Sau những chặng đường
dấn thân, chuẩn hóa cái nhìn của mình về cuộc đời rồi là sự quân bình nội tâm,
chúng ta dĩ nhiên vẫn chưa đi hết được con đường Thiền định. Chúng ta không thể
đơn giản dừng lại nơi đây bằng một sự tự hài lòng nào cả, mà phải biết sử dụng
những năng lực hiện có của mình để tiến thêm bước nữa. Trình độ tiếp theo của
Thiền định chính là khả năng phơi mở. Trước hết ta phải thấu đáo trọn vẹn tấm
thân sinh lý của mình, rồi là một hiểu biết sâu sắc về từng vận động của nội
tâm, đặc biệt những hình thái ý thức mà mình đã một lần kinh qua để rồi phơi mở
toàn bộ bản chất vận hành của chính đời sống mình một cách sinh động.
Khả năng phơi mở này đòi
hỏi một trình độ chú niệm và ghi nhận thật nghiêm cẩn. Trong những giây phút
Thiền định đạt đúng yêu cầu như vậy, chính hơi thở sẽ là một vị thầy tận tình
cho ta, bởi tự nó luôn làm mê hoặc, nêu bật cái quy luật vô thường của vạn pháp
bằng các ảnh tượng sinh diệt, diệt sinh. Thái độ quan sát cẩn thận sẽ chỉ rõ
cho ta những cấu tố vật lý làm nên tất cả những cảm giác, bức xúc và chấn động.
Chúng ta sẽ trở nên tỉnh thức hơn nhiều nếu trả lời được câu hỏi mà Ngài Thiền
Sư Mahasi Sayadaw vẫn thường đặt ra cho các Thiền sinh, rằng có bao giờ họ nhớ
được là mình đã đi vào giấc ngủ hoặc thức giấc trong hơi thở vào hoặc thở ra
hay không. Có cảm thấy hứng thú trong việc quan sát và khám phá từng vận động
của nội thân, chúng ta mới may ra tự tìm thấy cho mình một thái độ nội tâm vô
cầu vô chấp.
Cùng lúc với sự phát
triển khả năng chú niệm, chúng ta có thể phơi mở và nhìn thấy được rằng, dầu ở
bất cứ nơi đâu, cũng không hề có một sự tồn tại nào mang tính bản ngã nặng nề
cả, mọi thứ đều là những hình thức của cảm giác và khái niệm của chúng ta mà
thôi. Ở một bình diện sâu sắc hơn của sự tỉnh lặng và tỉnh thức, chúng ta còn
có thể cảm nhận được từng khía cạnh và mức độ của cái gọi là sự vận động.
Thường thì chúng ta luôn bị mắc bẩy từ cái nhọc nhằn và mơ hồ của các biến động
sinh lý: từ thực trạng này đến thực trạng khác có vẻ như không có đường ranh rõ
ràng, nên từ đó, chúng ta bị lầm lẫn và thái độ chấp thủ cũng từ đây mà được
khai sinh.
Nhưng chúng ta đã làm thế nào để có thể xác định một cách rạch ròi
cái cơ cấu làm nên sự hiện hữu của chính mình, môt cơ cấu có vẻ như không hề có
một dấu hiệu phân định? Nếu chỉ sống trong trình độ của những khái niệm thông
thường thì coi như chúng ta suốt đời chỉ phải vật lộn với từng từng phút giây
tồn tại của chính mình, một sự hiện hữu buồn nhiều hơn vui, đau đớn nhiều hơn
hạnh phúc. Thực ra trí tuệ Thiền định cũng không thể sửa đổi được cho ta cái
tính bất toàn của đời sống, nhưng chính trí tuệ này sẽ giúp ta một cái nhìn
khách quan và bình tỉnh về từng niềm vui, nỗi buồn vẫn thường trực sanh diệt.
Chính trí tuệ đó giúp ta thấu đáo được một vấn đề hết sức quan trọng mà Ðức
Phật vẫn thường đặc biệt nhấn mạnh, đó chính là bản chất bất toại và vô ngã của
xác thân.
