Trước hết là sự đơn giản
về sinh lý. Chẳng hạn như trong tư thế ngồi, dù là để thiền định về bất cứ một
đề mục nào đó thì trước hết ta cũng cần phải tự giàn xếp cho mình được yên
tĩnh, tỉnh táo hơn. Khi nhận ra cảm giác bức xúc ở một bộ phận nào đó trên cơ
thể thì hãy tìm cách giải quyết nó ngay: Ta có thể tạm thời lưu tâm đến đôi vai,
hơi thở, cổ, lưng hoặc các cơ bắp. Trong khi đang tĩnh tọa như vậy ta hãy tự
theo dõi tất cả những cảm giác sinh lý nào xuất hiện ở nội thân mình, đưa nó
vào sự kiểm soát của khả năng tỉnh thức và thăng bằng của nội tâm.
Cứ thế trong
mọi hoạt động lớn nhỏ ta cũng đều luôn tỉnh thức như vậy, tức luôn chú ý đến
mỗi tình trạng sinh lý của mình. Sự tỉnh thức đối với tấm thân sinh lý cũng
giống như một tấm gương giúp ta có thể nhìn thấy rõ ràng phản ảnh của những gì
cần được lưu tâm và cần được bỏ quên. Sự đơn giản hóa và lưu tâm đến đời sống
sinh lý của mình cũng là những bài học cần thiết, đồng thời là điều kiện đảm
bảo phần nào tình trạng sức khỏe của mỗi người để công phu Thiền Ðịnh của chúng
ta có được có được nhiều hiệu quả hơn. Nói một cách khác, vấn đề ở đây là hành
giả phải luôn biết trân trọng một cách hợp lý hình hài của mình và lưu tâm đến
những gì nó đòi hỏi, nhưng không vì thế mà đáp ứng những đòi hỏi có phương hại
cho sức khỏe.
Ở đây ta có thể nhắc lại
hình ảnh ví dụ vẫn được kinh điển dùng để diễn tả một tình trạng sinh lý quân
bình. Ðó là một cây đàn mà người biết chơi không bao giờ để dây nó quá chùng
hoặc quá căng. Chúng ta cứ thử nghiệm ở chính mình xem: Với môt sức khỏe tốt
thì mọi khả năng nội tâm sẽ dễ dàng phát triển hơn. Ðồng thời, đối với các tân
Thiền sinh, khi nhận thấy nội tâm mình đã vì tình trạng sinh lý thế nào đó, mà
lại xao lãng tâm điểm chú niệm thì phải lập tức tỉnh thức nhận diện ngay thực
tại này và quay về với nội tại bằng tất cả khả năng ổn định hóa tâm sinh lý.
Phép đơn giản hóa cuộc
tu trong trường hợp thứ hai, chính là sự giàn xếp các nếp sinh hoạt, nói cụ thể
hơn, là hướng hành động. Con đường này được thực hiện bằng tất cả sự chú niệm.
Chỉ có thế thôi. Ở đây, vấn đề cốt lõi là sự nghiêm trì năm học giới mà ta đã
có dịp biết tới. Ðó là một nếp sống cẩn trọng để tránh mọi xúc phạm hay bức hại
đối với thế giới chung quanh mình bằng tất cả tình thương. Ta phải học được
cách tỉnh thức kịp thời khi nội tâm mình đang phơi mở hay khép kín để nó luôn
được trải rộng. Cũng giống như một đóa hoa, tân hồn chúng ta luôn có những thời
điểm phơi mở hoặc khép chặt, với một số điều kiện nhất định nào đó. Ta hãy luôn
đặt biệt lưu tâm đến nhưng phút giây này, bởi với những tuần hoàn bất trắc của
nội tâm, vấn đề nghiêm trì ngũ giới chắc chắn không dễ dàng lắm đâu.
Phép sống đơn giản thứ
ba là một sinh phong tự tại, thanh thản. Phép sống này rất quan trọng nhất là
khi ta hiểu được rằng những bận rộn, ràng buộc, tạp loạn trong đời sống luôn là
những trở lực cho niềm tịnh lạc của chúng ta. Càng ít rối ren tâm lý, đặc biệt
là các ham muốn, thì cuộc sống của chúng ta lại hạnh phúc hơn. Và chính nếp
sống đơn giản mà nhiều ý nghĩa này đã là sinh phong căn bản cho các du sĩ tăng
ni nói chung. Còn đối với hàng tu sĩ tại gia thì nếp sống đơn giản như vừa nói
trên đây không có nghĩa là vất hết các công việc thực sự, nhưng ta vẩn có thể
thực hiện một kiểu sống đơn giản thích hợp bằng cách loại bỏ những suy nghĩ
không thật sự cần thiết với một cái nhìn ngắm trung thực của bản thân. Nhưng
cẩn thận đấy, chúng ta luôn rất dễ dàng trở thành những cổ máy. Ðừng nắm giữ
một cách nông nổi bất cứ thứ gì trên đời: Bởi kể cả tấm thân này còn không là
của chúng ta nữa mà! Dùng nó như một phương tiện, xử lý và nhìn ngắm nó một
cách cẩn trọng để cuộc sống của chúng ta có nhiều nội dung hơn.
Phép sống đơn giản thứ
tư là sự đơn giản từ nội tại, tức một tâm hồn dung dị, vô tư. Tư tưởng của
chúng ta, từ những lập trường kiến giải hay các suy nghĩ bình thường nhất, cũng
đều luôn thay đổi như thời tiết hay thủy triều. Ðiều mà Trí tuệ Thiền định đòi
hỏi ở chúng ta chính là thái độ đối diện với những thực tại vô thường đó một
cách giản đơn và thông minh. Như đã nói, qui luật vận động và tồn tại của các
pháp luôn vô cùng đơn giản. Mọi thứ luôn đổi thay. Hành động và tư tưởng hôm nay
của mỗi người sẽ tạo ra những thói quen và điều kiện cho các hành động cùng tư
tưởng, nói gọn là hình thức hiện hữu của chúng ta mai sau. Hôm nay chúng ta có
những tác động thế nào đó đối với thế giới chung quanh thì trong tương lai ta
sẽ nhận lại những hậu quả phản ứng tương xứng. Ðó chính là qui luật Nghiệp báo:
Gieo giống nào thì thu hoạch quả nấy. Sức mạnh của các ham muốn luôn cho ra
những đau khổ đối xứng.
Thiền sư Achaan Chaa
thường hỏi các học trò:
- Bữa nay có thấy mình
bị chút gì là đau khổ không?
Nếu các thiền sinh trả
lời rằng "không có" thì Ngài mỉm cười. Còn nếu họ thưa là có ít hay
nhiều, thì Ngài nói ngay:
- Vậy là bị các ham muốn
tấn công rồi đấy! Rồi Ngài lại cũng mỉm cười.
Lòng ham muốn cứ như ánh
đèn tín hiệu vậy, nó giúp ta biết được những đau khổ như là cái giá phải trả.
Nhờ nó, ta có thể học được khả năng dứt bỏ tất cả.