Sunday, May 1, 2016

Các Cấp Ðộ Thiền Ðịnh

Thiền định là nếp sống năng động thông qua một nhãn quan sáng tạo, một đường hướng hiểu biết sâu sắc về cuộc sống, về những gì vẫn thường trực xảy ra quanh ta. Tu tập pháp môn thiền định có nghĩa là chúng ta đi tìm một hành trình sống với những chặng đường hay cũng có thể gọi là những trình độ, những bước đi: Khám phá, phơi mở và hóa thân...

Dấn thân

Chặn đường thứ nhất, là chúng ta trực diện với chính mình trong những bước đầu sơ cơ. Học hỏi giáo lý và thọ trì một vài nguyên tắc cơ bản ban đầu, cũng như tập sự làm quen với những trở lực dĩ nhiên phải có đối với một người mới bước vào ngưỡng cửa thiền định, sau đó, chúng ta dốc sức điều hành thân tâm chính mình. Bước đầu bao giờ cũng lắm cái gian nan. Chúng ta đã có dịp biết qua ít nhiều về những trở lực của thiền định, như ham muốn, xung khắc, khuếch tán tư tưởng, buồn ngủ và hoài nghi. Chúng là những trở lực có thể đến với chúng ta trong bất cứ lúc nào.

Giai đoạn dấn thân là dạy cho ta biết cách học hỏi để tự làm thăng hoa bản thân, sử dụng ngay chính các trở lực đó như những đòn bẩy cho cuộc tu của mình. Và ở đây, ngay trong từng phút đối diện với thực tại, chúng ta mới có cơ hội vượt qua những khó khăn ban đầu ấy để tiếp tục thực hiện công phu tiếp theo là phơi mở nội tâm.

Giai đoạn dấn thân này có thể được minh họa bằng tinh thần can đảm và khả năng buông bỏ của chúng ta. Ta tự biết những gì là thực sự không cần thiết để nội tâm được trong sáng và nhẹ nhàng, những điều kiện hết sức cần thiết cho một sự lắng nghe vừa sâu sắc vừa mới mẻ. Chỉ riêng ước muốn xả kỷ và thiết tha tìm về bản chất thật của mình đã là một biểu tượng cho một tâm hồn vĩ đại và can đảm.

Chúng ta rồi sẽ phải có mặt trong biết bao cuộc đối đầu nữa, chúng ta còn biết bao việc phải làm, có biết bao điều chúng ta cần phải hoàn tất..., tất cả chỉ điều có thể thành tựu từ một nội tâm tha thiết hướng về chân lý. Ta có thể gọi tên nó là một thứ tình yêu và chỉ có thứ tình yêu này mới đem lại cho chúng ta tất cả nghị lực và can đảm.

Yêu cầu thứ hai của cuộc dấn thân mà nảy giờ vẫn nói đến, đó là tinh thần xả kỷ. Ðể có mặt trên một con đường mới, chúng ta không thể tiếp tục giữ lại và tuân theo những thói quen không cần thiết, chẳng hạn sự quên mình trong những ham muốn và sợ hãi. Thay vào đó, chúng ta phải thật sự ngồi lại và đối mặt với mọi sự một cách khách quan nhất. Phải nhận rằng, kiểu phơi mở này quả là không dễ dàng tí nào. Chúng ta sẽ cảm thấy bối rối với ngay cả chính mình khi phải gần như lãng quên hết những gì là hiểu biết để trở nên hồn nhiên và vô tư hơn. Nhưng người hành giả nên hiểu rằng trong chính thái độ tư tưởng "anh nhi" đó, mọi cảm nghiệm của chúng ta về vạn sự mọi trở nên chính xác và sâu sắc.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất của giai đoạn dấn thân là trong một chừng mực nào đó, người hành giả tự biết xem nhẹ hình hài vật lý của mình. Ngay những giờ thiền tọa đầu tiên, ta phải chịu đựng biết bao là khổ sở. Ðối diện với nỗi khó khăn này cũng là một công phu: Ta tự giàn xếp những vùng đau để cố gắng biến chúng thành thực tại tri nhận. Có làm quen được với các tư thế thiền định, học được cách xử lý chúng bằng Thiền định với ý nghĩ tận dụng, ta sẽ từng bước vượt qua chính mình để các nổ lực ngày một hữu hiệu hơn, chẳng hạn một khả năng tập trung nhìn ngắm. Ở chính trình độ này, chúng ta mới may ra cảm nghiệm được một nỗi đau đớn khác sâu sắc hơn, đó là nỗi đau đến từ những vật lộn sinh lý: vai, lưng, eo, bụng,... Khi phải chịu đựng một sự gò bó căng thẳng đến mức độ nào đó có thể gây nên những nhức nhối tưởng có thể làm chết người. Nhưng rồi cùng với sự tỉnh thức liên tục, những bức xúc ghê gớm này mỗi lúc cũng được giải phóng. Sau cùng, ở một trình độ cao hơn, những đau đớn sinh lý lại chuyển sang hình thức khác: có thể đó sẽ là những cảm giác ảo tưởng không ai giống ai, vi tế hơn nhưng cơ hồ còn mãnh liệt hơn trước. Nhưng chẳng sao hết, sự chuyển đổi cảm giác sinh lý này thường đi đôi với sự nâng cấp của trình độ Thiền định. Thời gian để vượt qua giai đoạn này luôn là bất định, kẻ mau người chậm. Nhưng vấn đề tựu chung vẫn là làm thế nào đó, chúng ta học được cách vượt khỏi những giới hạn thông thường của thể xác bằng cách tri nhận tất cả để thoải mái mở rộng nhãn trường nhìn vào thực tại.

