Một vị Thiền sư kia lúc
đang hấp hối, đã nhắc nhở học trò của mình:
- Ðừng để cái cổ của mình,
phải gánh lấy cái đầu ngộ nhận và trong từng giây phút nên lưu tâm đến mỗi bước
chân một cách cẩn thận!
Câu nói của Thiền sư đó đã
nói hết những gì cần nói, cần nghe và cần thực hiện. Chúng ta có thể xem cuộc
tu của mình là một quá trình làm thăng hoa các cảm xúc. Nội dung trọng điểm của
các học giới có thể được gọi là thái độ cảm xúc của mình với môi trường sống
chung quanh: Tôn trọng và yêu thương tất cả mọi loài. Thiền Ðịnh cũng là một
nếp sống cảm xúc: Chú hướng và điều chỉnh nội tâm để lắng nghe cái mà Kabir vẫn
gọi là "âm vang từ những kiềng chân trong từng nhịp đi của các côn
trùng". Còn trí tuệ, nếu cần cũng là những cảm xúc về từng vận động và sự
vô thường liên tục của chính mỗi kinh nghiệm tự bản thân.
Tình thương và trí
tuệ chỉ đến từ sự u mặc cùng với một khả năng mẫn cảm của tinh tế của nội tâm
bởi vạn sự, vạn vật trên đời đều có thể dạy cho ta học lắm điều hay nếu ta tự
có được khả năng cảm nhận từng thứ. Trong mỗi phút giây đi qua, vạn pháp luôn
sinh diễn nối đuôi nhau dưới sự điều hành của các quy luật vận động. Mỗi khoảnh
khắc là một bài học cho ta về định lý vô thường, vô ngã của vạn pháp. Chỉ cần
biết ngồi lại lắng nghe, ta có thể học hỏi được lắm điều từ những ba động nhỏ
nhiệm, tinh tế của thân tâm trong hình thức các dòng tư tưởng và cảm xúc. Từng
vận động, đổi thay của nội tâm là từng lời mặc khải cho thiền định.
Ta sẽ tìm thấy khuôn mặt
thật của đời sống thông qua những công phu khám phá từng khía cạnh của nó trong
từng ngày. Trí tuệ nội quán có thể được thăng hoa trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Mọi tình huống tốt xấu đều khả dĩ góp phần làm sâu sắc trí tuệ cũng như những
cảm nhận tuyệt vời của ta về thực tại.
Một điều hết sức tự nhiên
là trên hành trình phơi mở nội tâm, trước thế giới quanh mình, ta sẽ phải vượt
qua rất nhiều rào chắn chướng ngại. Chúng có thể là những hoài nghi, ác cảm,
ham muốn, lười biếng, hướng ngoại, phóng tán... hay nói gọn hơn thì chính là
những khát vọng và âu lo, toan tính luôn là những ma chướng nguy hiểm cho ý
hướng phơi trải trí tuệ nhưng ta cũng nên nhớ rằng chính các chướng ngại đó lại
đồng thời là phương tiện tối ưu để ta tìm thấy sự tự do.
Ở đây chúng ta có thể
lấy tâm trạng sợ hãi làm hình ảnh ví dụ. Thoạt đầu mới xuất hiện, nó lập tức
ngăn trở khả năng lý trí của ta. Ta bị đồng hóa với đối tượng bằng một sự quên
mình không cưỡng nổi. Mà trong đời sống, chúng ta thường có lắm cái để sợ: cái
ám ảnh đến từ ngay bên trong nội tâm hay đến từ ngoài cảnh, một tình huống bất
trắc nào đó chẳng hạn. Và chúng ta có một thói quen là cố gắng làm ngơ để lãng
quên nó đi.
Nhưng càng cố quên thì cũng có nghĩa là ta vẫn cứ nhớ tới nó và cảm
nghiệm của chúng ta đối với thực tại lúc này càng tệ hại thêm, thiển cận và
nông nổi, bối rối. Nhưng bên cạnh đó, chính lòng sợ hãi lại là dấu hiệu của một
tâm thái trưởng thành. Nó đưa ta tới một không gian khác mới mẻ hơn, bằng cách
nằm giữa để làm cái trạm trung chuyển cho những gì ta đã biết với cái chưa được
biết. Nó vén cho ta thấy được những thứ quan trọng hơn so với những gì mà ta
vẫn thường cảm nghiệm. Trong cuộc sống này, lẽ tương đối luôn là một quy luật
lạ lùng như vậy đấy: cái khó và cái thiêng không thể tách rời nhau.
Ðể khám phá được chân lý
thì vấn đề là luôn đòi hỏi ở chúng ta cái can đảm lột trần, phơi mở tất cả khía
cạnh sai biệt của đời sống. Lòng sợ hãi chính là một cơ hội để ta thực hiện
điều đó. Khi bắt đầu một công phu nào đó, ta cứ thường e sợ mắc phải lỗi lầm
nhưng rồi thì sau cùng thì ta sẽ hiểu được rằng tất cả những gì là vĩ đại, là
thành công đều bắt đầu từ lầm lỗi. Ðây là vấn đề tối trọng mà ta phải ghi nhớ
như một bài học xương máu. Chính một thiền sư lừng danh cũng đã từng tuyên bố:
"Ðời sống là những chuỗi dài của những lỗi lầm".
Chẳng thua gì lòng sợ
hãi, những cố chấp và thành kiến cũng là chướng ngại cho công phu phơi mở nội
tâm. Một chi phái Thiền tông khác đã đặc biệt đề nghị người tu thiền phải biết
thơ ngây, một tâm trạng tâm lý thật hồn nhiên như tinh thần anh nhi trong Ðạo
Ðức Kinh của Lão tử. Chính thái độ vô tư này mới là một liệu pháp hiệu quả và
cần thiết để ta vượt thoát được ngục tù sở tri chướng, một căn bệnh trầm kha
nguy hiểm.