Monday, May 16, 2016

Ở đây chúng ta có một giai thoại nhỏ về nhân vật Mullah Nasruddin của văn học Hồi giáo có thể tạm thời minh họa cho vấn đề này:

   Một đêm kia, mấy người bạn của Nasruddin đến thăm ông ta và trông thấy ông ta đang loay quay mò mẫm như để tìm kiếm một thứ gì đó dưới cột đèn đường. Họ hỏi ông muốn tìm cái gì, ông nói đã đánh mất chìa khóa cửa nhà. Cả đám bạn cùng ngồi xuống lề đường để tìm giúp ông nhưng họ chẳng thấy chiếc chìa khóa đâu cả. Sau cùng một người trong nhóm đã hỏi Nasruddin xem ông có thể nhớ đại khái là đã đánh mất nó ở đâu. Ông ta điềm nhiên trả lời rằng: "Mình đã bỏ quên chìa khóa trong nhà". Ðám bạn bè ngạc nhiên hỏi ông biết vậy sao đi tìm ở một chỗ vớ vẫn như vậy, Nasruddin mĩm cười như không: "- Bởi vì ở đây có đèn sáng."

Chúng ta cũng có thái độ tầm cầu hạnh phúc gần giống như vậy, là luôn có khuynh hướng đi tìm hạnh phúc trong những điều kiện mà mình có đặt hy vọng. Ðiều kiện càng có vẻ hứa hẹn thì càng lôi cuốn chúng ta. Mà một nguồn hạnh phúc và an bình thật sự thì chỉ có được từ một sự tri túc, dung dị. Vì thực ra cái hạnh phúc thật sự cần thiết cho chúng ta đâu có chi là nhiều. Một sinh phong giản dị với một tâm thái hồn nhiên là đã đủ mang lại ánh sáng và cảnh giới cao rộng cho đời sống của chúng ta rồi. Một khi những xung động tham dục đã được lắng xuống, nội tâm không còn bị điều hành bởi các ham muốn phù phiếm, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm được một sự an bình tuyệt vời.

Chúng ta đừng bao giờ hiểu lầm rằng thái độ sống như trên là sự lãnh đạm xoay lưng với thế giới quanh mình (bởi thường thì đã có không ít những cá nhân hiểu và sống như vậy), mà ngược lại ta cần thấy rằng thái độ nội tâm đó, nếu được khéo vận dụng, sẽ làm hoán chuyển cuộc sống của chúng ta với phong cách hoạt động tích cực và trọn vẹn.
Tinh thần thoát sái và bao dung đó là một biểu hiện sống động cho trình độ trí tuệ của mỗi người. Nó xây dựng cho chúng ta một trái tim hào sảng và khoáng đạt trước mọi sự từ sinh hoạt thường nhật đến cách xử lý các tình huống, và cao nhất chính là một tâm hồn biết yêu thương, tha thứ.

Bên cạnh cái giá trị cơ bản mang ý nghĩa làm nên một nhịp cầu đối giao với tha nhân, thì ở đây một tấm lòng luôn rộng mở còn giúp chúng ta cái nhìn tinh tế, thấu suốt về chiều sâu tế vi, nhỏ nhiệm của nội tâm mình cùng những tập tính kín khuất mà mình không mấy khi có thể nhận diện được.

Trong những năm tháng thực tập thiền định tại Ấn Ðộ, tôi (tức là tác giả Joseph Goldstein) đã mất một thời gian dài để nghĩ hoài về hai tiếng "bố thí", bởi ở những nơi mà tôi đã từng đi qua, đặc biệt ngay tại chỗ ở của tôi lúc đó, vẫn luôn có quá nhiều người nghèo khó đặt thẳng vấn đề yêu cầu được bố thí, nhất là những hành khất. Chúng ta có nghèo nàn ra sao, điều đó không quan trọng, vấn đề nằm ở ngay trong tâm hồn mình thôi. Lần đó sau khi mua xong mấy quả cam ở một quầy bán, tôi bước ra đường và gặp ngay một thằng bé ăn mày. Nó xin tôi, tôi đặt vào tay nó một trái cam. Rồi chẳng một lời cảm ơn hay ít nhất là một nụ cười, thằng bé cứ dững dưng xoay lưng đi thẳng. Tôi lúc đó dĩ nhiên cũng có tí khó chịu nếu không muốn nói là phật lòng, nhưng rồi một bài học thú vị đã tự đến trong tôi.
Thái độ của thằng bé ăn mày đã tình cờ vén ra cho tôi một góc kín của nội tâm, về một nhu cầu tâm lý hết sức tế nhị: Chúng ta luôn cần tới sự đáp đền, thù tạc cho một hy sinh lớn nhỏ nào đó của mình, kể cả những cử chỉ được thực hiện bằng một sự cực lòng, thậm chí bất đắc dĩ! Với một chút tư nghiệm nghiêm cẩn, chúng ta có thể nhận diện và loại trừ những bất toàn tâm lý đó cùng học cách đối trừ chúng bằng một tinh thần "Phong lai sơ trúc lưu thanh, nhạn quá hàn đàm vô lưu ảnh"!

