Chúng ta đã đi qua giai
đoạn Dấn thân hay cũng có thể gọi là chặng đường nhập cuộc với những đối đầu
trong từng cơn đau sinh lý, từng vận động nhỏ nhặt nhất của nó, những trở lực
tu tập cùng với những bước đầu làm quen với công phu tập trung ý thức. Nhưng
chừng đó vẫn chưa là đủ. Bước đi tiếp theo của người hành giả là khả năng khám
phá: cẩn thận nhìn ngắm, trong từng khoảnh khắc, tất cả những gì xảy ra một
cách vô tư, vô cảm, không thông qua một thành kiến tốt xấu nào cả. Ở đây người
hành giả chỉ được nhìn ngắm bằng tất cả sự tỉnh thức và tự tại.
Ta có thể hiểu hai tiếng
"khám phá" ở đây là một công phu tu tâm được thực hiện ngay trong
chính nội tâm mình. Ðó là một sự tiếp nhận và cảm nghiệm thật trọn vẹn trong
mỗi mỗi phút giây về thực tại một cách sinh động. Thực tại luôn vô thường,
không lúc nào giống lúc nào. Hãy nhớ rằng, sự khám phá ở đây không hề mang tính
máy móc: nó phải luôn sống động và linh hoạt như thật. Trong thiền học của Phật
giáo Bắc truyền gọi đó là Sơ tâm, một trạng thái ý thức hồn nhiên để quay về
nguồn cội. Ta có thể nói rằng toàn bộ nghệ thuật sống thiền là chỉ để gìn giữ
tinh thần đó: thấu suốt cái gì đang xảy ra, đắm mình trong đó để không nghĩ đến
tất cả những cái thuộc hôm qua hay ngày mai. Ðây là một Ðạo sống hết sức kỳ
thú.
Ðiều nãy giờ vẫn nói, ta
có thể hiểu qua hình ảnh một nhà thực vật học đang nghiên cứu về một giống cây
nào đó. Dưới mắt họ, từng chi tiết của bất cứ loại cây nào cũng đều quan trọng,
không như bao người khác vẫn có một đánh giá hết sức bình thường về những thứ
cây cỏ mà mình vẫn thường nhìn thấy: "Ồ, có gì lạ cái thứ cây đó, tôi đã
từng trông thấy chúng mọc cả rừng!" - Bản chất thực tại cũng giống như bao
loài cây cỏ: nó sẽ là thế này hay thế khác dưới nhiều cách nhìn khác nhau của
mỗi con người, mỗi góc độ, mỗi trình độ.
Khi chúng ta học được
cách khám phá từng cảm nghiệm của mình trong thực tại thì cũng có nghĩa là
chúng ta đồng thời tìm thấy phương cách thu xếp tấm thân sinh lý của mình với
tất cả thực trạng vốn luôn chuyển biến của nó sao cho thích ứng một cách nhuần
nhuyễn với từng phút giây tri nhận. Chẳng hạn, chấm dứt hay một cảm giác đi kèm
nào đó. Chúng ta sẽ nhận ra khoảng cách của từng hơi thở với nhau, những giai
tần kể cả những đột biến bất chừng. Bao rắc rối ban đầu rồi sẽ qua đi, để sau
cùng trong cảnh giới tri nhận của chúng ta chỉ đơn giản còn lại từng hơi thở.
Tu tập Thiền định là một
quá trình phát triển liên tục, khả năng chú niệm mọi thứ ngay từ lúc nó mới vừa
xuất hiện, một cách giản đơn, chẳng hạn từng hơi thở hay từng bước đi và cứ
thế, đối với các thực tại khác cũng vậy. Cuộc tu của chúng ta, dĩ nhiên, bắt
đầu từ những khám phá về thế giới vật chất thô thiển, những gì mình có thể thấy
và nghe đuợc. Có thể nói, những khái niệm của chúng ta về thế giới xung quanh
khi chưa có được chút ít nào trí tuệ Thiền định thì thường là nông nổi, nếu
không muốn là thiển cận, hời hợt: cái gì đối với chúng ta, kể cả tấm thân sinh
lý này, đều cứ như một cuốn phim. Chúng ta xem phim. Rồi lại gởi mình vào trong
từng tình tiết của nó.
