Sunday, May 15, 2016

Một khi thấu suốt được quy luật nhân quả,

 Chúng ta mới có thể điều động, thu xếp đường hướng sinh phong của mình một cách thích đáng và hiệu quả hơn. Ðể rồi từ đó, một trí tuệ được kết tựu cho chúng ta cái bản lãnh và khả năng định hướng lý tưởng hoạt động và xác định được chốn đi về của mình. Tuy nhiên, ta cũng đừng ngộ nhận rằng chỉ với chút ít ý thức về nghiệp lý cùng một hướng đời giản đơn là người hành giả đã hoàn tất cuộc tu. Cái chúng ta cần phải vươn lên thêm nữa chính là một sức mạnh tâm linh có hiệu quả thực dụng, tức khả dĩ rút ngắn khoảng cách giữa trí tuệ lý tính với công phu thực nghiệm. Nói khác đi là hành giả biết đem trí tuệ nhìn ngắm và đối diện với thực tại chung quanh. Mà ở đây ta có thể nói rằng một trong những sức mạnh nội tâm hùng hậu và hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể vận dụng để nhắm tới đích điểm này chính là sự tự chế.

Hiểu được ý nghĩa của hai tiếng "tự chế" là cả một vấn đề quan trọng. Bởi vì nó chiếm một vị trí ngay trong chính tâm điểm của cuộc tu chúng ta. Chúng ta phải hết sức thận trọng để khu biệt sự tự chế với thái độ khắc kỷ cực đoan, mù quáng. Tự chế ở đây hoàn toàn không có nghĩa là một kiểu gò ép tư tưởng mình một cách khiêm cưỡng để rồi nhắm mắt xoay lưng chối bỏ thực tại, giá trị thực hữu của nó. Tự chế ở đây cũng không là một thái độ áp đặt cái nhìn cảm xúc nào đó cho kinh nghiệm bản thân. Bởi nếu thế, chính cái lãng quên thực tại sẽ đày đọa chúng ta thêm thôi. Bao nhiêu nước mắt của trần gian đều chảy ra từ đó. Vô minh về thực tại là một tuyến lệ bất tận.

Với khả năng tự chế, chúng ta có thể trải rộng tầm mắt nhìn khắp mọi sự với một trí tuệ biện biệt thấu suốt, trọn vẹn. Từ trình độ trí tuệ và tỉnh thức đó, chúng ta còn phát hiện được con đường nào dẫn tới an lành cùng sự hiểu biết, phát hiện luôn nguồn cội nào đưa đến những khổ đau và xung đột. Tự chế chính là điều kiện năng lực cho hướng sống gạn đục khơi trong, giúp ta những chọn lựa sinh tồn, đồng thời đó cũng là một sức mạnh nội tại hướng thượng đưa ta về với cảnh giới cao nhân.

Một hiệu lực khác của tự chế còn là sự đối trừ các khuynh hướng thị dục tập quán của chúng ta. Trong kinh điển có kể lại câu chuyện về một con khỉ dại dột. Trong một lần tìm xuống đồng bằng để rong chơi, để tìm cái ăn, nó đã đưa bàn tay vào một chiếc bẫy trét đầy những nhựa cây thật dẽo. Biết tay mình đã bị dính chặt trong đó, nó lần lượt dùng bàn tay còn lại rồi cả hai chân sau để thoát hiểm. Cuối cùng rồi, cả người nào đều bị dính chặt vào bẫy.

Ðối với những phiền não tập quán của mình, chúng ta đâu khác gì con khỉ rừng đó. Chúng ta có thói quen ôm giữ cái gì mình thích, bị mất mát thì ta tìm kiếm hoặc lập tức tìm cái thay thế. Chúng ta tiếp tục bươn chải cho những ước muốn khoái lạc. Cứ thế mỗi người, từng ngày, tự trói mình bằng xiềng xích của lòng chấp thủ tù đày. Chúng ta bị giam hãm nghiêm trọng trong chính những ham muốn của mình và không chỉ mê lụy trong những điều kiện cụ thể cho một thỏa mãn thị dục, chúng ta còn bị trầm nịch trong cái tập tính đầu tư những ham muốn. Bởi có lẽ ai cũng hiểu rằng chẳng riêng gì châu báu mà đến cả ý hướng phiêu lưu để tìm kiếm chúng cũng đều luôn hấp dẫn.

Tuy nhiên, có một điều có thể xem là quan trọng khi sự ham muốn được điều động sang một giá trị mới để trở thành cái gọi là ước vọng, một hình thái ý thức tích cực khả dĩ giúp ta tự do, vượt thoát mọi ngục tù của lòng ham muốn thay vì ngược lại. Thậm chí tâm thái đó lúc này còn có thể là một trợ lực hữu hiệu cho công phu tự chế nữa. Một hành giả ưu tú, bản lãnh có thể tự tại đón nhận nó như đối với một người khách vô hại.

