Thursday, May 12, 2016

Xả giác chi

Giác chi sau cùng của 7 giác chi chính là Xả giác chi. Một trong những hình ảnh sống động nhất thường được dùng để nói về Xả giác chi là một ngọn núi cao giữa trời đất. Ngọn núi vẫn cứ đứng đó khi nắng lên, mưa xuống. Bao tuyết sương có đổ đầy lên. Ngọn núi cũng cứ thế: Vô tâm và im lặng không phản ứng! Xả giác chi là một sức mạnh nội tâm giúp ta có thể cảm nghiệm một cách bình tĩnh tất cả những biến động của thân tâm và nó sẽ trở nên vững mạnh hơn khi ta biết sống phơi mở không nắm chặt cũng không bị nhốt kín trong những âu lo và ước muốn, dù trong đời sống thường ngày hay trong cả lúc thiền định. Ðó là một thái độ sống bao dung theo nghĩa rộng nhất. Ta cẩn trọng đón chào từng cảm giác của tâm sinh lý bằng một sự tự chủ trong từng chớp mắt và liên tục nhìn ngắm chúng một cách khách quan. Có thấy khó thực hiện điều nầy, ta vẫn cứ tiếp tục. Một lúc nào đó mọi việc sẽ ổn cả thôi.

Một Xả giác chi khi được thành tựu sẽ cho ta một cảm giác nội tâm bất động và vô can trước bất cứ kinh nghiệm nào của bản thân. Có một từ ngữ đặc biệt để gọi trạng thái đó, là "Sự an nhiên của người hiền sĩ". Sự an nhiên nầy cho phép bậc hành giả dấn bước vào chốn tuyệt cùng của tất cả nổi đau đớn kể cả sự chết, mà không hề biết tới sợ hãi. Trình độ an nhiên sâu sắc nầy sẽ có được khi ta biết tách mình ra khỏi những gì mình đang cảm nhận. Có gia công khám phá tính phù du và nhạt nhẻo của từng khía cạnh đời sống, ta mới thật sự bắt đầu thấm thía bản chất của mỗi thái độ xử lý mà chúng ta vẫn dùng để phản ứng trước các đối tượng ngoại giới. Tất cả những tâm tư tình cảm tốt xấu, từ cái đam mê đến nổi sợ hãi, kể cả tấm thân sinh lý nầy của ta, đều là những gì tạm bợ và thật buồn cười nếu cứ nhắm mắt nhũ lòng bằng những ảo tưởng "tôi, cho tôi, của tôi...". Chính kinh nghiệm giản đơn nầy sẽ mang lại cho hành giả một sự an nhiên và tự do sâu sắc.
Người ta thường hiểu lầm rằng đời sống thiền định sẽ làm nội tâm hành giả trở nên trơ lì, chai sạn và vô cảm. Thực ra, bất cứ giá trị nào của tinh thần có được từ thiền định, chẳng hạn Xả giác chi ở đây, đều là những năng lực hết sức tích cực đủ để xây dựng nên những tâm hồn vĩ đại như thánh Gandhi hay bà phước Teresa của Ấn Ðộ, vô ngại trước mọi thử thách ghê gớm nhất của đời sống lợi tha và tỉnh thức.

Người ta kể lại rằng tại Triều Tiên (Ðại Hàn) vào thời chiến tranh có một viên tướng rất tàn bạo, luôn sẵn sàng phá hủy hết tất cả những gì bắt gặp trên đường hành quân. Nghe tới tên ông, dân chúng mọi miền chỉ còn cách bỏ trốn vào núi rừng để mong được an thân. Lần đó, đến một thành phố gần như đã hoang vắng, ông cho lính lùng sục khắp nơi để tìm của, tìm người. Một toán lính đã quay lại báo cáo cho ông biết rằng toàn thành phố bây giờ đã không còn ai nữa trừ một thiền sư vẫn tiếp tục ở lại trong một tu viện. Viên tướng nghe xong, tức tốc đến tận nơi, rút kiếm, thét vào mặt nhà sư đó:
- Ông có biết ta là ai không hả? Ta có thể xén ngang thân mình ông trong nháy mắt đấy biết chứ?

