người khác.

 

 Ảnh hưởng sâu xa chỉ có thể nẩy sinh khi trong tâm ta chỉ có sự bình an,

tâm không còn dấy khởi sân hận.

Chỉ có các vị A la hán mới đoạn diệt được hết các niệm sanh ra sân hận.

Dầu vậy nếu ta có thể kiềm chế sân hận vẫn hơn lúc nào cũng giận dữ, cãi lẩy, hờn oán, thương tổn, trách móc người khác.

 

 Sân hận dấy khởi do ta cảm thấy bị thương tổn, đau đớn,

và phản ứng của con người lạ lùng thay, là cũng gây đau đớn lại cho người khác.

Ta sẽ không thể sửa đổi, nếu như không nhận biết điều đó.

Nhưng không phải ai cũng gây đau đớn cho người khác,

có người tự gây thương tích cho mình. Họ nuốt giận, chôn giấu nó,

nhưng nó vẫn sôi sục ở bên trong.

Và rồi tất cả sự giận dữ đó sẽ phát lộ ra bằng các chứng bịnh,

thiếu nghị lực, trầm uất, tiêu cực, thiếu hỉ lạc và bình an.

 

 Rất ít người chúng ta gặp trên đường phố có nét mặt vui vẻ, hạnh phúc.

Bạn có nhận thấy không? Không chỉ ở đây mà ở khắp nơi:

Sidney, London, Amsterdam hay Paris. Bất kể ở đâu, con người đều giống nhau.

 

 Những đau đớn ta đã kinh nghiệm trong cuộc đời, mà ta luôn phải chống trả,

tạo cho ta cái ý nghĩ là nếu ta trả đủa lại, thì sự đau đớn, tổn thất của ta sẽ giảm đi.

Sự thật thì trái lại, điều đó chỉ làm cho sự đau đớn tăng lên gấp bội.

 

 Đức Phật đã so sánh sân hận như bịnh sôi mật.

Khi bạn giận dữ -và tôi đoán chắc rằng không ai thóat khỏi- bạn hiểu cảm giác đó thế nào?

Cảm giác khó chịu -vậy mà ta cứ mãi sân hận. Nếu đó không là kỳ quái, thì là cái gì? Giống như người tự đánh mình, mỗi lần đánh đều thấy đau,

nhưng vẫn cứ lập đi, lập lại.

 

Đức Phật cũng ví giận dữ giống như cầm than đỏ bằng tay không,

chọi vào kẻ khiến ta sân giận. Ai sẽ phỏng trước? Dĩ nhiên là người giận.

 

 Ngài cũng ví sân hận như cái hồ trong đó nước sôi sục. Nếu nước sôi,

ta không thể có một mặt hồ tĩnh lặng để soi mình vào đó. Khi ta giận dữ,

ta không còn biết tất cả vì mục đích gì, sự tỉnh thức của ta bị chìm lấp.

Ta quên hết mọi thứ, chỉ còn biết cơn giận của mình.

Nếu lúc đó ta có thể nhìn vào kiếng thì gương mặt ta nhìn thấy sẽ xấu xí biết bao. Nhưng lúc đó không ai còn thì giờ để nhìn vào kiếng. Họ bị cuốn lấp trong cơn giận.

 

 Đức Phật dạy khi sân hận dấy khởi, điều đầu tiên ta nên nhớ là ‘Ta là chủ nghiệp ta’. Sự nhắc nhở đó rất quan trọng ở giây phút căng thẳng nhất.

‘Tôi làm chủ nghiệp của tôi, nên nếu như tôi tức giận,

tôi sẽ lãnh nghiệp báo của hành động đó’. Bất kể người kia đã làm gì cho bạn giận.


 Sự u mê lớn nhất của con người là tự làm khổ mình bằng chính những hành động của mình. Cần phải có quyết tâm sửa đổi để một ngày nào đó -có thể hôm nay,

năm tới hay một cuộc đời khác- để không tự gây đau khổ cho mình nữa.

Hãy ngưng phản ứng một cách tiêu cực đối với bất cứ việc gì xảy ra quanh ta,

vì ta biết rằng tất cả chúng ta đều ô trược, tội lổi,

và chính sự ô trược đó khiến cho phiền não sinh ra.

 

-ooOoo-

ÂM THANH

https://archive.org/details/no-ng-gia-n

         

Vô ngã, Vô ưu

Thiền quán về Phật Đạo

Ni sư Ayya Khema

Diệu Liên Lý Thu Linh dịch

Nguyên tác: "Being Nobody, Going Nowhere

Meditations On The Buddhist Path",

Wisdom Publications, 1987