Ðể hiểu được nghiệp lý,
điều căn bản và cốt lõi là việc nhìn thấy phương thức vận động hoặc những
khuynh hướng ý thức mang tính quy định một chủng tử tạo quả trong tương lai
trong chính hành động mà mỗi người thực hiện. Từ đó suy ra, một sở hành (trong
tam nghiệp) được điều động bằng thiện tâm thì kết quả tất yếu của nó sẽ là các
quả lành. Bằng ngược lại một sở hành được điều động bởi các phiền não thì hậu quả
dĩ nhiên của nó sẽ là tất cả những gì cay đắng chua chát trong tương lai. Có
điều là các quả nghiệp không phải luôn luôn là nhãn tiền nên ta phải nói rằng
thật không dễ dàng gì nhìn thấy được quá trình quan hệ tương thuộc giữa nhân và
quả.
Tuy nhiên trong đời sống
thường nhật ta vẫn có lắm dịp để thấm thía một cách dễ dàng và trực tiếp vấn đề
nghiệp lý xuyên qua trường hợp khẫu nghiệp, những ngôn ngữ đối giao với mọi
người xung quanh. Chúng ta hãy làm một thử nghiệm bằng cách bỏ ra đôi ba ngày
ghi nhận cẩn thận và trung thực từng động lực tâm sinh lý của mỗi lời nói mà
mình phát biểu. Hãy cố gắng nhìn thẳng vào từng phút giây tâm não trạng gắn
liền với ý muốn phát ngôn, nhìn thẳng vào những động lực, phản ứng tâm lý vào
cả sự chọn lựa ngữ ngôn của mình. Hãy cố gắng tỉnh thức để nhận diện tất cả
những gì thúc đẩy ta nói, bất luận đó là một thứ tâm trạng thô tế, tốt xấu ra
sao. Ðại khái, càng tỉnh thức càng tốt, đối với tất cả hình thái ý thức và
những gì thật sự có tác động đến khẩu nghiệp của mình.
Ta chỉ nhìn ngắm thôi,
một cách khách quan về đáy sâu thật sự của nội tâm mình, không thông qua một
toan tính khuôn sáo nào cả. Hãy đơn giản ghi nhận các vận động sai biệt của ý
thức cùng những ngôn ngữ mà chúng điều động.
Qui luật nghiệp báo luôn
buộc ta phải tự chịu trách nhiệm về tất cả những tác động của mình (mà mỗi
người có thể chọn lựa) đối với thế giới chung quanh trong từng giây phút. Với
sự khám phá tinh vi và kỳ thú về những năng lực nội tại này ở mỗi người cũng
giúp ta tự qui định lấy điều kiện sinh tồn ngoại tại: Ta có thể chọn lấy cho
mình một hướng đi an lành, giải thoát.