Wednesday, May 4, 2016

Hóa thân

Ðó là giai đoạn hóa thân hay nhập cuộc.
Chỉ cần nhìn thẳng vào các quy luật điều hành sự vận động của tâm sinh lý, chúng ta có thể ghi nhận được từng giai đoạn tĩnh động của chúng, tốt hay xấu, thô thiển hoặc nhỏ nhiệm, những mầm mống thoái địa hay dấu hiệu thăng hoa của tâm hồn. Với nhãn quan tinh tường này về thân tâm, ta sẽ nhận ra được mối tương quan giữa mình với chúng và thấy được cái gì khả dĩ đem lại cho mình nguồn hạnh phúc thực sự. Chúng ta hãy thử một lần chiêm ngắm chuyện đời và lòng mình xem sao: ôm ấp một thứ gì đó không là miên viễn và luôn sẳn sàng đổi thay, khi nó đột nhiên không tiếp tục tồn tại như ý muốn ta nữa thì niềm ôm ấp kia có phải đã đem lại cho ta những giọt nước mắt? Hoặc thể nào chúng ta có thể nào ổn định một cách tuyệt đối những hình thái, tình trạng nhất định nào đó cho thân tâm mình hay không? Ðã có ai trên đời này lại có thể đặt được cái tâm sinh lý của mình vào hai tiếng vĩnh cửu?

Chúng ta phải dốc sức sống cho mỗi một thái độ sống duy nhất là nhìn ngắm để đến một ngày nào đó thấy được mọi khát vọng của mình đều lắng yên, thấy được nhu cầu tối hậu của bản thân chính là sự tự do, thấy được bề trái phản trắc của lòng ham muốn cũng như những âu lo, bận lòng trong đời sống thường nhật vẫn từng ngày vây hãm và cấm cố chúng ta vào những mâu thuẩn, xung đột triền miên. Nhưng vấn đề tối trọng, tối hậu ở đây không chỉ đơn giản là sự thành tựu, sỡ hữu được một trình độ cao thấp nào đó mà cái cốt lõi ở đây phải là sự quay về với tâm điểm của sự hiện hữu, sự tồn tại của bản thân với ý chí là Tại đây và Bây giờ.

Chúng ta phải biết nhìn vào từng giây khắc lộ diện của lòng ham muốn của mình bằng tất cả sinh lực nội tại trọn vẹn nhất. Ta phải thấy được tính chất vô hộ vô chủ của mọi vật, hành trình lai vãng của từng giòng ý thức với các hành trạng sai biệt, những cảm giác sinh lý đến và đi theo những điều kiện hữu cơ. Chúng ta không hề là người điều hành dòng thực tại luôn sinh diễn đó. Chúng ta không thể điều động được những gì luôn thay đổi. Ðã đến lúc chúng ta phải tự biết chấm dứt cái ý hướng đi ngược lại những quy luật này như một điều tất nhiên. Hãy điềm tỉnh ngồi xem nước chảy dưới chân cầu mà không hề ưu tư hay toan tính. Chúng ta sống như thế không thể chỉ là một sự mô phỏng hay tự mãn cố chấp, mà phải là một bước tiến bộ tự thành, tự chứng có được từ trí tuệ hiểu biết như thật về bản thân và vạn sự. Thiền sư Suzuki đã từng nói: "Ngoài sắc tướng biểu hiện, có chi là thực hữu? Cái này xô dạt vào cái kia, nên chẳng thứ gì đáng chấp thủ. Trong cơn mưa ta còn nghe được tiếng chim kêu, cũng như dưới một bầu trời tuyết giá, ta vẫn có thể nhìn thấy những bông tuyết rơi cùng bao loài sinh vật khác vừa mới sanh sôi".

Bản chất sinh tồn của chúng ta chỉ đơn giản là một dòng chảy luôn luân lưu bất tuyệt. Mọi hiện hữu đều là vô thường. Cuộc đời không có gì đáng để ôm giữ vì chẳng có chi là miên viễn hằng tại. Tất cả đều rỗng tuếch, vô ngã như mây trời trên không gian huyễn hoặc. Chỉ cần hiểu được mọi sự luôn bất toàn, trần gian chỉ là bến đợi tao phùng của bèo nước phù du thì ta có thể bình tâm dấn bước giữa đường đời muôn lối, an nhiên sống thiệt thà không mưu toan, chọn lựa và tìm thấy cho chính mình một ngõ về bình yên.

