Trạch
pháp hay trí tuệ suy lượng các pháp theo tính bản nhiên của chúng.
Nhiều lúc chúng ta có
khuynh hướng mặc nhiên chấp nhận điều mình thủ đắc một cách tự mãn dễ dàng
buông xuôi niềm tin trước những rao giảng của một ông thầy hay một cuốn sách
nào đó mà không hề nghĩ tới việc gậm nhấm lại tất cả một cách khách quan, cẩn
thận. Chính giác chi thứ ba nầy sẽ giúp ta thực hiện điều đó. Trạch Pháp giác
chi không cho phép ta chấp nhận một kiến thức sang tay hay một hiểu biết mô
phỏng nào cả, mà lại đề nghị với ta một con đường tự vấn. Ðó là cả một sự mạo
hiểm khi chúng ta một mình làm cuộc kiểm tra xác định lại tất cả những gì vẫn
được xem là kinh điển.
Ðúng là Trạch pháp giác chi luôn đề nghị chúng ta một
cuộc mạo hiểm. Ðó là sự đối diện với những gì ta chưa thật sự thấu đáo và cũng
là một ước muốn nhắm tới những câu hỏi sâu sắc nhất trong đời sống. Don Juan
bảo rằng chỉ với tư cách của một chiến sĩ, người ta mới có thể dấn bước trên
con đường tri thức. Phải biết mạo hiểm trong trí tuệ vì trong khi đối với hầu
hết mọi người, kinh nghiệm cuộc sống chỉ là cái gì ân sũng tự nhiên của trời
cho, nhưng đối với các bậc hiền giả thì đời sống là cả một hành trình khám phá.
Trạch Pháp giác chi cho phép ta nhìn thẳng vào tất cả kinh nghiệm, và để đi qua
đoạn đường nầy ta có thể sẽ phải trãi qua những giai đoạn cai đắng của hoài
nghi, nãn chí, bức xúc và thậm chí của cả những bối rối, hoãng loạn - đại khái
là tất cả thảm kịch ghê gớm của nội tâm. Nhưng đó cũng chính là lúc ta có dịp
bắt gặp rất nhiều thứ và có cơ hội kiểm nghiệm trọn vẹn bản thân mình để khả dĩ
có được một cái hiểu biết và tự do.
Chúng ta có thể đối diện
với lắm điều thử thách, chẳng hạn một viễn ảnh về cái chết hoặc một nổi bất an
nào đó đối với thế giới chung quanh nhưng chẳng sao hết, cứ can đảm nhìn thẳng
vào chúng để soi rọi và xác định qua đó những qui luật. Có chịu ra sức chiêm
ngắm tất cả kinh nghiệm của mình thì dù ở bất cứ nơi đâu, lúc nào ta cũng sẽ
thấy chúng đều là những pháp môn cả, bởi đời sống luôn tự trình bày bản chất
của nó và ta chỉ việc trông thấy mà thôi. Kinh nghiệm khách quan dạy ta nhiều
thứ lắm, vì nó là Pháp. Kinh nghiệm đời sống dạy ta về vô thường, đau khổ,
nghiệp lý và cả sự giải thoát nữa. Thi sĩ Kabir cũng từng nói như thế:
"Khi biết lắng tai và mở to đôi mắt thì đến cả những chiếc lá trên cây
cũng có thể truyền dạy cho ta lắm điều kỳ diệu chẳng khác gì những trang thánh
thư cao siêu nhất."
Trí tuệ về bộ mặt bản
nhiên của thân tâm nầy thật ra không là thứ kiến thức theo ý nghĩa thông thường
mà ta vẫn hiểu. Cho đến khi nào chưa nội quán một cách chính chắn rằng mình là
cái gì thì tinh thần chúng ta vẫn còn bị khép kín trong bóng tối ảo tưởng, như
một người bị nhốt trong phòng tối sẽ bị mất hết mọi ý thức hoạt động. Ngày nào
chưa nhận diện được chính mình, còn bị nhầm lẫn về bản chất của các thứ kinh
nghiệm thì chúng ta sẽ tiếp tục chất đầy lòng mình những nghi hoặc bại liệt.
Khi trí tuệ Trạch Pháp có mặt, bóng tối sẽ bị đẩy lùi và căn phòng tăm tối kai
sẽ bị rọi sáng.
Sức mạnh của trí tuệ
Trạch Pháp tăng giảm theo chiều sâu của sự đào luyện. Chúng ta có thể gia công
quán sát, nhìn ngắm tất cả những nhân tố tựa thành nên thân tâm nầy. Bằng vào
sự chú niệm và chiêm nghiệm đó, ta sẽ dễ dàng thấy rõ hoạt động của tứ đại, lục
căn, bản chất của thiện ác trong chính nội tâm mình và cả con đường giải thoát.
Chúng ta có thể thể nghiệm tuyến trình sinh diệt chớp nhoáng của tâm pháp, tận
mắt nhìn thấy cội nguồn của những âu lo, những chấp thủ, những hình thức hiện
hữu trong đời sống bản thân... Ðể thực hiện được điều đó, chúng ta phải biết mở
rộng nội tâm mình một cách hoàn toàn, bởi vì đôi khi nhờ thế từ trong bóng tối
mịt mùng của nội tâm, tất cả những đau khổ, bất an sâu kín nhất được hiển hiện,
và điều đó cũng có nghĩa là những sự thật quan trọng nhất sẽ được chứng nghiệm.
Ðời sống vốn nhiều phức
tạp và có thể nói rằng tình huống nào cũng có những câu hỏi cho chúng ta cả, và
nhờ vậy ta sẽ có cơ hội tự giải đáp. Nhưng câu trả lời sẽ sâu cạn tùy theo
trình độ và mối giao cảm của chúng ta đối với thế giới chung quanh xuyên qua
công phu tu chứng mà ở đây, có thể nói rõ là sự tu tập về Tứ Niệm Xứ.
Hay tổng quát hơn, trình
độ trí tuệ của hành giả được biểu hiện qua khả năng tiếp cận nhìn ngắm đánh giá
ngoại giới, những hiểu biết và bản lãnh giải thoát trong mọi lĩnh vực của đời
sống thường nhật, từ đối giao xã hội, sinh hoạt gia đình và hoạt động của bản
thân... Trình độ đó được hướng dẫn bởi một sự phản tỉnh sáng suốt cộng thêm
tinh thần cầu học bất thối và những thắc mắc nghiêm túc đặt trên lý tưởng khám
phá chơn lý. Những nghi vấn đó không phải là các câu hỏi quanh quẩn vớ vẫn hay
lo ra (hướng ngoại) mà là một hành trình tìm vào chính bên trong của chúng ta.
Ðiều nên nhớ là sự suy
lượng, tìm tòi và trí tuệ ở đây phải được giữ thăng bằng bởi một niềm tin. Vì
một sự tra vấn thái quá lại thiếu niềm tin thì sẽ dễ dàng dẫn đến sở tri
chướng, thiếu tư duy, nặng lý thuyết và chất đầy nghi hoặc. Ngược lại, không có
trí tuệ, ta sẽ mắc vào thứ đức tin mù quáng. Cho nên cái chúng ta thật sự cần
đến ở đây phải là một niềm tin được thiết lập trên sự tỉnh thức và khám phá, để
từ đó, chánh tri kiến được kết tinh.