Yếu tố đầu tiên cũng là
tâm điểm quan trọng cho thiền định Phật giáo chính là niệm, sự ghi nhận kịp
thời tất cả những hiện khởi của thân tâm trong từng phút giây. Tất cả được bắt
đầu từ Niệm bởi từ đây hành giả mới có được đời sống tỉnh thức. Với Niệm giác
chi, hành giả nhìn thấy một cách rõ ràng về bất cứ cái gì hiển hiện chung
quanh. Chúng ra sao thì thấy đúng như vậy. Chính với thái độ dó, tự hành giả luôn
có một sự cảnh giác thật trọn vẹn và hữu hiệu.
.
Có chịu nhìn vào từng
sinh hoạt của mình trong đời sống ta sẽ kinh ngạc khi thấy rằng thực ra bấy lâu
nay ta đã sống như một cái máy tự động, ngủ thức khó phân và ký ức coi như bị
chìm mất trong cái mớ hỗn độn của quá nhiều sự việc, sự vật chung quanh. Chúng
ta hãy thử nhớ lại xem, có biết bao lần đi, đứng, làm việc, sinh hoạt mà không
hề biết mình đang làm gì để rồi sau đó chẳng còn nhớ được gì hết. Chính trong
lối sống xô bồ tạp loạn đó, những sợ hãi - đau khổ - tật đố... đã tiếp nối nhau
đày đọa chúng ta. Chỉ có lúc quay lại với Niệm giác chi, ta mới được sống trọn
vẹn với mình mà thôi. Ngay cả với cái chết cũng thế, có bình tỉnh và can đảm
nhìn thẳng vào nó thì người ta cũng sẽ cảm thấy an toàn hơn là cứ để mặc cho
những nổi sợ hãi tha hồ ào ạt tìm tới.
.
Có Niệm giác chi, mọi
sinh hoạt của chúng ta tự nhiên sẽ có thêm những sức mạnh mới, chẳng hạn một sự
tinh cần và một niềm vui kỳ lạ. Có thể ta lúc đó chẳng cần ngóng đợi thành quả
mà công việc vẫn trôi chảy vì trong từng phút ta đã sống hết mình và như vậy
thì trong từng phút ta gặt hái biết bao thành quả. Ðại khái sống với Niệm giác
chi là sống với một sự thận trọng và biết mình trọn vẹn.
.
Niệm giác chi có ba chức
năng:
- Niệm giác chi giúp ta
ghi nhận rõ ràng và như thật tất cả những gì xãy đến. Nên nhớ, cái biết của
Niệm giác chi là một sự ghi nhận trực tiếp và đơn sơ, không thông qua một sự
chấp thủ bám víu nào cả. Cái biết của Niệm giác chi phải luôn là cái biết trung
thực, mọi sự ra sao thì thấy như vậy mà không cần tới hình ảnh liên quan nào đó
làm trạm trung chuyển. Ở đây hoàn toàn không có sự can dự của bất cứ một sự đối
chiếu, lý luận, cân đong nào cả. Nhờ sự vô tư nầy ta mới thấy được thân tâm nầy
thực ra được điều hành bởi cái gì, ra sao và chỉ với nội tâm thoải mái đó, ta
sẽ cảm nhận được sự tự do của chính tâm hồn mình.
.
- Chức năng thứ hai của
Niệm giác chi là làm nhân tố phát triển các giác chi còn lại. Có Niệm giác chi
thì các giác chi kia mới có thể khởi lên. Bởi vì từ cơ sở an bình ổn định của
nội tâm, các giá trị tinh thần khác như trí tuệ, định tâm, sự điềm đạm bình
thản... thậm chí kể cả sự chuyên chú trong âm nhạc, thể thao, khoa học và cả
chuyện ái tình mới có thể có mặt một cách kịp thời và cần thiết. Niệm giác chi
sẽ cứu vớt chúng ta trong mọi tình huống sống và trên hết, thiếu niệm thì không
thể có trí tuệ với từ bi.
