Friday, May 20, 2016

Ðối với nỗi sợ chết

Một trong những khía cạnh khác của đời sống mà chúng ta không mấy khi lưu tâm để tỉnh thức nhìn ngắm thấu đáo, đó chính là bản chất phù du ngay từ căn cội của tất cả cảm nghiệm, một tên gọi khác cho dòng sanh diệt tương tục trong sự hiện hữu, tồn tại của đời sống tâm sinh lý. Tất cả mọi thứ, từ nội thân đến ngoại giới, những cấu tố tâm sinh lý như là các tư tưởng, cảm giác, bức xúc, phản ứng tốt xấu của chúng cùng tất cả những ngoại vật vô cơ hay hữu cơ trong thế giới quanh ta, cũng chỉ đều là những đơn thể luôn nằm tr6n một dòng chảy bất tận của những đổi thay, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác: Xuất hiện, tiêu mòn rồi biến mất.

Nói một cách khác, bản tướng của vạn vật luôn là những biến tướng. Trong nền văn hóa phương Tây, người ta ít khi nghĩ đến việc nhìn ngắm, trầm tư và đối diện với cái chết. Người ta luôn e sợ cảm giác nhìn thấy đời sống như một chu trình héo úa, già cổi mà chỉ biết đơn giản nhìn ngắm những tử thi như một món đồ vật nào đó hết sức bình thường.
Trong giáo lý thiền định truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy có một pháp môn mà đề mục chú niệm lại đặc biệt nhắm vào thây chết qua từng giai đoạn phân hủy của nó. Mới nghe qua, ta có thể cho đó là một pháp môn thiền định "thiếu trong lành" hoặc quá đáng, nhưng thực ra ta cũng phải nhận rằng đó là một con đường phơi mở ra cho chúng ta bản chất của cái chết, về bản chất sinh diễn tất nhiên của tấm thân sinh lý này và đồng thời cũng giúp ta vượt qua những ảo tưởng phổ cập về chính sự hiện hữu của mình mà hầu như ai cũng mắc phải. Bởi vì phần lớn chúng ta đều rất sợ chết. Và bây giờ chúng ta tự trả lời câu hỏi sau đây đã chứ: Thế nào là cảm giác sợ chết?

Một khi chúng ta chưa có được một điều hiểu biết thấu suốt về bản chất như thật của tâm sinh lý bản thân thì nỗi sợ hãi và thái độ tâm lý đối kháng khi nhìn vào những hao mòn, chết chóc sẽ trở nên mãnh liệt hơn. Bởi chúng ta vẫn luôn âm thầm nhìn ngắm tâm sinh lý của mình như những chủ thể chắc chắn, an toàn rồi gán ghép vào đó một ý niệm Tôi, của Tôi (Ngã, Ngã sở). Lẽ dĩ nhiên, với kiến chấp này, nỗi ám ảnh về "cái chết của Tôi" sẽ khiến ta kinh hoàng. Có thể nói rằng nỗi sợ chết là một chứng minh sinh động về niềm tin vào cái ảo tưởng ngã chấp của chúng ta.

Nhưng một khi chúng ta tự biết phơi mở bản chất tâm sinh lý qua từng quá trình vận động của chúng, chúng ta sẽ thấy rõ rằng chúng luôn sanh tử trong mỗi mỗi phút giây. Ðó là một sự thật không hề mang tính cường điệu, phóng đại hay ẩn dụ. Chúng ta sẽ thấy chúng chỉ là những gì rỗng tuếch, vô ngã và vô thường, tiếp nối nhau trôi đi từng năm tháng này sang năm khác. Chúng chỉ là một dòng nước với những bọt sóng luôn được tạo ra và tan vỡ. Trong từng thoáng chốc thời gian, hãy cẩn trọng suy tư về mỗi mỗi cảm nghiệm tâm sinh lý của mình: Tiếng động hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc... nào đó. Trong từng chớp mắt, các cảm nghiệm đó luôn sinh diệt, thay chổ cho nhau theo một qui luật vận động cố nhiên và luôn luôn thay đổi, hoán vị, phủ định lẫn nhau. Rõ ràng là không có một thứ gì trên đời này để ta ôm ấp cả, mặc dù ta cũng phải nhìn nhận là để nhận thức và sống đúng theo tinh thần trí tuệ này không dễ dàng tí nào.


Chỉ cần một phút giây nào đó, cái công phu kinh nghiệm của chúng ta về qui luật vận hành vô thường của tâm sinh lý được thực hiện một cách liên tục và thuần thục thì nỗi sợ chết coi như được chấm dứt, bởi vì trong trí tuệ của chúng ta lúc bấy giờ không còn có chút gì để phải sợ mất nữa. Nuôi dưỡng được một tâm phong điềm tĩnh, an hòa xuyên qua một trí tuệ tư sát, chúng ta chẳng còn bận tâm gì về những thành bại, được thua vốn chỉ là những qui luật vận động tất yếu của vạn pháp để từ đó ta ngày một an bình, tự tại hơn.