Vào những ngày cuối đời của mình, Aldous Huxley cho biết rằng ông đã thấu suốt được giá trị tu dưỡng tối thượng của tình thương đối với tha nhân. Ðào luyện tinh thần vị tha chính là sự hài hòa, bao dung với tất cả mọi người thay vì đặt giữa đôi bên một rào cản ngăn cách và phân biệt. Tình thương lợi tha có thể phá vỡ tất cả giới tuyến cách ly giữa mình với người và ở một mức độ vị tha nhất định nào đó, chúng ta sẽ tự biết lãng quên bản ngã của mình, rồi mở rộng vòng tay đón chào tất cả. Chính nhờ lòng vị tha rộng lớn này, chúng ta coi như cũng đã tự cứu thoát mình ra khỏi ngục tù chật hẹp của mọi ngã chấp, những cái tôi đã giam cầm sinh phong của chúng ta từ bao năm tháng ngộ nhận. Và một điều hết sức quan trọng trong công phu phát triển tình thương vị tha là chúng ta không nên tự quy định một điều kiện, tiêu chuẩn mang tính máy móc và quy tắc nào cho tình thương của mình. Ta thương người ở mọi không gian, thời gian mà không hề chờ đợi một cơ hội tối ưu, hợp lý nào đó. Bởi chỉ cần chúng ta có sẳn một tấm lòng thì mọi nơi, mọi lúc luôn có đất lành cho từ tâm của chúng ta đậu xuống.

Tình thương thay lòng từ bi sẽ thành ra nguồn sống mãnh liệt khi chúng ta cò được nếp sống hiểu biết, có ý thức trong hoạt động cùng lối hành xử đối giao hài hòa, vô hại với người khác. Và ta cũng có thể nói rằng năm giới cấm căn bản người Phật tử cũng khả dĩ mang lại một hướng sống vừa dung dị mà cũng hiệu quả trong tương giao, hòa đồng với người khác, đồng thời cũng là những tác động rất tích cực đối với môi trường sống quanh mình. Ngũ giới là những giá trị đức hạnh cơ bản, cần thiết cho sự tự chế bởi tự chúng đã có cái chức năng gạn lọc rất ý nghĩa cho sự tự chế trước những hướng sống đầy âu lo và ngộ nhận, mê lầm. Thậm chí, chỉ với một tâm hồn giàu tình thương và vô hại của mình thì coi như chúng ta đã hiến tặng cho tất cả những người dối diện một món quà thật quý giá bởi chúng ta đã sống với một sinh phong tuyệt vời: "Chẳng khiếp sợ một ai và cũng chẳng làm ai khiếp sợ".

Tâm nghiệp từ hòa luôn tạo ra một sức mạnh nội tâm đáng kể bởi từ đó toàn bộ năng lực tâm hồn của chúng ta không bị giới hạn bó buộc trong những ý tưởng chiếm hữu, những tập tính dối trá cũng như những mặc cảm tâm lý tệ hại. Ðồng thời, một sự chấp trì nghiêm túc các học giới cũng có thể giúp ta tự tránh được những lầm lỗi trong đời sống, kể cả một cắn rứt, ám ảnh nội tâm nào đó. Ðiều này được nhắc tới ở đây là chính vì một ý nghĩa dễ hiểu là mặc dù trong đời sống bươn chãi bề bộn của mình, chúng ta không mấy khi có thể cảm nhận được những kinh nghiệm nội tại tế vi đó nhưng ở một trình độ tĩnh lặng đúng mức, những ấn tượng về quá khứ sẽ tự dưng hiển hiện một cách sống độngvà rõ ràng hơn bao giờ hết. Mà bên cạnh đó, chỉ cần có được một ý thức sống hoàn thiện và đạo hạnh, chúng ta có thể dễ dàng tẩy xóa, xoa dịu những ray rức thống hối về qua khứ của mình, những mặc cảm tội lỗi vẫn dày vò, giằng xé chúng ta từ bấy lâu nay.

