Thái độ tự tại dĩ nhiên
là tư thái căn bản, cốt lõi của Thiền Quán nhưng bằng vào pháp môn tu tập về
bốn pháp phạm trú (Từ, Bi, Hỷ, Xả), tinh thần tự tại cũng vẫn có thể được phát
triển như một phương tiện thiết yếu. Tinh thần tự tại thường song hành và được
vận dụng để điều động lòng từ bi. Và mặc dù chúng ta có cố gắng trưởng dưỡng,
tu tập một lòng từ bi vô lượng đối với tha nhân bằng tất cả những cố gắng san
sẻ hết mình những nỗi đau khổ trên toàn thế giới nhưng chắc chắn vẫn luôn có
nhiều trường hợp, tình huống mà chúng ta không thể nào tìm thấy được một chút
trắc ẩn, bất nhẫn. Thánh Francis đã có một lời nguyện rất nỗi tiếng: "Xin
cho tôi có đủ sức mạnh để thay đổi mọi sự mà mình muốn thay đổi để tôi không
phải bất lực trong khả năng đón nhận mọi sự, và xin cho tôi hãy có được cái trí
tuệ để hiểu được những gì mà mình chưa biết đến". Một trí tuệ về nghiệp lý
trong sự hiện hữu của tất cả chúng sinh luôn mang lại cho ta một tâm hồn sáng
suốt cộng với một trái tim biết yêu thương không phân biệt.
Ðể có được một tư phong
lẫn tâm thái tự tại, trước hết hành giả nên chọn lấy một tư thế ngồi thật thoải
mái rồi nhắm mắt lại. Sau đó, hành giả tập trung tư tưởng vào hơi thở cho đến
khi nào có được một sự cảm nhận chính chắn, khách quan rằng tâm sinh lý của
mình đang ở trong tình trạng thật sự ổn định. Tiếp theo, hành giả hãy bắt đầu
chiêm ngắm trực tiếp vào nội tâm vốn đang được quân bình và tự tại của mình.
Hãy tự cảm nhận như là một sự thưởng thức chính thực tại đó và nếu cần, hành
giả có thể tự ám thị mình bằng những lời thầm thì mang ý nghĩa xác định thực
tại: "Mong sao nội tâm tôi luôn được quân bình và an lành; mong sao tôi
không bị quấy động bởi bất cứ tục sự nào,...". Rồi hành giả nên tự mình
quán xét tổng quát bản chất vô thường của mọi thứ trên đời: Cái gì cũng tự đến
rồi đi, không có chi là trường tồn bất biến. Từ niềm vui cho đến nổi buồn, nỗi
bất hạnh hay điều may mắn, con người, nhà cửa, súc vật, các dân tộc và kể cả
toàn bộ các nền văn minh đều chỉ là bọt nước phù du.
Hành giả nên luôn tâm
niệm rằng mong sao mình có thể điềm nhiên ngắm nhìn tất cả những đổi thay trên
đời bằng một nội tâm tự tại thăng bằng, đồng tự phơi mở tâm hồn mình để thương
yêu tất cả vạn loài mà vẫn bằng tâm thái đó. Ðể xác quyết trí tuệ về nghiệp lý
"Mỗi người luôn chịu trách nhiệm về những sở hành thiện ác lớn nhỏ của
mình", hành giả lại nên tiếp tục nuôi dưỡng ở chính tâm hồn mình cái khả
năng yêu thương và tự tại trong mỗi biến cố của đời sống, dĩ nhiên vẫn với sự
quân bình, điềm tỉnh và bình an của nội tâm.