Quy luật nghiệp lý là
một trong những quy luật quan trọng nhất chi phối và điều động đời sống của
chúng ta. Hiểu được nghiệp lý, sống trong trí tuệ về nghiệp lý, thực hiện những
gì thật sự cần thiết mà ta đã học được từ quy luật này, mỗi người sẽ cảm nhận
được một nếp sống trọn vẹn và bình yên. Một khi đời sống thường nhật thiếu đi
sự giao hòa và bị tự cô lập, một nếp sống vô minh về bản chất các pháp thì điều
tất nhiên sinh quan của chúng ta sẽ chỉ là những khổ lụy và ngộ nhận.
Quy luật
nghiệp báo là một trong những định thức thiên nhiên cơ bản mà thông qua nó, nếu
với một sự vận dụng sáng suốt, ta sẽ sáng tạo ra được biết bao thế giới sống
bao la, lồng lộng. Cứ kể chúng ta là những nhà nghệ sỹ nhưng thay vì phải dùng
đến những phương tiện nghề nghiệp như họa cụ, nhạc cụ..., ở đây chúng ta lại
tận dụng từng cảm nghiệm tâm sinh lý của mình như là những nguyên vật liệu hay
dụng cụ để thực hiện tác phẩm sáng tạo, phô diễn thế giới nội tại vốn vô cùng
phức tạp mà cũng thú vị của mình. Hãy nhớ rằng chỉ từ kiến giải này cùng những
sáng tạo năng động cộng với khả năng tranh thủ thời gian, chúng ta mới có thể
thành tựu viên mãn công phu tu hành của mình.
Thuật ngữ
"Nghiệp" trong cả hai thứ tiếng Pàli và Sanskrit (Kamma hay Karma) ở
trường hợp này đều có nghĩa là "hành động, việc làm". Quy luật nghiệp
báo chỉ đơn giản là định lý tác động và phản ứng: Một hành động có chủ ý sẽ cho
ra một hậu quả nhất định nào đó. Tùy thuộc vào động lực tâm lý lúc tạo nghiệp,
hậu quả của các hành động cũng theo đó mà được quy định: Hành động bằng ác tâm
sẽ cho ra quả xấu, hành động bằng thiện tâm sẽ dẫn đến quả tốt. Chính quy luật
sinh hóa của thế giới vật chất cũng đã minh họa cho ta về quy luật đó: Cây táo
chỉ trổ ra trái táo, chứ không thể sinh ra trái xoài hoặc bất cứ trái nào khác.
Nghiệp lý cũng là một thứ quy luật tự nhiên nhưng lại thuộc lĩnh vực tâm lý.
Khi nói đến vấn đề
Nghiệp lý, Ðức Phật luôn đặt biệt nhắm đến ý hướng hành động, tức động lực tâm
lý thúc đẩy ta hành động. Ngài dạy rằng Nghiệp chính là sự cố ý, tác ý, khuynh
hướng mang tính thúc đẩy ta hành động từ nội tại, bởi chính nó là nguồn động
lực quy định hậu quả của hành động. Một điều hết sức hiển nhiên mà chúng ta cần
phải biết đó chính là vấn đề mỗi mỗi đơn vị ý thức mang tính đầu tư dù thiện
hay ác đều là một năng lực đủ sức tạo ra một hậu quả tương ứng. Khi chúng ta
hiểu được cơ sở căn bản của nghiệp nằm ở sự đầu tư, cố ý, thì chúng ta cũng có
thể đồng thời hiểu được rằng mình phải cẩn trọng ra sao trong mỗi ý hướng trước
khi bắt tay một việc nào đó, chỉ cần một thái độ sống thiếu tỉnh thức, một
khuynh hướng nội tâm bất chánh thì coi như chúng ta đã tự gieo mầm cho vô vàn
đau khổ mà mình sẽ phải lãnh chịu trong tương lai.
