Sau Niệm, giác chi có
nhiệm vụ cân bằng nội tâm, kế đến là ba giác chi có tính năng động hóa nội tâm.
Trước tiên là Cần giác chi. Làm thế nào để vận dụng đúng mức sự chuyên cần của
mình, đó là một vấn đề lớn cho tất cả hành giả và làm sao để có thể thực hiện
được điều đó?
Một cách cơ bản, Cần
giác chi là sự nỗ lực trong đời sống tỉnh thức và ức niệm. Như vậy sự nỗ lực ở
đây không hề có nghĩa là một cố gắng can dự hay phản ứng nào đó trước ngoại
cảnh, mà lại là sự chuyên tâm nhắm tới một động tác ngắm nhìn mọi sự với tất cả
trong sáng và khách quan. Ta có thể tự kiểm tra Cần giác chi của nội tâm bằng
cách nội quán "Mình đã thật sự hết lòng trong sự chú niệm?"
Thứ đến, phải hiểu rằng
Cần giác chi chỉ phát triển khi ta dốc sức trong công phu đào luyện. Mà chúng
ta thì thường có thói quen dè xẻn trong năng lực vì cứ ngầm sợ mình phải làm dư
đến quá mức cần thiết. Ta thích sống hoạt động theo một thời gian qui định nào
đó mà cứ quên rằng đời sống tỉnh thức thật ra luôn là cần thiết trong mọi lúc.
Bởi đối với một hành giả, không có giây phút tỉnh thức nào là thừa, và để có
được một điều đó thì sao lại có thể thiếu sự nỗ lực? Ở đây, ta nên tâm niệm
rằng sự nỗ lực luôn giúp ta đối phó với tất cả những gì là bất an, và năng lực
của con người chúng ta không giống như của một viên pin. Chúng ta càng gia tăng
nỗ lực thì sức mạnh nội tâm cũng càng lúc lớn mạnh theo. Một vị thiền sư đã nói
rất đúng: "Tu hành đừng có mặc cả!"
Nói vậy không có nghĩa
là chúng ta cắm đầu vật lộn với thời gian một cách xuẩn động, mà ở đây hành giả
nên hiểu rằng sự tinh tấn trong trường hợp nầy chính là một tâm lực thúc đẩy ta
không dừng bước. Có thể một cách kín đáo nhẹ nhàng thôi nhưng bền bỉ, đều đặn
đủ giúp hành giả không tiêu phí thời gian.
Cần giác chi đem tới cho
hành giả những giá trị sống và năng lực hoạt động ngay trong chính cuộc tu và
giúp ích cả thể xác sinh lý nầy nữa. Hình thức nỗ lực nào cũng là tất cả. Chẳng
hạn trong tư thế tĩnh tọa, tự nó có thể đem lại cho ta một sự nhẹ nhàng thư
giản. Mặc dù vẫn có không ít những hành giả lại cho rằng các tư thế vận động sẽ
tốt hơn bởi nhờ đó năng lực của cơ thể mới được hiển hiện và vận dụng hữu hiệu.
Cần giác chi có nhiều
cấp độ khác nhau khi chúng ta biết điều hành công phu của mình. Nói theo kinh
điển, về cơ bản, có đến bốn trường hợp Cần giác chi, mà xét trên ý nghĩa chung
thì đó là những nỗ lực trong chính sự thể nghiệm và thanh lọc nội tâm mà mục
đích cao nhất là giúp hành giả đọc hiểu được chính bản chất của mình:
- Trong trường hợp thứ
nhất, Cần giác chi là nỗ lực duy trì bền bỉ những giá trị thiện pháp đã thành
tựu nơi bản thân để tiếp phát triển nhiều hơn, giống như người ta cố gắng nuôi
dưỡng một thân cây đã được trồng xuống cho lớn mạnh thêm. Nhận thấy những nhận
thức nào là cao đẹp, trong lành thì hành giả cần cố giữ lại để ngày một nâng
cao thêm.
- Trường hợp Cần giác
chi thứ hai là sự nổ lực từ bỏ những gì ác xấu hình thành trong tâm hồn bằng sự
thấu đáo trực diện với chúng. Có thấy tham muốn là một phiền phức ta sẽ dễ dàng
tẩy xóa nó hơn. Ý nghĩa của Cần giác chi nầy không phải là một sự "Thành
kiến, ác cảm" đối với bất cứ cái gì, mà ở đây chỉ đơn giản là một cái nhìn
thấu suốt hướng tới trạng thái tịnh lạc, bình an. Chỉ cần vậy là ta đã có thể
xoay lưng với tất cả bất thiện rồi.
- Trường hợp tiếp theo
là sự cố gắng gây tạo những thiện tâm nào mà mình chưa có đúng mức, chẳng hạn
như một tình thương đối với tha nhân. Ta lưu ý tới nó để biết mình thiếu nó,
cần trưỡng dưỡng nó nhưng vẫn tiếp tục sống bình đạm và tỉnh thức, không sục
sạo kiếm tìm như một kiểu đầu cơ trẻ con.
- Trường hợp cuối cùng
là Cần giác chi trong ý nghĩa nỗ lực đề phòng ác pháp bằng cách cẩn trọng và
đặc biệt lưu tâm đến những hoàn cảnh và tình huống mà chúng có thể xuất hiện để
kịp thời ngăn đón và tự vệ nội tâm.
Nâng cao năng lực nội
tại bằng sự phát triển Cần giác chi là một điều thiết yếu cho công phu tu tập.
Với một nỗ lực đúng hướng, đúng mức, hành giả sẽ có khả năng đào sâu chính mình
hơn, để vươn mình lên những sự thật kỳ diệu hơn và trên hết là làm tăng hoa
cuộc tu của mình bằng chính những thành quả đó.