Cơn nóng giận hôm nay
sẽ cho ra những nổi buồn khổ ở ngày mai. Ngược lại, với một thái độ phản ứng và
xử lý ngoại cảnh bằng tất cả những giá trị tinh thần như tỉnh thức, bao dung và
một trình độ thấu đáo về nghiệp lý thì dầu bất cứ ở tình huống nào, đối với bất
cứ một đối tượng sở tri nào tốt xấu bất luận, ta đều có cơ hội để vun bồi và
gieo hạt cho những hạnh phúc mai sau.
Tất cả những cảm xúc tâm
sinh lý dù tốt xấu đều là hậu quả của tiền nghiệp. Những phản ứng của chúng ta
hôm nay đều luôn có thể tạo nên những hậu quả trong tương lai mà mình sẽ phải
chấp nhận, thưởng thức hoặc chịu đựng. Qui luật về nghiệp lý là cả một vòng
tuần hoàn luân lưu: Từ một hạnh nghiệp quá khứ sẽ tạo ra những hậu quả trong
hiện tại và chính những thái độ phản ứng, xử lý tốt hoặc xấu đối với chúng, lại
tiếp tục tạo ra những hậu quả mới... Cứ thế và cứ thế. Vòng tuần hoàn nghiệp lý
báo ứng này đã qui định nên cuộc luân hồi của tất cả chúng sanh và tất cả chỉ
nằm vỏn vẹn trong từng sát na tâm.
Giáo lý thiền quán đặc
biệt nhấn mạnh hai vấn đề lớn là sự thức tỉnh trong mỗi thái độ xử lý của ta
đối với nó. Bởi chính điều này là cội nguồn cho tất cả hạnh nghiệp của chúng
ta. Mỗi phút giây cảm nghiệm thực tại đều có thể trở thành một tác nhân cho một
báo ứng nào đó trong ngày sau. Tất cả đều tùy thuộc ở chúng ta, mỗi người đều
có quyền chọn lựa cho mình một thái độ sống: Ðể mặc cho từng phút giây đối diện
và xử lý thực tại bị cuốn hút vào trong vòng tuần hoàn của nghiệp lý vay trả
triền miên, hay chỉ ngắm nhìn từng thực tại một cách tự do, vô hệ lụy, không
đầu tư một hạt giống nhân quả xuẩn động nào.
Con đường tối ưu để
chúng ta vực mình ra khỏi vòng tuần hoàn mù mịt vô cực của nghiệp lý chính là
chánh niệm hay thái độ tỉnh thức. Ðó là một trình độ nội tâm nằm ngoài tất cả
phân biệt hẹp hòi, luôn phơi mở và khách quan đón nhận tất cả những gì xảy đến,
không thương ghét mà cũng chẳng vô tâm lãnh đạm, hờ hững và thiếu trách nhiệm.
Một khi có được cái bản lãnh chào đón mọi cảm giác vốn là hậu quả của tiền
nghiệp, bằng tất cả bình tâm thì coi như chúng ta đã tự tạo được cho mình những
điều kiện giác ngộ, những nhân tố giải thoát thật sự rồi đó!
Hãy nhớ rằng ngay cả đối
với một người đã hoàn mãn túc duyên giác ngộ (thậm chí đến cả chư Phật) cũng
phải chấp nhận những ác quả từ các tiền nghiệp mà mình đã tạo. Dĩ nhiên các
Ngài cũng vẫn có thể thọ lãnh tất cả những thiện quả đã được gieo trồng từ quá
khứ. Ở đây chúng ta có lẽ ai cũng biết đến câu chuyện về một tay sát thủ khét
tiếng trong thời Ðức Phật, tên là Angulimàla. Số nạn nhân của chàng ta lên đến
chín trăm chín mươi chín người. Sở dĩ tay sát thủ này được gọi tên như vậy vì
bởi vì chàng ta chỉ giết người để lấy trên bàn tay của mỗi nạn nhân một ngón
tay rồi xâu lại thành chuỗi đeo trên cổ. Nạn nhân cuối cùng mà Angulimàla nhắm
tới, chính là bà mẹ ruột của mình. Bằng Phật trí, Ðức Thế Tôn biết được mọi sự
và Ngài đã kịp thời xuất hiện để can thiệp. Nhìn thấy Ðức Phật, Angulimàla liền
thay đổi đối tượng truy sát và bằng tất cả sức chạy vốn chưa có đối thủ,
Angulimàla đã dốc sức rượt đuổi Ðức Phật trong khi Ngài vẫn từng bước thong thả
như không có gì xảy ra. Như ta đã biết, tay sát thủ khát máu này không cách nào
theo kịp Ðức Phật, cuối cùng khi đã kiệt sức, Angulimàla lớn tiếng bắt buộc Ðức
Phật dừng bước.
Trước thái độ hung hăn
của Angulimàla, Ðức Thế Tôn từ tốn trả lời: "Thực ra Như Lai đã đứng lại
từ lâu lắm rồi, chỉ có ngươi mới là người chưa chịu dừng bước đó thôi,
Angulimàla ạ!"
Và Angulimàla đã dừng bước,
dừng bước thật sự và bị tác động mãnh liệt bởi chính phong thái đại hùng, đại
bi của Ðức Phật. Sau đó, Angulimàla xuất gia và trở thành một vị A La Hán. Theo
như kinh sách ghi lại, trong những đoạn đời còn lại của mình, ngài Thánh Tăng
Angulimàla đã phải trả giá cho những ngày tháng khát máu của mình bằng những
nếm trải cay đắng trên suốt những nẽo đường du hóa vị tha: Hầu như ở bất cứ nơi
nào Ngài cũng đều bị nguyền rủa, hành hung một cách tàn nhẫn. Nhưng dĩ nhiên
đối với trí tuệ của một bậc A La Hán, ngài đã mĩm cười đón nhận tất cả với một
tấm lòng bao dung vô hạn. Bởi đó chính là một trong những nét đặc trưng cho trí
tuệ của một bậc thánh: Trí tuệ về nghiệp lý, chấp nhận nghiệp quả mà không đầu
tư thêm nghiệp nhân. Các bậc thánh bình thản cảm nhận tất cả những báo ứng của
mình như một người đang có mặt tại kịch trường để quan sát những vỡ kịch, mà ở
đây là những vở bi hài kịch của tuồng nghiệp lý!
Vạn hữu, từ các tầng địa
ngục sâu nhất cho đến những cảnh giới phạm thiên cao nhất cũng chỉ đều là những
hình thái hiển thị của ý thức, nội tâm chúng sanh. Có hiểu được nghiệp lý, tức
những qui luật điều hành và qui định sự tồn tại của mọi loài thì coi như ta đã
có thể tự chọn cho mình một hướng đi, một sinh thú. Chúng ta không cần phải lo
âu trước con đường tử sinh dường như có vẻ đáng sợ này. Chúng ta có thể tự có
cho mình một con đường tràn đầy trí tuệ và an lành; bằng vào sự thấu suốt vấn
đề nghiệp lý một cách chi li, sâu sắc qua sự vận động của tâm lý ở cấp độ tế vi
của khái niệm về mỗi sát-na tâm, xâu chuỗi luân hồi hữu cơ của chúng ta xem như
có cơ may được cắt đứt. Và với sức mạnh của chánh niệm, của thái độ vô cầu, vô
chấp và độc lập đối với tất cả thực tại sở tri, chúng ta có thể phá vỡ vòng
luân lưu của cuộc sinh tử tuần hoàn, đồng thời có thể phơi mở được cho mình một
cảm giác tự do thật sự.
J. K.