Sự thật thánh thiện thứ tư hay Đạo Đế là Bát Chánh Đạo
hay Con đường thánh thiện gồm có 8 chi phần. Chi đầu tiên của Bát Chánh Đạo là
Chánh Kiến hay Cái thấy biết chân chánh (samma ditthi). Chánh kiến có được khi chúng
ta thấy và thể nghiệm được sự chấm dứt của khổ đau. Để có Chánh Kiến, chúng ta
phải luôn luôn chánh niệm. Chúng ta phải thấy rằng tất cả sự vật đều sinh và diệt
và không có tự ngã. Và cái biết nầy phải là cái biết bằng kinh nghiệm trực tiếp
và phải là cái nhìn xuyên thấu bên trong sự vật. Chánh kiến dựa trên sự hiểu biết
trực tiếp, sáng suốt và sâu sắc chứ không dựa trên suy nghĩ, tư duy trừu tượng
hay khái niệm. Ngày nào mà bạn không thật sự thể nghiệm trực tiếp mà chỉ dùng
suy nghĩ của mình để cho là mình biết về các sự vật thì bạn sẽ luôn bất an và rối
loạn. Lý do chủ yếu là vì sự hiểu biết thuần lý chỉ dựa trên các ký hiệu và biểu
tượng ngôn ngữ chứ không dựa trên sự thể nghiệm trực tiếp những thực tại của cuộc
đời.
Chi thứ hai của Bát Chánh Đạo là Chánh Tư Duy (samma
sankappa), hay thái độ chân chánh, ý định chân chánh, mục đích chân chánh. Khi
có được Chánh Kiến, tâm của bạn sẽ tự nhiên hướng về Niết Bàn hay cảnh giới Không
sanh không diệt, tức là hướng về mục tiêu giải thoát. Bạn sẽ thấy là bạn vẫn
còn bị những nghiệp lực và tập khí như hoài nghi, lo âu hay sợ hãi chi phối và
kéo bạn trở lại thế giới của ngũ dục nhưng bây giờ bạn có thể nhận ra những
nghiệp lực nầy. Bạn biết được thực tướng của nó và sẽ không bị chìm đắm lâu
trong đó. Ngày trước, bạn có thể bị mất hút và chìm đắm hàng tuần trong tuyệt vọng,
hoài nghi, sợ hãi, hay đủ loại tham ái dục lạc. Nhưng khi đã có cái nhìn trí tuệ
và Chánh Kiến, bạn sẽ có Chánh Tư Duy hay thái độ đúng. Có thể bạn vẫn chưa đủ
quyết tâm để tinh tấn hướng về sự giác ngộ, và vì thế, bạn vẫn có thể tiếp tục
sống trong si mê và ảo tưởng, nhưng bây giờ bạn chỉ si mê và ảo tưởng trong một
thời gian ngắn mà thôi.
Chánh Kiến và Chánh Tư Duy được xem như là hai chi phần
của Trí Tuệ (panna), và từ đó, Trí Tuệ sẽ đưa bạn đến chi thứ ba, thứ tư, và thứ
năm của Bát Chánh Đạo. Đó là Chánh Ngữ hay lời nói chân chánh (samma vaca),
Chánh Nghiệp hay hành động chân chánh (samma kammanta), và Chánh Mạng hay đời sống
chân chánh (samma ajiva). Trong tiếng Pali, chúng tôi gọi ba chi nầy là Sila
hay Giới hạnh -- tức là phần đạo đức của Bát Chánh Đạo. Sila nghĩa là làm điều
thiện và tránh làm điều bất thiện qua hành động và lời nói. Chánh Kiến và Chánh
Tư Duy sẽ hỗ trợ cho Giới hạnh vì khi thấy được sự thật về khổ đau, nguồn gốc của
khổ đau, và sự tận diệt của khổ đau, bạn sẽ không còn muốn làm và nói những gì
có thể gây thiệt hại cho mình và các chúng sanh khác. Bạn sẽ thấy mình có trách
nhiệm; bạn sẽ không lạm dụng hành động của mình và người khác hay cố ý gây thiệt
hại cho các chúng sanh khác. Bạn có thể vô tình làm hại người khác nhưng thật sự
trong tâm, bạn không có ý định hãm hại họ. Đó chính là sự khác biệt.
