Còn có một trình độ hiểu
biết khác về nghiệp lý mà không hề liên quan đến vấn đề tái sinh. Chẳng hạn một
thứ kiến thức về nhân quả báo ứng để ta từ đó đầu tư những thiện sự mang ý
nghĩa dẫn sanh vào các sinh thú cao cấp như thiên giới hoặc nhân giới với những
điều kiện sống tuyệt với. Kiến thức về nghiệp lý ở đây cần được hiểu là một con
đường đưa đến một khả năng tâm linh thật sự tự tại giữa đôi bờ tương đối của sự
sống và cái chết, sanh và diệt.
Tinh hoa của đạo Phật
chỉ nằm trong trí tuệ nội quán về qui luật Vô Ngã. Trong giáo lý tuyệt vời mà
đồng thời cũng là cốt lõi này của Phật giáo có nội dung là phủ nhận một cái tôi
ảo vọng. Tất cả những cấu tố tâm sinh lý vẫn làm nên sự có mặt của chúng ta,
chúng luôn thay đổi và biến tướng một cách nhất định. Cái mà chúng ta vẫn gọi
là thực thể, cái tôi,... đều chỉ là một khối tổng hợp của từng thành phần tâm
vật lý nương nhau mà hiện hữu thông qua một khối quan hệ hữu cơ. Phật giáo vẫn
gọi chung các cấu tố đó là Ngũ Uẩn (Khandha).
Uẩn hay cấu tố đầu tiên
trong năm uẩn chính là những nguyên tố vật chất (Sắc uẩn) mà chúng ta có
thể cảm nhận qua các quan sinh lý, dưới nhiều hình thái cảm nghiệm: Thô ráp,
mềm mại, nóng lạnh, rung động, nặng nề, nhẹ nhàng... Uẩn thứ hai vẫn được gọi
là Thọ uẩn, bao gồm tất cả những cảm giác và xúc động tốt xấu như
buồn, vui hay sự hờ hững thản nhiên mà từ ngữ thông thường vẫn gọi là tình
trạng tâm lý vô cảm. Uẩn thứ ba tức Tưởng uẩn, cũng thuộc lãnh vực
tâm lý như hai uẩn vừa kể trên và với một định nghĩa nôm na thì đó là những
quan niệm, những liên tưởng tập quán mang tính phân biệt và kinh nghiệm về các
đối tượng sở tri. Chẳng hạn, chính nhờ có nó, khi nghe một tiếng động, ta lập
tức nhận ra ngay rằng đó là tiếng còi xe hay tiếng chó sủa. Hồi ức là một trong
những chức năng đặc trưng của tưởng uẩn. Uẩn thứ tư chính là những hình thái tư
tưởng tích lũy tất cả những cấu tố tâm lý ngoài thọ uẩn và tưởng uẩn, những uẩn
mà theo đặc tính có thể được xem là độc lập. Uẩn thứ tư này bao gồm tất cả
những hình thái ý thức sai biệt và có di hậu những phản ứng nhất định nào đó
trong tương lai bất luận là tốt hay xấu.
Chúng là những cấu tố tâm lý có hiệu
quả xây dựng và qui định nhân cách cũng như hướng đi của mỗi chúng sanh. Gọi
theo thuật ngữ phật học thì Uẩn thứ tư chính là Hành uẩn, nội dung
có thể là tam độc (tham, sân, si) hoặc tam học (giới, định, tuệ). Uẩn thứ năm
tức Thức uẩn là cái biết đơn thuần, vô tư, vô cảm đối với tất
cả đối tượng sở tri bất luận thuộc tâm lý hay vật lý, một cái biết đơn giản
chưa thông qua cũng như chưa bị định trị (đánh giá) bởi bất cứ lăng kính ý thức
nào hết. Chúng ta thật ra chỉ là một thành phẩm được cấu hợp từ sự tương tác của
năm uẩn. Những khái niệm tôi, anh, nam, nữ, người, thú... chỉ là những ngôn ngữ
mang ý nghĩa phương tiện để diễn dịch những hình thái vận động nhất định của
các uẩn mà thôi.
