Ðặc tính của lòng thương
hay lòng từ bi là cảm giác tâm lý tha thiết muốn được giúp đỡ người khác thoát
khỏi những khốn khó đau khổ. Hình thức biểu hiện của tình thương là những vận
động tâm sinh lý nhắm vào mục đích xoa dịu những đau đớn thân tâm của tha nhân.
Tình thương hay lòng từ bi còn đồng nghĩa với một trái tim rộng mở.
Chúng ta không cần phải
đi đâu xa để tìm thấy những đau khổ đó. Bất cứ nơi đâu và lúc nào, nhân loại
trên toàn thế giới vẫn từng phút đối đầu với biết bao là đau khổ, những ám ảnh
triền miên không chừa ra bất cứ mọi ai, bất luận ở không gian hay thời gian nào
và chúng có mặt dưới mọi hình thức: Từ những khủng khoảng về chính trị, kinh
tế, cơ chế xã hội, xung đột tôn giáo, những mâu thuẩn cá nhân hay tập thể trong
mối tương giao thường nhật, nói chung tinh thần và thể xác chúng ta luôn bị đe
dọa bởi vô vàn khổ lụy. Ðó là những cái khổ bắt nguồn từ mối quan hệ với cộng
đồng xã hội. Còn đối với riêng bản thân mình thì những đau khổ đó sẽ ra sao?
Dầu chúng ta có cố tình
tìm lấy cho mình một thế giới sống biệt lập và an ổn đến mấy đi nữa, như một số
đông người đã cố gắng thực hiện, và cho dù chúng ta có cố tình nhắm mắt làm ngơ
để sống tuyệt đối an lành thì trước sau gì chúng ta cũng phải có lúc nhận ra
rằng thật ra vẫn luôn có rất nhiều những đau khổ theo đuổi, bám gót mình trong
từng phút. Ðó là những đau khổ tất yếu của một kiếp người: Bệnh hoạn, suy yếu
rồi là cái chết, một dấu chấm bắt buộc của một lòng sinh tồn hiện hữu.
Tất cả những thảm kịch
đó không nhắm riêng vào ai hết. Ðã trót có một hình hài, chúng ta dĩ nhiên phải
biết đến những cơn đau, tuổi già và một lần nhắm mắt xuôi tay.
Khi chịu để tâm nhìn
ngắm vào chính mình, chúng ta còn có dịp cảm nghiệm được rất nhiều hình thái bất
an, bất ổn trong đời sống. Kể cả trường hợp chúng ta có tìm thấy được thật
nhiều những tiện nghi và an toàn trong đời sống mỗi ngày thì chỉ cần với một
chút tinh ý ta sẽ nhận ra một điều hết sức quan trọng là ở đằng sau, bên dưới
tất cả là những tiện nghi và bảo đảm này vẫn luôn tàng ẩn một nguy cơ bất toàn
nào đó luôn chực chờ, đe dọa chúng ta. Có biết bao là những giây phút chúng ta
cứ cảm thấy ở lòng mình có chút gì đó như là trống vắng, thiếu thốn đến mức
phải nhắm mắt lao đi tìm đến một công việc lớn nhỏ nào đó nhằm lắp đầy cái lổ
trống vô vị nhạt nhẻo kia; hoặc cũng không ít lần trong đời sống, chúng ta lại
thấy mình bị ám ảnh bởi một sự bất mãn, đổ vở hoặc tù túng nào đó mà không thể
tự tìm thấy một lối thoát; rồi còn là cơ man những phút giây mà tâm hồn chúng
ta bị chi phối, quấy nhiễu bởi những xốn xang, sợ hãi, bức xúc, giận dữ, ganh
ghét, khao khát dục cảm...
Vậy thì đâu là nguồn cội
của những hình thái tâm lý đó? Nếu chúng ta tự trang bị cho mình một khả năng
cảm nghiệm như thật và trọn vẹn, một môi trường chính yếu cho tình thương, thì
tự nhiên chúng ta sẽ thấy mình có nhu cầu khám phá tất cả những khía cạnh nội
tại đó ở ngay bản thân.
Có nhìn thấy được những
đau khổ nơi thế giới chung quanh và trong chính thế giới tâm sinh lý của mình,
chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được sự đau khổ không chỉ là một vấn đề mang tính cá
biệt mà nó lại là một sự cảm nghiệm mang tính phổ cập và nó là một trong những
khía cạnh của tất cả hiện hữu, có thể chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi sau đây:
Nếu tình thương được khai sinh từ thái độ tỉnh thức về những đau khổ của đời
sống thì tại sao thế giới này lại không là một thiên đàng, một cõi đất lành cho
tình thương nảy nở sinh sôi?
Vấn đề có lẽ nằm ở chổ
chúng ta thường ít khi biết phơi mở trái tim mình để đón nhận những nổi đau của
mình và người khác. Thay vào đó, chúng ta chỉ biết sống trốn chạy, khép kín một
cách vô tư, vô tình, vô tâm, vô cảm và vô trách nhiệm. Xoay lưng hoặc nhắm mắt
không dám nhìn thẳng vào những đau khổ cuộc đời, đó có nghĩa là chúng ta tự
khép lại ngay ở cửa lòng mình một mùa xuân đẹp của tình thương, đóng kín lại
một suối nguồn vị tha mà lẽ ra mình phải có. Như đã nói, tình thương đồng với
một trái tim mở rộng, một tâm hồn khoáng đạt bao dung. Nhưng suối nguồn của
tình thương kia sẽ vẩn mãi bị đóng kín cho đến khi nào chúng ta còn tiếp tục
ngoảnh mặt chối từ hoặc đối kháng với thực tại vẫn luôn hiện hữu trước mắt
mình. Chối từ những cảm nghiệm của bản thân về đau khổ cũng có nghĩa là chúng
ta chối từ chân lý như thật để chạy theo những ảo tượng ngộ nhận.