Giàn xếp được những hoạt động thô tháo của nội thân xong rồi, người hành giả đến lúc này coi như đã có thể đủ sức đặt vấn đề với một hoạt động vi tế mà cũng hết sức quan trọng của tấm thân sinh lý, đó chính là hơi thở. Ðừng cố gắng điều hành hơi thở. Ðó là một yêu cầu hết sức quan trọng. Chúng ta hãy đơn giản nhìn ngắm nó ra vào một cách tự nhiên. Nói một cách khác, chúng ta chỉ nên học hỏi chứ không chỉ đạo hơi thở. Nó nhanh hoặc chậm, nhẹ hoặc sâu cứ mặc chúng. Ta chỉ việc theo dõi và nhìn ngắm từng đổi thay của nó. Ðiều này đòi hỏi một sự xuyên xuốt và liên tục: theo thời gian, hơi thở của chúng ta có thể ngày một vi tế hơn, thậm chí gần như mất hẳn. Nhưng không sao cả, sự tỉnh thức của chúng ta sẽ theo chiều tỷ lệ thuận, cũng ngày một vi tế và tinh xác hơn.

Một khi đã làm chủ được những vận động lớn nhỏ của tấm thân sinh lý, yếu cầu tiếp theo là hành giả chỉ còn mỗi việc thu nhiếp nội tâm chính mình. Nhìn vào từng giòng trôi chảy của ý thức, chúng ta thấy được gì? Ðó chính là sự thay đổi liên tục. Kinh điển truyền thống đã từng ví dụ một nội tâm loạn động bằng hình ảnh con khỉ. Có nhìn vào nội tâm của chính mình, chúng ta mới thấy được nó chẳng khác gì một gánh xiếc hay một vườn thú: ở đó có đủ loài két, mèo, cọp, gấu... Trong tâm hồn của chúng ta nào có thiếu gì đâu: những biểu tượng, khái niệm, những chuyện vui, chuyện buồn, toan tính, lý tưởng, hồi ức,... tất cả là một sự hỗn độn và chuyển dịch bất tận. Bổn phận của người hành giả sơ cơ là lặng lẽ ngắm nhìn dòng chảy nội tại này. Chúng ta buổi đầu dĩ nhiên phải học qua đôi điều về bản chất của nội tâm mà phần này chúng tôi đã có viết ở phần trước. Bản chất vô thường của nội tâm cũng giống như sự đổi thay của thời tiết: hôm qua có tuyết, hôm nay trời mưa, rồi có thể ngày mai là nắng đẹp. Và bên cạnh cái vô thường đó luôn là những bất trắc, bất toàn không hò hẹn: Mùa xuân có thể nhiều sương mù, mùa hạ có thể nhiều gió lạnh, mùa thu cây cỏ trơ trụi để rồi sang đông, mọi thứ có thể bị đóng băng.

Nội tâm của chúng ta cũng giống như thế. Chúng ta cũng là một thứ tạo vật trong đời sống. Thiền định chỉ đề nghị ở chúng ta một thái độ không phân biệt để có thể giao cảm và tri nhận trọn vẹn tất cả chính mình, chúng ta cũng đều có thể thực hiện nếp sống nội quán tỉnh tại.