Một khi khả năng khám
phá giúp ta có được một cái nhìn phơi mở về tấm thân sinh lý thì điều đó cũng
có nghĩa là chúng ta đã có thể dễ dàng phơi mở và bước vào cảnh giới của ý
thức. Công phu phơi mở của ý thức cũng giống như công phu theo dõi hơi thở, dĩ
nhiên có phần tế nhị hơn nhiều: trực diện với từng chuỗi vận động của ý thức,
ta cũng sẽ cảm nhận được những giai điệu và hình ảnh vô cùng sinh động, buồn
vui, thương ghét, bay bỗng hay tù đọng đều có cả. Nhưng hãy nhớ rằng ý thức
luôn giống như một nụ hoa: ta không thể nào dùng một áp lực buộc nó phải mở.
Những giọt mưa của tấm lòng hào sảng, những tia nắng của sự chú niệm sẽ là
những nguồn dưỡng tố giúp nó phơi mở. Ðã nói là phơi mở thì chúng ta phải có
được cái can đảm khám phá tất cả những gì thuộc về thực tại, từ cái dễ thương
nhất đến cái đáng ghét nhất, ta phải luôn biết đón nhận với một tư tưởng công
bằng và hứng thú. Bởi đối tượng của công phu phơi mở này phải là cái gì đó rất
người, và như vậy công cuộc khám phá của chúng ta mới có thể được thực hiện
bằng tất cả bao dung. Tất cả những gì vừa được nhắc đến trên đây chỉ là một góc
nhỏ trong cảnh giới ý thức mà ta cần phơi mở.
Phải nói rằng phơi mở là
một công phu hết sức khó khăn. Chẳng hạn như, có những nỗi đau tâm sinh lý mà
trước giờ ta vẫn cật lực để trốn chạy, hoặc giải trừ chúng thì hôm nay ta lại
bới tung chúng lên, dựng chúng dậy để cảm nghiệm. Việc đó chẳng khác gì hình
ảnh một người phải cố tình lặn sâu xuống một hồ nước đã bị đóng băng trong khi
mình rất sợ cái giá lạnh của nó, để nghiên cứu và nhìn nó trong từng cơn nhức
buốt thấu xương.
Ðể phơi mở nội tâm, ta
rất cần đến một thái độ quan sát đầy hứng thú và can đảm. Ðiều này hoàn toàn
không có nghĩa là chúng ta quay lui để bới tìm trong đống tro tàn của hồi ức
những mảnh vụn của đau đớn buồn khổ mà nhấp nháp, truy niệm, cải táng. Phơi mở
ở đây là sự đối đầu với từng phút giây thực tại để lắng nghe chúng. Trong một
trình độ khám phá và phơi mở ý thức cao rộng hơn nữa, chúng ta có thể phải theo
dõi từng chuỗi tư tưởng từ đầu đến cuối, xem chúng đến và đi ra sao.
Khi nhìn ngắm vào từng trạng
thái ý thức, điều trước tiên ta chỉ đơn giản theo dõi chúng đến và đi ra sao.
Thỉnh thoảng, ta có thể bắt gặp một vài hình thái tư tưởng cá biệt hoặc những
hình thức trùng lập được tái diễn tới lui như một điệp khúc. Chúng có thể là
những dự tính hay hồi ức tốt xấu nhưng sự tồn tại của chúng lại chính là sự tồn
tại của ý thức chúng ta. Chúng có mặt một cách hết sức là bình thường, thậm chí
gần như không có gì đáng để lưu ý nhưng thỉnh thoảng chúng lại hiện hữu một
cách nổi bật dưới hình thức những cảm xúc có vẻ bất thường như âu lo, thương
ghét, buồn chán. Bước đầu ta chỉ việc nhìn xem chúng xuất hiện và biến mất để
rồi dần dần ta sẽ nhận ra ảnh hưởng của chúng đối với chúng ta: từng biến
chuyển của tư tưởng gần như đóng vai trò quyết định thái độ sống của ta và cứ
thế, chúng ta sẽ có những câu hỏi quan trọng để chính mình tự trả lời: Cái gì
đã duy trì sự tồn tại của ý thức? Cái gì đã nằm đằng sau hoặc bên dưới các hình
thái ý thức sai biệt của chúng ta như là những nhân tố quyết định?
Ở đây chúng ta có thể
phải vận dụng đến một trình độ tỉnh thức cao hơn để thực hiện một công phu chú
niệm chặt chẽ hơn sự tái hiện của dòng tư tưởng khi chúng ta không tri nhận
trọn vẹn các cảm giác ý thức mà lại điều khiển chúng. Vấn đề chỉ được giải
quyết khi ta biết rõ từng chương trình vận động của tư tưởng.
