Kế tiếp là chánh niệm. Nếu bạn đã thực hành chánh niệm,
bạn sẽ biết chánh niệm là gì. Khi ta đặt chân xuống đất và không biết đến gì
khác hơn là việc đặt chân xuống đất, đó là chánh niệm. Khi đưa đũa lên miệng,
ta không biết gì khác hơn là như thế, đó là chánh niệm. Ðiều đó rất khác với việc
ta làm hàng ngày, nhưng nếu ta không biết sự khác biệt đó, thì ta chưa biết thực
hành chánh niệm. Lúc ta hoàn toàn chánh niệm ta không thấy gì khác hơn. Ðó là sự
chú tâm vào một điểm. Ðiều đó giúp ta quên đi những phiền não của mình, vì ta
không thể nghĩ về hai điều cùng một lúc. Một trọng tâm điểm khi đem ứng dụng
vào thiền, dần dần ta sẽ có thể đạt định. Trong cuộc sống hàng ngày, sự thực
hành chánh niệm giúp ta quên đi bao phiền não, vì chúng không còn ngự trị tâm
ta, và trong thiền, nó giúp ta đạt định.
Chánh niệm còn có thể giúp ta tự thanh tịnh hoá. Khi người
ta biết rõ mình đang làm gì, nói gì hay nghĩ gì, người ta sẽ trở nên cẩn thận để
thân, khẩu và ý đều không sai phạm, không để nó bị những hành động bản năng, cấu
uế làm chủ. Bằng cách đó, ta được thanh tịnh hoá.
Ðôi khi có sự hiểu lầm về từ "chánh niệm".
Chánh niệm có nghĩa là luôn luôn lúc nào ta cũng có sự chú tâm. Làm sao ta có
thể sửa đổi ác nghiệp, nếu ta không chú tâm, không biết đến sự hiện diện của
chúng?
Có bốn chánh niệm căn bản: chánh niệm về thân - như hành
động, sự chuyển động, ba mươi hai bộ phận, dáng đi đứng, sắc thân; chánh niệm về
các cảm thọ - như các cảm giác tâm sinh lý; chánh niệm về tâm - như quá trình
tư duy, biết rằng ta đang suy nghĩ, tâm đang hoạt động, biết rằng có suy tưởng
và biết tư tưởng; và cuối cùng là chánh niệm về đối tượng của tâm - như biết rằng
tư tưởng nào đó là cấu uế hay trong sạch.
Theo truyền thống, chánh niệm về đối tượng của tâm trước
đó được coi như là sự chú tâm để xem coi phần nào là của năm uẩn hay bảy giác
chi, bát chánh đạo hay sáu trần dấy khởi. Nhưng trong thực tế, trong ứng dụng
hàng ngày, điều đó quá phiền toái. Phần đông chúng ta không nhớ hết mọi chi tiết
để tra xét. Chỉ cần biết tư tưởng đó có trong sạch hay ô uế là đủ rồi. Cũng thế,
rõ ràng ta khó thực hành bốn thứ chánh niệm cùng một lúc. Ta có thể lựa chọn
khi hành thiền. Hoặc là chú tâm vào hơi thở vào ra, hay đi thiền hành, cả hai
việc này đều khiến ta phải quán thân. Hay ta có thể quán về các cảm thọ do tâm
sinh lý gây ra. Nếu ta nhận thấy mình bị phiền não vì vọng tưởng, thì đó là kết
quả của sự quán tâm. Khi ta đặt tên cho các vọng niệm, và biết đó là thương,
ghét, từ bi, sân hận thì là ta đang thực hành quán về đối tượng của tâm. Tóm lại,
khi tham thiền, chính ta là người lựa chọn đặt sự chú tâm của mình vào đâu.
Nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì khác. Ta phải đặt
chú tâm vào việc gì đúng ở thời điểm nó đang xảy ra. Thí dụ như khi đang băng
qua một con đường có nhiều xe cộ, mà ta lại phải chú tâm vào từng bước chân của
mình, thì e rằng đó không phải là một cách giữ mạng sống. Ta phải chú ý xe cộ
chạy ra làm sao. Trong trường hợp này, có nghĩa là ta phải chú tâm vào những gì
đang xảy ra quanh ta. Hay khi đang trò chuyện qua điện thoại, chắc ta khó chú
tâm vào cái ống nghe, vì làm thế thì ta sẽ chẳng biết mình nói gì. Ta phải chú
tâm vào quá trình tư duy và kết quả của nó là những lời ta nói ra. Bất cứ gì hợp
lý, đó là nơi ta phải đặt chú tâm vào.
Chánh niệm là một yếu tố tâm linh mà ta có thể và phải
thực tập mỗi giây phút tỉnh thức. Có hai mươi bốn giờ trong một ngày, và nếu mọi
việc suôn sẻ, ta có thể tham thiền một tiếng vào buổi sáng, một tiếng buổi tối.
