Wednesday, June 17, 2020

3. Chánh Ngữ


Lời nói rất quan trọng, ta cần phải giữ ý tứ hơn trong lời nói. Không phải vì ta có khả năng sử dụng ngôn ngữ, là ta biết nghệ thuật nói chuyện.

 

Ðức Phật đã có lời khuyên rất sâu sắc về ngôn ngữ, rất đáng để ta ghi nhớ: "Nếu bạn biết chuyện có hại và không đúng, đừng nói ra. Nếu bạn biết chuyện có ích, nhưng không đúng, đừng nói ra. Nếu bạn biết chuyện có ích, và đúng sự thật, hãy đợi đúng thời điểm để nói ra".

 

Chúng ta phải tập bỏ nói những lời giả dối. Trước hết ta cần phải suy nghĩ những lời mình nói, để biết chắc rằng chúng hữu ích, chân thật và đúng thời, đúng lúc để nói. Khi người khác chịu lắng nghe trong một trạng thái bình tâm, tỉnh trí, thì đó là đúng lúc. Nhưng quan trọng hơn cả, những lời nói đó phải phát xuất từ lòng thương yêu của ta. Chỉ những lúc ấy ta mới nên nói điều gì. Nếu trong ta có lòng giận ghét, kình chống người nghe dù chỉ là chút ít, điều đó cũng sẽ hiện ra trong lời nói của ta, như thế lời nói của ta cũng vô ích. Ai cũng có lúc cảm thấy cần bảo người khác không nên làm điều này, điều nọ. Khi phát ngôn, hãy nhớ những lời khuyên trên để lời nói của ta có hiệu quả hơn.

 

Chánh ngữ thường được hiểu là không nói lời điêu ngoa, không nói chuyện người, nói hai lưỡi, nói đâm thọc, nói lời dữ ác hay chửi rủa người khác. Ðức Phật dạy rằng lời nói có thể gây thù hay kết bạn, đem lại hạnh phúc gia đình hay đổ vỡ. Nó là cội rễ của tình bạn đậm đà hay gây nên oán thù. Ðức Phật cũng nói rằng chánh ngữ cũng có nghĩa là không đi đến cực đoan, nghĩa là lúc quá nhiều lời, lúc cạy miệng không ra, laøm thế cũng bằng nói dối. Nó bắt nguồn từ ý muốn làm mình thêm quan trọng.

 

Khi La Hầu La, con của Ðức Phật, được 7 tuổi, Ðức Phật đã dạy con về việc không nói dối, là điều quan trọng cho trẻ con cũng như người lớn. Nếu điều đó không quan trọng đến việc dạy dỗ cho La Hầu La, Ðức Phật đã không nói đến. Ðức Phật cho con coi một cái bình có ít nước trong đó và nói với La Hầu La: "La Hầu La thấy gì trong đây?" Ðứa trẻ trả lời: "Con thấy một ít nước". Ðức Phật nói: "Lòng tin cậy của người khác đối với kẻ nói dối cũng ít như thế". Rồi Ngài đổ nước ra khỏi bình nói: "Giờ thì con thấy gì?" La Hầu La trả lời: "Cái bình giờ trống rỗng". Ðức Phật nói: "Ðúng vậy, người nói dối cũng trống rỗng giống như thế". Rồi Ngài lật ngược cái bình lại, nói: "La Hầu La giờ con thấy gì?" La Hầu La đáp: "Cái bình bị úp xuống ". Ðức Phật nói: "Ðúng vậy, người mà nói dối thì cuộc đời của họ sẽ bị đảo lộn như thế".

 

Nói dối là bước khởi đầu để phạm mọi giới luật khác. Người ta nói dối để tự bảo vệ mình, vì tham lam, để được nhiều hơn phần mình đáng được, đôi khi vì lòng sân hận, người ta nói dối để hãm hại người khác.

 

Lời nói dựa vào tư tưởng, vì thế nếu ta có thể chế ngự tư tưởng của mình, ta mới có thể chế ngự được lời nói. Chúng ta sẽ chánh niệm những gì chúng ta suy nghĩ, để đổi nó từ xấu xa đến thanh tịnh. Nếu ta không thể học kềm chế lời nói của mình, ta sẽ không có nhiều bạn.

 

Mặt khác ta phải nói lời có ý nghĩa. Tán gẫu cũng là tà ngữ. Thí dụ chỉ nói để mà nói, như là nói chuyện gia đình, đồ ăn uống, thời tiết, thăm hỏi xã giao. Nói để giải khuây, giết thời giờ. Trừ khi ta có chánh niệm, biết rõ điều mình nói, bằng không ta nên giữ im lặng, quán xét tâm của mình.

 

Chánh ngữ là một trong ba mươi tám căn lành trong bài Kinh Ðại Hạnh Phúc (Great Blessings Discourse). Thật là may mắn, nếu ta biết nói lời tử tế, lịch sự đầy ý nghĩa, đầy chân thật. Hai người có thể nói cùng một điều, với hai chủ đích khác nhau, vì thế nghiệp quả của họ cũng khác đi. Nếu ta thực tập bằng cách quán tâm của mình thì dần dần ta có thể biết được sự chủ tâm của mình, nhưng ta không thể làm thế trong khi nói.

 

Giới luật thứ tư trong năm giới, kiềm giữ, không nói dối, nói lời không thật, cần phải được xét lại xem nó có ý nghĩa gì trong cuộc đời ta. Nếu ta thực sự chọn hành động theo lời Phật dạy, thì giới luật đó phải được đưa lên hàng đầu, vì ai cũng nói suốt cả ngày. Khi ta nói những lời thật có ý nghĩa, mọi người sẽ lắng nghe. Khi ta nói lời tử tế, người khác sẽ vui mừng. Khi ta nói lời lịch sự ta sẽ có thêm bạn. Lời chân thật, ta sẽ được uy tín. Không có lời xiên xỏ, đâm thọc ta sẽ được tin cậy. Ta có thể tâm sự, chia sẻ với người khác về những khó khăn hay bí mật của mình. Nếu ta có thể trở nên một người như thế, ta sẽ có nhiều bạn bè và một cuộc sống bình an, vì trong tâm ta không có gì cần phải được che dấu. Ta không cần phải lo lắng về những điều mình nói, nói như thế nào, hay không biết điều mình nói có đúng không. Lời nói của ta sẽ thành dễ dàng vì đằng sau chúng là những chủ đích tốt đẹp.

 

Ðức Phật cũng nói về việc giảng Pháp. Cần phải chính xác, nghĩa là ta phải biết mình đang nghĩ gì, cảm giác ra làm sao. Ðiều này rất quan trọng. Mọi người khi nói Pháp, ngay cả khi nói về việc Thiền định của chính mình, cũng phải chính xác. Có nghĩa là tâm ta phải rõ ràng, lúc đó ngôn ngữ chính xác mới có thể phát ra. Ðây là những khả năng ta có thể huân tập được qua sự chánh niệm. Không phải qua những bài học về thuật hùng biện.

Nghe Âm Thanh

Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo

https://archive.org/details/1.-cha-nh-kie-n

 

Vô ngã, Vô ưu

Thiền quán về Phật Đạo

Ni sư Ayya Khema

Diệu Liên Lý Thu Linh dịch

Nguyên tác: "Being Nobody, Going Nowhere

Meditations On The Buddhist Path",

Wisdom Publications, 1987