Tuesday, May 10, 2016

Ðịnh giác chi

Ba giác chi mang tính Ðộng vừa kể trên đây là Cần giác chi, Trạch Pháp giác chi, Hỷ giác chi luôn được điều hoà bằng ba giác chi khác mang tính Tĩnh. Ðầu tiên là Ðịnh giác chi. Một cách nôm na, Ðịnh là sự tập trung tư tưởng, có mặt khi ý thức nhắm ngay vào đối tượng nào đó một cách chuyên chú. Ðịnh luôn đem lại một năng lực lớn cho tinh thần. Cũng như ánh sáng trong tia Laser có thể cắt đứt cả thép, một nội tâm có trang bị Ðịnh giác chi sẽ có thể chi phối một cách đáng kể vào vận động của thân tâm, và trí tuệ của hành giả lúc nầy có khả năng vươn tới những chiều kích tư duy sâu rộng hơn.

Một điều thoạt nhìn đã thấy là nội tâm của chúng ta luôn thiếu sự điều hành, phức loạn và chất đầy những vọng chấp, phân biệt - nói theo nghĩa chuyên môn của Phật học. Tất cả sinh diễn theo phản xạ của bản năng phiền não và tồn tại, vận động như một dòng nước lũ. Nhưng với sự can thiệp của Ðịnh giác chi, tâm hồn sẽ trở nên yên tĩnh, và lúc nầy ta có thể bắt đầu theo dõi được dòng chãy của các tư tưởng trong từng giây phút để xem chúng xuất hiện, tồn tại và biến mất ra sao. Chẳng những nhìn thấy được nội tâm của mình, hành giả thậm chí còn thấy cả tiến trình thay đổi thường trực của thế giới khách quan mà ở đây, có thể là một âm thanh hay hình ảnh nào đó. Ðối tượng tri nhận của các giác quan vật chất lúc nầy sẽ không còn là những thực thể thuần túy và bất động nữa, mà thành ra những cái bóng chớp nhoáng với nhiều giai đoạn kế thừa nhau trên một dòng sanh diệt vô thường.

Theo giáo lý truyền thống thì có đến hai hình thái Thiền định. Trước hết là thứ thiền định nhắm đến sự tập trung tư tưởng trên một đối tượng duy nhất đã được chọn lựa, để nâng cao khả năng chuyên chú. Ðối tượng đó có thể là hơi thở ra vào hay một hình ảnh màu sắc nào đó hoặc một khái niệm căn bản như lòng từ bi và thậm chí, một câu thần chú đã được trao truyền cẩn thận. Hình thái thiền định thứ hai tạm gọi là thứ thiền định trực quan, có đối tượng tạm thời và không chuyên nhất, vì loại thiền định nầy chỉ nắm bắt các đối tượng trong từng lúc, cái nào xảy đến thì ghi nhận, vậy thôi. Nói thế có nghĩa là khi tu tập thiền định nầy, hành giả có thể liên tục thay đổi đối tượng trong mỗi mỗi giây phút, từ những vận động chuyển đổi của cơ thể đến bất cứ một đối tượng ngoại giới nào vừa đưa đến như một mùi thơm, một tiếng động nào đó. Nói rõ hơn, đây chính là thứ thiền định nhắm tới lý tưởng nội quán, nên vấn đề đối tượng tri nhận không là quan trọng, tất cả chỉ đặt trọng tâm ở trình độ tỉnh thức.

Về công năng của hai hình thái thiền định nầy dĩ nhiên cũng có điểm khác nhau. Ðành rằng thiền định nào cũng có một lý tưởng căn bản là làm an tĩnh nội tâm nhưng loại thiền định thứ nhất (tập trung vào một đối tượng duy nhất đã chọn sẵn) chỉ có tính năng an tâm tạm thời, khá chật hẹp vì đối tượng quá giới hạn. Còn với loại thiền định trực quán, nhờ tính năng linh động nên hành giả có thể kịp thời xoay trở trước mọi tình huống một cách hiệu quả hơn.

Thiền định trực quán nhắm tới tất cả những gì đang xảy ra, một thực tại Ðang là, Ðang có.Sự tập trung ở đây quả là một nghệ thuật bởi vì bản chất của nội tâm là khó điều động, mà yêu cầu của thiền định nầy là sự phản tỉnh để nhìn ngắm các đối tượng sở tri trong tường giây phút. Ðó là chưa kể đến chiều dài thời gian mà chúng ta đã hoang phí trong sự loạn động và chính điều đó đã hình thành trong ta một thói quen khó bỏ, để mỗi khi bắt đầu công phu nội quán thì lập tức ta bị cuốn hút và chi phối mãnh liệt từ phía những tham dục, sợ hãi, nói chung là tất cả những đối lập lại sự điều động của ta, nằm trá hình kín đáo trong từng cơn đau đớn, bức xúc sinh lý, những cơn giận hờn, cảm giác cô đơn, lòng ái luyến tham chấp hoặc bất cứ một bận rộn lớn nhỏ nào trong sinh hoạt thường nhật. Ðể dàn xếp tất cả thứ đó, ta phải tự học được cách thư giản, buông bỏ và vượt khỏi chúng.