Ở một trình độ khá hơn,
theo thời gian, những khái niệm ban đầu của chúng ta dần dần được nâng cấp, để
từ đó, ta lại học thêm cái thói hoài nghi và cái tật xây dựng những quan niệm
này nọ. Nhưng rồi, một khi đã biết tới trí tuệ Thiền định, từng phút giây tỉnh
thức sẽ đưa ta ra khỏi khu rừng ảo mộng đó, để rồi dần dần tất cả những mớ bòng
bong đó được hệ thống lại để chúng ta ngày một điềm tỉnh hơn.
Phải nói đây là một vấn đề cho hầu
hết các hành giả. Bởi quanh ta, trong nội tâm của chúng ta thì đúng hơn, luôn
có quá nhiều những ám ảnh của vọng tưởng: những quan hệ giao lưu, những tình
cảm vẫn được xem là thiết yếu, rồi là chuyện ăn, chuyện mặc,... kể cả một thói
quen làm việc mang tính văn nghệ. Tất cả những cái đó đối với chúng ta luôn có
vẻ là quan trọng, trong khi thực ra chúng chỉ là những điệp khúc buồn tẻ, thậm
chí có những điều chỉ là bộ phận của một món đồ đã cũ. Trôi dạt trên dòng chảy
của những ảo tưởng đó, chúng ta ôm ấp những gì mình thích và ghét bỏ những gì
mình không vừa ý. Trên những thói quen đó, chúng ta hãy thử thực tập Thiền định
để giữ cương nội tâm vốn bôn ba của mình xem sao. Khi một cái gì đó nghịch ý
xảy đến, mà thái độ khám phá của chúng ta bị ảnh hưởng thì xem như ta vẫn chưa
thực hiện trọn vẹn được yếu cầu của công phu khám phá ở đây.
Với sự tiếp sức của
Chánh niệm, ta hãy học cách khám phá thực tại bằng một con đường khác, vững
chải và độc lập hơn. Chúng ta có thể cảm nhận và quan sát những chuyễn biến của
thân tâm theo cách của một nhà khí tượng học quan sát thời tiết bằng nhiệt kế:
hôm nay nắng, hoặc mưa, hoặc có sương mù..., nói gọn lại, ta chỉ việc ghi nhận
một cách đơn giản những gì đang xảy ra.
Người hành giả phải hiểu
rằng nội dung của sự khám phá trong Thiền định là thái độ đón nhận thực tại.
Khi dùng trí tuệ Thiền định để nhìn ngắm, ta sẽ thấy rằng thật ra nội tâm của
chính mình có thể giao hòa với vạn sự mà không hề cần đến một sự đấu tranh,
đụng độ nào cả, đặc biệt ngau trong chính bản thân mình. Mọi cảm giác tâm sinh
lý, dù tốt hay xấu, khi xảy đến, ta không cần phải phân biệt để phản kháng hay
giữ lại. Ta chỉ việc nhìn ngắm và đối diện bằng tất cả cảm giác thân thuộc vô
tư: Không sợ hãi, không ghét cũng không thương.
Trong quá trình tu tập
tiền định, chúng ta dĩ nhiên có lắm lúc cảm thấy bối rối, mù mịt, nói chung là
cảm giác của một người chưa quen đi biển lại đang có mặt giữa một đại dương
sóng gió bão bùng. Trong những giây phút như vậy, chính tinh thần Biết
Chấp Nhận và tình thương sẽ là những động lực đem lại cho ta nguồn sức
mạnh. Tại Calcutta, có một bà giáo già tên Dipama, một người vẫn dạy cho tôi
học nhiều điều hay. Bà là một hành giả Du già nổi tiếng và cũng là một người
giàu lòng nhân ái. Những ai đến học phép Yoga với bà, bà thường đặt tay lên đầu
họ và từ miệng bà chỉ thốt ra một âm: "xì" thật nhẹ như để ban phước.
Phải nói bà có một nguồn tâm lực rất lớn, ở cạnh bà, người ta như luôn cảm nhận
được một từ trường của tình thương thật mãnh liệt, dễ nắm bắt, dễ nhận thấy.
Khi ta ở bên cạnh bà, dường như mọi khó khăn trên đời này đều dễ dàng cả. Như
để tiếp sức cho ta, bà luôn thầm thì một câu nói có vẻ như lúc nào cũng ở sẳn
trên môi: "Cái gì rồi cũng ổn cả thôi". Ðừng cố sức đấu tranh hay
ghép bỏ cái gì cả, bà thường nhắc thế. Có thể nói, mọi sự đối với bà đều luôn
là đơn giản cả.