.
- Chức năng thứ ba của
Niệm giác chi là cân bằng tâm não trạng. Khi niệm được vận dụng đúng mức, mọi
thứ xảy ra không gây ảnh hưởng gì tới nội tâm được và như vậy nội tâm trở nên
quân bình. Trong những giây phúc tệ hại nhất của nội tâm, chẳng hạn một sự sợ
hãi hay đau đớn nào đó, nếu niệm kịp thời can thiệp thì ta sẽ tự giữ được cái
tâm thái thăng bằng ngay trong chính sự đối xúc với chúng.
Hành giả phải học được ở
chính mình cái kinh nghiệm ứng dụng Niệm giác chi ở những tình huống khó khăn
nhất để tự tạo lấy sự cân bằng trong tâm hồn vào mọi lúc mọi nơi; và điều được
ghi nhận là dù thử thách có ra sao đi nữa, chỉ cần một phút giây có mặt của
Niệm thì lập tức sự bình tâm sẽ được vãn hồi. Lại nữa, một khi nhận thấy nội
tâm yên tĩnh quá mức cần thiết, có vẻ dễ đưa tới thụ động thì hành giả chỉ việc
chú niệm ngay vào nó, lập tức sự tỉnh thức và trạch pháp (trí tuệ) sẽ có mặt để
kéo lại mức quân bình. Hoặc khi nhận thấy nội tâm đang ở tình trạng quá năng
động thì hành giả vận dụng Niệm giác chi ghi nhận rằng mình đang quá năng động.
Nhờ sự chú niệm nầy Ðịnh giác chi sẽ xuất hiện để can thiệp cho tâm trở lại
bình hòa.
Niệm giác chi có đến bốn
cơ sở để y cứ theo đó mà tồn tại. Ở đấy ta lại nhắc tới Tứ Niệm Xứ. Trước hết
là Thân quán niệm xứ.
- Thân quán niệm xứ là
cơ sở cho Niệm giác chi khởi lên bằng sự tỉnh thức ghi nhận tất cả mỗi mỗi sinh
hoạt của các giác quan đến những cử động lớn nhỏ, kể cả việc uống ăn và hít
thở. Một xác chết hay chút hài cốt cũng có thể là đề mục an trú chánh niệm về
thân.
- Thọ quán niệm xứ là
trường hợp Niệm được vận dụng để nhận biết từng cảm giác bất kể tốt xấu trong
mỗi giây phút của thân tâm. Kinh nghiệm nầy rất quan trọng vì trong đời sống
thường nhật chúng ta thường tự mắc bẩy trong chính tình cảm ghét, thương, chán,
thích... của mình. Một nội tâm thiếu Niệm sẽ dễ dàng bị cuốn hút vào luồn sóng
cảm giác: Gặp điều như ý ta bị hấp dẫn, gập điều bất toại ta phản ứng bất
mãn... và nếu phải đối đầu với cảm giác nhạt nhẻo vô vị thì nội tâm lại chuyển
hướng tiêu cực, thụ động. Cứ thế tự thâm tâm chúng ta cứ luôn là những chìm nổi
của một dòng trầm luân. Chính trong đời sống cảm giác đó, nếu Niệm kịp thời có
mặt thì ta sẽ tự chủ được mình bằng cái nhìn trung thực vào cảm thọ cũng như
những phản ứng tâm lý của mình. Theo Phật giáo, đó là một đời sống trí tuệ và
tỉnh thức.
- Cơ sở thứ ba cho Niệm
là Tâm quán niệm xứ. Chánh Niệm ở đây lấy những biến đổi của nội tâm làm đối
tượng. Vị hành giả chuyên tâm chú ý tất cả những đổi thay trong lòng mình: Ðâu
là nghi hoặc, sợ hãi, đâu là từ bi, trí tuệ.... Nội tâm ra sao thì như thật tri
nhận theo vậy. Ý nghĩa của Niệm xứ nầy là để hành giả thấy được các bản chất tự
đến tự đi của các tâm trạng. Ta chỉ nhìn ngắm nó mà không cần can dự bằng bất
cứ thành kiến nào.
