nó giúp ta nối kết mối tương giao với mọi
người qua sự phát hiện ở họ những giá trị đức tính. Một hôm, tôn giả Ananda đã
thưa với Ðức Phật:
- Bạch Thế Tôn, theo
con, một nửa đời sống phạm hạnh được thiết lập trên tình pháp hữu.
Và Ðức Phật đã trả lời:
- Không phải chỉ là một
nữa đâu, Ananda, ta nói rằng toàn bộ đời sống phạm hạnh được thiết lập trên đạo
tình pháp hữu với nhau thông qua sự khéo tu tập và một đạo lộ toàn thiện.
Thái độ sống hội nhập và
san sẻ với tha nhân là một vấn đề vô cùng quan trọng. Làm sao chúng ta có thể
chối bỏ tất cả tương giao trong đời sống, nhất là trong thế giới hôm nay, một
thế giới luôn vang động những thông điệp kêu gọi về vô vàn vấn đề mà ta không
thể làm ngơ? Một trong những quyền thiêng liêng của tất cả Tăng ni Phật giáo là
được sống với tư cách một thành viên của giáo hội. Trong khi đó, dù cũng là
những Phật giáo đồ nhưng hàng cư sĩ tại gia không có được cái tạm gọi là ân
sủng đặc biệt này. Chính nhờ ý thức rằng mình đang góp mặt trong một cộng đồng,
dù chỉ với những quan hệ mang ý nghĩa tinh thần, đạo tâm và đạo lực của chúng
ta sẽ được cũng cố. Ý thức đó sẽ được trợ lực cho chúng ta rất nhiều, nhất là
những khi trong cuộc tu có vấn đề. Tóm lại hình ảnh của cộng đồng sẽ luôn tiếp
sức cho chúng ta trong từng bước tu hành.
Từ những vấn đề trên, ta
có thể nghĩ tới một hình thức tu tập mang tính biện pháp cho những lúc cần
thiết, đó chính là tọa thiền tập thể. Nếu không tìm thấy một thiền đường nào,
thì ta vẫn có thể ngồi thiền một mình trong một tập thể Phật giáo đồ trong giờ
phút thích hợp, kể cả trường hợp đó không là những thiền sinh. Càng gần gũi
nhiều với những tâm hồn hướng nội, có chiều sâu tâm linh thì hành giả càng được
tiếp sức một cách hiệu quả.
Và cũng với tinh thần
đó, mỗi năm ta nên dành thời gian tham dự các thiền khóa để có cơ hội được sống
yên lặng và nâng cao công phu thiền định. Phải nói rằng các thiền khóa luôn có
ý nghĩa quan trọng đối với hành giả. Qua đó, ta sẽ có điều kiện sống tiếp cận,
hòa mình với thiên nhiên hơn. Bất luận ở thiền viện hay nhà riêng, nếp sống im
lặng ở thiên nhiên, núi rừng hay đại dương, sẽ nuôi dưỡng khả năng thiền định
của hành giả ngày một tăng tiến hơn. Cho nên không phải do tình cờ mà hôm nay
đột nhiên có rất nhiều trung tâm thiền định ồ ạt mọc lên khắp nơi trên thế
giới.
Ðó là những trú xứ cho ta đi tìm sự yên lặng mà nếp sống yên lặng có giá
trị như thế nào đối với thiền định thì tất cả chúng ta đã rõ. Trong khi có
nhiều người vẫn còn đang cật lực mày mò những hang hốc của ý thức, mỏi mắt
ngóng đợi từng bước tiến của trình độ thiền định thì ta hãy hiểu rằng chỉ cần
sự yên lặng lắng nghe là đã quá đủ. Chính nó là toàn bộ đời sống thiền định của
chúng ta. Chắc chắn sẽ có lúc chúng ta sẽ nhận ra cái mình cần nhất đời chỉ là
một không gian thật tĩnh lặng để thiền định, để thoát khỏi cái vòng quay lẩn
quẩn của những bận rộn gia đình, những quan hệ vớ vẫn với xã hội, cộng đồng,
tập thể chung quanh.