Chúng ta, những người hành giả có thể xem nội tâm chính mình như một thác nước: nó ào ạt tuôn chảy mà tâm hồn của chúng ta cũng luôn luôn chảy ào ạt. Một khi đã đưa được nội tâm của mình vào từng phút giây hiện tại để chiêm ngắm thì nội tâm của chúng ta cũng sẽ theo đó mà ngày một kiên cố hơn. Ðó chính là thiền định.

Pháp môn Thiền định mà chúng ta đang nói đến ở đây có nội dung là sự chú mục vào những gì đang xảy ra. Cách đây mấy năm, một người bạn của tôi lại không may lại chuyển dạ ở một vùng quê xa không có bác sỹ, y tá mụ đỡ nào cả. Phải nói đó là một ca sanh nở khốn đốn và mất thời gian. Ðứa bé mới lọt lòng mẹ bỗng nhiên xám ngắt và gần như không thở nổi. Hai vợ chồng người bạn tôi đã thay nhau làm hô hấp cho đứa bé bằng cách hà hơi vào miệng nó rồi chốc chốc dừng lại theo dõi. Họ làm tất cả những việc đó bằng một sự chuyên tâm, yêu thương và cẩn trọng cao độ. Hai người gần như nín lặng để theo dõi từng thay đổi của đứa bé và sau cùng, nó đã bắt đầu thở được. Có thể nói, chúng ta cũng phải biết học hỏi để theo dõi hơi thở của mình bằng hình ảnh của hai vợ chồng đó, bởi cuộc sống của chúng ta luôn gắn liền với hơi thở. Sự chuyên tâm này là toàn bộ công phu mà chúng ta bắt buộc phải biết đầu tư. Thiền định cũng có nghĩa là sự kiện định nội tâm: Nội tâm có thiền định cũng giống như một ánh nến được đặt chỗ khuất gió. Ðó là một nội tâm thủy chung với thực tại thông qua mọi cảm thức tâm sinh lý với từng phút tập trung, mọi vận động lớn nhỏ của chúng ta lúc này đều trở nên kỳ diệu.

Một khi tâm hồn đã trở nên định tĩnh thì cũng có nghĩa là chúng ta đã học được cách giữ mình một cách trọn vẹn nhất. Trong bước đầu để thực hiện công phu đó, việc điều hành nội tâm cũng giống như huấn luyện một con chó nhỏ. Ta bảo nó nằm hay ngồi lại một chỗ thì nó cứ chạy nhảy loanh quanh. Nhưng bạn cứ kiên nhẫn đi, trong một thời gian ngắn sau đó, nó sẽ dần dần thuần tính. Chuyện tu tập thiền định về nội tâm cũng thế, chúng ta phải từng bước thu vén các hoạt động của mình, để rồi từ đó, qua từng ngày, ta mới sống hết mình với thực tại. Nhưng hãy nhớ rằng, việc tu tâm luôn rất cần đến yếu tố thời gian. Có thể nói rằng, sau nhiều giờ tọa thiền của buổi đầu, nội tâm của chúng ta gần như chỉ có được khoảng 10% thời gian tu tập thật sự. Ðiều đó có nghĩa là, nói theo từ Phật học thường dùng, ta đã lãng quên chính mình trong suốt thời gian còn lại. Phải nói rằng, điều hành nội tâm là cả một cuộc vật lộn, vật lộn với chính mình. Nếu chúng ta chịu để ý thì ngay trong những giờ Thiền định, chúng ta vẫn thường bị đánh lừa trong từng phút giây đối diện với thực tại bằng đủ thứ ảo giác và khái niệm. Nói chung, đó là cả một vấn đề hết sức phức tạp:


Chúng ta có thể hiểu rằng Thiền định thật sự chỉ có thể đến từ một sự an bình nội tại. Bằng vào một trình độ Thiền định điêu luyện, chúng ta sẽ hiểu được rằng một nội tâm định tỉnh không hề thành tựu từ một sự đấu tranh hay giằng co nào cả. Nó đến từ sự giải thể tất cả những ám ảnh của hồi ức và ước vọng, một sự thư giản ngay trong hiện tại. Và đây chỉ là một tiến trình hết sức tự nhiên. Thông qua sự chú niệm của chúng ta về thực tại, với sự trau luyện liên tục, một trình độ Thiền lạc (tức sự kỳ thú do Thiền định, trong thiền định) sẽ từng bước phát triển và nội tâm hành giả lúc này coi như đã được đặt vào một vùng sáng ngay trong từng giây phút.