Chẳng hạn khi ta nghe
tiếng động thì sự ghi nhận ban đầu về âm thanh đó chính là Thức uẩn (ở đây là
nhỉ thức). Thần kinh thính giác và âm thanh kia là Sắc uẩn. Những cảm xúc tiêu
cực hay tích cực trước âm thanh đó, chính là Thọ uẩn. Sự nhận ra (bằng kinh
nghiệm quá khứ) rằng đó là âm thanh, tiếng động gì thì đây là Tưởng uẩn; và tất
cả những phản ứng tâm lý mang tính đầu tư, định trị bằng các tình trạng tâm lý
thương hoặc ghét hay hiểu biết (bằng trí tuệ) thì chính là sự hiện hữu, tồn tại
của Hành uẩn.
Trong một bộ kinh quan
trọng của Phật giáo là Milindapanha (Milinda Vấn Ðạo) có nhắc đến một đoạn đối
thoại giữa nhà vua Hy lạp tại Ấn Ðộ tên Milinda (hậu duệ của A-lịch-sơn Ðại Ðế)
với Ngài Nàgasena (Na-tiên), một vị thánh tăng bác học thời danh, về giáo lý vô
ngã. Nhà vua yêu cầu Ngài Nàgasena hãy giải thích rõ hơn cho mình về vấn đề giáo
lý thâm sâu mà cũng vô cùng tế nhị này. Nhà vua đặt vấn đề với tư cách một
người đứng trên lập trường chủ trương một cái Tôi. Ngài Nàgasena trỏ vào chiếc
long xa của nhà vua rồi hỏi:
- Thưa đại vương, ở đây
cái gì được gọi là cổ long xa? Có phải chăng từng món phụ tùng được lắp ghép
vào đây đều có thể được gọi là chiếc long xa hay không, chẳng hạn như các món
đùm xe, trục xe, căm xe, thùng xe, mui xe, rèm xe,...?
- Tất nhiên, nếu kể ra
từng món một thì không có món nào có thể được gọi là cổ long xa cả! Vua Milinda
trả lời.
Ðến đây, nhà vua Milinda
coi như đã thấu suốt được giáo lý vô ngã một cách sâu sắc và sinh động qua
chính hình ảnh về cổ long xa mà Ngài Nàgasena đã tạm mượn làm một thí dụ để
trình bày về một giáo lý vô ngã xuyên qua phép diễn dịch về đặc tính nương đỡ
và tương quan hữu cơ như một qui luật sinh tồn của vạn pháp: Không có sự góp
mặt của các món phụ tùng cần thiết thì chẳng có một chiếc xe nào cả. Vẫn bằng
phương thức suy luận tương tự, cái mà chúng ta vẫn gọi là "tôi, của
tôi" thật ra chỉ là một khái niệm giả lập để chỉ cho môi trường gặp gỡ,
tương ngộ của các uẩn luôn sanh diệt triền miên trong từng chớp mắt. Bản chất
và đặc tính cố nhiên của chúng là luôn luôn thay đổi, phân hóa, biến tướng và
bất thường.
Chúng ta hãy quan sát
mọi sự trong từng ngày như người ta vẫn tự nhìn ngắm mình trong tấm gương soi.
Tình trạng hiện hữu của các uẩn hôm nay qua đến ngày mai sẽ đổi khác nhiều lắm.
Mọi thứ luôn trôi qua đi và tự đnh mất khuôn mặt cũ của mình, cái còn gọi có
chăng chỉ là tên gọi. Bằng vào những khái niệm tập quán ngộ nhận, trong đó có
cả thói quen định danh (gọi tên), chúng ta vẫn luôn tự ám ảnh mình bằng một
niềm tin vào những sự vật nào đó miên viễn và hằng tại, trường cữu, thậm chí dù
có tận mắt nhìn thấy những hiện tượng vô thường, đổi thay, ta vẫn cứ xem chúng
hiện hữu, vận động, biến tướng vì một quyền sở hữu hay dưới sự điều hành của ai
đó, cái gì đó. Nhưng nếu bằng một cái nhìn nghiêm túc, trung thực, khách quan
và tỉnh thức, thông qua trí tuệ thiền định vốn đã được trao luyện thuần thục,
thì ta sẽ thấy rằng ngay bản thân của ý thức (ở đây là tứ danh uẩn, các uẩn
thuộc tâm lý) tự bản thân chúng chỉ là một qui trình vận động luôn mang tính vô
thường và bất cứ cái gì vẫn được gọi là bản ngã hay cái tôi cũng chỉ là một
chuỗi dài đổi thay liên tục của ngũ uẩn mà không hề có một thực thể bất biến,
vĩnh hằng nào nấp kín đàng sau hay tàng ẩn bên trong chúng cả.