Càng phát huy khả
năng chú niệm, ta càng có cơ hội tỉnh thức trước cảm giác tế nhị nhất đang diễn
ra và khi thấy rõ được từng cấu tố của ý thức, chẳng hạn như biết rõ nó xảy đến
từ sự kết hợp với lòng sợ hãi hay ham muốn thì thường những sự tái hiện đó được
đình chỉ ngay. Còn đối với lòng sợ hãi hay ham muốn kia thì ta cứ tự nhiên đón
nhận và tìm cách hiểu biết nó. Có thể nói đây là một phương cách hữu hiệu nhất
để xử lý từng khoảnh khắc thực tại: tư tưởng dĩ nhiên phải tuôn chảy nhưng điều
quan trọng là ta nhận diện được nó qua từng biến tướng và phát hiện chính xác
cũng như kịp thời căn cội đã tác động nên dòng vận động này bằng tất cả sự cảm
nhận sâu sắc. Sự tỉnh thức này là cả một hành trang quan trọng trên suốt con
đường Thiền định để chúng ta luôn có thể tỉnh thức trước mọi thực tại vốn luôn
chuyển hóa của thân tâm.
Nhìn ngắm, đón nhận từng
thực trạng của ý thức sẽ đem lại cho chúng ta khả năng xử lý, hiểu biết và an
bình cho nội tâm trong từng giây phút.
Ở trình độ Thiền định này, dĩ nhiên cũng
đòi hỏi ở chúng ta cái nhìn ngày một sâu sắc hơn, một trạng thái tỉnh thức mỗi
lúc càng thâm hậu hơn về các chuyễn biến của tư tưởng, nhưng đã đến lúc chúng
ta phải đối diện với những câu hỏi hóc búa nhất của Trí tuệ Thiền định: Cái gì
đã tác động cho tư tưởng chúng ta liên tục biến động? Chúng ta thực ra vẫn cố
tình trốn chạy cái gì, một cuộc trốn chạy bằng tất cả hy vọng với dự tính cùng
ảo giác cũng như hồi ức? Chúng ta thực ra e sợ cái gì? Nỗi đau đớn, niềm cô đơn
hay sự tầm thường? Trong từng phút giây vận động, chúng ta cố nhắm đến cái gì?
Thế nào là bản chất của cái gọi là ước muốn? Trên cả sự khám phá, chúng ta ngay
bây giờ phải biết phơi mở và cảm nhận, thậm chí bứt phá tất cả những ràng rịt,
mắc míu của thực tại cho đến khi nào thẩm thấu tâm điểm của các hình thái ý
thức, cái đã làm động cơ cho mình...
Ðể minh họa vấn đề đang
nói, ta có thể hiểu qua trường hợp một dòng tư tưởng hướng tới mối tương giao
nào đó trong thế giới tình cảm. Ta có thể dễ dàng nhận ra nó ngay khi nó vừa
phát khởi, bởi trên thực tế, chúng ta đang có cảm giác ước muốn: muốn yêu, muốn
thương. Ta cảm nhận nó bằng tất cả ý thức và ngay trong khoảnh khắc đón nhận,
những ba động khác coi như đều lắng xuống. Chúng ta phát hiện nó qua từng
chuyễn biến tâm sinh lý. Rõ ràng, chúng ta đang muốn yêu thương, nhưng công phu
khám phá thực tại không chỉ dừng lại ở đây.
Chúng ta còn những bước
đi khác nữa: Cái gì đã tạo nên ước muốn đó? Ở mỗi người, có một câu trả lời
khác nhau. Ðối với một số người trong chúng ta thì ước muốn đó có thể đến từ
cảm giác rằng mình đang thiếu thốn một cái gì đó, hoặc cảm giác e ngại sự lẻ
loi hay có những khía cạnh nào đó thuộc thế giới sống bản thân mà ta không thể
tự kham nổi nên phải cần đến sự tiếp sức nào đó để tìm chút an lòng...