Vấn đề nghiệp lý có thể
được nhận hiểu ở hai cấp độ thông qua sự thấu thị rộng rãi về những hình thức
tồn tại, hiện hữu của chúng vẫn luôn dàn trải suốt đời sống của mỗi người. Ở
cách hiểu thứ nhất, nghiệp lý đề cập đến cảm nghiệm về quy luật tác động và
phản ứng mang tính thời gian và thời gian ở đây là bất định. Nói vậy có nghĩa
rằng nghiệp lý trong trường hợp này chính là luật báo ứng theo lối định nghĩa
phổ cập: Nhân nào Quả nấy, và thời gian tương ứng giữa nhân và quả rất phức tạp
và trừu tượng. Với cách hiểu thứ hai, nghiệp lý được nhận diện qua từng phút
giây cũng vẫn quy luật tác động và phản ứng: Sau một tâm thái mát mẻ của tình
thương, chúng ta sẽ lập tức cảm nghiệm được một niềm tịnh lạc mang tính thừa
tiếp. Cứ thế, ngay sau những bức xúc phiền não, hậu quả tâm lý tất nhiên mà
chúng ta sẽ phải cảm nhận dĩ nhiên là những bất ổn, bất an trong tâm hồn. Chính
sự tỉnh thức trực tiếp của chúng ta về mỗi vận động của nghiệp lý trong từng
phút giây như vậy sẽ là một nguồn động lực tích cực cho công phu phát triển và
nuôi lớn sự an lành cho chính mình trong từng phút giây. Ðây lại cũng chính là
một sự tồn tại tự nhiên của nghiệp lý.
Lý tưởng và nhân cách
sống của chúng ta luôn được quy định qua nghiệp lý, nói rõ hơn, chính là hình
thái và tính chất cũng như qui mô của nó. Bằng cái nhìn của trí tuệ thiền chân
chính, ta sẽ thấy rõ rằng không có một chủ thể, thực thể nào là trường cữu, bất
biến để khả dĩ có vị trí cho một cái tôi nào đó tồn tại: Mỗi chúng ta chỉ là
một tổng hợp, một hình thái của những chuỗi dài tâm vật lý luôn đổi thay, vô
thường. Mỗi người chúng ta đều có một hướng đời riêng, trong từng phút giây ý
thức, bất luận là có chủ ý hay vô tình, ta đều luôn tự trưởng dưỡng ở chính
mình những hình thái ý thức sai biệt. Ðó cũng chính là một trong những biểu
hiện cụ thể của nguyên lý vô ngã như vừa nói trên. Cứ mỗi một tình trạng ý thức
hiển hiện trong từng phút giây, bất kể thiện ác, ngoài ra cái hiệu quả di hậu
tất yếu, nó còn để lại một sức mạnh tiềm tàng để sẳn sàng lớn mạnh hơn nữa
trong những lần tái hiện sau này. Bởi lúc đó chúng không còn đơn giản là một
hình thái tâm lý đột xuất nữa, mà đã trở thành ra một ý thức mang tính huân
tập, tập quán, một kiểu quán tính hùng hậu. Nói một cách khác đi, chúng ta chỉ
là một bộ sưu tập tổng hợp của rất nhiều nhân cách, những khuynh hướng ý thức
mà mình đã đầu tư và trưởng dưỡng, đặc biệt là những hình thái ý thức đã tự có
một sức mạnh phát triển.
Chúng ta thường có
khuynh hướng chẳng quan tâm gì đến những cấu tố tâm lý trong các cảm nghiệm, tư
tưởng của mình, mà thay vào đó chỉ là những vận động ý thức mang tính cách vô
tội vạ, chẳng màng gì đến hậu quả như người ta vô tư thảy một viên đá xuống
nước mà chẳng kể gì đến những xao động. Trong khi đó ta hãy nhớ rằng mỗi phút
giây tư tưởng đi qua trong đầu chúng ta còn là những điều kiện và động lực tác
tạo ra biết bao nhiêu vấn đề bòng bong khác. Bất cứ đối tượng ý thức nào khởi
lên trong nội tâm chúng ta, cộng với tính cách và bản chất của nó đều luôn là
một đối tượng sở tri để chúng ta tri nhận và chính thái độ tri nhận về chúng
luôn là những điều kiện, nhân tố quy định cảnh giới tái sanh thực ra là những
biểu hiện cụ thể cho từng trình độ tâm linh của mỗi chúng sanh. Chúng có ý
nghĩa nhắc nhở ta về những bản chất sai biệt của đời sống nội tâm mà mình vẫn
cảm nghiệm trong từng giây phút đồng thời cũng giúp ta lưu tâm đến dòng luân
hồi sanh tử mà mình sẽ phải lăn trôi qua các sanh thú (tức chỗ tái sanh) theo
quy luật nghiệp lý.
