Saturday, May 14, 2016

Tự do trong Tự chế

Hiểu được nội tâm của chính mình là con đường tối ưu để thấu suốt đời sống. Con người và mọi vận động tồn tại của chúng ta luôn phát hiện từ ý thức. Tại sao mỗi người chúng ta đều có riêng một nếp sống, một thái độ tình cảm, một kiểu đối giao nhất định nào đó đối với thế giới quanh mình? Tất cả đều đi ra từ mỗi một thế giới nội tâm, tên gọi chung cho những tư duy, nhãn quan và cảm tính của mỗi người. Nói khác đi, chúng ta chỉ là một phóng ảnh của ý thức. Ðể thấy rõ đều đó, thật đơn giản, ta chỉ việc bỏ ra ít thời giờ tĩnh lặng rồi nhìn ngắm, lắng nghe nội tâm mình sinh diễn, hoạt động.

Thực hiện được công phu đó, chúng ta sẽ lập tức nhận thấy rằng nội tâm mình chỉ là một chuỗi dài vận động liên tục, thường trực: lúc này nó bình hòa, yên lắng để rồi giây phút khác lại bốc cháy với những tham sân. Cứ thế! Bản chất của nội tâm chúng ta mãi hoài là những biến động, sự tồn tại của nó được tái hiện qua đủ thứ hình thức kinh nghiệm. Nó được hình thành qua từng thời khắc đối xúc trần cảnh, qua từng thái độ cảm thức và phản ứng của chúng ta, những ảo tượng của chúng ta về thế giới ngoại tại. Có nghiêm cẩn quan sát nội tâm cùng các động lực cấu thiết nó, chúng ta sẽ đọc được qua đó lắm điều, chẳng hạn cái gì đã khiến ta ưu phiền cực lòng, cái gì giới hạn tâm hồn chúng ta cho chật hẹp tù đày cũng như những động cơ nào chắp cánh cho tâm hồn ta vươn tới khả năng bao dung lồng lộng để từ đó chúng ta được tự do và dễ dàng yêu thương trần gian với tất cả sinh linh khổ lụy của nó.

Nhưng để có được cái nhìn thấu suốt đó, điều tiên quyết là ta phải tự trang bị một sức mạnh tâm linh nhất định nào đó: vững chải và kiên định và cho đến khi nào chúng ta vẫn còn bị ngăn trở bởi những thành kiến, những xung động tình cảm đối đãi thì cứ xem như chúng ta vẫn còn bị cuốn hút trong cơn lốc xoáy của những sinh hoạt phù phiếm cùng các phản ứng nội tâm xuẩn động, mà điều đó lại là một chướng ngại nghiêm trọng cho khả năng phản tỉnh cùng trí tuệ giải thoát. Vậy vấn đề tối hậu ở đây là để bắt đầu một trí tuệ cần thiết cho đường tu, ta phải biết ổn định mọi sự bằng cách giàn xếp cho một nội tâm bất nhị.

Tông chỉ của Thiền định là quân bình hoá nội tâm. Chúng ta điều chế nội tâm mình vào sự tỉnh thức và chuyên nhất, đồng thời làm trung hòa sự tác niệm sao cho đúng mức: không lơi lỏng hoặc quá phấn khích. Từ cơ sở tĩnh lặng này, chúng ta mới có thể nhìn thấy xuyên suốt và sâu sắc tất cả kinh nghiệm nội tại. Chúng ta sẽ nhờ vậy mà kịp thời ý thức được tất cả những gì vừa xẩy đến cho mình và cả thái độ tiếp nhận của bản thân đối với chúng. Chúng ta tự mổ xẻ chính mình ngay trong chính cái thực tại hiện hữu và thậm chí buông bỏ toàn triệt tất cả những ảo tưởng, quan niệm lý tính. Trình độ tỉnh thức tinh xác này sẽ mang lại một khả năng tâm linh sâu thẳm vì tính chặt chẻ của nó: Không một thực tại lớn nhỏ nào không được chăm chú.

Trong từng phút, nội tâm hành giả luôn được giữ thăng bằng vì chúng ta đã biết phơi mở từng loạt kinh nghiệm một cách vô cảm, khách quan. Chúng ta nhìn ngắm tường tận mọi sự đang xảy ra trong từng chớp mắt, phân biệt rạch ròi từng cấu tố của danh sắc, cũng như nắm bắt được các quy luật vận động thật ra quá rõ ràng của chúng. Từ ngữ "Dhamma" trong tiếng Pàli (Dharma trong Sanskrit) còn có nghĩa là "quy luật", cho nên ở đây ta có thể hiểu rằng tất cả pháp môn tu hành đều có chung một lý tưởng là nhìn ngắm vào các quy luật, mà ở đây là các quy luật về sự hiện hữu của chúng ta.