Bà Dipama dặn dò chúng
ta đừng bao giờ vật lộn nhọc nhằn với bất cứ một cảm nghiệm nào. Cảm nghiệm hay
kinh nghiệm vốn là một từ nhiều nghĩa, vậy thì tiếng cảm nghiệm mà bà Dipama
nhắc đến ở đây chỉ cho ý nghĩa nào? Chẳng có gì là rắc rối cả, ở đây bà chỉ đơn
giản nhấn mạnh đến từng khoảnh khắc mà ta có thể nghe nhìn được về thực tại, dù
đó là thuộc tâm lý hay vật lý. Chúng ta thường có thói quen phân biệt các đối
tượng tri nhận ra ít nhất thành hai thứ chấp nhận được và khó chấp nhận, để từ
đó mới tự nảy sinh ra thái độ tâm lý cách ly và trốn chạy. Trong khi đó, tinh
thần cốt lõi của Thiền định luôn nhắc nhở chúng ta hãy biết quan sát và đón
nhận mọi thứ một cách vô tư. Chúng ta phải học cách tiếp cận và giao hòa để
lắng nghe tất cả những gì xảy đến với mình mà không hề có một ý thức phân biệt.
Chúng tôi, trong tập sách này, đã từng nhấn mạnh rằng Thiền định đúng nghĩa
không hề là một quá trình thay đổi hình thức như kiểu sống mang tính thời
thượng, miễn sao hình thức sống luôn mang ý nghĩa nâng cấp nội dung tâm linh.
Chẳng hạn ở oai nghi Thiền định nào cũng đều tốt cả. Nếu ở oai nghi ngồi, ta
cảm thấy là thích hợp thì chính từ tư thế này, ta mới dễ dàng cảm nhận được
từng ba động lớn nhỏ của thân tâm, rồi từ đó, ta mới đủ sức đi nốt đoạn đường
còn lại là tiếp nhận và quan sát. Cũng như đối với bất cứ một công việc nào
trên đời, công phu này cũng đòi hỏi ở chúng ta một sự kiên nhẫn đúng mức cùng
với một sự ra sức nghiêm túc. Với từng bước tiến bộ nhịp nhàng này, dần dần rồi
chúng ta cũng sẽ tự làm chủ lấy được chính mình, nói khác đi, làm tìm lại được
sự cân bằng tâm sinh lý mà mình vẫn đánh mất từ lâu. Ðây mới chính là vốn sống,
là nguồn sinh lực thật sự của chúng ta.
Có một dạo, ở một vài
nơi trên xứ Ấn Ðộ, người ta vẫn thường bắt gặp những tấm bích chương có hình vẽ
đại sư Satchidananda Swàmi khoác một manh áo cánh đang đứng trong một tư thế
Yoga "Cổ thụ" với một chân xếp tréo lên và hai tay đặt lên đầu. Hình
ảnh trên tấm bích chương cho thấy Ngài rất vững vàng trong tư thế đó, dù chỉ
đang đứng bằng một chân. Ðiều này chẳng có gì là lạ lùng cả nếu ta hiểu được
rằng để thực hiện được tư thế này, vị đại sư chỉ phải bận tâm mỗi một việc là
xua khỏi lòng mình mọi xung động không cần thiết. Bởi có lẽ bất cứ Thiền sinh
nào cũng đều nhớ được quy luật "Tâm tịnh, Thân cố". Bên dưới tấm bích
chương có một dòng chữ lớn "Bạn không thể ngăn sóng vỗ nhưng có thể ngăn
nó tràn bờ". Ðó chính là Thiền định.
Ðúng vậy, chúng ta chẳng
tài nào làm đình chỉ hay tránh được những đợt sóng vô thường, bởi chúng chính
là từng viên gạch xây nên sự hiện hữu của chúng ta: chúng ta tồn tại bằng từng
chuỗi vận động của tâm sinh lý và chúng là gì nếu không phải là những chuyển
biến vô thường. Như vậy thì chúng ta có lắm điều phải học: học cách đối diện
với những đổi thay ác nghiệt của đời sống, học phép tỉnh thức rồi cả phép quân
bình nội tâm. Một khi đời sống không còn bị ám ảnh bởi những sợ hãi vô cớ và
được thiết lập trên một căn bản cố định, nó sẽ đẹp và thoải mái nhiều lắm.