Nãy giờ vẫn ngồi yên lặng nhìn lên bệ Phật, vị thiền sư nhẹ nhàng quay mình nhìn lại, và ngài nói bằng một giọng từ tốn:
- Còn ta, ta biết mình có thể bị xén ngang thân mình bất cứ lúc nào!
Chẳng biết viên tướng suy nghĩ thế nào, ông lại cuối đầu kính cẩn trước vị thiền sư rồi ra đi.
Xả giác chi là một giá trị tinh thần khi được phát triển có thể giúp hành giả đạt tới khả năng đối cảnh mà vẫn vô hại (nói một cách khôi hài mà cũng dễ hiểu là "bắt cảnh mà không bị cảnh bắt!").
Phát hiện được năng lực nội tại nầy là cả một nguồn an lạc to tác cho công phu thiền định vậy.

Ðức Phật nói tới Thất giác chi như những thành quả và giai đoạn tinh thần dẫn tới cứu cánh giác ngộ. Qua những thời gian công phu thích ứng, ở một môi trường nào đó, ta sẽ cảm nhận được sự hiện diện của chúng ngay trong chính mình bằng cách tiếp thụ những sức mạnh nội tâm của bản thân mà chúng mang lại. Khi những âu lo, toan tính tiềm tàng trong các phản ứng tâm lý cùng những hổn loạn nội tại được lắng dịu, ta sẽ bắt đầu thấy được bản chất thật sự của mình thông qua những ước muốn và ngộ nhận. Bởi vì sự thể nhập trọn vẹn bảy giác chi luôn được thể hiện qua một tỉnh thức cao độ về thế giới thực tại. Và quá trình trưởng dưỡng bảy giác chi cũng giống như công phu gieo trồng, chăm sóc một cội cây hay khóm hoa vậy. Chuyện không thể tức thời hoàn tất trong đầu hôm sớm mai, mà ta phải luôn kiểm tra để kịp thời xử sự một cách hiệu quả. Hãy nhớ rằng đời sống tỉnh thức thực ra không dễ thực hiện lắm đâu!

Quả là rất kỳ tuyệt nếu Thất giác chi được thành tựu và hiển hiện qua nhân cách sinh hoạt của mỗi người. Lúc đó chúng ta sẽ là những vị Phật, những bậc thánh Nguyễn văn... Trần thị, những ông thánh Robert, John, Smith! - Dù là ai đi nữa ở bất cứ nơi đâu và lúc nào, khi biết sống tỉnh thức với sự gia trì của Thất giác chi thì cũng đều cảm nhận được sự tự do và an lạc như nhau. Có nhiều con đường dẫn tới cứu cánh giải thoát cho chúng ta. Ta đừng để mình bị đánh lừa bởi bất cứ hình thức ngoại diện nào, bởi điều nầy thực sự không quan trọng, cho dù đó là một truyền thống tín ngưỡng vẫn thường được ái mộ hay bị thành kiến. Hình thức nào cũng là tốt cả: từ màu áo của thiền tông đến những nghi lễ của Ấn Giáo, những thần chú của Mật Tông hay những vũ điệu tế thần của Hồi Giáo... miễn sao trong những hình thức đó chứa đựng được nội dung Thất Giác Chi!

Giá trị của công phu Thất giác chi là giúp hành giả khai phá tất cả ảo tưởng vọng chấp và đáo đạt cái sự thật sâu thẳm nhất trong chính mình. Những gì vẫn bị che lấp sẽ được phơi bày và chúng ta sẽ có được một nếp sống hài hoà, rộng mở, trong sáng, tự do.

J.K