Chính
những cảm giác này thôi thúc chúng ta trốn chạy và dấn thân, đồng thời cũng rời
ra dần cái thực tại mà lẽ ra mình phải cẩn trọng nhìn ngắm. Và đằng sau những
cảm giác đó không gì khác hơn là một thứ mặc cảm rằng mình đang bị giới hạn,
đang là một cá nhân đơn độc. Bằng mọi giá, chúng ta phải phá vỡ cho bằng được
cái nhà tù này, cái nhà tù được xây dựng bằng thứ vật liệu mặc cảm. Nếu chúng
ta tự ghìm cương mình lại được và lặng lẽ đối diện với tất cả những sợ hãi,
trống vắng, lẻ loi -- cái khoảng không gian lạnh lùng và thừa thải của nội tâm
-- thì xem như một trình độ tỉnh thức cao cấp hơn trước sẽ được hình thành. Ảo
giác trong sự mặc cảm đó chỉ có thể được thay thế chỗ bằng một cái gì cốt lõi
hơn thôi. Chỉ với một ý hướng phơi mở toàn triệt, chúng ta mới có thể hiểu được
tận cùng mọi vận động của ý thức, đưa mình trở về với thực tại bằng một con
đường trọn vẹn nhất.
Cách nhìn ngắm thực tại
này không hề là một cuộc nghiên cứu lý tính mà phải nói đây là một kinh nghiệm
tâm linh vô cùng quan trọng về sự hiện hữu của chúng ta. Ðó là một thứ kinh
nghiệm tự chứng trong những điều kiện tất yếu là tỉnh lặng, trong sáng và trọn
vẹn -tùy theo mức độ nông sâu của khả năng Thiền định. Cái cốt lõi của giai
đoạn công phu này là giúp ta thấu suốt được căn cội của tất cả những gì đang
thật sự xảy ra và đưa chúng ta đến một cảnh giới tự do. Dĩ nhiên, hành trình
này phải vượt qua tất cả cảm giác trống vắng và sợ hãi vô cớ để đạt tới cái
nhìn thật trọn vẹn về chính chúng ta và toàn bộ cuộc đời.
Khi trong cuộc tu, chúng
ta thực hiện đúng được cái công đoạn khám phá, phơi mở, giải trừ (khai phóng)
và ăn nằm với thực tại một cách hết mình thì cái giá trị chánh niệm, định tỉnh
nhất tâm cũng tự nhiên theo đó mà lớn mạnh.
Thế rồi, vẫn bằng thái độ khám phá,
ta phát hiện ra cái dòng luân lưu của các hình thái tư tưởng, khai phóng một
cách cẩn thận từng cảm giác tâm sinh lý, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy rõ cái
bản chất chuyễn hóa liên tục trong từng đợt cảm nghiệm về thực tại của mình.
Chẳng hạn, ngay khi tấm thân sinh lý này được chia chẻ, phân tích dưới thấu
kính chú niệm thì tư tưởng của chúng ta cũng tự lột trần bản chất phù du của
mình. Rồi đến khi chúng ta đem từng cảm xúc của mình ra làm đối tượng kiểm
nghiệm thì vấn đề cũng vẫn thế: chúng luôn biến tướng liên tục từ tình trạng
này sang tình trạng khác, có thể là mâu thuẩn và đối lập lẫn nhau. Nếu chúng ta
chịu khó để ý thì bất cứ một cảm xúc nào khi nhận diện một cách đúng mức thì
chúng chỉ sẽ tồn tại trong một ít lâu, dưới sự kiểm soát của chúng ta, rồi lại
nhường chỗ cho cảm xúc khác.
Sự tồn tại của các dòng
tư tưởng cứ mong manh như những bọt nước. Buổi đầu, sự tỉnh thức của chúng ta
chỉ là từng giai đoạn ngắn ngủi nhưng dần dần, nó sẽ là một thứ sức mạnh căn
bản và thường trực, thậm chí gần như thói quen trong mỗi mỗi cảm nhận trước
thực tại. Song hành với sự tiến bộ đó, chúng ta sẽ đạt tới trình độ không những
chỉ nhìn ngắm mà còn dường như có thể dự đoán được sự có mặt của các dòng tư
tưởng. Trình độ này lại dẫn ta đến một khả năng khác cao hơn là chúng ta, đến
một lúc nào đó, có thể tự có được một khả năng tỉnh thức tế nhị để có thể nhìn
rõ từng dấu hiệu xuất phát cũng như chỗ ẩn náu, dung chứa của ý thức, mà ở đây
là các luồng tư tưởng.
