Chúng ta
có thể xem ba hoạt động như các định nghĩa về chức năng của chánh niệm:
1/
Chánh niệm nhắc chúng ta nhớ những gì chúng đang cần phải làm.
2/
Chánh niệm nhìn các sự việc như hiện thực.
3/
Chánh niệm thấy được bản chất sâu sa của mọi hiện tượng.
Chúng ta hãy khảo sát cụ thể hơn các định
nghĩa này.
1. Chánh niệm nhắc bạn nhớ những gì chúng đang
cần phải làm : Khi hành thiền, bạn chú ý vào một đề mục. Khi tâm bạn lan man ra
khỏi sự tập trung này, thì chánh niệm sẽ nhắc bạn rằng tâm bạn đang lan man và
bạn cần phải làm những gì. Chính chánh niệm đem bạn về lại đề mục hành thiền.
Tất cả sự việc này xảy ra nhanh chóng, không cần sự độc thoại nội tâm nào. Việc
hành thiền không phải là việc suy nghĩ. Hành thiền liên tục sẽ biến chức năng
này thành thói quen của tâm, rồi thói quen ấy sẽ tiếp tục duy trì trong suốt
quãng đời còn lại của bạn.
Lúc nào bạn cũng nên chú ý đơn thuần vào những
gì đang diễn ra, ngày ngày như thế, trong buổi ngồi thiền chính thức hay trong
các tư thế hoạt động khác. Nhiều hành giả có khi phải mất vài năm hoặc thậm chí
vài thập niên để hoàn thiện được điều này. Thói quen miên man suy nghĩ của
chúng ta đã được huân tập quá lâu rồi, và thói quen ấy sẽ đeo bám chúng ta rất
chặt. Cách giải quyết duy nhất là duy trì đều đặn thực hành chánh niệm liên
tục. Khi chánh niệm có mặt bạn sẽ để ý thấy được lúc nào thì bạn bị kẹt trong
các cách thức suy nghĩ. Chính sự để ý này giúp bạn lui ra, thoát khỏi tiến
trình suy nghĩ đó. Kế đền, chánh niệm đưa sự chú ý của bạn trở về tập trung
trên đề mục nếu lúc đó bạn đang hành thiền. Nếu không chánh niệm sẽ chỉ là sự
áp dụng chú ý đơn thuần, chỉ là một sự để ý thuần túy xem cái gì đang xuất hiện
chứ không can dự vào: “À, đến cái này… và bây giờ đến cái này… và giờ thì cái
này… giờ thì cái này.”
Chánh niệm vừa là sự chú ý đơn thuần vừa là
chức năng nhắc chúng ta nhớ chú ý đơn thuần nếu chúng ta quên. Sự chú ý đơn
thuần là sự để ý nhận biết. Nó được thiết lập trở lại bằng cách chỉ nhận biết,
ghi nhận rằng vừa rồi nó đã không có mặt. Bạn nhận ra điều này cũng có nghĩa là
lúc này bạn đang để ý nhận biết và bạn tiếp tục chú ý đơn thuần.
Với chánh niệm bạn sẽ có cảm giác thư thái,
trong sáng và đầy nghị lực. Trong khi đó sự suy nghĩ lại nặng nề, chậm chạp và
kiểu cách. Tuy nhiên đây chỉ là sự mô tả bằng ngôn từ. Khi bạn thực hành, bạn
sẽ thấy được sự khác biệt. Rồi có thể bạn sẽ diễn tả bằng ngôn từ của riêng bạn
và những từ đã dùng nơi đây sẽ trở nên thừa thải. Xin hãy ghi nhớ, thực hành là
điều quan trọng nhất.
2. Chánh niệm nhìn các sự việc như hiện thực :
Nó không thêm cái gì vào sự suy tưởng cũng không bớt ra cái gì. Nó cũng không
bóp méo sự việc nào. Nó chỉ là sự chú ý đơn thuần, chỉ nhìn vào những gì đang
đến. Còn suy nghĩ thì thích dán các thứ lên kinh nghiệm, lên những gì xảy đến
với chúng ta, chồng chất lên đấy các khái niệm, ý tưởng để rồi nhận chìm chúng
ta trong vòng xoáy của các dự định, lo âu, sợ hãi và tưởng tượng. Khi chánh
niệm, bạn không tham gia vào trò chơi đó. Bạn chỉ nhận biết chính xác cái gì
đang xuất hiện trong tâm, rồi ghi nhận cái tiếp theo: “À, này… và này… và giờ
thì cái này.” Thật sự rất đơn giản.
