Thursday, June 9, 2016

Trở lực của các Pháp Phạm trú cùng là con đường đưa ta đến những âu lo, sợ hãi.

Một đời sống tinh thần thực sự có ý nghĩa thì không hề là một thái độ lánh mặt hay dấu mình để được một mình đứng ngoài tất cả những biến động của đời sống. Ðó phải là một nếp sống phơi mở một cái nhìn thấu thị về thế giới xuyên qua bản chất vô ngã của nó, một cái nhìn không phải vay mượn một lăng kính cực đoan nào về bản chất sinh diệt tương tục của cuộc đời. Giải thoát, theo dịnh nghĩa ở đây, là một cuộc khám phá để tìm ra một bến bờ tự do ngay trong chính thế giới tâm sinh lý của mỗi người. Một vị thiền sư, mới đây thôi, trong một bài giảng về tinh thần hòa ái, giao cảm của thiền định Phật Giáo, đã giải thích vấn đề bằng một hình ảnh hết sức đơn giản nhưng thú vị: ông đưa hai bàn tay mình lên và tạm thời nói với các thính giả rằng trước mặt mọi người bây giờ đã có thêm hai người nữa. 

Ông gọi bàn tay phải của mình là chàng Gertrude còn bàn tay trái là chàng Harry. Rồi ông tự thực hiện một cuộc đối thoại giữa hai "diễn viên" tưởng tượng đó về những sở thích khác biệt nhau của hai người. Toàn thể thính giả cười ầm lên. Vị thiền sư vẫn điềm nhiên: Chúng ta là như vậy đó. Ai cũng chỉ là những diễn viên trên sân khấu cuộc đời này thôi, và quên hết những người khác!

Thái độ sống tách mình, ích kỷ, luôn là cội nguồn cho tất cả buồn đau trên thế giới này. Ðể có thể thực hiện một đời sống tâm linh lý tưởng ta phải học được cách chấp nhận cho tất cả bề trái của đời sống và mang hết những biến động của cuộc đời vào cả trái tim mình bằng một tâm hồn bao dung vời vợi. Có được một sinh phong trọn vẹn như vậy, chúng ta đương nhiên trở thành một vị Bồ Tát, một con người thiết tha với lý tưởng giải thoát cho mình và cho đời. Suzuki-roshi cũng đã từng nói: "cho dù mặt trời có mọc lên từ hướng tây, thì lý tưởng của một vị Bồ Tát cũng không vì vậy mà thay đổi". Quả đúng như thế, dầu có phải đối đầu với những tình huống tệ hại nhất, dầu cho trời đất vũ trụ có cùng lúc đổi thay đến mức nào đi nữa thì một vị Bồ Tát thật sự vẫn không hề thay đổi con đường của mình: con đường của từ bi và trí tuệ.

Lần đó, ở Ấn Ðộ, tôi đã trao đổi với một vị thiền sư bản xứ, Vimala-thakar, về vấn đề Thiền Ðịnh cùng các biến động trên thế giới. Vimala trong nhiều năm trời liên tục đã từng làm việc chung với các đồ đệ của thánh Gandhi trong các tổ chức tái thiết Ấn Ðộ và đồng thời bà cũng có một thời gian dài học hỏi Thiền Ðịnh với Krishnamurti. Thế rồi sau những năm tháng làm thiền sư, bà lại quay sang các công tác từ thiện xã hội, dành nhiều thời gian cho công việc này hơn cả công việc của một thiền sư. Tôi hỏi bà tại sao bà lại thay đổi nếp sống như vậy, một nếp sống mà bà đã bỏ ra quá nhiều thời giờ để đầu tư, có phải bà đã thấy rằng thiền định chỉ là một lý tưởng sống chật hẹp, mơ hồ, khiến bà tìm đến một hướng sống khác cụ thể hơn. Trong câu trả lời cho tôi, bà Vimala một mực khẳng định rằng: Ðối với bà, trước sau chỉ có một nếp sống mà thôi. 

Bà nói:
-- Tôi luôn yêu thương cuộc đời và nếu cần cũng có thể nói tôi là một tình nhân của đời sống. Tôi không thể tách mình ra khỏi bất cứ hoạt động lợi sinh nào. Tôi muốn mình luôn đáp ứng những gì cuộc đời cần đến: Ai đói thì tôi cho họ ăn, còn ai khao khát chân lý thì tôi sẽ giúp họ khám phá ra nó. Như vậy lý tưởng sống của tôi trước sau vẫn chỉ là một phải không, thưa ông?


Sufis cũng đã nói rằng: "Hãy tán tụng đấng Allah rồi mới bắt đầu làm việc". Cuộc tu của chúng ta gồm có hai phần: Những công phu mang tính hình thức hoặc những công phu mang tính tự lợi và bên cạnh đó phải là những phụng sự cho tha nhân dù ở bất cứ hình thức nào. Hãy có một nếp sống Thiền Ðịnh, một cảm nghiệm tâm linh chính chắn nhưng đồng thời ta cũng phải tự biết tranh thủ thể hiện lý tưởng sống đó qua những hoạt động điển hình. Một nhận thức đúng đắn luôn có tác dụng làm quân bình trí tuệ về quy luật với khả năng yêu thương tất cả Hiện Tượng Sống. 

Trí tuệ về Vô Ngã là khả năng đánh giá bản chất của đời sống như những bọt nước trên một dòng chảy, sự tồn tại tương đối và đắp đổi của ánh sáng với bóng tối, một giấc mơ hão huyền không thực. Trí tuệ đó dạy ta thấy được tia sáng bé nhỏ của một vì sao trong một không gian bao la vời vợi với vô vàn thiên thể và ngân hà, nó dạy cho ta hiểu rằng kiếp người chỉ là một phút giây ngắn ngủi so với tuổi thọ của địa cầu. Với nhãn quan này, chúng ta có thể vất đi những gánh nặng tâm lý của bản thân, mà nó theo Don Juan thì đó là một khám phá kỳ thú giúp ta tự có được một bản lãnh dấn thân vào cuộc đời với tất cả sự nhẹ nhàng và thanh thản nhất.