Ở đây chúng ta có thể
làm một bài thực tập để nhìn ngắm thế giới tư tưởng của mình bằng cách liệt kê
từng loạt tư tưởng như là một phương thức củng cố Chánh niệm. Chẳng hạn như
chúng ta thử bỏ ra một khoảng thời gian chừng năm phút để liệt kê từng ý nghĩ
của mình. Như một con mèo rình chuột, chúng ta có thể tự đếm thầm từng tên gọi
và hình ảnh của mọi suy nghĩ: "giận! thích! nhớ! thèm!...". Thời gian
của công phu này dĩ nhiên là bất định nhưng dần dần rồi cũng sẽ tới đích. Ta
cũng sẽ có được thời gian tu tập như ý muốn và không bị câu thúc bởi bất cứ một
tư tưởng nào, mà ngược lại, còn học được cách nhìn ngắm hành trình biến tướng,
vận động của tư tưởng.
Một trong những tâm điểm
quan trọng của trí tuệ Thiền định lúc này là nhận ra được điểm đầu và điểm cuối
của một dòng tư tưởng. Ðó là nói về ý thức. Còn nói về các biến động sinh lý,
buổi đầu ta chỉ đơn giản ghi nhận "đầu gối đau" hay "tiếng còi
xe hơi"... một kiểu ghi nhận hết sức thông thường bằng lối định danh, đánh
giá thực tại không thông qua trí tuệ Thiền định. Nhưng sau đó, ta lại bắt đầu
đi vào một bước ngoặc mới là ghi nhận tất cả một cách trực tiếp, không nhờ tới
một tên gọi hay một khái niệm cứng nhắc nào cả. Ðối với thế giới của ý thức
cũng vậy, các cảm xúc cùng các dòng tư tưởng tự chứng cũng chỉ là những ba động
mà ta chỉ cần ghi nhận một cách kịp thời mà không cần tới bất cứ một lăng kính
trung gian nào cả; bởi từ đó rất dễ đưa đến cảm giác bám víu.
Một khi sự tồn tại và
vận động của tấm thân sinh lý đã được phân định rạch ròi thì như đã nói, bản
chất của nội tâm cũng sẽ lập tức lộ diện với đầy đủ những khía cạnh bất toàn,
vô thường. Càng nhìn vào chúng, ta sẽ thấy chúng đổi thay nhanh hơn bất cứ cái
gì trên đời. Thận chí đến lúc này, chúng ta có thể không còn ghi nhận kịp từng
cảm nghiệm nữa và Thiền định ở đây cứ giống như từng giọt mưa và các khoảnh
khắc tư tưởng thì chẳng khác gì những bọt nước. Tất cả ảo tượng về một cái tôi
thực hữu lần lượt theo nhau vỡ vụn.
Thời gian công phu sẽ là
không phụ lòng chúng ta. Thành quả sẽ được nhân lên theo mức độ nổ lực. Buổi
đầu, các thực tại ý thức sẽ như một gánh nặng đọa đày trên đôi vai hành giả. Sự
ghi nhận chúng là cả một khổ công: Lúc này nó đang toan tính, lúc khác nó những
buồn giận... Nhưng rồi cùng với sự lớn mạnh của Chánh niệm (tỉnh thức) và định
tĩnh, chúng ta sẽ tự học được cách tháo cởi và xử lý mớ bòng bong đó như một sự
giải thoát và điều tuyệt vời là kẻ tù nhân và người cướp ngục ở đây cũng chính
là nội tâm của chúng ta mà thôi. Nhưng ta cũng phải cẩn trọng đấy, ý thức luôn
lắm trò ma mị. Nó có thể náu mình trong những thành lũy tinh vi, tế nhị mà căn
bản vẫn là những cấp thủ rất khó phát hiện, để từ đó một cái tôi khác được tái
tạo tinh xảo hơn.
Do đó con đường của
chúng ta vẫn phải liên tục là một hành trình của sự tĩnh lặng và phơi mở. Nhờ
đó chúng ta mới may ra thấu triệt được tất cả chiều sâu của thực tại mà ở đây
là bản chất hiện hữu của chính mình để rồi sau cùng là môt nụ cười thức ngộ:
Chẳng có gì để ôm ấp, bám víu...