Chánh nghiệp cũng dựa vào sự chủ tâm đúng. Nếu có chủ
tâm đúng, dựa trên chánh kiến, thì chánh nghiệp sẽ theo sau. Tất cả đều tạo ra
nghiệp cho ta, vì tất cả đều là kết quả của sự chủ tâm. Lời nói dựa vào chủ
tâm. Hành động cũng dựa vào chủ tâm. Tất cả tạo ra nghiệp - tốt, xấu hay không
tốt không xấu - không phải là cho ngay kiếp sau, mà chính là cho ngay hiện tại.
Nghiệp và nghiệp quả xảy ra từng giây phút. Trừ khi ta để ý đến kết quả, ta sẽ
không biết rằng chúng có liên hệ với những gì ta vừa nói, vừa nghĩ hay vừa làm.
Nhờ có chánh nghiệp ta không làm hại đến sinh vật khác
dưới bất cứ hình thức nào, từ bỏ lòng tham lam ác độc. Không thể đè nén lòng
tham và sự ác độc. Chúng sẽ hiện lên bằng cách này hay cách khác. Ta cần phải
có tâm buông bỏ chúng, qua sự tu tập Thiền định. Khi tọa Thiền, ta phải dứt bỏ
mọi tham ái, nếu không sẽ không có Thiền định. Chỉ có vọng tưởng, hy vọng, ước
mong, sợ hãi, nhớ tưởng. Nếu không buông bỏ được những trạng thái này của tâm,
thì ta khó thể tham Thiền. Thiền định là xả, buông bỏ mọi lăng xăng của tâm,
ngã tưởng và ái dục. Vì ta chưa thực tập buông bỏ được nhiều, ta rất khó ngồi
Thiền, nhưng lần hồi, với sự huân tập, ta sẽ dễ tọa Thiền hơn. Cố gắng đè nén
chúng không có kết quả gì, nhưng sự buông bỏ cái ý muốn suy tư, nhớ tưởng, hoạch
định, sẽ đem lại kết quả khả quan nhất. Buông bỏ lòng ham muốn là con đường duy
nhất dẫn tới sự bình an, và khi đã kinh nghiệm được như thế, ta sẽ hiểu được rằng
buông bỏ lòng ham muốn trong đời sống hàng ngày sẽ mang lại cho ta hạnh phúc.
Chánh nghiệp có thể thực hiện được trong mọi hoàn cảnh,
bởi bất cứ ai, bất cứ lúc nào, dầu ở nhà, hay nơi công sở, hay chốn tu hành. Bất
cứ nơi nào, bất cứ chúng ta là ai, tất cả chúng ta đều phải hành động. Chúng ta
có thể xét xem những hành động có ích lợi cho người khác hay cho chúng ta. Ngay
cả việc nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa cũng phải được làm với chủ đích tốt, không
phải vì bổn phận, vì được yêu cầu hay vì sợ người khác. Lý do chánh để ta làm
điều đó là vì ở đúng một thời điểm nào đó, việc đó cần đuợc thực hiện với một mục
đích. Quán sát kỹ, đầy chánh niệm, dần hồi ta biết được chủ đích thực sự và
quan điểm của mình trong các hành động. Ta có thể thấy được sự liên kết giữa
thân và tâm, mà không cần phải để ý đến những thứ bên ngoài ta. Sẽ không có sự
miễn cưỡng, chống đối, mà đối với mọi việc ta đều làm với cả tấm lòng. Chỉ có
như thế thì hành động của ta mới mang lại kết quả gì.
Thường người ta nghĩ rằng công việc làm ta không còn thì
giờ vui chơi, tiêu khiển. Ðó rõ ràng là một cái nhìn sai lầm. Chính sự vui chơi
mới làm gián đoạn công việc. Dầu làm bất cứ nghề gì, công việc cũng là phương
tiện để ta cảm thấy hữu ích, sống có mục đích. Công việc là phương tiện giúp ta
hoàn toàn chú tâm đến thân, biết các duyên hành, duyên khởi của thân. Công việc
là cơ hội để ta giúp ích, phục vụ người, phát triển các kỹ năng và biểu lộ tình
thương đến với người khác bằng cách phục vụ họ. Không có phương tiện nào tốt
hơn để thanh tịnh hoá thân tâm bằng công việc. Không chỉ làm để kiếm sống hay
vì người khác đòi hỏi mà làm mọi việc với tất cả tấm lòng như một phương tiện để
thấu hiểu mọi việc hơn.
Nghe Âm Thanh
Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo
https://archive.org/details/1.-cha-nh-kie-n
Vô ngã, Vô ưu
Thiền quán về Phật Đạo
Ni sư Ayya Khema
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Nguyên tác: "Being Nobody, Going Nowhere
Meditations On The Buddhist Path",
Wisdom Publications, 1987