Có một vấn đề để chúng
ta phải suy nghĩ là có bao giờ bỏ ra chút ít thời gian để tự tìm thấy những mối
quan hệ giữa những khía cạnh tế nhị của cuộc đời Ðức Phật với cuộc tu và đời
sống của chúng ta hay không. Ðó là một việc làm hết sức ý nghĩa đối với chúng
ta hôm nay, dù xét về thời gian chúng ta đã là những hậu nhân sanh sau Ngài đến
hàng mấy mươi thế kỷ. Chúng ta đã học hỏi được điều gì, từ kiến thức sách vở cho
đến những ứng dụng thực tế ngay trong chính đời sống mình?
Có lắm cách nhìn về Ðức
Phật. Trước hết, Ngài được xem là một nhân vật lịch sử có thật, đã ra đời tại
miền Bắc Ấn Ðộ vào khoảng thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 trước Tây Lịch và đã trở
thành một Ðức Phật ở tuổi 35. Bằng vào cách nhìn mang tính sử học và dung dị
như vậy, ta có thể hiểu Ngài một cách chi tiết và điển hình bằng thái độ, tâm
tư, trí tuệ trong tinh thần đồng loại.
Còn một cách nhìn khác
nữa về Ðức Phật là chúng ta có thể xem Ngài như một biểu tượng căn bản của tất
cả giá trị nhân tính. Như vậy Ðức Phật từ cách hiểu này là một hình thái phô
diễn trọn vẹn của một tâm hồn giác ngộ và tỉnh thức, một trình độ tâm linh nằm
ngoài tất cả phiền não và hư ngụy, tà vạy.
Sự thông thuộc về cuộc
đời Ðức Phật chẳng khác gì sự dấn bướcvào một cuộc hành trình mà qua đó, ta sẽ
tìm thấy những mô hình nhân cách căn bản nhất được phô diễn trọn vẹn. Trong cả
hai cách nhìn trên về Ðức Phật, một con người lịch sử hay một biểu tượng sống,
đều có thể giúp ta thấu suốt được những quy luật chung nhất cho một lý tưởng
thăng hoa tuyệt vời ngay trong chính những kinh nghiệm sống của Ngài. Ðể từ đó,
hình ảnh về Ðức Phật không còn là một huyền thoại trừu tượng xa xôi đối với
chúng ta qua bất cứ một khái niệm cách ngăn nào về không gian và thời gian cả,
mà lúc này chính Ðức Phật và những mẫu chuyện đời về Ngài tự nhiên hiển hiện và
sống dậy một cách sinh động ngay trong tâm hồn cũa mỗi chúng ta như một phép
sống tất yếu và phổ cập.
Có thể nói đây chính là con đường giúp ta nhận diện
tất cả những cảm nghiệm của mình ở một quy mô lớn rộng hơn, đồng thời đó cũng
là một mối giao hòa và gần gũi với Ðức Phật có nhiều ý nghĩa nhất mà chúng ta
có thể thực hiện bằng cách nhìn lại con đường Ngài đã đi qua. Chúng ta có thể
nối bước theo Ngài bằng cách tự biết nêu ra và giải đáp những trăn trở: Thế nào
là bản chất của đời sốngvà đâu là cội nguồn của tất cả khổ đau mà chúng ta vẫn
đang gánh chịu?
Trong tác phẩm Người Anh
Hùng Muôn Mặt (xuất bản tại New York năm 1971), Joseph Campbell, một học giả
trứ danh người Mỹ, đã qua đó, mô tả lại toàn bộ con người Ðức Phật xuyên qua
bốn giai đoạn, mà ông gọi là những chặng đường thể hiện đức tính đại hùng đại
lực của Ðức Phật trong suốt hành trình hướng đến quả vị tối thượng của bậc
Chánh Ðẳng Giác.
Bốn giai đoạn đó được
trình bày bằng cách kết hợp sinh động những khía cạnh mang tính đời thường
trong cuộc đời Ðức Phật với kinh nghiệm tâm linh của chính mình, chúng ta sẽ
tìm được một nguồn động lực khích lệ hết sức lớn lao cho mỗi chặng đường tu của
mình. Càng nhìn vào đời sống của Ðức Phật, chúng ta càng nhận được nhiều niềm
vui cho nội tâm. Bởi vì có lưu ý đến đời sống tinh thần vốn vĩ đại và mãnh liệt
của Ngài, chúng ta sẽ được những tác động sâu sắc cho đời sống nội tâm bản
thân.
