Thursday, May 19, 2016

Những đau đớn tâm lý

Cũng như đối với tấm thân sinh lý, nội tâm của chúng ta luôn phải vật lộn dai dẳng với hàng loạt những nhức nhối bất toại mà mọi người vẫn thường trực cố ý chối bỏ và giải trừ. Chính những đau đớn nội tại này đã là những tác nhân quan trọng cho từng cơn vật vã và xung đột nội tâm của chúng ta. Chúng là một phần lớn thực tại trong đời sống cảm nghiệm của mỗi người và tồn tại dưới nhiều hình thức: Những cảm giác bất an, cô đơn, điếm nhục, sợ hãi....

Nhưng làm thế nào để ta có thể đón nhận chúng một cách trung thực đây, trong khi ai cũng có thói quen phản ứng đối kháng thực tại một cách nông nổi? Ðối với tất cả những cơn đau tâm sinh lý, chúng ta hầu như luôn có thái độ đó. Chẳng hạn như khi đối diện với những cảm giác cô đơn, ta thường có tâm thái chán ghét và bên cạnh đó là ý hướng khai trừ, trốn chạy. Có biết bao lần trong đời mình, chúng ta chỉ đơn giản có mỗi một nỗ lực tránh né những thực tại mà mình e sợ, ngán ngẫm. Thái độ bất mãn trong cảm nghiệm về sự thật hiện hữu chỉ luôn có nguy cơ gây tạo ở ta những tâm thái phân biệt, chấp thủ đối với mọi sự mà thôi. Vạn sự sẽ đơn giản biết mấy khi mỗi người cứ bình thản vô tư để,mặc chúng đến và đi mà không hề có một ý niệm đối kháng nội chiến!

Cái nhức nhối nghiêm trọng nhất trong các mối khổ tâm có lẽ vẫn là cảm giác bất an, thiếu tự tin. Nó luôn ám ảnh ta bằng những âu lo vớ vẫn: "Ta phải sống ra sao để có vẻ cởi mở với mọi người? Nếu thiên hạ cứ biết tỏng về con người thật của ta thì mọi việc sẽ ra sao?..."

 Chính cảm giác tâm lý bất an này sẽ tạo nên ở ta một ảo tượng ngả chấp nguy hiểm đối với thế giới, bởi ta luôn nghĩ tới mục đích"được cuộc đời chào đón và yêu thương". Có điều là cái ảo tượng ngu ngơ đó luôn được chúng ta che đậy, dấu kín bằng đủ thứ ngụy trang.
Chỉ cần đôi phút tỉnh thức nhìn thẳng vào từng tâm trạng bất an và tự ti, thiếu tự tin đó, ta sẽ thấy rằng chúng thật ra chẳng có gì dính dấp để cần thiết phải biết đến chuyện riêng tư của chúng ta đâu. Thay vào đó, tốt hơn ta nên quay về với các cảm nghiệm tự thân của chính mình. Nhưng hãy khéo đấy, biết đâu chừng ta chỉ có được cái trăn trở đối với bản thân mà không tự biết đón nhận và thương mình một cách chính chắn, đúng nghĩa theo thiền lý.

Nếu chúng ta biết kịp thời cảm nghiệm trọn vẹn những tâm thái bất an, thiếu tự ti và biết sống trung thực với chính bản thân mình thì chắc chắn chúng ta sẽ tự tìm thấy mình qua cái bóng phản chiếu thì coi như chúng ta vẫn còn bị vùi lấp, che kín trong trí tuệ hiện tại. Nếu được hãy tạm thời xử lý những tâm trạng đó bằng cách thư giản từng hơi thở để mình được thoải mái hơn rồi từ đó chúng ta bắt đầu mở rộng cánh cửa tình thương đối với chính mình và tha nhân.

Như đã nói, chúng ta luôn có khuynh hướng trốn chạy, chối bỏ tất cả những đau đớn của tâm sinh lý bằng đủ mọi cách. Ðối với những cảm giác cực lòng của tâm lý ta thường nhớ đến những biện pháp đối đầu mù quáng như một thái độ khước từ, những hoạt động điên cuồng nào đó hoặc những hình thức ảo tượng ngã chấp. Một trong những nhân tố tâm lý có phương hại đến trí tuệ như thật của chúng ta chính là cảm giác sợ hãi. Và chính vì nó đã gần như trở thành một thứ bản năng tâm lý mà hầu hết chúng ta đều không hề nghĩ đến việc khám phá thật sự của nó nên chúng ta thường xuyên bị nó điều động, chi phối một cách vô thức.