Ðối với nền văn hóa
phương Tây, vấn đề tái sanh và các cảnh giới luôn hồi vẫn thường được xem là
đáng nghi, khó tin nếu không muốn nói đó là những vấn đề đau đầu không cần
thiết. Mặc dầu thái độ hoài nghi đó cũng có thể là điều cần thiết cho sự nhận
thức, kiểm tra trong cuộc tu của mình, bởi những khái niệm về nghiệp lý và tái
sanh vốn là một phần giáo lý quan trọng của Ðức Phật, mà để hiểu biết về chúng,
thì vấn đề đòi hỏi ở chúng ta một sự tự chứng, thể nghiệm bằng chính khả năng
của mình. Chúng ta có thể chưa đạt đến trình độ chứng đạt thiền định hoặc những
khả năng thần thông, nhưng nếu với một thái độ trí tuệ thể nghiệm đúng đắn thì
vẫn có thể tự mở ra cho mình những khà năng nhận thức và hiểu biết chính chắn,
nói theo ngôn ngữ của nhà thơ Coleridge thì lúc này chúng ta coi như đã có được
một chiếc mốc treo cho lòng bất tín. Với khả năng ý thức đó, chúng ta coi như
đã thoát khỏi cạm bẫy của một niềm tin mù quáng cùng với một ý hệ vô tín
ngưỡng, cuồng dại. Bằng vào con đường này, chúng ta có thể nhận rõ được những
gì mà mình vẫn chưa hiểu được ở bản thân, cũng như những trình độ tri kiến nào
mình chưa có được.
Tầng nhân giới hay cõi
người được xem là lạc cảnh thấp nhất trong các cõi tái sanh thiện thú. Ở đây là
một môi trường lý tưởng để tu tập bởi vì như ta vẫn biết, thế giới này có điểm
đặc biệt là cả đau khổ lẫn hạnh phúc cùng đều có mặt. Mà mức độ đau khổ hay
hạnh phúc trong thế giới loài người chúng ta dù ở mức độ nào cũng vẫn có thể là
những điều kiện tốt cho công phu tu hành: Một ông vua hay gã ăn mày đều có thể
tự tìm thấy những yếu tố tâm lý cần thiết cho công phu phát triển đạo hạnh và
sự dấn thân vào con đường giải thoát. Thậm chí ta có thể nói rằng chỉ có những
đau khổ và hạnh phúc ở thế giới loài người mới là những nhân tố tối ưu để phát
triển trí tuệ và giác ngộ.
Ðể có thể sanh được là
người, ta ít nhất phải có một thái độ sống hào sảng và hòa ái. Bởi chính những
giá trị tâm linh này là một sức mạnh thiện nghiệp vừa đủ để tác tạo một tấm
thân nhân loại, đồng thời chúng cũng chính là những biểu hiện đặc trưng cho một
nhân tính thật sự. Cũng với những giá trị đạo đức trên đây cộng thêm một đời
sống đạo hạnh mà thuật ngữ Phật giáo vẫn gọi là "giới đức", nếu được
tu dưỡng lớn mạnh hơn thì chúng còn có thể đưa ta tái sanh lên các cõi thiên
giới. Thiên giới ở đây là các cõi trời mà đời sống ở đó, đặc biệt về mặt vật
chất, có thể nói là toàn hảo: Các thiên nhân luôn chói lòa hào quang và mọi nhu
cầu khoái lạc kể cả nhục dục cũng luôn hết sức đầy đủ. Thuật ngữ Phật học gọi
các cõi thiên giới này là tầng trời dục giới.