- Cuối cùng là Pháp quán
niệm xứ, trường hợp Niệm giác chi ghi nhận chặt chẻ tất cả những động lực nào
điều hành thân tâm của mình. Có nhìn thấy được những nhân tố hiện hữu của thân
tâm, hành giả mới hiểu được vạn pháp chỉ là một dòng nước vô chủ, trôi chảy
theo luật vận hành của nhân duyên và ở đây hoàn toàn không có sự hiện hữu, tồn
tại của bất cứ một cái Tôi nào hết. Mọi sự đến và đi theo luật tắc của riêng
mình và không hề có một điều gì nằm trong ý muốn của chúng ta. Chúng chỉ trôi
qua và chúng ta chỉ có bổn phận nhìn theo.
Như vậy, Niệm rõ ràng là
nền tảng cho lý tưởng tu chứng giải thoát của tất cả mọi người. Dĩ nhiên trên
hành trình đó, khả năng tỉnh thức phải trải qua nhiều trình độ khác nhau tùy
theo sức chú niệm của chúng ta, nhưng điểm quan trọng là ta chẳng nên quan tâm
đến chuyện mình đã đạt đến đâu, có một cái gì. Cứ nuôi dưỡng Niệm giác chi thì
mọi cái sẽ thành tựu. Trí tuệ sẽ trở nên bén nhạy sâu sắc khi Niệm giác chi
được vận dụng đúng mức.
Chẳng hạn khi nghe một
tiếng động bên tai mình, nếu ta để Niệm giác chi lơi lỏng, ta sẽ chấp thủ đó là
âm thanh gì, Có thể là tiếng chim hót.
Từ đó, ta nghĩ đến con chim và tự nhiên
muốn nghe nó hót thêm nữa. Vậy là chúng ta đã đi quá xa trong một tiếng động
thay vì chỉ cần nghe qua một lần bằng tất cả sự vô tư đơn giản nhất. trong khi
đó, nếu với một Niệm giác chi thường trực thì ta sẽ chỉ ghi nhận âm thanh kia
như một cái gì không quen biết. Nó như một cơn gió bất chợt đi qua và cái tâm
ghi nhận được nó cũng xuất hiện tình cờ như một người khách lạ. Ta cùng lúc
nhận diện được khuôn mặt sinh diệt của thân tâm nầy một cách bình yên và nhẹ
nhàng như kẻ đứng trên cầu nhìn dòng nước trôi đi bên dưới hoặc một sơn nhân
lạnh lùng nhìn mây trắng bay ngang đỉnh núi vậy thôi... Ta khi đó được xem như
đang sống bằng cái tâm "ngoại vật", cái gì không phải của mình cứ để
nó tự nhiên đến và đi. Nội tâm hành giả lúc nầy coi như không còn bị giới hạn
bởi ngoại cảnh nữa.
Với công phu thường
xuyên, Niệm giác chi sẽ ngày một vững mạnh. Bằng vào khả năng nhìn ngắm chính
mình và trên những phản ứng và biến tướng của thân tâm trong mọi hoàn cảnh,
trình độ tỉnh thức của hành giả sẽ càng lúc sâu sắc thêm nhiều.
Ðiều kỳ diệu và thú vị
là ở bất cứ nơi đâu, lúc nào ta cũng đều có thể tu tập Niệm giác chi cả.Trong
lúc lái xe, sinh hoạt gia đình, hay ngay cả khi sống một mình, ta điều có thể
tự mình chứng kiến, mục kích tất cả những gì đang xảy ra ở thân tâm. Chúng kéo
đến, ta nhìn ngắm, một cách thơ ngây và trong sạch. Có kinh nghiệm qua công phu
nầy, ta sẽ thấy Niệm giác chi đem lại cho mình cái gì. Ðó chính là trí tuệ, sự
tự do và bình an thanh thản của tâm hồn!