Chính Trang Tử cũng đã từng nói "Những lo sợ nhỏ thì tạo nên các e ngại, những lo sợ lớn thì tạo nên sự hoảng loạn". Khi một sự sợ hãi vừa xuất hiện, bất luận là sự sợ hãi về cái gì - kể cả sự sợ chết, điều cần thiết là chúng ta bắt buộc phải thực hiện cho bằng được đó là sự phơi mở trọn vẹn ngay chính nỗi sợ đó: Nó hiện đang ra sao? Cảm giác sinh lý của chúng ta lúc này thế nào? Chúng từ đâu đến? Trong nội tâm đầu nhận diện được sự sợ hãi cũng có nghĩa là ta cũng đã thấy được đặc tính phù du hữu cơ của nó, đồng thời khi ta phơi mở nội tâm mình để nhìn ngắm nó bằng một giao hòa và mát mẻ sau sắc thì lúc này coi như tất cả những khái niệm ngã chấp về cái Tôi, của Tôi cũng biến mất. Vấn đề sợ hãi đến lúc này coi như tạm ổn.

Từ cơ sở của tỉnh thức và thái độ đón nhận thực tại một cách trung thực, khách quan này, chúng ta có thể tự chọn lựa cho mình một trình độ trí tuệ biền biệt nào đó của tỉnh thức. Ðôi khi điều đó được thực hiện trong một thiền khóa với những đề mục cùng các điều kiện lý tưởng nào đó nhưng cũng có lúc, công phu này lại được thực hiện bằng sự quay về nhìn ngắm vào ngay chính sự sợ hãi mà mình đã và đang đối đầu. Ý chí và tinh thần trách nhiệm của chúng ta bây giờ cũng được tăng cường mãnh liệt hơn, vì những động cơ nỗ lực của bản thân không còn bị hạn chế trong ảnh hưởng của lòng sợ hãi qua tâm thái đối kháng nữa.

Chúng ta đã học được cách hòa giải đối với sự sợ hãi để công phu thiền định có thể giúp ta khám phá ra được đích điểm vươn tới của ý thức chính mình, xem mình thực ra muốn làm điều gì, phơi mở cái gì. Nếu cứ tiếp tục trốn chạy lòng sợ hãi trước mắt, coi như chúng ta cũng đã tự xây dựng một rào cản cảnh phòng đối với các sự sợ hãi chưa xảy đến. Mà điều này vừa chẳng những không thể thực hiện được mà lại có nguy cơ giới hạn và giam hảm đời sống nội tâm của chúng ta. Ðiều đó cũng có nghĩa là ta đã tự khép kín cõi lòng, đóng chặt khả năng hiển hiện của tình thương và khả năng giao hòa, đồng cảm với thực tại, từ nội thân đến ngoại giới.

Cũng như đối với những nỗi đau tâm sinh lý của bản thân, chúng ta còn có biết bao tình huống bắt buộc phải tự có một thái độ đối kháng, chẳng hạn về vấn đề nhân sự và những hoàn cảnh éo le trong cuộc sống gia đình hoặc xã hội. Bởi ta đừng bao giờ quên rằng, trong thế giới tình cảm thường nhật vẫn luôn có rất nhiều đối tượng mà mình ác cảm trong giao tiếp đối ngoại, cũng có không ít những tình huống dễ khiến ta bất mãn, khó chịu. Thông thường, trước một đối tượng "đáng ghét", chúng ta vẫn có phản ứng tự nhiên là giữ một thái độ đối lập với từng khía cạnh nhân cách và tập tính của họ, để rồi tự mình cầm tù trong chính thành kiến ác cảm mang tính đối kháng, ngăn cách với người ta.


Trong khi đó, nếu tự biết điều động nội tâm mình ra khỏi thái độ tâm lý bản năng này và tự phơi mở trái tim để bao dung tha nhân - một trình độ nội tâm không mấy đắt đỏ mà đặc tính là độ lượng và hòa giải - thì chúng ta có thể dễ dàng xót thương họ nhiều hơn, thông qua sự thông cảm và trắc ẩn về những đau khổ kín đáo mà ai cũng có. Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho họ khi hiểu được một điều hết sức quan trọng rằng tất cả những gì là đáng ghét của đối phương thực ra chỉ là những phản ứng tự nhiên của họ trước các khổ lụy, mà nhiều khi chỉ là một cách vô thức mà thôi. Với một cảm nghiệm phơi mở như vậy về những đau khổ của người khác, kể cả đối với những cá nhân mà ta vẫn xem là đối phương, đối thủ - tình thương vị tha tự nhiên sẽ tìm đến với chúng ta.