Thursday, May 26, 2016

Nếu không có sự can thiệp của các trọng nghiệp thì một sự thực hiện tại chỗ hoặc các hồi tưởng về những tiền nghiệp thiện ác

 trong thuở sinh thời đều có ý nghĩa tác động đến vấn đề tái sinh. Thuật ngữ Phật học gọi đây là trường hợp Cận Tử Nghiệp. Những giây phút cuối cùng của một kiếp sống là cả một cuộc giàn xếp giữa nghiệp báo với sự tái sanh. Nếu lúc bình sinh mà ai cũng biết sáng suốt và tỉnh thức chứng kiến những phút giây hấp hối của người khác thì đến lúc này thì chúng ta mới may ra có đủ can đảm và bình tĩnh đối diện với chính cái chết của mình.

Nếu không có sự chi phối của hai loại nghiệp trên thì vấn đề tái sinh của đương sự có thể được quyết định bởi trường hợp nghiệp lực thứ ba mà thuật ngữ trong kinh điển vẫn gọi là Thường Nghiệp, tức những hành vi thiện ác dầu thuộc tinh thần hay hành động cụ thể mà ta vẫn lập đi lập lại nhiều lần trong đời sống thường nhật. Ở đây ta có thể gọi đó là Tập Quán Nghiệp cũng được. Loại nghiệp này vẫn đủ sức mạnh giàn xếp cho ta một cảnh giới tái sinh bằng cách tự hồi trạng lại trong những hơi thở sau cùng. Xét ra đây là loại nghiệp được xem là phổ cập nhất.

Cuối cùng, ta phải nhắc đến loại nghiệp thứ tư mà công năng của nó vẫn có sức tác động gần tương tự như ba loại nghiệp trước, có nghĩa là vẫn có thể qui định sinh thú cho đương sự hấp hối, đó chính là Khinh Thiểu Nghiệp, những việc làm tốt xấu nhỏ nhoi không đáng kể mà ta đã thực hiện trong những dịp ngẫu nhiên, tình cờ nào đó. Tuy là những sở hành nhặt nhạnh, chắt chiu, bé mọn không đáng kể nhưng dù sao thì nghiệp lúc nào vẫn là nghiệp và đã là nghiệp thì dĩ nhiên cái di hậu tất yếu của nó phải là quả. Nếu không có ba loại nghiệp trước xuất hiện thì loại nghiệp thứ tư này cũng sẽ tự đến ám ảnh tâm lý người sắp chết, đồng thời quyết định cảnh giới tái sanh cho họ.

Bất cứ hạnh nghiệp nào cũng đều luôn có một hướng phản ứng và hướng phản ứng đó đôi khi lại tùy thuộc vào những tình huống bất ngờ để thậm chí có thể trở nên vô hiệu nghiệm. Ta có thể thấy rõ trường hợp này qua câu chuyện sau đây vẫn được ghi lại trong kinh điển. Vào thời Ðức Phật có một gã sát thủ khát máu giết người không gớm tay, Sau một thời gian tung hoành khắp chốn, gã đã bị bắt rồi bị kết án tử hình. Trong giây phút cuối cùng ở pháp trường, gã sát thủ này đã tình cờ nhìn thấy một số vị Tỳ Kheo đang đi ngang qua đó. Hình bóng của các vị tự nhiên làm hắn nhớ lại việc minh đã để bát cúng dường cho Ngài Xá Lợi Phất. Lòng hắn bất chợt trào dâng một niềm hoan hỷ vô hạn để rồi với chút thiện tâm đó, ngay sau khi lìa khỏi cổ, gã sát thủ đã lập tức tái sanh lên thiên giới.

