Phần thứ hai trong Bát chánh đạo là Chánh Tư duy. Chánh
tư duy là kết quả của chánh kiến. Nếu có tà kiến, thì không thể nào tư duy
đúng. Do đó ta phải cẩn thận với những suy nghĩ của mình. Tất cả mọi tư duy đều
bị ảnh hưởng của ngã chấp. Ta nhìn mọi sự theo quan điểm của "theo tôi thấy",
vì vậy dầu quan điểm của ta đúng trong đời thường, trong đời sống tâm linh hành
xử như thế cũng là không đúng. Tuy nhiên ta phải bắt đầu từ cái mình có. Không
thể ngồi chờ đến ngày sự hiểu biết của ta tiến bộ hơn. Ngày đó sẽ chẳng bao giờ
đến, nếu ta không bắt đầu tu sửa ngay từ bây giờ.
Hạnh phúc, an lạc không phải sinh ra là ta đã có được.
Phải qua bao kiên trì cố gắng tu tập, ta mới có được. Cố gắng để làm sao ta
luôn có chánh kiến, từ đó đưa đến sự suy nghĩ đúng. Chánh kiến và chánh tư duy
là phần trí tuệ của Bát chánh đạo.
Trước khi Ðức Phật Giác ngộ, khi Ngài còn là một vị Bồ
Tát, Ngài luôn theo dõi tất cả những hoạt động của tâm, và Ngài nhận ra rằng
khi các ác kiến, sân hận, ái dục phát khởi trong tâm, thì chính Ngài là người
đau khổ. Nhưng khi Ngài có những tư tưởng xả bỏ từ bi, vô nhiễm thì chính Ngài
là người được lợi ích. Từ đó Ðức Phật đã rèn luyện tâm đến chỗ Ngài có thể đoạn
diệt hết mọi tà kiến.
Chánh tư duy có ba đặc tính: xả, từ và vô nhiễm. Ta
không thể có tâm xả chỉ bằng ao ứơc hay tự đè nén. Mà phải dùng chánh kiến suy
nghĩ rằng ái dục chỉ đem lại khổ đau. Nếu ta có thể thực chứng điều đó ngay nơi
bản thân thì tự nhiên ta sẽ buông bỏ mọi tham muốn dấy khởi. Và ta sẽ làm điều
đó một cách vui vẻ, cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái khi buông bỏ mọi phiền não, khổ
đau.
Lòng tham muốn bao giờ cũng mang lại khổ đau, vì nó chỉ
dấy khởi khi ta không có được cái mà ta muốn có. Có thể là vật chất hay tinh thần,
không quan trọng. Nhưng đó là điều ta không có, nên ta ao ước, do đó ta coi sự
thiếu sót đó là một khổ đau. Ðến khi không được toại nguyện, thì ta buồn bực,
tuyệt vọng, đau đớn, khổ sở. Rõ ràng là ta khổ vì ta không được cái ta muốn.
Tuy nhiên khi đạt được điều mình mong ước, ta cũng bị
phiền não vì theo kinh nghiệm quá khứ, ta biết là sự thỏa mãn, toại nguyện
không thể kéo dài. Có rồi, ta lo lắng tìm cách để giữ lại bên mình, để duy trì
nó. Lo lắng là khổ, mà khi cái ta được mất đi thì ta cũng khổ.
Khi cố gắng để duy trì một cái gì đó đều đem đến cho ta
sự căng thẳng, sợ hãi. Thí dụ như ta lo sợ phải đánh mất người thân, của cải,
tình cảm hay hoàn cảnh thuận lợi. Lo lắng, sợ không có được điều ta mong muốn.
Khi đã thực chứng cái khổ này trong ta, ta sẽ có thể buông bỏ chúng. Sự bám viú
vào người, vào vật ta không muốn xa lià, làm ta đau khổ. Không có gì hơn là đau
khổ phiền não cho đến ngày chính ta cũng phải ra đi. Nếu không nhìn ra được sự
thật đó, ta sẽ không thể thay đổi. Khi ta có thể cho người khác vật mà ta đang
quý trọng, lúc đó ta mới thật sự thực hành tâm buông xả. Nếu ta có thể cho một
cách vui vẻ, chứ không phải nghiến răng, nhắm mắt vì không muốn thấy nó mất đi,
thì quả rằng ta đã biết sự bám viú, chấp chặt vào gì đó là đau khổ.
Nhưng buông bỏ vật chất không quan trọng bằng buông bỏ những
cái nhìn định kiến của ta về tự ngã, về thế giới và về cách những người ở chung
quanh ta phải sống, cư xử như thế nào, nhất là những người thân của ta. Bám viú
vào ham muốn sở hữu, làm chủ, tất cả đều là khổ đau.
Ngoài ra còn có lòng ham muốn về tinh thần, thí dụ được
yêu. Ðược làm vợ, làm mẹ, được nổi tiếng, được biết ơn. Bất cứ ham muốn nào
cũng là đau khổ, cản trở ta được sống hạnh phúc, an nhiên tự tại. Không chấp nhận
chính mình cũng là khổ đau. Ðiều này khác với việc ta tu tập, cố gắng tự sửa đổi
mình dần dần. Vì sự ao ước trong tâm tưởng là kết quả của một cảm giác thiếu hụt,
không vẹn toàn, gây ra khổ. Chỉ có buông xả mới có thể dứt khỏi khổ đau. Khi
còn ham muốn, ta còn đau khổ. Trong chánh tư duy đã tiềm ẩn sự buông xả. từ bi,
vô nhiễm đối với đồng loại, cộng với sự hiểu biết về sự thật khổ đau hướng ta đến
những tư duy đúng. Tất cả bốn sự thật (Tứ Diệu Ðế) đan kết vào nhau vì chúng đi
vào tận trong tư duy sâu thẳm của ta. Nếu ta hiểu đúng, thì ta sẽ hành động
đúng. Những khổ đau của chúng ta cũng là khổ đau của chúng sanh được lập đi lập
lại qua không biết bao nhiêu lâu.