Khi mới thoạt nhìn hoặc
thoáng nghe về những cuộc phiêu lưu của các nhà thám hiểm lừng danh thế giới,
chúng ta thường có thói quen liên tưởng đến những cuộc khám phá ly kỳ, hấp dẫn
mang tính huyền thoại hay điện ảnh. Ta có thể tha hồ tưởng tượng đến những
thiên đường bát ngát có cỏ xanh. Trời đẹp, những hồ nước trong vắt, những miền
xa, xứ lạ đẹp như mơ, mà ít khi chịu nghĩ tới những muỗi mòng, rắn rít, những
gió mưa lạnh lẽo nơi núi rừng, những cơn đói khát cùng vô vàn những hiểm nguy
bất trắc mà các nhà thám hiểm đó đã phải trải qua bằng cả tính mạng. Trong khi
đó, chính những cái nghiệt ngã này mới thật sự là toàn bộ cuộc hành trình của
các nhà thám hiểm. Con đường khám phá ra bản chất của đời sống, hay nói khác
đi, hành trình giác ngộ của chúng ta cũng tương tự như vậy. Có nghĩa là mỗi
người tu hành đều phải đi qua biết bao khổ lụy và thử thách ngay trong chính
từng bước đi của mình. Chúng ta luôn dễ dàng rơi vào những cạm bẫy của cuộc tu
và sẵn sàng tự đánh mất chính mình qua cái nhìn vọng ngoại vốn chẳng bến bờ
ngay trong chính pháp môn mà mình vẫn xem là đạo lộ giải thoát.
Campbell đã chọn lấy
thời điểm Bồ tát được thọ ký lần đầu tiên là giai đoạn bắt đầu cho
hành trình đi tìm Phật quả của Ngài. Theo kinh điển nguyên thủy thì cách đây vô
số kiếp sống (kể chính xác là thời gian bốn A Tăng Kỳ và một ức đại kiếp), Ðức
Phật Thích Ca trong một kiếp nọ, dĩ nhiên lúc này Ngài vẫn còn là một vị Bồ
tát, đã là một vị ẩn sĩ tên Sumedha và khi đó nhằm vào thời kỳ ra đời của một
Ðức Phật Toàn giác có Hồng danh là Dìpankara (Nhiên Ðăng). Một hôm nghe tin Ðức
Phật sắp sửa ngự đi du hóa ngang qua một địa phương và dân chúng sở tại đang ra
sức sửa chữa đường sá để đón tiếp Ngài cùng Chư Thánh Tăng, Sumedha đã tình
nguyện tiếp sức với họ bằng cách nhận làm một đoạn đường được xem là khó khăn
nhất. Công việc đang dở dang nửa chừng thì Ðức Phật và Chư Tăng đã tới nơi. Xúc
động mãnh liệt trước hình ảnh của Ðức Phật Dìpankara, ẩn sĩ Sumedha lập tức
hướng tâm tới một quả vị như vậy mà mình có thể hy vọng đạt được trong tương
lai nên đã nhanh chóng nằm dài xuống đất, ngay trên khoảng đường sình lầy để
lấy thân mình làm chiếc cầu cho Ðức Phật cùng chư Thánh Tăng bước qua, với một
tấm lòng tín thành tuyệt đối để cầu mong Phật quả, đồng thời nói lên lời phát
nguyện của mình trước mặt Ðức Phật Dìpankara.
Thấy rõ được công đức và
tâm lực của vị ẩn sĩ chắc chắn sẽ dẫn đến sự thành tựu tâm nguyện ấy một cách
như ý, Ðức Phật Dìpankara liền tuyên bố trước đại chúng rằng vị ẩn sĩ này chắc
chắn sẽ được toại nguyện sau một thời gian dài tu dưỡng thêm nữa các giá trị đạo
hạnh của một bật Toàn Giác. Kể từ sau lời thọ ký này của Ðức Phật Dìpankara, ẩn
sĩ Sumedha đương nhiên được toàn thể nhân thiên xem là một Ðức Phật tương lai.
Trong kinh Bổn Sanh đã
kể lại rất nhiều những nỗ lực tu tập Ba La Mật của Bồ Tát trong suốt vô số kiếp
sống luân hồi trước khi trở thành một Ðức Phật. Ba La Mật ở đây là những giá
trị đạo hạnh mang ý nghĩa trang bị cho quả vị Toàn Giác: Hào sảng, độ lượng,
trí tuệ, bình tâm, can đảm, chân thật, nghị lực... trong đời sống thường nhật
của mình. Những nỗ lực để trưởng dưỡng các giá trị đạo đức đó chắc chắn không
phải là vô nghĩa, mà ngược lại, đó là những nguồn nhân tố trợ lực hùng hậu cho
tất cả nhữngthành quả tu tập tuyệt vời nhất.
Sau bao kiếp sanh tử và
tu tập với một đạo lực và thời gian nhất định, trong kiếp sống cuối cùng, Ðức
Bồ Tát đã sanh làm một vị hoàng tử của tiểu vương quốc thuộc Hoàng tộc Thích
Ca, tính theo địa danh của hôm nay chính là miền đất biên giới giữa xứ Nepal và
Ấn Ðộ. Lúc bấy giờ là khoảng thế kỷ thứ sáu trước công nguyên. Trong ngày Bồ
Tát chào đời, các nhà thông thái của vương quốc đã đồng loạt tiên tri rằng sau
này Hoàng Tử hoặc sẽ trở thành một bậc Ðại đế uy chấn tứ hải hoặc nếu ra đi
xuất gia thì sẽ trở thành một bậc Ðại Giác. Phụ vương của Bồ tát dĩ nhiên chỉ
muốn con mình kế thừa và phát huy Vương nghiệp nên đã bằng đủ mọi cách bố trí
tất cả những điều kiện hạnh phúc khoái lạc để mong Hoàng tử không có cơ hội
chán đời mà phải luôn triền miên đắm chìm đời sống nhung lụa thế tục. Bồ Tát có
đến ba tòa lâu đài được thiết kế thích hợp và tiện nghi để có thể sống thoải
mái trong từng thời tiết vốn vô cùng khắc nghiệt của vùng Bắc Ấn. Quanh Ngài
luôn có vô số nhạc sĩ, vũ công và các mỹ nữ kiều diễm nhất được tuyển chọn thật
cẩn thận tử khắp nơi về.