Tức là trong đời sống hướng nội, chúng ta mỗi lúc chỉ sống
hết mình với một vấn đề, một cảnh giới. Nói vậy cũng gần như là chúng ta luôn
phải có một sự khu biệt nếu không muốn nói là chọn lựa thật kỹ lưỡng con đường
mình phải đi, thậm chí đó là sự chọn lựa tối thiểu giữa các oai nghi (tư thế)
thiền định rồi đằng sau đó là những cẩn trọng cần thiết trong mọi sinh hoạt và
quan hệ thường nhật. Mà để làm được điều này ta thường chỉ nhận được sự tiếp
sức từ các thiền khóa, thời gian lý tưởng để sống thinh lặng. Từ đó chúng ta
mới có thể cầm lấy chánh niệm bước vào tất cả những ngõ ngách của đời sống một
cách an toàn và ý nghĩa hơn.
Ngoài ra, nếp sống đó
còn giúp ta từng bước khám phá đời mình và thấy được những gì cần được lưu tâm,
ý thức. Những cái đó bao gồm tất cả công việc, vận động sinh lý, quan hệ đối
giao và cả khả năng vị tha, hào sảng của bản thân. Hãy nhớ lại điều chúng ta đã
biết, là tất cả nghịch cảnh khách quan hay nội tại đều luôn có thể mang ý nghĩa
nuôi lớn đời sống tâm linh của mỗi người.
Có điều là ta phải luôn biết đón
nhận, xử lý và vận dụng chúng bằng tất cả sức mạnh của chánh niệm một cách đúng
mức, hợp lý y cứ trên tầm vóc thực tế của chính mình. Tự nhiên, mọi hoạt động
lớn nhỏ của ta từ lúc này sẽ được điều hành và thăng bằng với sự trợ lực của
các giá trị nội tâm như điềm tĩnh, trong sáng, tập trung và thoải mái. Tuy
nhiên ta cũng phải biết rằng nếp sống hướng nội như trên vừa trình bày không hề
không có nghĩa là cắt đứt một cách vô lối tất cả sinh phong dung dị của một
người bình thường. Cho đến cả những hành giả thâm niên có nhiều sở đạt cũng
phải cần tới một trí nhớ tối thiểu về những dữ kiện mang ý nghĩa nối kết với
đời thường mà mình đã đánh mất một cách tai hại. Chính điều này giúp ta hạn chế
những cách ngăn, giữa đời sống nội tâm với đời sống thực tế. Cứ mỗi hoạt động
đều có thể dạy ta học được những quy luật của vạn hữu.
Chẳng hạn ta có thể học
hỏi về từng ước vọng của bản thân, những kinh nghiệm nếm trải đời sống qua
chính gia đình hoặc bằng cách theo dõi hơi thở và các cảm giác sinh lý. Sự tự
do không giới tuyến và một tình thương vô bờ mà Ðức Phật đã có được thật ra
không phải là điều bất khả đối với chúng ta. Ðôi ba năm sống thiền hết mình
trong những trú xứ thích hợp, chúng ta sẽ ít nhiều cảm nhận được hai giá trị
đó. Ðiều phải nhớ là trong mọi lúc, đối với chúng ta chỉ có một vấn đề thôi đó
là "tại đây và bây giờ". Chánh niệm sẽ luôn dẫn ta đến không gian và
thời gian đó thôi, những gì luôn vô thường, biến đổi một cách tất định.
Một khía cạnh khác có ý
nghĩa giúp ta phơi mở tâm hồn một cách trọn vẹn đó là sự hàm dưỡng một trái tim
hào phóng, độ lượng. Hãy nghĩ nhiều về tha nhân, từ gần tới xa và bắt đầu học
cách ban phát những gì mình có. Khi lòng hào sảng đã thành ra một phản ứng tâm
lý tự nhiên thì coi như hành giả đã sở hữu được nó rồi. Chúng ta có thể tự tìm
lấy những cơ hội giúp đỡ người khác bằng tất cả khả năng một cách hợp lý, có
thể là của cải hoặc công sức. Hãy luôn đặc biệt chú ý nội tâm chính mình khi nó
bắt đầu có những dấu hiệu chùn bước hay e ngại trong mối quan hệ mang tính hy
sinh này để ta kịp thời tu chỉnh một cách thích ứng. Dần rồi theo thời gian,
hành giả sẽ có được niềm vui tế nhị trong thái độ sống hào sảng của mình, và
chính điều này sẽ khơi mở, tác động tích cực đến cuộc tu của chúng ta qua rất
nhiều khía cạnh đạo lực khác.