Một trường hợp vô hiệu khác của các tiền nghiệp là khi một người đã được sanh về những cảnh giới cao cấp, quả nghiệp ác xấu quá khứ cũng không có điều kiện trổ quả. Tuy nhiên những trường hợp vô nghiệm như vậy cũng chỉ mang tính tạm thời mà thôi. Chính bản thân các vị thiên nhân cũng có thể thấy rõ điều đó. Họ biết nhờ đâu mà mình được sanh về thiên giới và đồng thời cũng hiểu được những ác quả mà mình sẽ phải gánh chịu sau khi đã sống hết tuổi thọ của kiếp thiên nhân hiện tại. Chính nhờ hiểu biết được điều này, một số vị thiên nhân đã cố gắng hạn chế tối đa những giây phút hưởng lạc, mặc dù với những điều kiện sống hết sức tuyệt vời trên thiên giới thì một nổ lực như vậy quả thật không dễ dàng tí nào, để dốc sức tu tập thiện pháp nhằm hướng đến một quả vị thánh nhân nào đó, tối thiểu là tầng sơ quả, một bến bờ vĩnh viễn cách ngăn tất cả đọa xứ. Theo kinh điển ghi lại thì sau khi đã sanh về thiên giới, tay sát thủ trên đây cũng đã chứng đạt quả vị Tu Ðà Huờn.

Khi giải thích về nghiệp lý, Ðức Phật luôn đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh tiềm lực của từng trường hợp hành động thông qua những nhân tố tương thuộc đối với quả nghiệp. Chẳng hạn khi nói về sức mạnh tạo quả của việc bố thí, Ngài dạy rằng chỉ riêng trường hợp thực hiện này thôi cũng đã có đến ba nhân tố quyết định tình trạng trổ quả của nó để từ đó một cuộc bố thí dù lớn nhỏ đều có một kết quả và tính cách khác nhau: Ðức hạnh của người nhận, tấm lòng của người cho, và thí phẩm có hợp pháp, hợp lệ hay không. Sự thiếu đủ các nhân tố này luôn quyết định kết quả của cuộc bố thí đó.

Từ đó suy ra, ta có thể hiểu rằng nhiều khi một cuộc trai đàng long trọng được tổ chức để cúng dường đến Ðức Phật cùng đoàn thể Thánh Tăng mà công đức so ra vẫn ít hơn đôi ba phút phơi mở trọn vẹn tâm hồn mình rồi tập trung tư tưởng hướng về tất cả chúng sanh một lòng từ bi vô lượng, không phân biệt. Bởi vì ở đây chúng ta có thể tạm thời chọn ra một trong nhiều lý do để giải thích trường hợp vừa nêu trên, là để có một tình thương vô lượng tự đáy lòng như vậy, chúng ta dĩ phải có một tư tưởng giao hòa và cảm thông vô bờ bến đối với mọi loài, mà đó lại là một sức mạnh tâm linh vô cùng thâm hậu và cần thiết cho tất cả thiện nghiệp.

Ðức Phật còn dạy rằng công đức vô lượng của lòng từ bi trên đây xét ra còn thua xa công đức của một phút giây thấu thị tinh tường bản chất Tam Tướng của các pháp. Sở dĩ một khoảnh khắc trí tuệ về Tam Tướng lại được đánh giá cao như vậy là bởi chính nó giúp ta giác ngộ. Chỉ cần nhìn thấy được bản chất vô thường của thân tâm chính mình thôi, xem nó sinh hóa như thế nào, thì coi như chúng ta đã phát triển khả năng tự tại và bình thản trước tất cả những cấu tố như huyễn của từng cảm nghiệm trong đời sống. Ðôi khi trong công phu thiền định, lúc phải đối đầu với trở lực khó khăn thuộc tâm sinh lý, chúng ta tự đánh mất khả năng nhìn ngắm thực tại mà công phu thiền định của mình đang nhắm tới. Tuy nhiên điều đó lại giúp ta ghi nhớ rằng những năng lực nghiệp báo luôn được hình thành từ những huân tập tích lũy và tái hiện một cách liên tục. Và sự chiêm ngắm, tỉnh thức về bản chất vô thường của vạn hữu là cả một chuỗi dài của những trí tuệ được tái hiện nhiền lần cho nên đương nhiên đây là một nghiệp lực hùng hậu khả dĩ dẫn đến nhiều thiện báo an lành và tự do.

Trí tuệ về nghiệp lý chẳng khác gì một nguồn ánh sáng cho thế giới, bởi từ đó chúng ta mới có thể chọn lấy cho mình một hướng đi thích đáng và đời sống của chúng ta mới thật sự nhắm đến tất cả những gì trọn vẹn và hoàn mãn nhất.

J. G.