Nói chung, Ðức vua đương
triều đã dùng hết khả năng của mình để cách ly Bồ Tát với cuộc đời bên ngoài,
trong một cõi thiên đường vàng son chỉ với mục đích duy nhất là để giữ chân đứa
con trai có thiên tư khác phàm của mình.
Năm Bồ Tát lên 29 tuổi,
một hôm thưa với vua cha xin được xuất cung để du ngoạn ngoại thành. Vua cha dĩ
nhiên không có lý do để từ chối ước muốn đó của con mình nhưng trước hết Ngài
đã kín đáo ra lịnh cho mọi người sơn sửa, trang hoàng từ đường sá cho đến nhà
cửa dân chúng ở những nơi mà hoàng tử sẽ đi qua. Theo lệnh vua, tất cả những gì
xấu xí, héo úa, buồn thảm... khả dĩ khơi gợi ở Bồ Tát một chút động tâm, đặc
biệt là ý hướng chán đời, đều phải được thu dọn, che khuất khỏi tầm mắt của
Ngài.
Tương truyền rằng ngay
khi BồTát đang dạo qua một khoảng đường trong thành phố, có bốn vị thiên nhân
đã từ cõi trời hiện xuống hoá ra bốn hình ảnh nhằm khích động và đánh thức ở Bồ
Tát lý tưởng giải thoát mà bấy lâu nay Ngài đã tạm thời lãng quên. Mỗi vị thiên
nhân tạo ra một hình ảnh khác nhau: Một cụ già lụm cụm di chuyển nặng nề như đã
mất hết sức sống, một bệnh nhân đang quằn quại bên lề đường, một tử thi sắp sửa
mang đi an táng. Cả ba hình ảnh này đều là những khuôn mặt thật của đời sống mà
Bồ Tát lần đầu tiên trông thấy từ suốt 29 năm qua trong đời mình. Cứ trước mỗi
hình ảnh như vậy, Bồ Tát lại hỏi người đánh xe cho mình sao trên đời lại có
những cảnh tượng ghê gớm như vậy. Vẫn theo kinh điển truyền thống, người xa phu
của Bồ Tát đã do thần lực khiển tâm từ các thiên nhân nên đột nhiên thao thao
bất tuyệt giải thích cho Ngài rằng đó là những bi kịch tất yếu của một kiếp
người, một thảm trạng chung mà tất cả những ai đã trót sinh ra trong đời này
cũng phải đều gánh chịu. Hình ảnh thứ tư, vẫn do một thiên nhân hóa hiện, là
một vị Sa môn du phương. Bồ tát lại hỏi người xa phu rằng sao giữa phố thị phồn
hoa với biết bao nam thanh nữ tú vẫn tô lục chuốt hồng này lại có một người từ
phong thái cho đến trang phục đều khác đời như vậy. Chàng xa phu lại thưa rằng
đó là một vị xuất gia sống đời không nhà cửa với mục đích tầm cầu cứu cánh giác
ngộ và giải thoát.
Những hình ảnh do các
thiên nhân hóa hiện trên đây đã làm sống dậy ở Bồ Tát một nguồn đạo lực vốn đã
được huân tập và tiềm tàng từ vô số kiếp tiền thân. Những hình ảnh đó đã khơi
gợi ở Ngài những vấn đề sâu sắc nhất: Thế nào là bản chất thật sự của cuộc tử
sanh? Cái gì là động lực thúc đẩy chúng tồn tại? Làm sao mọi người chấm dứt đau
khổ? Và vấn đề tối hậu chính là khả năng tìm ra một con đường giải thoát thật
sự.
Còn chúng ta thì sao,
mỗi người đã tìm thấy cho mình một nguồn động lực nào cho chính cuộc tu của bản
thân? Ðã có một vị thiên sứ nào hiện đến nhắc nhở cho chúng ta hay chưa? Cũng
như Ðức Phật, mỗi người trong chúng ta đều có một cuộc đời. Chúng ta phải tự
biết lắng nghe và chắt lọc những tiếng gọi từ đời sống để tỉnh thức như Ngài.
Trong từng bước đi đầu tiên của cuộc hành trình tự hóa bản thân, sự phản tỉnh,
tức từng phút giây trực cảm tất cả thực tại, sẽ là con đường giúp ta những tra
vấn sâu sắc, gây tạo cho chúng ta những động lực hùng hậu và cũng đồng thời
vạch lối, mở ngỏ cho những thao thức căn bản nhất.