Khi có Giới Hạnh, tình cảm chúng ta sẽ quân bình và
chúng ta sẽ thanh tịnh. Vì không giết hại, trộm cắp hay nói dối, chúng ta sẽ
không bị dày dò bởi tình cảm hối tiếc và mặc cảm tội lỗi, và tâm chúng ta sẽ an
vui, quân bình, buông xả và khiêm hạ. Tình cảm an vui và thanh tịnh nầy sẽ đưa
chúng ta đến chi thứ sáu, thứ bảy và thứ tám của Bát Chánh Đạo. Đó là Chánh
Tinh Tấn hay chuyên cần chân chánh (samma vayama), Chánh Niệm hay quan sát chân
chánh (samma sati), và Chánh Định hay tập trung tĩnh lặng chân chánh (samma
samadhi). Với tinh tấn, chánh niệm và tập trung chân chánh, tâm chúng ta sẽ
quân bình, buông xả, không hưng phấn hoạt động cũng không thụ động trì trệ. Giống
như một em bé đang tập đi: bạn luôn bị mất quân bình và dễ bị trượt ngã. Nhưng
chính trong quá trình tập đi nầy, bạn sẽ dần dần phát huy năng lực. Một em bé tập
đi có sức mạnh là nhờ dựa vào cha và mẹ, bàn và ghế, những cái trượt ngã và va
chạm đau đớn và vào những nỗ lực tự đứng lên để đi lại từ đầu. Rồi em sẽ đi được
hai bước, bắt đầu tự đi một mình, và cuối cùng em sẽ tung tăng chạy nhảy. Sự
quân bình tình cảm cũng đòi hỏi như thế. Khi có tâm quân bình, bạn sẽ thấy mọi
việc dễ dàng, bạn có thể đi, chạy, xoáy người và nhảy vọt lên cao.
Vì thế, chúng ta chia Bát Chánh Đạo thành ba phần: Sila
(Giới), Samadhi (Định), Panna (Tuệ). Sila (Giới), là đạo đức cá nhân, cách làm
ăn sinh sống và ứng xử trong hành động và lời nói. Samadhi là sự quân bình về
tình cảm. Khi có được Chánh Định, bạn sẽ không còn bị ham muốn ích kỷ, ái dục
và lòng tham muốn chiếm đoạt chi phối nữa. Sự quân bình về tình cảm sẽ làm phát
sinh hỷ lạc và từ tâm. Bạn sẽ quân bình và buông xả nhưng không thờ ơ lãnh đạm
với cuộc đời. Tâm bạn sẽ không chứa đựng gì khác ngoài tình thương dành cho tất
cả chúng sinh (metta). Tâm từ sẽ tự nhiên sinh khởi khi không còn cái ngã.
Nhưng khi lòng ích kỷ trổi dậy thì tình thương sẽ trở thành sự thèm khát,
lòng bi mẫn sẽ trở thành sự thương hại, niềm hỷ lạc sẽ trở thành sự ham muốn ích kỷ. Khi không có cái ngã, niềm vui sẽ tự nhiên đến và lòng từ bi sẽ tự trào dâng trong tâm bạn. Panna là trí tuệ, là biết được sự thật để tiến đến sự hài hòa viên mãn giữa thể xác, tình cảm, và tinh thần. Với trí tuệ, ba nhân tố nầy hoạt động hỗ trợ nhau thành một thể thống nhất thay vì hoạt động như là những lực lượng đối nghịch và xung đột lẫn nhau.
Nghe âm thanh
https://archive.org/details/4.-da-o-de-hay-su-tha-t-tha-nh-thie-n
Tâm và Đạo
Quán tưởng về cuộc sống trong Đạo Phật
The Mind and The Way
Buddhist Relections on Life
Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch
Montreal, Quebec, Canada 2004