3. Chánh niệm thấy được bản chất sâu xa của
mọi hiện tượng: Chỉ chánh niệm mới có thể nhận biết ba tính chất cơ bản mà theo
lời Phật dạy là bản chất thâm sâu nhất của sự hiện hữu. Đó là vô thường, bất
toại nguyện và vô ngã. Tức sự vắng mặt của thường còn, bất biến, và có thực thể
hay còn gọi là linh hồn hoặc bản ngã (tiếng Pali: anicca, dukkha, anatta; tiếng
Anh: impermanence, unsatisfactoriness, selflessness). Sự thực này không phải
đưa ra như một giáo điều dẫn đến niềm tin mù quáng. Người con Phật sẽ cảm thấy
sự thật này phổ quát và hiển hiện rõ ràng đối với người nào quan tâm khảo sát
một cách đúng đắn. Chánh niệm là phương pháp khảo sát đưa đến sự thật ấy. Chánh
niệm một mình nó có khả năng phát hiện tầng sâu nhất của thực tại qua quan sát.
Với mức độ xem xét kỹ này hành giả sẽ thấy (a) tất cả pháp hữu vi (do điều kiện
tạo thành) vốn dĩ tạm thời, tồn tại trong chốc lát, (b) mọi vật trên thế gian
cuối cùng đều bất toại nguyện, (c) thực ra không có thực thể nào bất biến,
thường hằng, tất cả chỉ là các tiến trình.
Chánh niệm hoạt động giống như một kính hiển
vi điện tử. Nghĩa là nó đạt tới mức rất vi tế đến độ hành giả thật sự có thể
thấy trực tiếp những thực tại được lý thuyết mô tả về tiến trình tâm. Chánh
niệm thấy tính chất vô thường của mỗi sự nhận biết. Nó thấy tính tạm thời và
hoại diệt của tất cả những gì được nhận biết. Nó cũng thấy tính chất bất toại
nguyện của vốn có của các pháp hữu vi. Nó nhận ra rằng thật là không khôn ngoan
nếu nắm bắt từng cảnh đang hoại diệt bởi làm vậy thì không thể tìm được bình an
và hạnh phúc. Sau cùng chánh niệm sẽ thấy bản chất vô ngã của tất cả các pháp,
các hiện tượng. Nó thấy rõ chúng ta đã tùy tiện chọn một khối nhận thức nào đó,
chia chẻ chúng ra khỏi dòng trải nghiệm đang diễn ra và rồi khái niệm chúng như
những thực thể riêng biệt, lâu bền. Chánh niệm thật sự nhận ra những điều này.
Nó không suy luận chúng mà thấy trực tiếp.
Khi được phát triển đầy đủ, chánh niệm thấy ba
đặc tính này của vạn hữu trực tiếp, ngay lập tức, không qua phương tiện tư duy.
Ba đặc tính này không tồn tại riêng rẽ. Chúng ta nỗ lực thực hiện tiến trình
vốn rất đơn giản gọi là chánh niệm để thấy được ba đặc tính này và diễn dạt tầm
hiểu biết đó bằng những biểu tượng thật rườm rà thông qua suy nghĩ. Chánh niệm
là một tiến trình, chứ không chia ra nhiều bước.
Nguyên cả tiến trình này diễn
ra đồng bộ: bạn ghi nhận mình thiếu chánh niệm và chính sự ghi nhận này là kết
quả của chánh niệm; chánh niệm là sự chú ý đơn thuần, sự chú ý đơn thuần đang
ghi nhận các sự vật một cách chính xác như thực, không bóp méo; và hiện thực là
các sự vật đều là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Cả tiến trình xảy ra
chớp nhoáng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chỉ cần giây phút chánh niệm
lần đầu là bạn sẽ nhanh chóng đạt được sự giải thoát. Bạn cần thực hiện việc
đưa chánh niệm vào đời sống ý thức, sau đó nỗ lực duy trì trạng thái chánh
niệm. Công việc này sẽ mang lại cho bạn niềm vui nên rất đáng để phấn đấu.