Ta có thể ngủ sáu hay bảy tiếng, như vậy ta còn lại khoảng mười lăm tiếng mỗi
ngày. Nếu suốt thời gian đó ta không nhớ để chánh niệm, thì chi bằng ta quên
luôn việc hành thiền và thực tập lời Phật dạy. Nếu ta làm thế thì ta chỉ có giỏi
nói mà quên thực hành.
Khi ta luôn thực hành chánh niệm, dần dần nó sẽ trở
thành một thói quen, giúp cho cuộc sống của ta ít phiền não, vì nhờ chánh niệm
ta có thể tránh được những sai lầm, vấp ngã. Chánh niệm giống như bàn thắng của
xe. Lái xe mà không có thắng thì xiết bao nguy hiểm. Nếu ta sống cuộc đời không
có chánh niệm, thì cũng nguy hiểm như thế. Lúc nào ta cũng có thể va vấp, đụng
chạm người khác, tự làm hại mình, hại người.
Khi thực hành chánh niệm, không có nghĩa là ta trở nên
thụ động, và phản ứng theo ý muốn của người khác. Ðó không phải là chánh niệm,
đó là nhượng bộ. Chánh niệm là biết rõ mình đang nghĩ gì, cảm thấy gì, hành động
ra sao. Khi biết như thế, ta sẽ trở nên chú tâm đến phản ứng của ta hơn. Ta sẽ
không nghĩ đến việc hành động theo như ý người khác. Mà ta sẽ quan tâm đến việc
tự thanh tịnh hóa mình.
Chánh tinh tấn - bốn tinh tấn ba la mật - chỉ có thể
thành công nếu đi đôi với chánh niệm. Hơn thế nữa, tất cả mọi chi của Bát chánh
đạo đều cần có sự hỗ trợ của chánh niệm.
Chánh niệm đi đôi với cái biết rõ ràng. Chánh niệm là yếu
tố biết - chỉ có cái biết - đã được diễn tả đầy đủ trong một bài thơ Haiku của
Nhật như sau:
Ao cũ
Cóc nhảy vào
Phộp!
Khi con cóc nhảy vào một ao hồ, có rất nhiều việc xảy
ra, mặt nước gợn sóng, con cóc biến mất, có thể có ánh sáng mặt trời lấp lánh
trên mặt ao. Tất cả những thứ này đều là yếu tố thêm thắt. Trong khi chánh niệm
đi vào trọng tâm, điểm chánh yếu, và đó là tiếng "Phộp". Ðó là tất cả.
Ðó là trọng điểm.
Chỉ có cái biết, cùng với bạn đồng hành của nó là sự thấu
suốt. Tính thấu suốt giúp ta biết ngay việc gì đang xảy ra, để sử dụng cái biết
đó. Tính thấu suốt gồm bốn phần: biết mục đích, biết phương tiện có khéo léo
không, biết mục đích và phương tiện có nằm trong Pháp không; và biết rằng ta có
đạt được mục đích không.
Khi ta nói không có một mục đích gì, tức là ta đã bỏ
quên chánh niệm và tánh thấu suốt. Khi ta nói có mục đích, nhưng không biết diễn
tả như thế nào, tức là ta không có phương tiện khéo léo. Sự chú tâm phân biệt
giúp ta biết thân, khẩu và ý của mình có nằm trong Pháp chân thật không. Nếu ta
không đạt được kết quả mong muốn, thì rõ ràng là ta đã không dùng đúng phương
tiện. Chánh niệm trong lời nói và hành động cần có tính thấu suốt đi kèm: biết
mục đích, phương tiện khéo léo, tuân theo Pháp giới và kết quả.
Khi ta sống có chánh niệm, sự chú tâm của ta khác hẳn
bình thường. Chúng ta biết việc gì đang xảy ra nhưng không quan tâm đến nó. Khi
sân nổi lên, ta biết nó đang dấy khởi, nhưng ta không cần phải trở nên giận dữ.
Ðó là một kỹ năng tuyệt vời. Khi chán nản, ta biết chán nản đang dấy khởi,
nhưng ta không phải trở nên chán nản, hay tuyệt vọng. Ta chỉ biết sự dấy khởi
và sự đoạn diệt của mọi trạng thái tâm.
Chánh niệm là cho mọi người, ai cũng có thể sử dụng nó để
sinh tồn, nhưng vì vấn đề tranh đấu để sinh tồn chỉ là hoài công, nên tốt hơn,
ta nên sử dụng nó vào việc giải thoát, Giác Ngộ. Chánh niệm là một phương tiện
khéo léo, và thấu suốt, là trí tuệ giúp ta phân biệt. Chánh niệm không có sự
phán đoán, nhưng thấu suốt có yếu tố phân biệt, vì thế ta có thể thay đổi hướng
đi nếu cần thiết.
Nghe Âm Thanh
Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo
https://archive.org/details/1.-cha-nh-kie-n
Vô ngã, Vô ưu
Thiền quán về Phật Đạo
Ni sư Ayya Khema
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Nguyên tác: "Being Nobody, Going Nowhere
Meditations On The Buddhist Path",
Wisdom Publications, 1987