Thí dụ nếu ta ngắm một con chim. Thay vì để ý bộ lông nó
đẹp biết bao nhiêu, giọng hót nó líu lo làm sao, nó có thể bay dễ dàng trên
không trung, đi đến bất cứ nơi nào nó muốn, hãy nhìn kỹ hơn nữa. Chú chim luôn
ngó qua ngó lại, quay đầu qua phải, qua trái, lo sợ con thú khác có thể tấn
công nó, phá hoại ổ của nó. Lúc khác thì vì vấn đề sinh tồn, nó luôn phải đi kiếm
thức ăn. Và đó chỉ là một động vật trong bao nhiêu động vật khác.
Hãy quan sát người chung quanh ta, nhìn nét mặt họ. Ðức
Phật khuyên chúng ta cần phải biết thế giới bên trong và bên ngoài ta. Ðó là
chánh niệm, tỉnh thức và biết. Nếu chúng ta có thể thấy rằng tất cả những người
ta tiếp xúc đều có khổ đau, ta có thể suy ra, không nghi ngờ gì, đó cũng là sự
thật đối với tất cả chúng sanh ở khắp mọi nơi. Nhưng nếu tâm ta không hoàn toàn
tin phục vào điều đó, ta sẽ khó khởi tâm đại bi. Lúc nào cũng có những lời bài
bác nổi lên trong đầu: "Tôi cũng thương cô ấy chứ, nếu cô ấy không nói
năng như thế hay hành động như thế". Hay "Tôi thương hại cô ấy chứ,
nhưng cũng là do cô ấy tự mang hoạ đến cho mình thôi". Những cách suy nghĩ
như thế không cần thiết. Tất cả chúng ta đều khổ đau, nhưng nếu ta không nhận
ra điều ấy, thì lòng từ bi bác ái của ta sẽ trở thành một thứ lúc có lúc không.
Khi mọi chuyện ổn thỏa, ta có thể chịu đựng được. Nhưng khi có khó khăn, ta chịu
thua. Chánh tư duy có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng phải cẩn trọng trong hành
động và ứng xử khéo léo. Không thể tuỳ thuộc vào trạng thái tâm hồn của ta hay
hành động của người khác.
Chánh tư duy là quá trình tạo nghiệp của chúng ta, khi
tâm thức ta đang tạo ra tư duy. Chánh kiến có thể có được nhờ vào trí tuệ và
tánh giác. Ðó là nền tảng tư duy của chúng ta. Tư duy luôn phát khởi với mỗi
hành động hay phản ứng của chúng ta. "Nghiệp, này các Tỳ kheo, ta nói là,
sự chủ tâm", đó là những lời Phật dạy. Ðó là cách chúng ta tạo nghiệp, và
nếu ta thật sự tin tưởng rằng nghiệp thiện cần thiết cho một đời sống lành mạnh,
thì ta cần phải cẩn thận với tư duy của mình.
Một đặc điểm thú vị của tư duy là nó giống như một tảng
băng: một phần ba nổi trên mặt nước, nhưng hai phần còn lại ở dưới nước. Ta chỉ
có thể thấy được phần nổi ở trên. Như chúng ta bố thí vật gì đó, ta nghĩ đó là
lòng rộng lượng, nhưng ta có thực sự quán sát cái chủ tâm ở đằng sau lòng rộng
lượng đó không? Ðể tự hiểu mình, ta phải tìm hiểu nội tâm mình thấu đáo. Có rất
nhiều ngõ ngách trong tâm hồn con người ta. Chúng ta không muốn nhìn sự thật vì
có những điều không tốt đẹp ở nơi đó. Nhưng đó là vì chúng ta chỉ là con người,
nếu không ta đã ở cõi trời rồi. Tốt hơn hết là ta nên nhìn nhận khuyết điểm của
mình. Chỉ có những gì được mang ra ánh sáng, mới có thể được lau chùi, làm cho
tốt đẹp. Bụi bặm ở dưới chiếu sẽ không được quét sạch, nếu không ta dở tấm chiếu
lên. Ðức Phật đã so sánh những nhiễm ô của ta giống như rơm ướt. Nếu ta cất
chúng trong những chỗ kín, chúng sẽ rũ mục. Nhưng nếu ta đem ra phơi nắng, thì
chúng sẽ khô và có thể sử dụng được. Hãy nhìn vào góc tối của tâm hồn ta và
quán sát kỹ chủ tâm của ta.
Ba phần kế trên con đường Bát chánh đạo nói về hành động
đạo đức: chánh ngữ, chánh mạng và chánh nghiệp.
Nghe Âm Thanh
Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo
https://archive.org/details/1.-cha-nh-kie-n
Vô ngã, Vô ưu
Thiền quán về Phật Đạo
Ni sư Ayya Khema
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Nguyên tác: "Being Nobody, Going Nowhere
Meditations On The Buddhist Path",
Wisdom Publications, 1987