Một trong những quy luật cơ bản nhất mà chúng ta cần ý thức trước tiên chính là quy luật Nghiệp Báo. Một cách nôm na, đó là quy luật xác định rằng mọi hành sự lớn nhỏ của chúng ta trong mỗi phút giây của đời sống thường nhật đều luôn để lại một hậu quả nhất định nào đó, không một hoạt động nào là vô nghiệp, đồng thời quy luật này còn dạy ta hiểu rằng không một cái gì trên đời do ngẫu nhiên mà hiện hữu cả. Có chiêm ngắm bản chất các kinh nghiệm bản thân, ta mới bắt đầu có dịp thấy rõ tác động của nghiệp báo đối với đời sống chính mình ra sao. Nghiệp lý trong lòng hành giả lúc này đã là môt quy luật sinh động, chứ không chỉ đơn giản là một tín điều trừu tượng hay một học thuyết để tiêu sầu nữa. Với chừng đó bản lĩnh ta sẽ ý thức đúng đắn giá trị của mỗi mỗi tư tưởng bằng tất cả tinh thần trách nhiệm.

Hãy nhớ rằng kinh nghiệm nội tâm của chúng ta luôn sẳn sàng bị chi phối bởi một cảm giác nhất thời nào đó. Tất cả chuyện đời buồn vui cùng những kích xúc tốt xấu của tâm lý đều do chính chúng ta đánh giá và tự quy định. Cùng đứng trước một sự cố, một sự cố bất trắc nào đó chẳng hạn, hai thái độ nội tâm khác nhau sẽ có lối xử lý không giống nhau: Một nụ cười bình thản bao dung hay một chút nhíu mày chua chát. Ðó chính là ý nghĩa quan trọng của các cấu tố tâm lý đối với kinh nghiệm nội tâm của chúng ta vậy. Ta có thể gọi đó là sự tồn tại hay sự can dự của nghiệp lý, vì rõ ràng là tác động và hậu quả phản ứng trong chính thế giới nội tâm chúng ta đã thường trực hiện hữu từng thoáng chốc.

Ở đây chúng ta còn có một con đường khác để kinh nghiệm về quy luật nghiệp lý. Trong từng phút giây sống thiền định, nghiệp tính luôn hiển hiện qua những ấn tượng tâm lý tồn đọng của chúng ta về những sở hành quá khứ. Rồi chỉ bằng một ít tĩnh tâm của chúng ta, tất cả những ám ảnh đó sẽ tự khắc lộ diện, thậm chí bùng dậy một cách mãnh liệt để chúng ta có thể trực diện nhìn ngắm chúng như đang soi mình trước một tấm gương, mà phản ảnh của tấm gương nội tại này chính là chúng ta.
Những hồi ức quá khứ có ra sao đi nữa, khiến ta buồn hay làm ta vui, ta cũng phải đối mặt với chúng bằng tất cả ý thức bình đạm, sáng suốt nhất. Với tâm thái tế nhị và an nhiên này, cảm thức kinh nghiệm của chúng ta về nghiệp lý (mà ở đây là các tiền nghệp cùng hậu quả của chúng) có thể chính chắn hơn nhiều.


Chúng ta kinh nghiệm được nghiệp tính ngay trong chính những cấu tố tâm lý làm nên kinh nghiệm thực tại của mình xuyên qua những tư phong ý thức cùng các kích xúc cảm tính bản thân. Chúng ta có thể nhìn thấy vận động của nghiệp lý khi biết khách quan và tỉnh táo nhìn lại toàn bộ quá khứ của mình. Bất cứ khi nào ta cũng có thể thực hiện việc đó: Trong giờ thiền định chính thức hay một phút giây yên tĩnh, thoải mái nào đó của tâm hồn. Chúng ta có thể định nghĩa Nghiệp lý là một quy trình vận động và phát triển của những tập quán với những quy mô, giới hạn lớn nhỏ nào đó bất luận. Và từng nghiệp nhân luôn tạo ra một nghiệp quả đối xứng. Nói cách khác, hệ quả phản ứng ở đây luôn phản ảnh chính xác sức mạnh của lực tác động. Tới đây thì chúng ta còn có một cách hiểu nữa về vấn đề nghiệp báo như một định nghĩa chung nhất rằng, bất cứ một hoạt động tâm vật lý nào của con người cũng đều di hậu một hệ quả tương ứng như quan hệ liên lũy giữa một hạt giống với các hoa trái sau đó của nó.