Dòng sinh diễn cố nhiên
của ngũ uẩn tuyệt đối không xảy ra một cách ngẫu nhiên, tình cờ, đột biến, đột
xuất hay hỗn độn, thiếu trật tự. Nó sinh hóa trên một hệ thống hẳn hoi, mang
tính thừa tiếp hữu cơ, tuân theo qui luật vận động tất yếu của các pháp tự muôn
đời. Những qui luật có điều động tất cả những mối quan hệ tương thuộc của các
cấu tố tâm vật lý làm nên sự tồn tại, vận động của các pháp và ta cóthể học hỏi
thấu suốt vấn đề này trong tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma-pitaka), một hệ thống
giáo lý có nội dung chủ yếu là về tâm lý học (từ ngữ này ở đây nên hiểu theo
định nghĩa chiết tự chứ không mang ý nghĩa thông thường ở các bộ tự điển). Theo
tạng Vi Diệu Pháp thì ý thức của chúng ta là một chuỗi dài của những đơn vị cảm
nghiệm tâm lý mà gọi theo từ chuyên môn của Phật học là các Tâm lộ. Trong hình
thái vận động này các đơn vị ý thức tuyệt nhiên không diễn ra trong một tình
trạng hỗn mang hay xơ cứng, dính dấp đến từ ngữ văn tự, mà thay vào đó mỗi tâm
lộ bao gồm một loạt tối đa mười bảy đơn vị ý thức, gọi theo thuật ngữ của tạng
Vi Diệu Pháp là mười bảy Sát-na Tâm. Giả dụ như khi ta nghe một tiếng động, các
đơn vị ý thức tương ứng lập tức nối đuôi nhau hình thành ra một tâm lộ với số
lượng tối đa là mười bảy Sát-na để tập trung vào một đối tượng sở tri, mà ở đây
là âm thanh mà mình vừa nghe qua.
Ðối với trường hợp cảm
nghiệm (ghi nhận, đón bắt) các đối tượng ý thức khác như hình ảnh, hương vị hay
đối tượng xúc giác, tư tưởng nào đó, tất cả cũng đều diễn ra theo qui trình
này: Tính ở mức tối đa, mỗi lộ tâm gồm có mười bảy sát na và thời gian tồn tại
của mỗi một sát na là cực ngắn (tạm hiểu là một phần tỷ của mỗi giây đồng hồ)
và trong suốt đời sống chúng ta, các Tâm lộ luôn liên tục thế chỗ cho nhau.
Trong mỗi Tâm Lộ như vậy, có một số Sát-na chỉ đơn giản có ý nghĩa là hậu quả
thừa tiếp từ các tiền nghiệp quá khứ. Thuật ngữ của tạng Vi Diệu Pháp gọi chúng
là những Sát-na Tâm Quả.
Chúng hiển hiện trong lộ tâm dưới hình thức của những
cảm giác tốt xấu (Thọ uẩn). Chẳng hạn như khi chúng ta bị nghe phải những câu
nói, những âm thanh khó chịu thì đó chính là lúc lộ diện của Sát-na tâm quả bất
thiện vốn đã được đầu tư từ một hành động ác xấu tương ứng nào đó trong quá
khứ. Còn đối với các Sát-na tâm còn lại trong một tâm lộ thông thường thì chúng
có chức năng gây tạo ra những tác động mà nãy giờ ta vẫn gọi là quả và nhân tố
tác nghiệp hay sức mạnh tác động của chúng hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ phản
ứng tâm lý của chúng ta trước các đối tượng sở tri. Như khi nghe một câu nói,
một âm thanh dễ gây bất mãn thì thay vì chúng ta chỉ đơn giản ghi nhận nó là
quả xấu của một tiền nghiệp bất chánh để rồi bình thản nhìn ngắm và bỏ mặc cho
nó trôi qua, nhưng nếu ta lại đón nhận nó bằng một sự bất mãn thì vô tình ta đã
lại đầu tư thêm một ác nghiệp mới nữa trong tương lai. Tất cả chỉ vì thái độ
đối kháng tệ hại của chúng ta mà thôi.