Tầng thiên giới cao nhất
chính là cảnh giới của các vị Phạm thiên (hiểu theo nghĩa của từ ngữ Phật
giáo). Nét đặc trưng trong đời sống của các vị Phạm thiên là các vị chỉ luôn
sống bằng thiền lạc, một thứ hạnh phúc thuần túy tinh thần, nằm ngoài tất cả
khoái lạc, dục cảm và các cõi Phạm thiên này chỉ là chỗ tái sanh dành riêng cho
những vị đã chứng đạt thiền định.
Chung quy lại, sáu cảnh
giới tái sanh hay còn gọi là Lục Ðạo sanh tử đều được tạo thành từ nghiệp báo.
Mà vấn đề nghiệp báo thì hoàn toàn do chính mỗi chúng sanh tự quyết định lấy
cho mình. Không ai có thể sắp xếp hay quy định chỗ tái sanh cũng như khuynh
hướng tư tưởng của chúng ta được. Lời dạy quan trọng nhất của Ðức Phật cho
chúng ta là mỗi người phải luôn nổ lực hết mình để phát triển thiện pháp bản
thân ngay trong từng ngày của đời sống thường nhật. Ðịnh nghĩa đơn giản nhất
của quy luật nghiệp lý là "nhân nào quả nấy". Khi chúng ta hiểu được
rằng đời sống của chính mình là một dòng chảy của nghiệp quả, chính mình phải
là người nhận lãnh tất cả những gì mà bản thân đã gây tạo thì chắc chắn chúng
ta sẽ có một sinh phong xứng đáng, những chọn lựa lý tưởng cho từng hành động
hoặc kể cả sự nghiệp bình sinh của mình.
Một vấn đề khác cần nhắc
đến ở đây là có đôi lúc vì không kham nổi tính khắc nghiệt của nghiệp lý bằng
chút ít hiểu biết không đến nơi đến chốn của mình, người ta đã tự tạo ở nội tâm
một sự cắn rứt quá mức cần thiết đối với những tội lỗi quá khứ của bản thân. Ta
có thể gọi tình trạng tâm lý giằng xé đó là mặc cảm tội lỗi. Nỗi mặc cảm này là
cảm giác tự ti, tự chán ghét chính mình, một sự thiếu hiểu biết về những vận
động vô thường của các giá trị tâm lý. Mặc cảm tội lỗi cũng là một hình thức
ngã chấp nhưng mang tính bi quan đáng thương là "Tôi không thể tha thứ cho
chính mình".
Sự hiểu biết chính chắn về nghiệp lý sẽ giúp ta một cái nhìn
bình tĩnh và thông minh về các sở hành thiện ác của bản thân. Trong suốt dòng
luân hồi đăng đẳng qua khắp các cảnh giới tái sanh, mỗi người chúng ta đã gây
tạo biết bao là các tội lỗi và thiện nghiệp. Nếu nhìn về quy luật Nghiệp báo
bằng những mặc cảm tội lỗi, những lo âu và hoảng sợ không cần thiết, thì đó
chính là thái độ thiếu sáng suốt và nông nổi, vô ích. Thậm chí nó còn là một
nhân tố bất thiện nữa là khác. Sự thấu đáo về nghiệp lý một cách sáng suốt,
chính chắn là con đường tối ưu để ta tự phát triển trí tuệ về tất cả hạnh
nghiệp thiện ác: Những con đường dẫn đến an lành và tự do hoặc đau khổ và đọa
đày. Chính thái độ hiểu biết về nghiệp lý như vậy, chúng ta mới có được một
phản ứng tâm lý tích cực và an lòng khi nghĩ về quá khứ, đồng thời cũng tự chọn
cho mình những hướng tốt đẹp trong hiện tại. Mặc cảm tội lỗi là một hình thức
tâm lý tự trừng phạt mình, còn trí tuệ về nghiệp lý là một biểu hiện cho đời
sống thuần cảm vô tư, bình tỉnh và bao dung.