Ngoài những điều kiện mang tính lý tưởng, sự tự chế còn có thể được tựu thành từ khả năng dung hợp, hài hòa hợp lý. Với những ức chế và lo âu của mình, những tình huống tâm lý luôn có trăm ngàn con đường xảy đến, có thể tự nơi chúng ta hoặc từ các tác động ngoại lai. Sự tự chế ở đây không hề là một thái độ sống tù túng và khép kín, mà lại trở thành động cơ giúp ta phơi mở, vươn trải thái độ sống, đồng tự biết chọn lấy cho mình những trách nhiệm mang ý nghĩa sứ mệnh tích cực nhất.

Môt nội tâm thiếu tự chế cũng giống như một đứa bé hư hõng thiếu giáo dưỡng: Luôn bốc đồng, nông nổi và bất thường. Ðể uốn nắn một đứa bé, chúng ta phải biết đôi lúc phải nghiêm khắc trước những vòi vĩnh không chính đáng của nó. Các bậc cha mẹ biết khéo dạy con sẽ không bao giờ chìu chuộng hay đồng tình những thói xấu của chúng. Ðối với nội tâm của chúng ta cũng thế, chúng ta tuyệt nhiên không thể dễ dãi dung dưỡng và đáp ứng thõa mãn những ham muốn của mình. Chúng ta có thể học cách tự giác từ chối cái thị dục bằng những tâm thái cao khiết, hồn nhiên, kể cả một nụ cười trẻ con.

Sự tự chế thực sự hoàn toàn không phải được trau luyện từ những động lực tiêu cực như sự chán ghét hay đè nén. Nó đến từ một cái nhìn đơn sơ, hài hòa để từ đó thái độ sống của chúng ta trở thành một chuỗi dài vận động nhất quán, tương ứng với tri kiến như thật của mình: Một nội tâm trung thực như nhiên trong một nếp sống thật thà với tất cả định nghĩa sâu rộng nhất. Có sống chết với tinh thần tự chế đó, ta mới thấy nó quả nhiên là một nguồn sinh lực bất tận, mênh mang...

Ngoài giá trị hàm dưỡng nội tâm, sự tự chế còn có ý nghĩa giữ lại cái sức mạnh vốn có (Năng lực bản hữu) của tâm linh. Ðiển hình chính là cái gì đã can thiệp hữu hiệu đối với những vận động tâm sinh lý của chúng ta trong giờ thiền định như là một sức mạnh nội tại. Sự can dự đó đôi lúc chính chúng ta cũng khó mà cảm nhận được. Nó vô hình nhưng hữu hiệu như phần không khí nằm trong một khí cầu. Những khi cảm thấy cuộc tu của mình có vẻ căng thẳng bất ổn, chúng ta thường có khuynh hướng đi tìm một lối thoát nào đó để tự giải tỏa, thay vì trực diện hóa giải và tự đồng hóa cái ma chướng đó bằng những giá trị thiện tâm tương ứng. Ở những khóa thiền, điều đó càng rõ ràng hơn. Các hành giả thường tự tìm lấy những giây phút thư giãn mà thực ra là họ đã làm thất thoát ít nhiều năng lực thiền định với những tiêu khiển phù phiếm: Uống trà, đọc tiểu thuyết, viết hồi ký lãng mạn, vớ vẫn, thơ mộng... mà không hề biết rằng mình đang vô tình tự tạo những chướng ngại nghiêm trọng cho công phu thiền định.

Bằng vào sức mạnh của sự tự chế, chúng ta có thể có được một bài học rằng: Thay vì phải tiêu hao biết bao là năng lực tâm sinh lý có phương hại làm thất thoát năng lực thiền định của chính mình, thì những chướng ngại tinh thần đó lại có thể là những động cơ hữu hiệu để chúng ta tri nhận về thực tại và khả năng trí tuệ ý thức kịp thời mọi sự cũng như là sự tự chế nội tâm, cùng công phu bảo trì sức mạnh nội tại trong từng giây phút. Mà với chừng đó bản lãnh cũng đã quá đủ cho chúng ta một sức mạnh tâm linh để thấu suốt và khai mở những cảnh giới nội tâm sâu sắc nhất.

Một giá trị khác của sự tự chế là giúp ta một khả năng hoán chuyển sâu sắc sức tri nhận của mình về thực tại. Sự tự chế không chỉ có hiệu quả đối với mỗi sinh hoạt lơn nhỏ trong đời sống thường nhật cũng như giá trị bảo trì và xây dựng nội lực tâm linh trong từng giây khắc mà đồng thời nó có thể giúp chúng ta một cái nhìn rạch ròi về định lý vô thường, rỗng tuếch của vạn pháp. Bởi vì khi nào chúng ta còn tiếp tục đi tìm những ảo tượng trong cảm giác, còn phô trương một cách lố bịch cái khả năng của bản thân, những mê lụy trong thế giới của thành kiến và cảm xúc thì chúng ta vẫn mãi hoài chết đắm trong những thành kiến đối đãi và bị trói chặt trong ngục tù ngã chấp.