Kinh nghiệm nầy cũng giống như quá trình trao dồi một ngoại ngữ mà bí quyết cơ bản vẫn là sự ôn tập, lập đi lập lại. Mọi chuyện sẽ trôi chãy sau một thời gian không sao lãng. Vấn đề dĩ nhiên là đòi hỏi chúng ta một nghị lực bền bỉ và đừng bao giờ tự cho rằng mình bất lực. Trước chúng ta đã có biết bao người từng đi qua con đường nầy rồi. Bằng từng bước thực tập với các công phu khám phá và bình tĩnh, dần dần rồi hành giả sẽ thâu gặt được lần lượt các thành quả từ ít đến nhiều. Bởi càng lên cao, càng tự tại trước các chướng pháp, thì ta càng có cơ hội thưởng thức được tất cả tịnh lạc và bình yên mà thiền định mang lại. Hơn thế nữa, thành quả cao nhất của tiến trình nầy còn là sự phấn khích kích thích cho chặng đường còn lại để ta tiếp tục vững bước trong đời sống an hoà, tỉnh thức.

Khi đã đạt được khả năng thuần thục, thiền định của ta càng dễ dàng vượt qua các trở lực để ngày một tiến bộ hơn. Chúng ta không được dậm chân tại chổ mà phải luôn tìm cách nâng cao thiền định. Chúng ta phải làm nhiều thứ lắm: tự dàn xếp chính mình, chọn lấy những thao tác, tư thế thích hợp khi thiền định và trên hết là biết xử lý khéo léo trước tất cả chướng ngại ngăn trở nội tâm khi chúng vừa xuất hiện.

Trong một số trường hợp, khi thiền định vừa được bắt đầu nhen nhúm thì trí tuệ xuất hiện và nếu đối tượng tri nhận ở đây được linh động thì trí tuệ đó sẽ thành ra khả năng nội quán sâu sắc vừa đủ cho hành giả ghi nhận kịp thời tất cả sinh diễn chuyển biến của thân tâm. Nhưng cũng có khi thiền định không phát triển theo chiều hướng đó, tức là từ trình độ thiền định thấp hành giả lại tiến đạt lên cấp độ thiền định khác cao hơn. Từ chuyên môn gọi đó là trình độ cận định hay thiền định dẫn nhập. Ở trình độ nầy nội tâm hành giả coi như đã tự hạn chế tối đa các tạp niệm và gần như gắn chặt vào đối tượng tri nhận. Lúc đó tất cả tâm lực dường chỉ dồn hết vào đối tượng, các chướng ngại tinh thần tạm thời vắng mặt và sự hiện hữu của dòng tâm thức cũng trở nên yên lắng, êm đềm hơn rất nhiều. Chính cận định nầy mới chính là ngõ vào trình độ chứng nhập cao nhất mà thiền định nhắm tới.
Trình độ cận định là một điểm hội tụ lý tưởng của cùng lúc nhiều giác chi khác để giúp nó vững mạnh và hữu hiệu hơn. Và một lúc nào đó, với khả năng nầy, ta sẽ cảm nhận một kinh nghiệm kỳ diệu, đó là sự chuyên nhất của ý thức. Ở đây tất cả tạp niệm đều lắng xuống, các cảm thức chủ quan trở nên vô tư và tất cả kinh nghiệm thiền định lúc nầy trở thành nguồn động lực đưa ta vào tiếp diện với thực tại một cách trọn vẹn.

Cận định là một phương tiện tuyệt vời cho pháp môn thiền quán, con đường chứng nghiệm bản chất của thân tâm. Bởi với trình độ tập trung đó, hành giả dễ dàng bắt gặp tất cả những giai đoạn biến tướng chi li của danh và sắc. Mọi ảo tượng về cái thuần nhất sai biệt trong các pháp coi như tan biến trước cái nhìn soi rộng nầy. Ðó chính là giá trị độc đáo của thiền định nội quán. Vì dù có đặt cơ sở trên bất cứ mức độ thiền định nào, pháp môn nầy cũng đều đem lại cho ta một hiểu biết chính chắn về thực tại và một đời sống nội tâm thật sự tự do. Mà nói vậy có nghĩa là ta một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của Ðịnh giác chi, bởi rõ ràng là lấy nền tảng từ đây, mọi hành trình tu chứng với tất cả hình thái phát triển mới được bắt đầu và nâng cao.


Nói tóm lại, với bất cứ trình độ thiền định nào, từ các thiền khóa hay trong đời sống thường nhật, Ðịnh giác chi luôn giúp ta biết sống dung hợp và cũng cố tâm hồn với trí tuệ của mình. Càng tu tập, trưởng dưỡng giác chi nầy, ta sẽ có được tất cả an lạc và hiểu biết một cách tự tại, cộng thêm một đời sống nằm ngoài mọi hệ lụy, buộc ràng của các phức cảm phiền não. Ðó cũng chính là một phần trong cuộc tu của chúng ta.