Trước hết, ta phải biết
tự đặt những câu hỏi: "Phải xử lý ra sao trước những cơn đau của cơ thể
mình mỗi khi gặp phải trong đời sống thường nhật? Thật ra còn có một cái gì nữa
mà chúng ta vẫn còn tự khép kín một cách tiêu cực, hèn nhát?" Chỉ cần hiểu
được rằng đời sống của chính mình đang bị vây hãm ra sao, coi như chúng ta đã
bắt đầu một bước đi khởi sự cho công phu phơi mở sự thật. Một trong những thứ
mà mỗi người chúng ta vẫn dùng nó để tự giam giữ chính mình đó là những cảm xúc
đau đớn về sinh lý. Chúng ta đâu có ai muốn mình phải đau đớn và thế là từ
trong tiềm thức, chúng ta luôn tự nghĩ ra thật nhiều những liệu pháp để khắc
chế, đối trừ. Các liệu pháp này thường được lộ diện trong trí tuệ thiền định.
Một trong những liệu pháp
thông dụng nhất mà chúng ta vẫn thường vận dụng để khắc chế các đau đớn của cơ
thể là thái độ cố tình lãng quên hoặc làm ngơ trước sự hiện hữu, tồn tại của
chúng, coi như chúng không có. Liệu pháp này chỉ là một cách xử lý có giá trị
ngắn hạn bởi thật ra thì càng bị vùi lấp trong tình trạng tâm lý mê muội, thì
những đau đớn kia càng có vẻ hoành hành, phát tác mãnh liệt hơn.
Liệu pháp tâm lý thứ hai
của ý thức con người trước những đau đớn sinh lý là phương thức tối giản, rút
ngắn chúng lại bằng cách chiết đoạn thời gian để chia nhỏ những đau đớn đó ra
thành từng mãnh vụn cảm giác. Ở đây ta có phương pháp thiền định về đề mục hơi
thở và liệu pháp thứ hai trên đây lúc này sẽ là con dao cắt nhỏ tất cả những
đau đớn kia qua từng hơi thở ra vào. Dù gì thì ta cũng phải nhận rằng dầu có
phải tiếp tục cảm nhận những đau đớn đang quá cụ thể nhưng dưới hình thức những
mãnh vụn như vậy, cơn đau đớn xem ra cũng có vẻ ít gây khó chịu cho ta hơn. Tuy
nhiên biện pháp này xét ra vẫn chưa là một phương thức tối ưu để phơi mở thực
tại với những giá trị tĩnh thức và tình thương để ta có thể tự cảm nghiệm những
đau đớn kia một cách trọn vẹn.
Ngoài ra, còn một hình
thái ý thức đối kháng khác vi tế, sâu kín hơn, trước những đau đớn sinh lý và
cũng vẫn được gọi là một liệu pháp tâm lý. Ðó chính là thái độ chấp nhận dấn
mình và đối diện với những cơn đau đớn nhưng vẫn bằng một ý hướng nhắm vào mục
đích thoát khỏi chúng. Thái độ này tuy có vẽ bình tĩnh, dễ chấp nhận, nhưng vì
vẫn còn bị trói buộc trong tinh thần dụng ý, đối kháng nên, nếu có vận dụng đến
nó, ta vẫn chưa có được mối giao cảm trung thực và trực tiếp với thực tại bởi
vì dù có tỉnh thức trước những cơn đau, nhưng ta vẫn còn bị gò ép trong ước
muốn "được hết đau" thay vì điềm tĩnh chào đón chúng như là chúng với
một nội tâm vô cầu, vô chấp.
Một khi trong nội tâm
chúng ta còn ý niệm đối kháng thì tình thương không thể hiển hiện. Bởi vì chúng
ta đang sống trong một cảnh giới mà chính tay mình đã tự khép lại cánh cửa ra
vào thực tại. Trong trường hợp đối diện với những đau đớn sinh lý, các phản ứng
hữu cơ cùng ý thức tập quán của chúng ta xem ra rất dễ nhìn thấy: Chúng nối
đuôi nhau hiển hiện trong hình thức những hoảng loạn và trốn chạy tinh vi, nhỏ
nhiệm. Nếu chúng ta không có nỗi một giao cảm trung thực và trực tiếp với từng
cơn đau của mình bằng khả năng thiền định bản thân thì làm sao ta có thể xây
dựng được một tình thương hòa cảm đối với người khác, đó là chưa nói đến những
đau khổ ngoại tại khác không đến nổi cấp bách nghiêm trọng ở bản thân, ở người,
và trên toàn thế giới.
Thái độ quan trọng và
cần thiết của chúng ta trong hoàn cảnh vừa nêu trên, nếu ý cứ theo tinh thần
chánh pháp, thì chỉ nàm gọn trong sự thấu thị tinh tường về mỗi mỗi cơn đau
cũng như một thái độ phản ứng hữu cơ hợp lý đối với chúng. Ðồng thời, ta phải
biết phơi mở mọi sự, mà ở đây là những cơn đau, không nên có thái độ trốn chạy
tiêu cực. Ở trường hợp này, công phu tỉnh thức cũng là công phu tu dưỡng tình
thương, lòng từ bi đối với tha nhân, để chúng ta có thể tự mình cảm nghiệm thực
tại với tất cả khả năng phơi mở tâm lý và có được một mối giao hòa trực tiếp,
liên tục trong từng cảm nghiệm về thực tại.