Chúng ta hãy tự biết khám phá cho đến kỳ cùng ý nghĩa sâu thẳm khôn cùng của tinh thần chối bỏ trong thiền lý. Chúng ta đã nắm giữ nhiều thứ quá: tấm thân sinh lý cùng những cảm giác ảo tưởng về nó, những hồi ức, những lý tưởng, quan niệm, kiến giải... để từ đó, gom hết mọi thứ, chúng ta chế tác nên một cái tôi cho riêng mình và cứ vậy, đời sống mỗi người chỉ toàn là những cơn thống lụy tự nguyện, ai cũng biết xót đau nhưng gần như cố tình bất lực!

Lần đó, tại Tích Lan, chúng tôi đến viếng thăm một vị Thiền sư bản xứ thật lừng danh, đó là Ngài Hina Tyana Dhammaloka. Ngài quả là một vị Thiền sư khả kính. Ở cạnh Ngài, ai cũng như cảm nhận được một nguồn sinh lực dồi dào và mát mẻ. Chúng tôi thi lễ chào Ngài và sau ít phút trao đổi, Ngài đột nhiên hỏi chúng tôi:
- Có phải ông đã từng dạy thiền cho nhiều người rồi phải không?
- Thưa, chỉ là cố gắng thôi, ạ!

Vẫn nhìn chúng tôi, Ngài tiếp tục câu hỏi khác:
- Hãy nói cho tôi nghe thế nào là tâm điểm của thiền định Phật Giáo?
- Thưa, tất cả đều là vô ngã. Vạn vật chỉ là những cuộc chơi huyễn hóa, hiện tượng, và sự hiện hữu của chúng chỉ là một quá trình vận động rỗng không, ạ.
Ngài Thiền sư lại nhìn chúng tôi và hốt nhiên cười lớn:
- Ðã là vô ngã thì chẳng còn gì là quan trọng nữa!
Rồi Ngài lại cười, tiếp tục cười thật hồn nhiên.

Có chấm dứt được các khát vọng và đạm nhiên dung hòa với tất cả những gì xảy đến, ta mới có được cái Hư tâm vô cầu vô chấp trong mọi cảm nghiệm thực tại một cách trung thực. Và bên cạnh đó, chúng ta còn phải đạt tới một khả năng tịch nhiên căn bản, lặng lẽ kiện toàn một tâm phong chính chán. Bởi chính nhờ sự đình chỉ mọi xung đột nội tại với một tâm thái hồn nhiên thì cùng lúc những giá trị tu tập như trí tuệ, thiền duyệt và trên hết, là sự tự do sẽ tự đến với chúng ta một cách tự nhiên và hiệu quả. Mỗi mỗi vận động lớn nhỏ của chúng ta lúc này có thể đươc điều hành từ một lòng bao dung và đời sống của mỗi người bây giờ cũng được trí tuệ chỉ đạo như một nguồn sinh lực tích cực nhất.
Tới được bước chân này, thiền sinh đương nhiên tự có một sinh phong riêng, thậm chí một sinh quan cho cá nhân mình, độc đáo mà vẫn không lập dị, cao khiết nhưng cứ dễ gần nếu như không muốn nói là độ lượng như hải. Như T.S. Eliot đã có lần thốt lên một câu nói hết sức ý nhị: "Hãy dạy chúng tôi phép tự vệ và và khả năng tự tại tức biết quên đi phép tự vệ".

Trong Thiền định, chúng ta học cách tự vệ lấy mình bằng một khả năng cảnh giác toàn tâm trong từng giây phút nhưng sau cùng rồi chúng ta lại cũng phải biết học cách vong thân, buông xả và thả trôi tất cả. Bằng vào tâm hồn của một hành giả, chúng ta không những vô can đối với các kinh nghiệm Thiền định ngọt ngào, mà còn phải tự có thêm một tâm thái dung hòa, phơi mở và độ lượng trước tất cả sự thật trong chính mình và ở thế giới chung quanh với tất cả những gì hiện hữu. Phải nói rằng đây mới chính là ý nghĩa tích cực và hợp lý nhất của con đường Thiền định. Như Lạt Ma Karmapa của Tây Tạng đã từng nói: "Sống Thiền tốt hơn thao tác Thiền!".

J.K.