Thiếu thốn khả năng đào dưỡng nội tâm, chúng ta sẽ thấy rằng trong từng phút mình bị mất mát và lầm lạc, ngộ nhận. Vậy thì chúng ta phải làm sao đối với nội tâm của chính mình khi nó vẫn thường trực tồn tại? Vấn đề rất đơn giản, hãy xem nó là nó và đừng gắn liền nó với một ý niệm sở hữu nào cả. Chúng ta đã trót tạo dựng biết bao nhiêu là ảo ảnh về đời sống chính mình và gán ghép cho nó những ảo tượng, ảo giác một cách nguy hiểm và bây giờ, là một hành giả, ta chỉ việc thả trôi chúng bằng chính cái thực tại của mình, cho chúng bay đi trong cơn vô thường, ác nghiệt của thâm tâm. Người hành giả chối bỏ những xúc cảm ảo giác nhưng diều đó không có nghĩa là thiếu cảnh giác đối với chúng. Bởi chúng ta cần phải hiểu rằng ấn tượng về chúng càng mãnh liệt bao nhiêu thì chúng ta càng mất nhiều cơ hội thẩm thấu thực tại.

Bằng vào sức mạnh của sự tự chế, chúng ta có thể bắt đầu cuộc giải trừ các thành kiến và những ảo vọng về thực tại. Pháp môn thiền quán chỉ đơn giản là cách nhìn ngắm vạn sự theo đúng bản chất của chúng. Hoặc nói theo lời một thiền sư người Thái thì pháp môn thiền quán dạy ta thấy cái gì ra cái nấy. Chính tuệ quán này đem lại đem lại cho ta khả năng tự kháng trước mọi ham muốn cũng như những ảo tượng về một cái Tôi. Sự tự chế mở ra cho chúng ta một thái độ tâm linh tự do cần thiết cho sự thấu suốt về bản chất rỗng không và vô thường của thế giới hiện tượng. Như chính Ðức Phật cũng thường dạy chúng ta hãy nhìn ngắm thế giới này như một bọt nước, một ánh sao băng, một làn chớp, một ảo ảnh, một giấc mơ...

Một trí tuệ thấu suốt như vậy sẽ cho ta một nếp sống vô trước, một thái độ sanh tử mà Ðức Phật vẫn gọi là thành quả tối hậu của cuộc tu hành. Trong khi đó, chúng ta vẫn từng ngày bị tác động bởi quá nhiều ước muốn. Chúng ta luôn hy vọng rằng mình sẽ hạnh phúc hơn nếu tích lũy được càng nhiều những sở hữu về tài sản, danh vọng kể cả hạnh phúc sinh lý... Như vậy chúng ta cứ thường trực tự vây hãm mình bằng tất cả những lao tù tâm-vật lý. Mà căn cội của tất cả ước muốn đó thực ra chỉ nhằm vào mục đích tìm thấy một hạnh phúc cho bản thân. Nếu một phút giây nào đó chúng ta tạm thời để sang một bên cách nghĩ chủ quan xuẩn động của mình thì có lẽ ai cũng sẽ tự khắc thấy ngay rằng lối sống bôn ba bươn chải theo thị dục của mình thực ra chỉ là những ham muốn thấp kém mà hệ quả tất nhiên của nó vẫn thường xuyên là những thất vọng.

Một vấn đề cần được nói thêm ở đây là chúng ta không chỉ thơ ngây nắm bắt lý tưởng này rồi sống không lý tưởng. Ðiều ở đây muốn nhắn gửi cho chúng ta là ai cũng phải có một ước vọng sống, một hướng hoạt động nhưng với một tinh thần tự do thật sự. Trong cả cuộc đời mình, chúng ta đã ít nhiều cơ hội thưởng thức và hưởng thụ biết bao thứ ngọt ngào, từ những điều kiện khoái lạc vật chất cụ thể như năm món trần cảnh cho đến những khoái lạc tế nhị thuộc về tinh thần... nhiều và nhiều lắm nhưng có thể nói rằng chúng ta chưa bao giờ thoả mãn trọn vẹn tất cả những gì mình ham muốn. Bản chất của đời sống chúng ta thực ra chỉ là một chuỗi dài của những biến động lớn nhỏ: Chúng ta ước ao, được đáp ứng, nếm trải được một ít hạnh phúc để rồi khi mọi thứ đã tàn cuộc, tất cả niềm vui lại qua đi, chúng ta tiếp tục quay về với những tầm cầu triền miên, rồi cuối cùng lại một mình đối diện với tất cả đổ nát hoang tàn. Chúng ta mãi mãi đi tìm một cái gì hoàn thiện bất hoại nhưng tiếc rằng đó là điều bất khả, để rồi qua bao đoạn đời chúng ta vẫn chưa thật sự làm được một điều gì đó cho mình.


Nhưng lòng ham muốn của chúng ta là gì mới được chứ? Ðó là sự khao khát những cảm giác khoái lạc. Có được chúng, ở đây là lục trần khả ái, chúng ta dĩ nhiên sẽ cảm thấy hạnh phúc. Chỉ hiềm một nỗi là mọi niềm vui luôn ngắn hạn, phù du. Trong khi đó chúng ta lại cứ mãi quẩn quanh đi tìm cái gì hằng cửu trong thế giới hiện tượng khói sương mà bản chất của nó vẫn luôn là sương khói.