Ðời sống tu tập của chúng ta thực ra có một phần nền tảng nằm ở tâm hồn vị tha mà tính chất của nó luôn hàm chứa những khía cạnh tương hợp nhau: Lòng Từ là ước muốn mang lại hạnh phúc cho tha nhân, mong ai cũng luôn được an lành toại nguyện, tâm Bi là sự bất nhẫn, trắc ẩn trước những đau khổ của người khác và tâm Hỷ (hay lòng tùy hỷ) là sự chung vui chân thành với những thành đạt hạnh phúc của tha nhân, một sự san sẻ vô tư, lấy cái hạnh phúc của người khác làm niềm vui cho mình. Những giá trị nội tâm này sẽ luôn là những món trang sữc tô điểm cho những ai thủ đắc, sở hữu được chúng. Thay vì chỉ biết tự tô lục chuốt hồng cho mình bằng những điểm trang hình thức, chúng ta hãy tự làm đẹp mình bằng những chuỗi ngọc tình thương và với chính cái đẹp nội tại này, chúng ta coi như đã là một hình tượng mỹ thuật cao nhất mà trình độ nghệ thuật của con người có thể vươn tới, đó là thứ nghệ thuật hiện hữu mang trọn tất cả ý nghĩa cao đẹp nhất: Ðẹp mà Lành.
Ðoạn cuối bài viết, tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề tối hậu mà cũng có thể là tối trọng rằng cái cốt lõi của cuộc tu phải là chúng ta cần tự biết chuyển hóa cái thế trí biện thông, tức những sở tri thuần lý cho trở thành một giá trị thực chứng thể nghiệm, biến cái hiểu biết thành ra hành động minh chứng. Bởi không thể nào bằng những tri kiến lý tính máy móc mà chỉ trong một sớm một chiều ta có thể dễ dàng thành Phật, thành Thánh. Ðành rằng trên giáo lý giác ngộ, vấn đề thời gian đôi khi chẳng là cái gì, nhưng chúng ta cũng phải ý thức rằng cuộc tu không hề đơn giản xong cuộc ở đầu hôm sớm mai.
.
Do đó điều tôi muốn nhắn gởi đến các bạn là ngay từ bây giờ, cầm lấy chút hành trang tâm linh, hãy nhớ cầm nhẹ tay thôi, đừng nắm xiết quá chặt, chúng ta hãy lập tức khởi hành ngay tại đây và bây giờ. Chúng ta lên đường vào cuộc với chính những kinh nghiệm thực sự của mình, đừng để mắt tới những mơ mộng vớ vẫn bên đường hay trước mặt. Và nói gì thì nói, chúng ta phải lập tức khởi sự hành trình. Ðừng e sợ gì cả, hãy nhìn lại túi hành lý của mình đi, chúng ta đã có qua nhiều thứ cần thiết mặc cho chúng là những thứ chỉ có thể sử dụng ngắn hạn, nhưng miễn sao là hữu ích thì đã quá đủ để ta dấn bước: Ðây là những học giới có giá trị của một cẩm nang giúp ta tự điều hành đời sống hoạt động thường nhật; đây là một nếp sống giản đơn dung dị như cây cỏ để ta có thể tự tồn mà không lợi dụng, gây phiền cho bất cứ ai. Ðây là khả năng sống tự chế có thể giúp ta kiện toàn sức mạnh tâm linh để chối từ, xoay lưng với những gì hệ lụy có phương hại cho sự an bình của nội tâm. 

Với những kiến giải chính chắn về nghiệp lý, cuộc sống và hoạt động của chúng ta sẽ được chỉ đạo đúng mức. Chúng ta có lòng từ bi để có thể dễ dàng yêu thương và phụng sự tha nhân. Tất cả hành trang đó sẽ là tất cả cuộc tu của chúng ta. Chúng nuôi lớn trong nội tâm ta một trí tuệ sâu sắc và trưởng dưởng trong trái tim ta một tình thương bao la vô bờ.

Ở đây, tôi muốn nhắc lại câu nói tuyệt vời của Ngài Lạt-ma Gyalwa Karmapa: "Dầu là một tấm lòng hào sảng bố thí không tiếc tay hay một niềm tín thành tuyệt đối nơi Phật Pháp cũng đều chỉ là những hạt cát trên con đường giác ngộ. Vấn đề cấp thiết phải là một nếp sống thực nghiệm, thể chứng chứ không phải là sự thỏa mãn quá sớm với những hạt cát bé tí đó."